“Pelléas và Mélisande” – bốn chứng thư âm nhạc cho Maeterlinck
Vở kịch đề tài tình yêu Pelléas và Mélisande của tác giả Bỉ viết tiếng Pháp Maurice Maeterlinck (giải Nobel Văn chương năm 1911) đã tạo cảm hứng cho không ít hơn bốn kiệt tác âm nhạc cổ điển : một opera Ấn tượng chủ nghĩa của Claude Debussy; một thơ giao hưởng của Arnold Schoenberg; một tổ khúc của Gabriel Fauré rút từ nhạc nền cho vở kịch và nhạc nền cho vở kịch này do Jean Sibelius viết. Mỗi tác phẩm kể trên lại có cách diễn dịch khác nhau đối với vở kịch tượng trưng chủ nghĩa của Maeterlinck. Tại sao các nhà soạn nhạc lại bị thu hút bởi “bi kịch ngoại tình” này?
“Đó là vào khoảng năm 1900 khi Maurice Maeterlinck hấp dẫn các nhà soạn nhạc, thúc đẩy họ sáng tác nhạc cho những vở kịch thơ của mình”, Arnold Schoenberg đã viết như thế vào năm 1950 khi hồi tưởng lại nguồn gốc của bản thơ giao hưởng Pelléas và Mélisande của ông, được hoàn thành vào năm 1903. Cơ sở của Schoenberg là vở kịch cùng tên của Maeterlinck, một tác phẩm chiếm vị trí đặc biệt trong lịch sử âm nhạc. Tác động của nó lớn đến nỗi theo gót buổi công diễn lần đầu của vở kịch vào năm 1893, các nhà soạn nhạc bắt đầu đua nhau mỗi người đưa ra một kiểu phổ nhạc nào đấy. Phiên bản của Schoenberg, ra mắt công chúng ở Luân Đôn và Manchester vào cuối tháng đó, là một trong bốn bản phóng tác hiện vẫn còn là một tác phẩm được trình diễn đều đặn trong vốn tiết mục. Vở opera của Debussy cũng được chú ý mỗi khi đề cập đến Pelléas và Mélisande, mặc dù Fauré và Sibelius cũng sáng tác những phiên bản quan trọng ở hình thức tổ khúc hòa nhạc rút ra từ phần nhạc nền cho vở kịch.
Maurice Maeterlinck (1862-1949) là một trong số những nhân vật chính yếu của trào lưu tượng trưng. Ông đã bỏ qua thủ pháp cài bẫy của kịch tự nhiên chủ nghĩa, cả bằng cách đặt những vai chính trong bối cảnh gần như thời trung cổ hay truyền thuyết, cả bằng cách tập trung vào cái được tin là tính chất mơ hồ bản năng của tình cảm con người. Cho dù ông luôn trình diện khán giả của mình bằng một thể văn kể chuyện khá trong sáng, một cách nghịch lý, ông cũng không bao giờ giải thích rõ ràng hoàn toàn tính chất chính xác của những mối quan hệ giữa các nhân vật : Pelléas và Mélisande về cơ bản là một bi kịch ngoại tình giữ chúng ta trong bóng tối một cách tò mò về những chi tiết của sự rối rắm nhục cảm trung tâm.
Cảm hứng của vở kịch phần nào xuất phát từ tự truyện. Sinh ra ở Shent, Maeterlinck đã trải qua nhiều năm trong tổ ấm gia đình gần Oostacke, xung quanh là phong cảnh lộng gió với các kênh đào và sương mù. Khi là một người trưởng thành trẻ tuổi, ông đã có chung tình nhân với chính cha mình. Và ý tưởng về mối quan hệ tay ba giữa một người đàn bà và hai người đàn ông ở tầm tuổi khác nhau có quan hệ ruột thịt cuối cùng đã tìm thấy đường vào vở kịch. Địa danh Oostacke đã được chuyển thành vương quốc ẩm ướt tưởng tượng Allemonde, nơi Pelléas hình thành mối quan hệ tình cảm bi thảm với Mélisande, người vợ còn trẻ con của ông anh cùng mẹ khác cha ghen tuông của mình.
Tuy nhiên không có gì trong vở kịch hoàn toàn là thứ dường như thế. Chúng ta không biết đích xác liệu những lời bày tỏ nghe ngây thơ của Mélisande thể hiện sự ngây thơ hay sự thạo đời hấp dẫn. Những nhà bình luận – những người khẳng định rằng mối quan hệ của cô với Pelléas không có tính nhục cảm – không biết một sự thật rằng tiếng kêu lớn “Ôi, tất cả các ngôi sao đang rơi” của Pelléas trong cảnh yêu đương giữa họ là một kiểu mỹ từ trong những năm 1890 ám chỉ sự xuất tinh. Ở cuối vở kịch, Mélisande chết sau khi sinh một bé gái. Phần lớn chúng ta đều cho rằng đó là con của Golaud nhưng Maeterlinck chưa bao giờ nói cho chúng ta biết Golaud hay Pélleas là cha đứa trẻ. Khả năng diễn dịch của vở kịch do đó rất lớn và không có gì ngạc nhiên khi biết rằng cả bốn phiên bản âm nhạc đều khác nhau đáng kể.
Vở opera của Debussy, hoàn thành năm 1895, là một cột mốc trong lịch sử âm nhạc và phần lớn tính trọng đại của nó xuất phát từ sự căng thẳng giữa lòng trắc ẩn của ông với các nhân vật của Maeterlinck và khả năng giữ gìn điều bí mật cốt yếu của họ. Giống như vở kịch, vở opera tạo ra nhiều cách hiểu, từ những tiếng thì thầm mờ ảo trong bản thu âm nổi tiếng năm 1941 của Roger Desormière tới những căng thẳng trực diện của Pierre Boulez hay cách tiếp cận hậu lãng mạn cao ngạo của Herbert von Karajan. Một trong những cảnh nổi tiếng mô tả Pelléas buộc Mélisande vào một cái cây bằng tóc của cô. Trò chơi trẻ con, nghi lễ bạo dâm hay cái gì đó trung gian ? Âm nhạc gây choáng váng có thể truyền đạt cả ba điều này cùng lúc : ý nghĩa của cảnh rút cuộc là sự sáng tạo của những người trình diễn nó.
Cả phiên bản của Fauré lẫn của Schoenberg đều không chứa đựng sự đa dạng cách hiểu như thế, dù cả hai đều chịu ảnh hưởng chéo từ vở opera của Debussy. Fauré đã viết nhạc nền cho vở kịch của Maeterlinck khi nó lần đầu ra mắt ở Luân Đôn năm 1898, theo một hợp đồng mà Debussy đã từ chối (phiên bản dàn dựng trong đó nữ diễn viên Patrick Campbell đóng vai Mélisande). Debussy, tác giả vở opera không được trình diễn lúc sinh thời, đã gạt bỏ âm nhạc của Fauré như là thứ “phù hợp cho các sòng bạc bãi biển”. Một số nhà phê bình sau đó cho rằng nó ít quan trọng, điều là điểm mấu chốt. Fauré, từng là một người đa dâm kín đáo, đặt điểm nhấn vào sự ham thích nhục dục. Mélisande như đứa trẻ bị bỏ rơi của Debussy cùng lúc vừa là nạn nhân vừa là chất xúc tác còn Fauré trình diện chúng ta một người đàn bà làm đỏm phơi phới, người đem đến sự sống, ánh sáng và niềm vui cho thế giới Allemonde mờ ảo trước khi thế giới đó rốt cuộc đã hủy hoại cô.
Schoenberg lại đưa chúng ta vào một địa hạt rất khác: Pelléas và Mélisande của ông là phiên bản xuất phát từ tâm lý thẳng thắn nhất trong cả bốn phiên bản và những nhân vật của ông có liên quan đến tiếng hắng giọng của Freud. Ban đầu ông đã lên kế hoạch cho tác phẩm như một vở opera rồi thay đổi ý định khi ông được nghe về phiên bản của Debussy. Tuy nhiên về sau ông khẳng định sự nuối tiếc về quyết định này và không thích thành quả âm nhạc của mình mặc dù nó là một tác phẩm chủ chốt trong sáng tạo. Cảnh yêu đương dường như bị bóp méo hơn tới những giới hạn của sắc điệu trong khi cái chết của Mélisande cuối cùng lại khiến những kết cấu phong phú tan rã thành những mảnh âm thanh nhạc cụ có tính chất cách ngôn. Nhà phê bình đầu tiên đã mô tả nó là một tác phẩm của người điên và nó hiện vẫn còn sức mạnh để vừa gợi cảm vừa khó chịu trong trình diễn.
Trong khi đó, Pelléas và Mélisande của Sibelius đứng trên một tiếp tuyến từ ba phiên bản khác. Ông không biết về vở kịch cho đến khi được yêu cầu viết nhạc nền cho một phiên bản dàn dựng tại Nhà hát Thụy Điển ở Helsinki năm 1905 và âm nhạc của ông chủ yếu nhằm vào việc nắm bắt những tình cảm của các nhân vật chính bằng cách phản ánh chúng theo phong cảnh vây quanh họ. Nỗi cô đơn của Mélisande được thể hiện bằng con đường hẹp thê lương gần biển. Trong Allemonde phương bắc lạnh giá của Sibelius, Mélisande thật sự là một người báo tin xuân. Sự nhấn mạnh vào phong cảnh cho phép Sibelius xử lý cảnh mở màn vở kịch trong đó Maeterlinck khắc họa một đám người hầu đang cố gắng gột vết bẩn nào đấy không được nói rõ một cách điển hình khỏi những bậc thang lâu đài – một cảnh bị cắt trong phiên bản của Debussy và Schoenberg trong khi âm nhạc của Fauré bắt đầu một cách độc đáo tại cảnh kết của vở kịch. Tuy nhiên Sibelius lại gây hiệu quả bằng sự phối hợp những hợp âm của dàn dây và bộ gỗ mô tả dinh thự mênh mông trong đó bi kịch tự nó diễn ra sau đó. Đài BBC đã sử dụng nó làm nhạc hiệu cho chương trình nổi tiếng về thiên văn học The Sky at Night (Bầu trời đêm) và nó trở nên quen thuộc với hàng triệu ngườ dù họ có thể chẳng liên hệ nó với Pelléas và Mélisande chút nào.
Maeterlinck được nhận giải thưởng Nobel Văn chương năm 1911. Một thời gian ngắn sau đó, danh tiếng của ông bắt đầu suy giảm. Những vở kịch của ông biến mất khỏi sân khấu trên diện rộng mặc dù ông vẫn sống nhờ Pelléas và Mélisande. Không vở kịch khác nào của ông lại gây cảm hứng cho những tác phẩm âm nhạc lớn trong lúc sinh thời tác giả và cả bốn phiên bản kể trên vẫn còn như những chứng thư cho Maeterlinck uy quyền từng nắm giữ mạch nguồn của những sáng tạo âm nhạc.
Ngọc Anh dịch theo The Guardian
Tóm tắt nội dung vở kịch Pelléas và Mélisande của Maeterlinck
Golaud tìm thấy Mélisande bên một con suối trong rừng. Cô đánh rơi một vương miện xuống nước nhưng không muốn lấy lại nó. Họ kết hôn và ngay sau đó Mélisande giành được ân sủng của Arkel, vị vua xứ Allemonde đang đau ốm. Mélisande đem lòng yêu Pelléas, người em cùng mẹ khác cha với Golaud. Họ gặp nhau bên nguồn nước nơi cô đánh mất chiếc nhẫn cưới. Golaud, ngày càng nghi ngờ cặp tình nhân, đã sai Yniold, con của mình với người vợ trước, theo dõi họ và phát hiện thấy họ âu yếm nhau. Golaud giết chết Pelléas và làm Mélisande bị thương. Mélisande chết sau khi sinh non một bé gái.
Ngọc Anh