Phê bình dịch thuật Việt Nam đang ở đâu?

Ở đâu và ở thời nào cũng thế, có dịch thuật là có phê bình dịch thuật. Nhưng thế nào là phê bình dịch thuật đúng nghĩa? Có chăng những sự biến chuyển về cách đánh giá dịch thuật? Phê bình dịch thuật có theo kịp hoạt động dịch văn học vốn đang trong giai đoạn phát triển rầm rộ, đặc biệt với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng?

Dịch văn học, một công việc âm thầm mà bạc bẽo

Dịch giả văn học (ý muốn nói những người thường xuyên dịch văn học và tài nghệ ít nhiều đã được khẳng định) về bản chất và theo truyền thống luôn bị coi thường. Trước hết, anh ta bị xem như một kẻ nhai lại, một kẻ bắt chước một cách nô lệ và không có khả năng tự mình sáng tác văn chương. Công việc của anh ta được mặc nhiên xác định bằng một thân phận nô lệ về ngôn từ và văn bản. Rồi nữa, anh ta luôn bị gán trước hình ảnh của một kẻ phản bội. Ngạn ngữ Ý traduttore tradittore (dịch là phản), câu nói của Franz Rosenzweig, “dịch là làm nô dịch cho hai ông chủ” (traduire, c’est servir deux maîtres)1 phải chăng đã phản ánh đúng bản chất ăn ở hai lòng của một dịch giả văn học? Trên thực tế, ở Việt Nam, việc coi nhẹ dịch giả văn học đã trở thành một truyền thống. Một tác phẩm dở ra đời thì không mấy ai để ý, nhưng một dịch phẩm mắc lỗi sớm hay muộn cũng phải hứng chịu búa rìu dư luận. Không mấy ai hình dung được công việc âm thầm, lặng lẽ của người dịch: anh ta phải vật lộn với hai ngôn ngữ, hai văn hóa, phải giằng co giữa tác giả và chính mình, phải đưa ra những quyết định khó khăn: chung thủy với MÌNH hay trung thành với KẺ KHÁC, phải đớn đau chấp nhận hiến tế bản thân với những thủ thuật thêm, bớt, cắt xén, gọt giũa, với những thao tác chuyển đổi, xê dịch trong nỗi lo bảo toàn nghĩa mà không mất đi vẻ đẹp của câu văn, với những cạm bẫy ngôn từ chờ chực ngòi bút ngả nghiêng đôi chút đủ để gây ra tai họa, với cảm giác thường trực của một kẻ tội đồ, với mặc cảm khôn nguôi của một kẻ phản bội.

Phê bình dịch thuật, một công việc hiếm khó

Phê bình truyền thông gần như đang độc chiếm diễn đàn của phê bình bác học và một số nhà báo đang góp phần không nhỏ vào công cuộc làm nhiễu loạn không gian văn học – học thuật trong nước: bi kịch hóa những nốt ruồi trên những gương mặt khả ái, lặp đi lặp lại những lời chỉ trích như nhau vào những dịch giả như nhau của những công ty, nhà xuất bản như nhau…

Có thể nói, dịch văn học đã khó, phê bình dịch văn học lại càng khó hơn bởi nhà phê bình dịch thuật trước hết phải là người có tầm. Anh ta phải xuất phát từ cái nhìn cảm thông về nghề/người dịch văn học, phải có đủ năng lực ngôn ngữ và văn chương để có thể thẩm thấu bản dịch, phải dày công đối chiếu bản gốc và bản dịch từ đầu chí cuối một cách khoa học, có phương pháp và có lý luận. Theo Antoine Berman, “Nếu bản dịch ‘trung bình’, ‘thiếu sót’, ‘xấu xí’, ‘vụng về’, ‘dở’, ‘tồi tệ’, ‘sai’, ‘nhiều lỗi’, ‘lệch lạc’, những thuộc tính ấn tượng chủ nghĩa, […], thì chúng ta không nên bằng lòng với công việc đả phá đơn thuần như Meschonic vẫn làm. Nhà phê bình phải làm sáng tỏ vì sao bản dịch không đạt […] và chuẩn bị sân chơi cho việc dịch lại mà không lên mặt khuyên răn.”2 Theo nhà nghiên cứu này, phê bình dịch thuật về bản chất phải mang tính tích cực: “Không những phê bình phải mang tính tích cực mà sự tích cực phải là chân lý của phê bình: một bài phê bình thuần túy tiêu cực không phải là một bài phê bình thực sự. Chính vì thế mà Friedrich Schlegel, ông tổ của phê bình hiện đại […] dành từ “phê bình” để cho những tác phẩm có chất lượng và dùng từ “đặc trưng” (caractéristique) cho việc nghiên cứu và đánh giá các tác phẩm tầm thường hay tệ hại.”3 Cứ theo quan điểm này mà xét thì có thể nói, thời điểm hiện tại, ở nước ta chưa có phê bình dịch thuật đúng nghĩa. Một dạo, trong một ý kiến đăng trên Talawas, tôi đã có ý phân biệt giữa “dọn vườn dịch thuật” và “phê bình dịch thuật”. Dọn vườn dịch thuật là việc phát hiện và phân tích các lỗi dịch bằng cách trực tiếp so sánh giữa văn bản đích và văn bản nguồn với thái độ phần lớn là chỉ trích còn phê bình dịch thuật là công việc nghiên cứu và đánh giá khách quan một bản dịch dưới nhiều góc độ khác nhau (có thể gói gọn ở 5 chữ V: văn tự, văn bản, văn hóa, văn học, văn phong) và ít nhất ở ba thời điểm: trước khi dịch (lựa chọn bản gốc, tầm đón của người dịch), trong khi dịch (các thao tác dịch) và sau khi dịch (chất lượng, độ trung thành của bản dịch, sự tiếp nhận của độc giả…).

Khi phê bình dịch thuật, nhà phê bình phải dựa vào cái mà Lê Hồng Sâm gọi là “độ”4 và Gideon Toury gọi là “chuẩn mực” (norms), có thể được hiểu như một cái thang giá trị, dựa vào đó, người ta có thể đánh giá cái gì sai cái gì đúng, cái gì thích hợp cái gì không thích hợp, cái gì bị cấm đoán và cái gì được quy định. Nhưng chúng ta cần xác tín rằng các chuẩn mực dịch thuật văn học luôn trong quá trình vận động liên tục. Theo truyền thống, chúng ta hoàn toàn ảo tưởng với một bản dịch “tín, đạt, nhã”. (Thế nhưng thực tế cho thấy trong một bản dịch có khi “tín” mà không “nhã” và ngược lại). Chúng ta muốn bản dịch phải được trình bày trong một ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng, trong một khuôn vàng thước ngọc định sẵn, loại bỏ hoàn toàn “lạ tính” (étrangeté), chú trọng ngữ đích và văn hóa đích, chúng ta muốn đọc bản dịch như đọc một tác phẩm được sáng tạo bằng chính ngôn ngữ của chúng ta qua lớp kính trong suốt. Nhưng dường như trong nước ta đang có một trào lưu không phải không có chủ ý, đó là cố gắng bảo toàn chữ “tín” bằng mọi giá, bất chấp phải phá vỡ những quy tắc của ngữ đích, đụng chạm đến thuần phong mỹ tục của văn hóa đích. George Mounin gọi đây là dịch qua lớp kính màu: “dịch từng từ, để cho độc giả từ dòng này sang dòng khác luôn có cảm giác lạ là được đọc tác phẩm bằng ngoại ngữ (ngữ nghĩa, hình thái, văn phong), để độc giả không lúc nào quên rằng anh ta đang đọc bằng tiếng Pháp một tác phẩm ban đầu đã được thai nghén và được viết bằng ngoại ngữ.”5 Những vấn đề lý luận đại loại như thế dường như giới phê bình vẫn chưa bắt nhịp được, thành thử những người viết đã tự hóa thân thành kẻ “dọn vườn” và tự/bị bác bỏ tư cách phê bình của họ.

Ở đâu và sẽ bao giờ?

Đúng là phê bình dịch thuật theo cách hiểu trên đây, tức hình thức phê bình bác học, đang gần như vắng bóng. Điều này gắn liền với việc xem nhẹ thái quá chuyên ngành văn học so sánh trong các trường đại học ở Việt Nam. Những người được đào tạo bài bản, vừa có vốn lý luận dịch thuật chắc chắn vừa đủ khả năng đánh giá bản dịch (thành thạo hai ngôn ngữ, thấm nhuần hai văn hóa v.v.) hầu như không có. Khi lý luận không theo kịp thực tiễn thì việc thực tiễn có nguy cơ bị nhìn nhận một cách méo mó là khó tránh khỏi. Phê bình truyền thông gần như đang độc chiếm diễn đàn của phê bình bác học và một số nhà báo đang góp phần không nhỏ vào công cuộc làm nhiễu loạn không gian văn học – học thuật trong nước: bi kịch hóa những nốt ruồi trên những gương mặt khả ái, lặp đi lặp lại những lời chỉ trích như nhau vào những dịch giả như nhau của những công ty, nhà xuất bản như nhau… Phải chăng đó là mặt trái của tấm huân chương lủng lẳng trên ngực giới truyền thông: phóng cực đại, trong thời gian nhanh nhất, với sự lan tỏa cao nhất, những tiểu tiết mà đáng ra chỉ nằm đâu đó trong một một mục nào đó kiểu “dọn vườn văn nghệ”. Trong không khí bài tiết đó, các dịch giả trẻ hay già, mới vào nghề hay lão luyện không run tay cầm bút thì mới lạ! Traductophobie (ghét dịch thuật)? Một hội chứng mới bắt đầu….

Vinh, ngày 10/ 5/ 2013

1 Antoine Berman, Epreuve de l’étranger, Gallimard, 1984, tr. 15.

2 Antoine Berman, Pour une critique des traductions John Donne, Gallimard, 1995, tr. 17.

Ntr, tr. 38.

4 Được nêu ra trong buổi tọa đàm “Dịch thuật trong thực tế xuất bản hiện nay” được tổ chức tại L’Espace ngày 8 tháng 5 năm 2013.

5 Georges Mounin, Les Belles infidèles, Presses Universitaires de Lille, Paris, 1997, tr. 74.

Tác giả

(Visited 24 times, 1 visits today)