Phật Ðản Huế – Một dòng thơ an lạc
Tháng năm* nắng đã chín muồi trên các cành phượng vĩ! Khi chùm hoa phượng đỏ tươi đầu tiên xuất hiện trên đỉnh cao những cây phượng trên lối đi về học trò thì trái tim nào ủ dột nhất của Huế qua mấy mùa mưa buồn rũ cũng phải mỉm cười hớn hở.
Trong khi hoa phượng tưng bừng trên khắp các nẻo đường, hoa sứ tĩnh lặng nơi các sân chùa, sân đình, cung, miếu, lăng tẩm cũng thôi không còn lưu luyến giấc mộng liêu trai hoang đường, lặng lẽ quay về với màu trắng đơn sơ của cánh hoa và hưong thơm sâu kín bí ẩn của lòng hoa để thâm nhập những giờ phút quán tưởng về tiền kiếp của Ðức Phật, chuẩn bị giờ phút đản sanh.
Rồi như có lời gió nhắn, hoa sen trong các ao hồ Tịnh Tâm, Ðại Nội, Minh Mạng, Tự Ðức Gia Long, Từ Hiếu và ở nơi mô xa xôi của thành Huế cũng xôn xao trỗi dậy. Mới chiều hôm qua đang còn là những bàn tay búp măng thuôn nhỏ đứng trên những tiền sen xanh lục bạc, thế mà đến sáng sớm hôm sau, khi trở lại, mặt hồ đã được phủ trang trọng bằng những đóa sen đẹp nhất thế gian, những đoá sen thánh thiện như vừa mới bừng nở dưới nghìn vạn gót chân của các vị Như Lai ở vùng trời Ðâu Suất lướt “đến như vậy“ để chào mừng một vị Phật thế gian sẽ ra đời.
Khi hương sen tẩm quyện sương mù buổi sáng làm nồng ánh mặt trời và gửi gió mang theo đến từng mây cao hơi ấm thơm tho của trái đất, ấy là lúc trăng non của tháng tư âm lịch bắt đầu lơ lửng trên triền núi Kim Phụng đang cùng với sông Hương chia nhau những khoảng màu đậm nhạt của tím chiều.
Trăng thượng tuần tháng tư háo hức từng ngày tròn lại niềm vui như những em oanh vũ sơn ca náo nức chờ ngày Phật Ðản.
Kết đèn lồng giấy bóng |
Nhộn nhịp những giờ thủ công miệt mài tỉ mỉ trong các chùa, các đình, các xóm gia đình Phật tử. Trên các nẻo đường thấp thoáng áo lam mũi chóp quần xanh của anh Huynh Trưởng đạp xe đi mua tre về chuốc, mua giấy hoa tiên màu cho các em tập làm lồng đèn đón mừng Phật đản. Trong sân chùa nghe ròn rã tiếng cười của những em thiếu nữ cùng với các sư cô ngồi kết hoa sứ thành những vòng hoa ngào ngạt hương thơm. Trong nhà trong sân trong phường trong xóm rộn tiếng vui những giờ thủ công kết hoa, cắt giấy, làm khung lồng đèn, dựng tượng Phật đản sanh đứng trên đài sen, làm đèn ngôi sao cho đêm Phật Ðản, hư cấu xe hoa rước Phật v.v… Ðâu đây vẳng tiếng đồng ca chào mừng Phật Ðản chuẩn bị những đêm văn nghệ ngoài trời kể sự tích Phật ra đời trong các thôn quê cho đến thành thị.
Huế bừng vui trong không khí lễ hội Phật Ðản. Không gian vang lừng hương hoa của cả đất trời tháng năm, chan hoà niềm vui bộc phát từ mỗi trái tim người xứ Huế! Tất cả đều sống trong nỗi đợi chờ hoan hỉ: NGÀY PHẬT ÐẢN.
Phật Ðản! Ðó là ngày mà mọi con đường ở Huế đều dẫn ta đến một ngôi chùa dù cho ở nơi thâm sơn cùng cốc. Nắng tháng năm đốt lửa trên những nẻo đường đất, bụi tung mờ bóng người áo lam lũ lượt đến chùa lễ Phật. Hương hoa trong các vườn làng và mùi trầm hương dìu dắt người đi, không bao giờ lạc hướng, rộn ràng chân bước, miệng cười, tấm lòng rộng mở.
Ðó là ngày người trẻ cũng như già cùng nhau chung bước hành hương viếng cảnh chùa xa cho đến tối. Ðến đâu xa xôi hay gần gũi cũng vẫn là không khí đạo vị hỉ xã, cứ đi và đến là quen nhau, là thân nhau, là ngồi với nhau hớp một ngụm chè xanh ướp gừng, chia nhau một nắm xôi, một chiếc bánh, một trái cây trong vườn làng nhà đạo hưũ, rồi lại lên đường. Mời gọi là bóng cây trong vườn chùa, an lành hoan hỉ là tiếng kinh hoà với tiếng ve!
Phật Ðản! Ðó là đêm của ánh sáng và sức sống vừa được giải thoát vô minh! Đó đã là đêm hiếm hoi để Huế long đong suốt cả năm trường được những giờ ánh sáng đầy diễm lệ.
Đèn hoa đăng |
Ðêm của tục lệ phóng sanh phóng đăng, đêm cho sự sống và ánh sáng trở về với thiên nhiên và vũ trụ.
Hoa đăng treo khắp các nhà Phật tử điểm sáng mỗi con đường, mỗi nẻo xóm thường đêm tối tăm buồn bã. Lồng đèn ngôi sao, lồng đèn trái ú bằng giấy thủ công, sản phẩm của nghệ nhân Huế được trang trí nhã nhặn là những bài thơ nhỏ long lanh trước mỗi cửa nhà. Ánh sáng ấm áp không chói lói đèn màu tân tiến là niềm vui nhẹ nhàng hoan lạc êm đềm cho ngõ trúc quanh co. Bởi Huế đơn sơ trầm lặng, người dân Huế miệt mài tâm thức trong cảnh Huế u nhã thâm sâu nên không bao giờ nở ra tay phủ phàng bắt Huế phải trần truồng trong ánh sáng đèn màu giả tạo. Ai có đi trên những con đường hoa đăng đêm Phật Ðản của Huế mới biết người dân Huế dù là nông dân hay “nhà quê“ đều là những nghệ sĩ nắm vững nghệ thuật chơi ánh sáng trong đêm Phật Ðản cho không gian quen thuộc của chính mình: ánh sáng của đèn lồng bao giờ cũng khiêm tốn soi rõ ngõ sâu, nhưng vẫn còn dành một góc mờ cho tàn cây cổ thụ hay vườn cây để sự tương phản không chát chúa và có thể hoà nhịp với ánh trăng rằm. Người nghệ sĩ thôn quê pha màu ánh sáng đèn lồng trái ú gồm nhiều giấy màu khác nhau, đã biết nhận chìm sự chói lói để tâm thức bình yên trở về với cảm xúc nội tâm, đồng thời mở ngõ cho thị giác thể nghiệm được tia sáng của tâm hòa nhập với ánh sáng của đại ngã như ánh chớp của tia đom đóm trong bóng cây đang ướt đẫm màu trăng sữa mẹ. Từ đó một cảm giác hoà bình cho người đi thưởng ngoạn đêm hoa đăng Phật đản từ nhà đến ngõ xa, từ bến nước hồ ao đến dòng sông Hương, mảnh hồn vô ngã siêu hình của Huế.
Khi trăng đã lên quá đỉnh núi Kim Phụng thì sông Hương, như vừa tỉnh ngộ cơn mê dài, từ cõi rừng sâu vô minh đen thẳm chuyển mình theo với ánh trăng để trở nên thánh thiện, chở theo trong lòng những đóa hoa sen phóng đăng rực rỡ thành một giòng ánh sáng muôn màu long lanh huyền diệu không cùng. Hoa đăng trẩy hội trên dòng Hương giang! Xin đừng hiểu như một cuộc chơi tiêu khiển thả đèn trên sông, mua vui trong chốc lát hay bán rẻ ánh sáng của tâm hồn cho khách tìm chơi, hay đổi một chút lãng mạn lứa đôi trong giờ tình tự! Mỗi năm một lần – chỉ một lần thôi chứ không phung phí xa hoa, một vọng động vừa tác hại môi sinh và hư nát tâm hồn là điều mà Ðức Phật đã khuyên nên tránh – người Huế có tục lệ phóng sanh phóng đăng trên sông Hương như một lời khấn nguyện cùng với đất trời từ nay làm lành tránh dữ, con sông Hương trong đêm rằm tháng tư mang trong lòng ý nguyện thiêng liêng của con người Huế tâm niệm CHUYỂN “nghiệp chướng nặng nề thành tâm sám hối, mở rộng cõi lòng cùng tất cả chúng sinh. Cho nên Huế đã chưa bao giờ dừng lại bên bờ ngũ uẩn nông sơ để mai một tình người mà Huế còn thăm thẵm nhìn vào tâm linh vời vợi của bản lai, mà sông Hương trong đêm Phật Ðản là nét siêu hình đẹp nhất cho cõi đời hiện sinh của Huế: trao tặng ánh sáng và sự sống trở lại cho trời đất và chúng sinh, dòng sông là Tâm thức của Huế đang trên từng cơn sóng nhỏ tụng niệm bài kinh Đại từ bi bất tận, và mỗi ngọn hoa đăng nhấp nhô trên sóng vừa là trí tuệ vừa là tình thương chảy hoài không dứt.
Có phải đó là một tình cờ mà người trên núi cũng như người dưới biển đều không hẹn mà gặp nhau trên cầu Trường Tiền thưởng trăng rằm và ngắm hoa đăng trên sông Hương, như một nghi lễ không thiếu được trong đêm Phật Ðản? Ðến trên cầu có phải là ý nghĩa của NHƯ LAI, bước chân đến cõi trần mà mỗi bước là một đoá sen vừa nở? Nơi cõi Huế xa, đêm Phật ra đời, người trẩy hội trên cầu như nước chảy dưới sông, mỗi bước chân là một nhịp đi dến với ai, đi đến với người, ta đến với ta, ta đến với người, chảy trôi cái chấp ngã hàng ngày, chảy trôi những chi là vị kỷ để người Huế thuở nào dừng lại cùng nhau nhìn về một dòng sông: TRONG SỰ TĨNH LẶNG BAO LA CỦA ÁNH TRĂNG PHẬT ÐẢN SỐNG MỘT GIÂY VÔ NIỆM DÒNG SÔNG TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ NHƯ MỘT CHUYỂN MÌNH CỦA VỊ PHẬT ÐANG THÀNH.
Viết trong hoài niệm Phật Ðản Huế
Muà Phật Ðản 2003