Philharmonia Orchestra: Niềm tự hào của âm nhạc Anh

Vào năm 1977, Đĩa vàng Voyager với những âm thanh và hình ảnh giới thiệu về sự đa dạng của sự sống và văn hóa trên Trái đất được NASA gửi vào không gian trên tàu vũ trụ Voyager có bản thu âm chương một bản giao hưởng số 5 của nhà soạn nhạc Beethoven. Đó là bản thu âm màn trình tấu của Philharmonia Orchestra do nhạc trưởng Otto Klemperer chỉ huy, một niềm tự hào của âm nhạc Anh.

Philharmonia Orchestra dưới sự chỉ huy của Santtu-Matias Rouvali. Ảnh: southbankcentre.co.uk

Philharmonia Orchestra ra đời với cái tên ban đầu được nhà sản xuất âm nhạc cổ điển lừng danh Walter Legge đặt cho một nhóm tứ tấu đàn dây do ông thành lập vào năm 1941. Dù không được đào tạo bài bản về âm nhạc nhưng Legge đã tự học và năm 1927, ông đã được nhận vào làm việc tại HMV, công ty hàng đầu tại Anh về sản xuất âm nhạc và phim ảnh. Qua năm tháng, Legge đã trở thành nhà sản xuất nhạc cổ điển hàng đầu đồng thời ông cũng từng là trợ lý cho Thomas Beecham tại Royal Opera House, Covent Garden. Legge cũng chính là chồng của Elisabeth Schwarzkopf, một trong những soprano nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Cuộc chiến tranh Thế giới lần Thứ hai diễn ra, vì thị lực kém nên ông không phải tham gia trong quân đội. Thay vào đó, Legge đứng ra tổ chức các buổi hòa nhạc phục vụ lực lượng vũ trang Anh. 

Sau khi chiến tranh kết thúc, Legge đã chuyển sang làm việc cho EMI. Nhận thấy vai trò của mình tại Covent Garden ngày càng mờ nhạt dưới sự chỉ đạo của giám đốc điều hành David Webster, Legge đã quyết định thành lập một dàn nhạc của riêng mình để thuận tiện hơn trong việc tổ chức biểu diễn và thu âm các buổi hòa nhạc. Ngày 27/10/1945, Philharmonia Orchestra biểu diễn buổi đầu tiên trong lịch sử của mình với nhạc trưởng là Thomas Beecham, mức phí là một điếu xì gà. Tuy nhiên, Beecham không muốn làm việc dưới quyền người trợ lý cũ nên ông đã tách ra thành lập Royal Philharmonic một năm sau đó. Legge đặt ra các nguyên tắc đối với dàn nhạc của mình:

– Có đầy đủ các nhạc công giỏi nhất ở Anh để tạo ra một dàn nhạc ít nhất là ngang bằng và ở một số mặt nhất định – trội hơn các dàn nhạc hay nhất tại châu Âu. Tất cả những nhạc công này phải ở trong cùng một dàn nhạc – Philharmonia.

– Dàn nhạc có chất lượng cao đến mức tất cả những nhạc công giỏi nhất phải cạnh tranh nhau để giành được đặc quyền chơi trong đó.

– Không có nhạc công kiểu “hành khách”. Một người chơi kém sẽ làm hỏng ngữ điệu và sự hòa tấu của dàn nhạc.

– Một dàn nhạc bao gồm những nhạc công giỏi nhất sẽ chỉ thể hiện tốt nhất khi được làm việc với những nhạc trưởng giỏi nhất.

– Không có nhạc trưởng cố định. Một dàn nhạc nếu làm việc chỉ với một nhạc trưởng, bất chấp anh ta tài năng đến đâu, chắc chắn sẽ mang dấu ấn về tính cách, sự độc đáo và cách tiếp cận âm nhạc của riêng anh ta. Philharmonia Orchestra phải có nhiều phong cách chứ không phải một phong cách.

Nòng cốt của Philharmonia Orchestra lúc bấy giờ được lấy từ dàn nhạc của Royal Air Force (Lực lượng không quân hoàng gia) và các nhạc công của một số dàn nhạc khác. Tại thời điểm buổi biểu diễn đầu tiên, khoảng 60% nhạc công vẫn còn đang trong thời hạn phục vụ tại quân ngũ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhạc công tham gia cùng lúc cả Philharmonia Orchestra và một dàn nhạc khác tại London. Trong số đó, có cả nghệ sĩ horn danh tiếng Dennis Brain. Trong những năm đầu thành lập, Philharmonia Orchestra về cơ bản tập trung vào mảng thu âm. Trong mùa diễn 1949-1950, Philharmonia chỉ biểu diễn 32 buổi ít hơn nhiều so với những dàn nhạc khác tại London: BBC Symphony Orchestra (55 buổi), London Symphony Orchestra (103 buổi) và London Philharmonic (248 buổi). Thời điểm này, Legge cũng nhận được sự hỗ trợ về mặt tài chính từ Jayachamarajendra Wadiyar, vị vua cuối cùng của Vương quốc Mysore (nằm ở phía Nam của Ấn Độ).


“Nhạc trưởng tuyệt vời, dàn hợp xướng tuyệt vời và dàn nhạc tốt nhất của chúng tôi. Legge đã mang đến một Beethoven mà bất kỳ thành phố nào trên thế giới, dù là Vienna hay New York, cũng đều phải ghen tị” (The Observer).

Những nhạc trưởng gắn bó với dàn nhạc trong những năm đầu thành lập là Wilhelm Furtwängler và Herbert von Karajan. Trong đó Karajan còn tiếp tục gắn bó chặt chẽ với Philharmonia Orchestra sau những năm 1950. Ông thường đến London dài hạn hai hoặc ba lần trong một năm để tổ chức các buổi hòa nhạc và ghi âm cùng dàn nhạc. Legge thường bố trí các chương trình biểu diễn và thu âm tương tự nhau để có được thêm nhiều thời gian tập luyện và EMI gánh đỡ một phần chi phí. Karajan thường bị báo chí Anh chỉ trích vì chương trình thiếu sáng tạo. Tuy nhiên, chi phí để mỗi lần vị nhạc trưởng đến Anh là không hề rẻ. Vì vậy, nhiệm vụ tổ chức chương trình phải đặt ưu tiên phòng vé lên trên hết. Nhưng Karajan đã thành công trong việc cho khán giả thấy một Philharmonia Orchestra có trình độ biểu diễn rất cao, tạo ra được phẩm chất đặc biệt của dàn nhạc. Arturo Toscanini rất ấn tượng với chất lượng của dàn nhạc và chính ông đã đề nghị được đến London để làm việc cùng với Philharmonia Orchestra vào tháng 9/1952. Hai buổi hòa nhạc (bốn bản giao hưởng của Brahms) tại Royal Festival Hall (phòng hòa nhạc 2.700 chỗ mới được khánh thành một năm trước đó, là ngôi nhà chung của Philharmonia và London Philharmonic), đã giành được thành công đáng kể về nghệ thuật và thương mại.

Legge nhận thấy tình hình sức khỏe của Furtwängler ngày càng suy giảm, đồng nghĩa với việc Karajan sẽ thay thế ông tại Berlin Philharmonic và Karajan sẽ không có nhiều thời gian dành cho Philharmonia Orchestra. Chính vì vậy, Legge đã tìm kiếm những ứng cử viên thay thế. Ban đầu, người được ông nhắm đến là nhạc trưởng Ý Guido Cantelli, người đã có những sự cộng tác rất tuyệt vời cùng dàn nhạc trước đó. Tuy nhiên, với việc Cantelli qua đời vào tháng 11/1956 vì một tai nạn máy bay tại Paris đã khiến kế hoạch của Legge phải thay đổi. Ông cũng chú ý đến Carlo Maria Giulini, tuy nhiên, mặc dù rất hứa hẹn, nhưng vào thời điểm đó, Giulini chưa xây dựng được một danh mục biểu diễn đa dạng và chưa thể hiện được nhiều trước khán giả. Cuối cùng Legge đã xây dựng được mối quan hệ bền chặt với nhạc trưởng kỳ cựu Otto Klemperer, người được cả giới phê bình, công chúng và nhạc công mến mộ. Năm 1957, Klemperer chỉ huy bản giao hưởng số 9 của Beethoven với Philharmonia Orchestra và Philharmonia Chorus mới được thành lập đã giành được những thành công vô cùng vang dội. Peter Heyworth đã viết trên tờ The Observer “Nhạc trưởng tuyệt vời, dàn hợp xướng tuyệt vời và dàn nhạc tốt nhất của chúng tôi. Legge đã mang đến một Beethoven mà bất kỳ thành phố nào trên thế giới, dù là Vienna hay New York cũng đều phải ghen tị”. Vào thời điểm đó Philharmonia Orchestra xứng đáng là dàn nhạc xuất sắc nhất của London và là một trong những dàn nhạc tốt nhất thế giới. Năm 1959, Legge đã từ bỏ chính sách trước đây của mình, ông đã bổ nhiệm Klemperer làm nhạc trưởng chính của dàn nhạc.

Một bản thu âm Beethoven của Philharmonia Orchestra với nhạc trưởng Klemperer.

Đầu những năm 1960, Philharmonia Orchestra vẫn duy trì được danh tiếng của mình như là dàn nhạc tốt nhất London. Dàn nhạc đã ký một hợp đồng thu âm mới với EMI. Những buổi biểu diễn của Klemperer, Giulini, John Barbirolli và một số những nhạc trưởng khác, bao gồm cả Karajan (người chỉ huy lần cuối cùng với dàn nhạc vào năm 1960) đã giành được sự tán thưởng nồng nhiệt. Tuy nhiên, chỉ một khoảng thời gian ngắn sau, cuộc khủng hoảng của dàn nhạc bắt đầu thành hình. Đầu tiên, ban quản lý phòng hòa nhạc Royal Festival Hall đã thành lập một ủy ban nhằm điều phối các chương trình diễn ra tại đây nhằm tránh sự trùng lặp. Thứ hai, EMI cũng thành lập một ủy ban với mục đích tương tự, sắp xếp các chương trình thu âm. Lagge, một người chuyên quyền, độc đoán với tính khí nỏng nảy đã rất phẫn nộ vì các ủy ban này đã hạn chế đi rất nhiều quyền hạn của ông đối với Philharmonia Orchestra. Tài chính bắt đầu cũng trở thành gánh nặng. Một nguồn thu lớn của dàn nhạc đến từ việc thu âm. Dàn nhạc đã thu âm cho EMI hầu hết những tác phẩm quen thuộc, cả ở định dạng mono và stereo. Điều này dẫn đến việc phạm vi các tiết mục biểu diễn được EMI hỗ trợ tập luyện cũng bị thu hẹp lại. Tháng 3/1964, Legge đã quyết định giải tán Philharmonia Orchestra với lý do chất lượng dàn nhạc đang giảm sút và công việc ghi âm ít ỏi không đủ thu hút những người chơi tài ba nhất, điều mà rất nhiều người không đồng tình. Đồng thời ông cũng từ chức tại EMI.

Tuy nhiên, Philharmonia Orchestra không vì thế mà biến mất. Các nhạc công đã đứng ra tự thành lập công ty quản lý và trở thành ông chủ của chính mình do Bernard Walton, bè trưởng bè clarinet là người đứng đầu. Dàn nhạc được đổi tên thành New Philharmonia Orchestra. Klemperer vẫn là nhạc trưởng chính của dàn nhạc. Ngoài ra, họ còn được sự ủng hộ của Giulini, Barbirolli và Andrian Boult, người có câu nói nổi tiếng trong một buổi hòa nhạc với khán giả: “Các bạn có muốn nhìn thấy dàn nhạc vĩ đại này tắt ngóm như một ngọn nến? Nó không được phép chết!”. The Times nhận xét rằng “Quan điểm của Boult được nhấn mạnh bằng một âm thanh rực rỡ, mãnh liệt của dàn nhạc và dàn hợp xướng”. 

Trong năm đầu tiên với tư cách một dàn nhạc độc lập, không bị phụ thuộc vào Legge, New Philharmonia Orchestra vẫn phát triển mạnh mẽ, cả ở trên sân khấu cũng như trong phòng thu âm. Dàn nhạc đã cộng tác với nhiều nhạc trưởng khách mời mới như Ernest Ansermet, Pierre Boulez, James Levine và một số tên tuổi khác. Tuy nhiên, sự già yếu của Klemperer đã dẫn đến chất lượng biểu diễn của dàn nhạc bị giảm sút vào cuối những năm 1960. Đã có những cuộc thảo luận nghiêm túc về việc sáp nhập New Philharmonia Orchestra vào London Philharmonic nhưng không đem lại kết quả. Cuối cùng dàn nhạc cũng thoát ra khỏi thảm họa về tài chính nhờ sự giúp đỡ của hai nhà hảo tâm. Một người giấu tên còn người kia là Ian Stoutzker, một ông chủ ngân hàng.

Năm 1970, New Philharmonia Orchestra bổ nhiệm Lorin Maazel làm nhạc trưởng trợ lý chính. Tuy nhiên, với tình trạng sức khỏe của Klemperer, New Philharmonia Orchestra nhận thức được việc phải có ngay lập tức một nhạc trưởng mạnh mẽ để khôi phục được tình trạng tài chính và các tiêu chuẩn về nghệ thuật, nhưng họ chưa tìm kiếm được người phù hợp. Legge, mặc dù không còn liên quan đến dàn nhạc nhưng vẫn dõi theo một cách đầy thiện chí, đã tiến cử Riccardo Muti. Sau khi cân nhắc một số ứng cử viên khác, cuối cùng Muti trở thành nhạc trưởng chính thứ hai của New Philharmonia Orchestra vào năm 1973. Muti, người luôn điều hành các dàn nhạc với kỷ luật thép, dù ông luôn phủ nhận như vậy, đã đưa dàn nhạc trở lại với danh tiếng vốn có của nó. New Philharmonia Orchestra được đánh giá là “có kỹ thuật trình diễn tuyệt vời, cách chơi tinh tế đáng kinh ngạc và âm thanh của bè kèn gỗ còn kỳ diệu hơn những người đồng nghiệp của họ ở Berlin” như The Times bình luận. Kể từ sau khi chia tay Legge, New Philharmonia Orchestra chủ yếu thu âm cho Decca. Với sự xuất hiện của Muti, các bản thu âm được nối lại, chủ yếu trong các vở opera Ý cũng như sự hợp tác với những nghệ sĩ độc tấu tài năng như Sviatoslav Richter, Andrei Gavrilov, Anne-Sophie Mutter và Gidon Kremer. Tháng 9/1977, sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, cuối cùng dàn nhạc cũng trở về cái tên Philharmonia Orchestra ban đầu của mình. Với sự qua đời của Legge vào tháng 3/1979, dàn nhạc đã tổ chức biểu diễn trọn bộ các bản giao hưởng của Tchaikovsky tại Royal Festival Hall để tưởng nhớ ông. 

Muti chia tay dàn nhạc vào năm 1972. Người thay thế Muti tại Philharmonia Orchestra là một nhạc trưởng người Ý khác, Giuseppe Sinopoli. Mặc dù các tiêu chuẩn của Philharmonia Orchestra vẫn ở mức rất cao nhưng khán giả London có thái độ yêu-ghét lẫn lộn đối với phong cách của Sinopoli. David Nice đã viết trên tờ The Guardian rằng đó là bởi vì “tốc độ chậm và giọng điệu đôi khi vô hồn”. Tuy nhiên, chính Sinopoli là người đã kiếm được cho dàn nhạc một hợp đồng ghi âm béo bở với Deutsche Grammophon vào năm 1990. Bị chê bai trong các bản giao hưởng của Elgar nhưng Sinopoli tỏ ra khá thành công trong những vở opera Ý như Tosca, Cavalleria Rusticana hay Madama Butterfly. Tuy nhiên, ông vẫn bị mỉa mai là “được Philharmonia Orchestra cho mượn âm sắc tuyệt đẹp của mình”. Nhiệm kỳ của Sinopoli với dàn nhạc kết thúc vào năm 1994.

Ba năm sau, năm 1997, Philharmonia Orchestra mới bổ nhiệm nhạc trưởng người Đức Christoph von Dohnányi. Lúc này ông vẫn đang là Giám đốc âm nhạc tại Cleveland Orchestra. Philharmonia Orchestra đã tiếp tục duy trì được sự gắn kết của dàn nhạc. Dohnányi luôn được kính trọng và ngưỡng mộ về mặt diễn giải âm nhạc của mình. Ông thúc đẩy dàn nhạc đi lưu diễn nhiều hơn, xuất hiện liên tục tại Vienna, Salzburg, Amsterdam, Lucerne và Paris. Dưới sự dẫn dắt của Dohnányi, danh mục biểu diễn của Philharmonia Orchestra tiếp cận nhiều hơn đến âm nhạc hiện đại, tạo nên sự đa dạng cho người nghe. Vladimir Ashkenazy và Christian Thielemann cũng trở thành những nhạc trưởng khách mời chính của dàn nhạc trong thời gian này. Năm 1999, dàn nhạc tham gia bộ phim tài liệu “Những nốt nhạc chua chát trên dàn dây”, giới thiệu cho công chúng một cái nhìn cụ thể về các hoạt động hàng ngày của dàn nhạc và thấy được nỗ lực của từng người chơi trong việc duy trì chất lượng cho dàn nhạc cũng như khối lượng công việc lớn lao mà họ phải đảm trách. 

Bước sang thế kỷ 21, Philharmonia Orchestra vẫn là một dàn nhạc có chất lượng rất cao, được ca ngợi về mặt nghệ thuật cũng như cách thức quản lý. Năm 2007, Dohnányi là một trong tám nhạc trưởng tại Anh tán thành tuyên ngôn âm nhạc kéo dài trong 10 năm “Xây dựng dựa trên sự ưu tú: Dàn nhạc cho thế kỷ 21”. Đây là một dự án nhằm tăng cường sự phổ biến của âm nhạc cổ điển trên khắp nước Anh, trong đó có việc miễn phí cho học sinh Anh tham gia một buổi hòa nhạc cổ điển. Năm 2008, Dohnányi kết thúc nhiệm kỳ của mình với Philharmonia Orchestra. Ông được dàn nhạc phong tặng danh hiệu Nhạc trưởng danh dự trọn đời.

Tháng 11/2006, Philharmonia Orchestra thông báo nhạc trưởng người Phần Lan Esa-Pekka Salonen sẽ là người thay thế Dohnányi từ mùa diễn 2008-2009. Trước đó, Salonen đã đạt được những thành tựu đáng kể trên cương vị Giám đốc âm nhạc của Los Angeles Philharmonic. Salonen cộng tác lần đầu tiên với Philharmonia Orchestra vào năm 1983, khi ông mới 25 tuổi. Dưới sự dẫn dắt của Salonen, dàn nhạc thường biểu diễn hơn 160 buổi hoà nhạc một năm. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 40 buổi diễn ra tại Royal Festival Hall, còn lại là trong các chuyến lưu diễn. 

Salonen cũng là một nhà soạn nhạc vì vậy Philharmonia Orchestra trong giai đoạn này có xu hướng biểu diễn nhiều âm nhạc của các tác giả đương đại. Năm 2009, Philharmonia Orchestra và Salonen giới thiệu sản phẩm RE-RITE tại một triển lãm tại London và sau đó mang đi giới thiệu tại Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Áo. Sản phẩm kỹ thuật số này cho phép người sử dụng chơi nhạc, chỉ huy và bước vào bên trong Philharmonia Orchestra cùng với Salonen thông qua các bản audio và video biểu diễn Lễ bái xuân của Stravinsky. Năm 2013, Philharmonia Orchestra và Salonen tổ chức lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh Lutosławski, thầy giáo cũ của Salonen. Salonen kết thúc nhiệm kỳ của mình với Philharmonia Orchestra sau mùa diễn 2020-2021 và trở thành Nhạc trưởng danh dự của dàn nhạc. Philharmonia Orchestra cũng thông báo một nhạc trưởng người Phần Lan khác Santtu-Matias Rouvali thay thế Salonen bắt đầu từ mùa diễn 2021-2022.

Một thời kỳ mới của Philharmonia Orchestra lại bắt đầu.□

Nguồn:

https://philharmonia.co.uk/who-we-are/our-history
https://www.warnerclassics.com/artist/philharmonia-orchestra

Bài đăng Tia Sáng số 8/2025

Tác giả

(Visited 17 times, 16 visits today)