Phim khoa học: Chỉ 9/116 chuyên gia AI là phụ nữ

Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học ĐH Cambridge, các loạt phim từ Iron Man tới Ex Machina, đã góp phần vào tình trạng bất bình đẳng giới có hệ thống trong ngành trí tuệ nhân tạo (AI) do khắc họa nhà nghiên cứu AI chủ yếu là đàn ông.

Tony Stark tạo ra thiết bị du hành thời gian.

Khi nam giới xuất hiện áp đảo trên phim ảnh với vai trò này, công chúng dần định hình nhận thức rằng đây là ngành chỉ dành cho đàn ông, dẫn đến thiếu phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ. Ngoài tác động tới cân bằng giới, nghiên cứu còn dấy lên lo ngại về phản ứng dây chuyền dẫn đến các sản phẩm có lợi cho người dùng là nam, bởi vì chúng do “một biển đàn ông” tạo ra, theo Margaret Mitchell – cựu nhân viên Microsoft.  “Người ta thấy rằng các kỹ sư nam tạo ra những sản phẩm phù hợp và tương thích nhất với người dùng nam giới, thế nên tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn là điều cần thiết để hạn chế việc đưa các thành kiến và khuôn mẫu sai lầm vào công nghệ AI”, các tác giả viết.

Các nhà nghiên cứu tại ĐH Cambridge đã xem xét hơn 1.400 bộ phim phát hành từ năm 1920 tới năm 2020. Trong số 142 bộ phim về AI có sức ảnh hưởng nhất, họ xác định được 116 chuyên gia AI. Chỉ có chín người trong số này là phụ nữ, trong đó năm người làm việc cho một người đàn ông, là con cái hoặc bạn đời của một nam kỹ sư AI cấp cao hơn.

Nghiên cứu nhấn mạnh loạt phim Avengers, mô tả người đàn ông thiên tài đơn độc có tính khuôn sáo (Tony Stark, tức Iron Man). Anh ta tinh thông nhiều kỹ năng tới mức tổng hợp được một nguyên tố và giải quyết vấn đề du hành thời gian “trong một đêm”. Trong bộ phim Ex Machina (2014) của Alex Garland, một thiên tài cô độc khác thành công tới mức anh ta vượt lên các chuẩn mực đạo đức và luật pháp. Bộ phim sớm nhất trong danh sách này có người tạo ra AI là phụ nữ là Austin Powers: International Man of Mystery (1997), trong đó Frau Farbissina cho ra mắt bộ ba “robot nữ” bắn đạn từ ngực.

TS. Kanta Dihal, đồng tác giả của nghiên cứu, kiêm nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm trí tuệ tương lai Leverhulme, cho biết một phần của khuynh hướng thiên vị nam giới là vòng xoáy “phim mô phỏng đời thực”. Tức là các nhà làm phim mô tả chuyên gia AI là đàn ông để phản ánh việc nam giới chiếm lĩnh ngành này. Nhưng trên thực tế khoảng 1/5 kỹ sư AI là nữ, trong khi trên phim chưa đầy 1/10.

Việc thiếu vắng hình ảnh nữ kỹ sư AI trên màn ảnh cũng có thể liên quan tới tình trạng ít đạo diễn là phụ nữ. Theo nghiên cứu trên Public Understanding of Science, trong thế kỷ qua không có bộ phim nổi bật về AI của đạo diễn nữ.

Dihal tin rằng việc duy trì khuôn mẫu nam giới đang gây tổn hại ở nhiều khía cạnh. Trước hết là ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp, nhận thức “AI chỉ dành cho nam giới” có thể hạn chế phụ nữ. Thứ hai là tác động tới hội đồng tuyển dụng, họ có thể coi nam giới là “người phù hợp hơn” ở công ty công nghệ. “Nếu một nhà nghiên cứu AI là phụ nữ bước vào nơi làm việc, cô ấy sẽ phải đối mặt với những khuôn mẫu và giả định nào?”, Dihal đặt nghi vấn.

Dame Wendy Hall, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Southampton, cho biết chiến dịch tăng cường sự đa dạng trong ngành AI là một nhu cầu cấp thiết. GS. Hall viết bài báo đầu tiên về việc thiếu phụ nữ trong ngành điện toán vào năm 1987, bà cho rằng tình hình ở ngành AI còn tồi tệ hơn vì nhiều tác động tiềm ẩn với xã hội. Các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định nghề nghiệp của giới trẻ, nếu họ coi AI là nghề chỉ cho nam giới thì các nỗ lực thu hút phụ nữ vào ngành máy tính sẽ không có kết quả khả quan.

Judy Wajcman, giáo sư danh dự ngành xã hội học tại Trường Kinh tế London, điều tra viên chính của dự án “Phụ nữ trong Khoa học dữ liệu và AI” tại Viện Alan Turing, ủng hộ việc tăng thêm hình ảnh phụ nữ hoạt động trong ngành AI trên phim, đồng thời tăng cường sự đa dạng trong vai trò lãnh đạo AI ngoài đời thực, nhất là văn hóa “anh chàng công nghệ” khiến phụ nữ khó lòng phát triển trong lĩnh vực này.□

Phương Anh dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/technology/2023/feb/13/just-nine-out-of-116-ai-professionals-in-films-are-women-study-finds

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)