Phim truyện sao chưa tiến lên?
Phim truyện ở đây nói chung là phim truyện nhựa cũng như phim truyện truyền hình ta vẫn thường được thưởng thức tại các rạp chiếu bóng hoặc trên các kênh ti vi. Phim truyện nhựa của điện ảnh là thứ sản phẩm nghệ thuật ít được sản xuất do tốn kém và phức tạp hơn phim băng từ. Về phim truyện nhựa, lâu nay người quan tâm đến nghệ thuật thứ bảy hay băn khoăn: Điện ảnh Việt Nam dường như chưa tìm được thế đứng ổn định. Nghệ sĩ trong ngành lại có những câu hỏi cụ thể hơn: Làm thế nào để có phim hay? Làm thế nào để điện ảnh phát triển? Tìm được lời giải cho bài toán đó chắc chắn là một vấn đề làm đau đầu nhiều người có trách nhiệm.
Hôm nay người ta lại đang nghe bàn tới chuyện đấu thầu kịch bản. Đấu thầu kịch bản phim nhựa hay phim truyền hình? Liệu điều ấy tác động được bao nhiêu tới chất lượng phim? Kết quả còn phải chờ xem. Tất nhiên những nhà sản xuất có điều kiện được chọn lựa kịch bản ưng ý mình, với giá sản xuất hợp lý nhất. Đấy mới chỉ giải quyết một phần cho khâu đầu vào. Tiếp theo phần chất lượng và đầu ra vẫn còn chấm lửng.
Nên chăng đã tới lúc chúng ta nghĩ tới một thương trường phim truyện thật sự, thương trường cạnh tranh tự do, xóa bỏ hoàn toàn bao cấp độc quyền, lúc đó may ra sự cạnh tranh sẽ thúc đẩy điện ảnh có những bước nhảy vọt, không trì trệ như hiện nay.
Xét từ thực tế, số đầu phim ít ỏi được nhà nước đầu tư đã không thể đáp ứng thúc đẩy điện ảnh tiến lên được. Kể cả những bộ phim tốn hàng nhiều tỉ cũng vậy. Một bộ phim nào may mắn lọt vào mắt xanh trong diện được xét duyệt (với rất nhiều lý do, có thể nói ra và không thể nói ra) nó không hề phải cố gắng cạnh tranh chất lượng với ai cả. Được ưu ái rồi, cứ thế mà làm, miễn không sai những gì đã duyệt, để sau này còn cãi. Có những phim làm xong cốt để chiếu trình làng lấy lệ, chứ chả ai đi xem. Sang năm ta lại có chỉ tiêu mới phân bổ cho nhau. Tiền nhà nước mà!
Ở lĩnh vực nào cũng vậy, sự cạnh tranh sẽ thúc đẩy tiến bộ. Thật đáng ao ước nếu các cơ sở sản xuất phim đều tự đầu tư kinh phí (có của đau mới con xót), tự tạo thương hiệu riêng, khẳng định chỗ đứng bằng chất lượng thương hiệu mình (nếu không muốn sập tiệm). Họ buộc phải tìm mọi cách có phim hay để giành thị trường. Đương nhiên đồng bộ với việc đó là hệ thống các rạp chiếu bóng, các nhà đài phải liên minh sống chết với các hãng sản xuất, mua phim trình chiếu, chứ không lấy sự khai thác phim nước ngoài cho đỡ tốn tiền kinh doanh, bỏ mặc nền phim truyện nước nhà muốn ra sao thì ra… Rạp chiếu bóng rõ ràng phải trở thành “cửa hiệu” thu hút khán giả, gián tiếp thu hồi vốn giúp các hãng tái sản xuất, thậm chí cùng chung vốn đầu tư cho những thương hiệu thật sự có chất lượng.
Hy vọng rằng thương trường tự do cho phim truyện nhựa như vậy còn tránh được những phiền toái nơi hậu trường: làm sao để kịch bản mình được lọt mắt xanh ai đó; vận động thế nào cho một chỉ tiêu bao cấp làm phim rơi vào tay mình… chưa kể đến chuyện phải khôn ngoan không được làm mất lòng bà nọ ông kia, kẻo sẽ bị gạt ra rìa, cho ngồi chơi xơi nước. Không ai nói ra miệng nhưng người ta thường tế nhị coi việc phân bổ số chỉ tiêu bao cấp của nhà nước như một thứ để ban phát cho nhau.
Cũng tương tự khi nói đến phim truyện truyền hình, anh em sinh đôi của phim truyện nhựa. Phim truyền hình là đứa em tuy sinh sau nhưng được ra đời trong điều kiện nuôi dưỡng tốt, nghĩa là sinh trong thời đại khoa học kỹ thuật bùng nổ, máy truyền hình tràn khắp hang cùng ngõ hẻm, bởi thế em nó có khả năng tung hoành ngang dọc khắp toàn cầu cũng như tại bản địa. Tuy vậy đứa em ấy ở Việt Nam cũng èo uột nép vào một xó trước các anh ngoại bang. Mở tivi bất kỳ kênh địa phương hay kênh trung ương trong chương trình phim truyện, ta sẽ luôn nghe thấy những tỉ tỉ, muội muội, những sạt, vèo, bùng, keng… của dòng kim kiếm hiệp, ma quái Trung Hoa lục địa cũng như Hồng Kông, Đài Loan, hoặc được học hành cẩn thận về thân thế sự nghiệp các bậc Cao tổ, Võ hậu, Lã Bất Vi tới những anh em Lưu Bang, Tần Thủy Hoàng, Càn Long… của lịch sử Trung Quốc. Cái khối quần chúng mênh mông của ta như lớp tiểu thương buôn bán, các chị em nội trợ, các cháu thanh thiếu niên, những người tiếp cận thường xuyên văn hóa tivi, hàng ngày kháo nhau vanh vách từng chương hồi, tình tiết của những bộ phim dài tập ấy. Thảng hoặc được đổi món thì lại liên miên mối tình tay đôi tay ba sướt mướt bi thảm, thù hận, éo le của dòng phim Hàn Quốc. Hình ảnh hoành tráng bắt mắt, sang trọng, kỹ thuật máy móc cao, màu mè nhuần nhị, diễn viên nam nữ xinh như tượng sứ… tất cả đã hút hồn tầng lớp khán giả nói trên, tạo thành một thứ văn hóa tivi không thể thiếu để thưởng thức. Dư luận gần đây nhiều ý kiến cho rằng: nhà đài cần xem xét việc khai thác nguồn phim nước ngoài, kẻo sẽ lợi ít mà hại không thể nào kể hết. Vâng, có nên dùng phương tiện tuyên truyền của nhà nước ta để hào hiệp quảng bá cho thứ nghệ thuật nước ngoài không mấy cần thiết, không nhằm nâng cao trình độ dân trí đến mức ấy không?
Vậy mà chen chân được vào làng sản xuất phim truyền hình Việt Nam cũng rất vất vả. Thi thoảng bắt gặp một vài phim mang tên tuổi nghệ sĩ điện ảnh, do chỉ tiêu phim nhựa ít ỏi không rơi vào tay nên họ phải nhao sang xếp hàng bên truyền hình, và bên điện ảnh cũng được phân bổ một số đầu phim truyện truyền hình để anh em có cái mà hoạt động. Nhưng sông nào chẳng có Hà Bá. Nhà đài nào cũng có một đội ngũ anh em trong đường guồng của họ. Ai muốn để nguồn công việc có hạn ấy lọt khỏi tay mình ra ngoài? Nghe đâu các đài địa phương còn không được khuyến khích làm phim truyện nữa kia. Cứ lấy phim nước ngoài mà chiếu, tỉ tỉ muội muội có khi xin được không mất tiền, có khi là hàng trao đổi giao lưu hữu nghị giữa các nhà đài, hoặc khai thác từ các nguồn trôi nổi vô tư khác. Thừa phim chiếu, tiền nong chi phí không đáng kể, không phải trích tiền quảng cáo để đầu tư sản xuất phim truyện, vừa đỡ tốn kém mà chưa chắc đã hay. Chúng em nhà đài địa phương, hoạt động cốt đủ thời lượng đã lấy làm quý!
Bởi vậy dân ta mới được học lịch sử Trung Quốc, mới được bồi dưỡng các môn phái võ lâm, dao kiếm, giết chóc, ma quái, hoang đường! Cứ hỏi tại sao hôm nay có những em học sinh thản nhiên giết người chẳng vì điều gì lớn lao, thì đấy, tôi tin có phần nào ảnh hưởng bạo lực ở trên màn hình đã ngấm vào đời sống.
Tất nhiên không đơn giản mỗi lúc mà thay đổi đánh xoạch một cái. Bao nhiêu vấn đề phức tạp phải tháo gỡ. Cục Điện ảnh chỉ làm vai trò duyệt nội dung, cho phép các kịch bản của các hãng phim trong toàn quốc sản xuất thôi ư? Các rạp chiếu bóng không được chiếu phim nước ngoài tràn lan, chỉ được nhập chiếu với tỉ lệ rất ít, còn phải mua phim Việt Nam mà chiếu cho dân xem, khuyến khích nền phim nội địa, liệu như vậy có hoạt động được không? Các nhà đài sẽ mở rộng cửa mua phim Việt Nam của bất cứ hãng sản xuất nào để chiếu trong chương trình phim hàng ngày không? Nếu được vậy chắc sẽ có nhiều hãng sản xuất mọc lên như nấm sau mưa và ganh nhau chất lượng để giành thương hiệu.
Với góc nhìn của một cá nhân, xin các bạn coi đây là một mơ ước chưa biết có tính khả thi hay không.