Phim tài liệu: “Nghi lễ và phong tục Việt Nam- Patrick Moreau”

Tối 10/10, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace) đã diễn ra buổi giới thiệu phim Nghi lễ và phong tục Việt Nam của nhà làm phim tài liệu Patrick Moreau. Patrick Moreau sinh năm 1947, quê ở Nantes (Pháp). Đây là bộ phim tài liệu thứ ba của Patrick Moreau về Việt Nam. Hai bộ phim đầu của ông là Từ Cà Mau tới Tây Tạng và Từ sông Hồng tới sông Mêkông. Bộ phim Nghi lễ và phong tục Việt Nam là những cảnh quay về phong tục của các vùng miền khác nhau trên cả nước.

Ngược lên vùng phía Bắc, Patrick Moreau giới thiệu cho người xem một lễ an táng của người Tày ở đèo Mèo Vạc (Hà Giang) với nhiều tập tục riêng như treo xung quanh quan tài những tờ giấy trắng như những bức trướng, bên trên có viết chữ Hán bằng mực Tàu.
Xuôi xuống mạn sông Hồng, con thuyền của nhà làm phim đưa người xem đến với một cảnh lễ hầu đồng mang đậm tín ngưỡng của người Việt xưa. Hầu đồng là sự kết hợp của lời ca, tiếng hát và điệu nhảy múa theo tiếng nhạc. Đoạn phim ghi lại giá đồng về ông Hoàng Bảy, một trong những vị thần linh được tôn thờ của người xưa. Đó là những thước phim phản chiếu hiện thực một cách trung thực nhất, không hề có sự can thiệp của nghệ thuật.

 
Patrick Moreau

Đặt chân đến Huế, người xem sẽ được làm quen với một trong hai lễ hội lớn nhất ở đây, đó là lễ hội thờ thánh mẫu ở Huế kéo dài 3 ngày. Ngày đầu tiên mọi người làm lễ ở Hòn Chén, ngày thứ hai ở chân núi và ngày cuối cùng ở một đình gần đó. Cũng vẫn ỏ mảnh đất Huế này, cảnh hầu đồng cũng có nhiều nét văn hóa riêng. Hầu đồng sông Hương khác hầu đồng sông Hồng cả về lời ca, về điệu múa, về nghi lễ. Đây là lễ hầu đồng riêng của một gia đình diễn ra trên sông Hương. Đó thực sự là nét tín ngưỡng mang đậm bản sắc phương Đông. Người Việt muốn qua ông đồng bà cốt để có thể nói chuyện với thánh thần, với tổ tiên, với người đã khuất.
Ở Huế còn một địa danh mà Patrick Moreau đã không thể bỏ qua là khu Đầm Phá, một nghĩa trang khổng lồ với hàng ngàn ngôi mộ từ bé đến lớn, từ khiêm tốn như gò đất đến những ngôi mộ khổng lồ như lăng tẩm. Một sự tình cờ khi ghé chân đến đây, đạo diễn đã được chứng kiến một gia đình Việt kiều mang hài cốt của cha đã mất cách đây 5 năm về quê hương chôn cất. Lễ an táng diễn ra nghiêm trang và là điều khá mới mẻ so với những người con gốc Việt lần đầu tiên đặt chân về quê hương bản xứ cũng như lần đầu tiên chứng kiến tận mắt những tập tục này. Mộ được chôn cất trên cồn cát. Đó cũng là một nét văn hóa riêng của người dân vùng này. Bởi tổ tiên xa xưa của họ làm nghề chài lưới, cuộc sống gắn liền với biển cả, với sóng gió, trên mỗi ngôi mộ còn có hình một con thuyền nhỏ, một người bạn theo họ trong mỗi chuyến xa khơi.
Tiếp tục đi sâu vào miền Nam, quanh dải đất cong cong hình chữ S, Patrick Moreau đã tìm thấy nhiều điều hay, mới lạ cho bộ phim tài liệu của mình. Hãy cùng anh ghé thăm làng người Chăm ở Phan Rang. Đến làng An Nhơn, Patrick Moreau tâm sự: “Tôi có cảm giác như đang ở một đất nước khác, một kiến trúc khác, một lối sống khác, một nền văn hóa khác”. Đa số những người Chăm trong làng đều là người Hồi giáo, nghi lễ của họ diễn ra vào tất cả các thứ 6 hàng tháng sau lễ cầu kinh.
Ghé chân đến đất Phan Thiết người xem sẽ được chứng kiến lễ hội cá voi. Đây là lễ hội dành cho cộng đồng người Hoa ở Phan Thiết nên lễ hội mang nhiều nét văn hóa Trung Hoa. Lễ hội vừa để tạ ơn vừa để cầu an, mong thần thánh che chở cho ngư dân và thủy thủ luôn gặp điềm lành trong năm tới.
Đất Tây Ninh lại là cái nôi của đạo Cao đài. Tại đây có hai lễ hội lớn đáng chú ý là lễ Cha vào tháng giêng và lễ Mẹ vào tháng tám hàng năm. Patrick Moreau đã quay một cách trung thực buổi hành lễ này, tất cả mọi người tập trung đông đủ ở nhà thờ cùng cầu nguyện và làm lễ.
Gần 2 tiếng đồng hồ giới thiệu những hình ảnh về các dân tộc Việt Nam, cùng với lời tâm sự, bình luận trực tiếp của tác giả đã thực sự đem đến cho khán giả một cái nhìn tổng quan về những phong tục, lễ nghi của một đất nước đa dân tộc, nhiều nét văn hóa. Những thước phim tư liệu ấy đang gấp rút được hoàn thiện chắc chắn sẽ tạo được ấn tượng tốt trong lòng người xem.

Chú thích ảnh trên cùng: Một cảnh trong phim

Thúy Hằng

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)