Phần thứ 2: Chuyện văn học – văn hóa – và những thứ khác
Bài viết này của tôi có mục đích tổng kết những điều đáng buồn nổi cộm trong văn học, dịch thuật và những thứ liên quan tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Tôi viết bài với tư cách là một người đọc và quan tâm tới văn học; nhưng do theo dõi văn học Việt Nam từ nước ngoài nên nếu có những nhận xét chưa chính xác, tôi rất mong được góp ý
Trong bài viết “Còn nhiều người viết có tư cách”, nhà văn Nguyên Ngọc2 nói rằng cái mới, cái có giá trị là cái chẳng biết xếp vào đâu, vào ô nào cũng không vừa. Thực ra, theo tôi, cái mới (ở Việt Nam) không phải là không biết xếp loại vào đâu, vào ô nào cũng thấy không vừa; mà bởi vì văn học VN chưa có một cấu trúc các genre rõ rệt như các nền văn học lớn (tức là chia thành văn học chính thống – khoa học viễn tưởng – lãng mạn – kinh dị – tuổi mới lớn – giải trí; cũng giống như chia phim thành phim hành động – phim kinh dị – phim hài – phim hàn lâm; và nếu là phim kinh dị thì phim hay là phim làm người ta sợ, phim hài hay là phim làm người ta cười). Do đó mà có những sản phẩm sách người nước ngoài sẽ mạnh dạn xếp được ngay vào genre nào – để từ đó mà đánh giá – thì chúng ta lại đổ đống hết tất cả các sách có yếu tố hư cấu được xuất bản ra vào trong cái gọi là “văn học” và sau đó thì không biết dùng chuẩn nào để đánh giá những thứ hỗn độn ấy. Kết quả của sự lộn xộn là việc tranh luận ngược xuôi về tác phẩm mà vẫn không thống nhất được, vì dùng những chuẩn đánh giá khác nhau.
Ví dụ trường hợp mà nhà văn Nguyên Ngọc lấy làm dẫn chứng về tính mới và có giá trị: tập Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu. Ở nước ngoài, thì đa số truyện trong cuốn này chắc sẽ được xếp vào genre dành cho adult books hoặc entertainment books – là những sách thiên về kích thích; một số khác lẽ ra phải được biên tập kỹ hơn rất nhiều trước khi đem in. Sách loại này ở nước ngoài rất nhiều, thậm chí có cả một ngành công nghiệp khổng lồ hậu thuẫn cho nó. Những cuốn này viết lôi cuốn, kích thích, cũng có ẩn dụ về thân phận con người, về các định kiến xã hội hẳn hoi (kiểu như tình yêu người nghèo với người giàu, chuyện cô giáo với học sinh, chuyện mẹ chồng con dâu, chuyện thày tu – con chiên, chuyện xã hội, lịch sử; chuyện dằn vặt tâm lý của con người; chuyện đấu tranh giữa lý trí và tình cảm, giữa dục vọng và đạo đức; chuyện khao khát tự do, giải phóng, vv…) nhưng cái hiệu quả chính vẫn chỉ là kích thích và khơi gợi trí tưởng tượng. Cũng vậy, ở Mỹ, nhà nào có truyền hình cáp thì đều có những kênh dành cho “người lớn”; chuyên chiếu những phim công khai về tình dục, tường tận vào từng cảnh – và có cốt truyện hấp dẫn hẳn hoi; để giúp cho người dân có đời sống tình dục lành mạnh và hạnh phúc – như một việc hết sức bình thường. Những việc này lẽ ra “chẳng có gì mà ầm ỹ”. Vậy mà về đến Việt Nam thì thành ra cách tân, giải phóng phụ nữ, văn học tình dục/tính dục, trào lưu, chủ nghĩa; nhưng các khái niệm bị dùng lệch lạc trầm trọng.
2. Nhầm lẫn văn học chính thống và các thể loại hư cấu khác:
Cũng chính vì thiếu một cái nhìn tổng quan về cấu trúc nền văn học – văn hóa ở các nước, cho nên mới có chuyện là những sách thương mại của nước ngoài lại được dịch và quảng bá ở Việt Nam như là “kỳ quan văn học thế giới”. Vụ việc dịch Mật mã Da Vinci của Dan Brown là một ví dụ. Cuốn này, trong hệ thống các nhà sách ở Mỹ (như Border hay Barnes & Nobles), thường được xếp ở mục Science Fiction – tức là sách khoa học viễn tưởng, chứ không phải ở mục Literature – là mục văn chương chính thống. Cũng ở các nước có nền văn học phát triển, thường khi một người bắt đầu bước vào nghề viết, họ sẽ xác định rõ là họ sẽ viết cho genre nào – ví dụ, lãng mạn (romance) hay là khoa học viễn tưởng (science fiction), thần bí ma quỷ (mystery), kinh dị (thrillers), thiếu nhi (children) hay là văn chương chính thống (literature). Xác định là viết cho genre nào thì sẽ có những công cụ và quy tắc riêng để viết; việc phê bình cũng tuân theo cách đó. Lấy ví dụ như cuốn Mật mã Da Vinci – tuy nó là một trong những “hiện tượng” về xuất bản; nhưng theo nghĩa về số đầu sách bán và sự hấp dẫn, nghẹt thở của tình tiết, mạch truyện; chứ không ai đánh giá nó về văn phong văn học hay các ý nghĩa tư tưởng khác.
Và cũng vì sự thiếu hiểu biết tổng quát trên mà công tác dịch sách văn học hiện nay ở Việt Nam thường chạy theo những tác giả có giải thưởng hoặc bán chạy theo các bình bầu vốn thiên về tính thương mại hoặc chính trị nhất thời hơn là giá trị nội sinh của tác phẩm. Lấy ví dụ như gần đây rộ lên việc dịch các cuốn sách của các tác giả trẻ Trung Quốc như Vệ Tuệ, Cửu Đan, Xuân Thụ vân vân… và coi chúng như là tiêu biểu của một làn sóng văn học phản kháng ở Trung Quốc (phỏng vấn các nhà văn, thơ trẻ Việt Nam hầu như luôn luôn đi kèm việc đề cập đến những nhà văn Trung Quốc kia). Nhìn nhận này khá lệch lạc. Cái làm cho các tác phẩm này nổi tiếng đa phần là qua sự quảng bá ở phương Tây, trong một tâm thế định kiến rõ rệt về Trung Quốc (ở Mỹ mới biết, do sự tuyên truyền, đa phần người Mỹ coi những quốc gia cộng sản là những mảnh đất không có nhân quyền và kì quặc, vân vân và vân vân; nếu muốn biết thêm, có thể đọc, ví dụ, về chủ nghĩa McCarthy của Mỹ). Quy kết rằng đây là tiếng nói đại diện của thanh thiếu niên mới ở Trung Quốc là sai. Thực tế là nếu đọc các đánh giá của người đọc Mỹ về sách của Vệ Tuệ (ví dụ như tại Amazon.com, Cục cưng Thượng Hải được khoảng 2 trên 5 sao sau bình bầu của 75 người) sẽ thấy họ coi đây là những cuốn sách hò hét chưa chín; mang đầy ảnh hưởng của Sex and the City của Mỹ. Nếu để dịch các tác phẩm về văn học phản kháng nói riêng và sách cho/về thanh thiếu niên, lẽ ra ở Việt Nam nên bắt đầu, ít nhất, từ những sách kinh điển thuộc vào genre dành cho tuổi mới lớn như The catcher in the rye (Bắt trẻ đồng xanh) của J.D. Salinger, On the road (Trên đường) của Jack Kerouac, A portrait of the artist as a young man (Chân dung một nghệ sỹ trẻ – dịch tạm) của James Joyce; các sách của Jane Austen; To kill a mocking bird (Giết chết con chim nhại tiếng – tạm dịch) của Harper Lee; Heidi của Jonathan Sypri; The lord of the rings (Chúa Nhẫn) của J.R.K. Tolkien, hay thậm chí sách của George Orwell, John Steinbeck, Jules Verne, Charles Dickens, Vladimir Nabokov, vv…
3. Thiếu một khung đánh giá chung về văn học:
Như tôi đã nói ở trên, do việc thiếu một cái nhìn tổng quan rõ ràng về văn học nên việc đánh giá, phê bình văn học cũng bị lộn xộn theo, mang nhiều màu sắc cảm tính và phụ thuộc vào tình hình trong nước. Những dư luận trái chiều xung quanh cuốn Bóng đè là một ví dụ điển hình. Cá nhân tôi thấy, trong điều kiện như hiện nay, một phép thử đơn giản nhất để biết một tác phẩm văn học Việt Nam có giá trị hay không là trả lời hai câu hỏi:
1. Chúng ta có dịch tác phẩm đó ra, ví dụ, tiếng Anh chẳng hạn, để giới thiệu với bạn bè thế giới, như là một bức tranh tiêu biểu cho cuộc sống và suy nghĩ của người Việt Nam?
2. Người nước ngoài, khi đọc tác phẩm đó, họ sẽ hiểu thêm rằng đấy, cuộc sống ở Việt Nam là thế, cuộc sống con người nói chung là thế, chứ không phải để họ bảo “Người Việt Nam nghĩ thế này thật à?” Nói cách khác, những vấn đề nó đề cập đến có “thật” cho con người, khiến họ có thể liên hệ được, bất chấp rào cản văn hóa không?
(Cũng giống như ngược lại, khi chọn dịch tác phẩm văn học nước ngoài, nên chọn tác phẩm nào đặc trưng về con người, chứ không phải để “tự sướng” rằng bọn nước đấy sao kỳ quặc thế).
Mà nói như thế, tức là không cần tác phẩm phải ca ngợi, tô hồng gì về cuộc sống. Ví dụ như Nỗi buồn chiến tranh chẳng hạn. Nó không cần phải nói gì về người Việt Nam anh hùng bất khuất, thủy chung nhân hậu. Nó trước hết nói về con người trong chiến tranh – con người nói chung, không biên giới, với những nỗi sợ hãi có thật, tình yêu có thật, bi kịch có thật trong dòng xoáy chiến tranh. Nó có thể tự tin đứng ngang với All quiet on the Western front (Phía Tây im tiếng súng) của Remarque hay For whom the bell toll (Chuông nguyện hồn ai) của Hemingway.
Dùng một chuẩn công bằng, ngang tầm thế giới và có tính phi-thời gian, phi – chính trị như trên, thì có thể dễ dàng biết ngay cái nào hay thật, cái nào hay giả. Nói như John Baville, người giành giải Booker năm nay với tác phẩm The Sea (Đại dương) thì những tác phẩm chỉ ăn bám vào một vài sự nổi cộm chính trị, xã hội nhất thời thường không đứng lâu.
4. Thiếu cập nhật tình hình văn học – văn hóa thế giới:
Cũng liên quan đến vấn đề trên, tôi nhận thấy hình như nhiều người làm việc trong lĩnh vực văn học trong nước – như biên tập viên văn học ở các NXB, phóng viên mảng văn học, nhà văn, nhà phê bình – ít theo dõi tình hình văn học thế giới qua những nguồn có uy tín. Trang Talawas.org và vài website văn chương hải ngoại dường như trở thành đầu mối giao lưu thường xuyên của rất nhiều tên tuổi trong làng văn chương – phê bình hiện tại; trong khi một cách khách quan, tôi thấy những địa chỉ trên có quan điểm tiếp cận các vấn đề khá phiến diện; ví dụ như họ cổ suý đăng rất nhiều bài phê phán trong nước trong khi tảng lờ những thành tựu văn học khác.
Đứng riêng về văn học thôi, có vẻ thị trường Việt Nam rất xa lạ với những tờ báo hoặc tạp chí văn học chính thống trên thế giới. Chưa nói đến Châu Âu, chỉ riêng ở Mỹ, ngoài một hệ thống lớn các báo và tạp chí chuyên ngành về văn học – lý luận phê bình do các trường đại học xuất bản thì trên thị trường đại chúng cũng có rất nhiều đầu báo, tạp chí tốt về văn học-xuất bản như The New Yorker, Writer’s Digest, the Writer, Harpers, Atlantic, Pacific Review, Tin House, Iowa Review, Poets and Writers, Paris Review, Glimmer Train, vv… Suy cho cùng, thực ra nhà văn không cần thiết phải theo dõi sát tình hình văn học thế giới; nhưng những người làm về văn hoá, phê bình cũng nên biết đại thể để khỏi sa vào những bàn cãi, vừa loay hoay với những giá trị cũ, vừa lặp, vừa manh mún… và không lối thoát, (mỗi năm, đặt một tờ Writer’s Digest mất khoảng 20 đô-la, tức là chừng 300 ngàn).
5. Văn học hiện thực bị lạm dụng:
Hiện tượng người người viết văn hiện thực, nhà nhà viết văn hiện thực này thực ra có nguyên nhân lịch sử của nó. Đấy là tâm lý bung ra sau một thời gian dài phải viết văn mang tính tuyên truyền và “tô hồng”. Nó cũng là hệ quả trực tiếp của sự bức xúc của các nhà văn – vốn là những người bẩm sinh nhạy cảm hơn người thường – đối với những biến đổi xã hội trong vài thập kỷ qua, trong đó cái xấu có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, đồng tiền ngày càng lên ngôi và các giá trị thay đổi nhanh chóng. Vấn đề là không ít nhà văn hiểu sai về văn học hiện thực. Vì thế mà các tác phẩm của họ không gì hơn ngoài những bài chửi ngoa ngoắt, trong đó nhân vật được bóp méo theo ý đồ có sẵn, tình tiết được vẽ ra sao cho phô bày cái hủ lậu, suy đồi… của người Việt Nam.
Lí luận về việc thế nào là văn học hiện thực không phải là điều tôi muốn đề cập ở bài viết này. Tôi chỉ xin nhấn mạnh một điều: văn học hiện thực khác với phim tài liệu, bảng thống kê đói nghèo, báo cáo phát triển con người, dữ liệu lịch sử nạn đói năm 45, và càng khác với “một bài chửi ngoa ngoắt nhiều ẩn dụ”. Nếu đọc hồi ký, ghi chép và các sách về viết văn của các nhà văn hiện thực lớn trên thế giới, bạn sẽ thấy họ đều đồng ý rằng mỗi con người cảm nhận cái hay cái đẹp khác nhau trong văn học, nhưng tất cả đều hướng về một thứ: tình yêu với con người và cuộc sống, những đam mê và nỗi sợ hãi, sự suy đồi và đấu tranh, vv… Nhìn vào các tác phẩm lớn trên thế giới như Trăm năm cô đơn của Marquez hay Chùm nho nổi giận của Steinbeck hay Hội chợ phù hoa của Thackerey hay tác phẩm của Dostoevski hay Balzac, không bao giờ chúng chỉ là những câu chuyện hiện thực theo kiểu phơi bày và chửi rủa. Chúng luôn là những câu chuyện chứa đầy cảm thông về những nỗi khổ của con người trước các hệ thống xã hội và tác giả không bao giờ là người đứng ngoài hay đứng trên.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng bức xúc về xã hội là điều dễ hiểu; xong ngoài văn học hiện thực còn có các thể loại văn chương khác như văn chương lãng mạn, văn chương triết học, trường phái tự nhiên, vân vân… – đều có khả năng truyền đạt ý người viết. Và nói một cách thẳng thắn thì không phải ai cũng viết được văn hiện thực.
6. Làm lẫn việc của nhau
Ai đó đã nói có lẽ không có ở đâu mà một người ở Việt Nam lại có thể kiêm nhiều “nhà” đến thế”: nhà văn, dịch giả, nhà phê bình, nhà báo, nhà hoạt động xã hội, nhà cải cách giáo dục, nhà sử học, nhà triết học, vân vân… Cũng vì làm ôm đồm việc và lại thiếu tính chuyên nghiệp trong làm việc nên kết quả là công chúng phải chứng kiến những màn tranh luận, thuyết giảng và trình bày ý kiến, cãi vã chẳng đi đến đâu về văn học, về lịch sử, giáo dục, vân vân. Những rầm rĩ xung quanh Bóng đè vừa rồi là một ví dụ.
Các nhà phê bình và nhà văn tốn nhiều giấy mực chứng minh giá trị của Bóng đè qua việc bày ra cái gọi là “tội tổ tông” và “mặc cảm nhược tiểu của dân tộc”. Chưa nói đến các dữ liệu lịch sử, rất nhiều ý kiến được trình bày chỉ là quan điểm cảm tính của những nhà văn-kiêm nhà phê bình-kiêm… Những cái nhãn hiệu “tội tổ tông” “mặc cảm nhược tiểu” đó đã được dùng sai cho những cái khác: sự nghèo nàn, sự thất học, sự thiếu nhận thức. Và việc những người lớn đã khuếch đại những nhận thức cảm tính và tâm lý của (thế hệ) họ thành ra đặc điểm dân tộc để thoả mãn bức xúc của chính mình là không công bằng cho người trẻ.
Còn nhiều vấn đề nhỏ nữa có thể chỉ ra nhưng tôi xin kết thúc bài viết này ở đây. Tôi thực lòng mong mỏi văn học Việt Nam ngày càng có nhiều sản phẩm tốt cho người đọc.
Nguồn tin: Tia Sáng