Phố của Minh
Phố là một đề tài cũ, quen thuộc và nhiều họa sỹ đi trước đã để lại dấu ấn. Đi tìm cái mới trong một đề tài cũ đã là thành công của Nguyễn Minh, vẻ đẹp của nghệ thuật nằm ở ngay trên con đường phiêu lưu, kiếm tìm chứ ở đâu xa.
Phố của Nguyễn Minh là một giai điệu của lô xô, nhấp nhô, cao thấp, ngắn dài, to nhỏ của những hình cơ bản, những kỷ hà, vuông, tam giác, hình thang cân, lệch, chữ nhật đứng, nằm…Những nhà ấy, những mái ấy, tường ấy, ô cửa ấy chồng lấn, “chen chúc”, sau trước, phải trái, bao bọc, ôm ấp, đan cài, nấp vào nhau, nép bên nhau, ẩn vào nhau, đồng hiện với nhau, chia sẻ cùng nhau, nương tựa bên nhau. Gợi đến một bố cục nhà– phố – ngõ, tổng phổ nhà – phố – ngõ. Cấu trúc lại những phố, những đường, những ngõ ngách đã quen mắt thành một kiểu phố khác, lạ mắt hơn. Bố cục khúc triết chính phụ, tương phản rõ, lệch phải trái hoặc trên dưới, tương phản của những mảng phố dầy đặc và những khoảng trống lớn, tương phản của những cột điện bơ vơ, vươn dài tạo ra hiệu quả thẩm mỹ.
Minh thích tông trung độ, chuyển êm đậm nhạt, không sáng quá, không tối quá. Cũng như hòa sắc không chói gắt, không tương phản nóng lạnh. Phố của Minh thống nhất một cách kể bằng “giọng điệu” nửa đồ họa, nửa hội họa, vừa mảng phẳng, vừa đi nét. Nét lúc rõ lúc mờ, lúc chìm vào mảng. Mảng khi phẳng một màu, phẳng một chất, phẳng một độ nhưng cũng có khi mảng được tạo chất, xốp hoặc êm, dầy và mỏng. Các gương mặt phố ấy của Minh có lẽ vừa đủ đẹp mà vẫn vừa đủ chừa lại một khoảng duyên dáng để tưởng tượng và mơ mộng nên phố Minh đều không có người nhưng vẫn thấy thấp thoáng những gương mặt người, thân phận người đâu đó ẩn hiện trong thân phận phố, hình hài phố ấy… Chợt nhớ đến những ca khúc của Trịnh Công Sơn:
Bỗng một hôm qua phố hoang tàn/
Tôi quen như tôi đã có lần
…
Nhiều khi muốn đi về con phố xa/
Nhiều khi muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà
…
Trời đất kia có hay ta về
Một góc phố hồng, một phố hư không
…
Em qua phố rộng
Một lời trối trăng còn tìm thấy trong đôi mắt
Trong cái điểm nhìn tư duy tạo hình ấy đã có sẵn, đã ấp ủ lớp men cho điêu khắc, cho nên bên cạnh hội họa, Nguyễn Minh đã “phiên dịch” những con phố ấy sang điêu khắc để thêm một diện mạo khác, một chiều kích khác cho phố của mình. Vẫn là mảng và nét nhưng điểm mới trong điêu khắc của Minh chính là anh đã dùng nét để tạo khối, những “khối không”, “khối rỗng”, điểm xuyết là vài ba mảng bẹt- đặc. Một tương phản rất đẹp.
Phố là một đề tài cũ, quen thuộc và nhiều họa sỹ đi trước đã để lại dấu ấn. Đi tìm cái mới trong một đề tài cũ đã là thành công của Nguyễn Minh, vẻ đẹp của nghệ thuật nằm ở ngay trên con đường phiêu lưu, kiếm tìm chứ ở đâu xa. Phố xá cũng là người, nhà cửa cũng là người, mỗi người mỗi nhà, mỗi duyên mỗi nợ, mỗi được mỗi mất, mỗi vui mỗi buồn, mỗi thân mỗi phận. Vẽ nhà vẽ phố hay vẽ gì thì cũng là vẽ mình, vẽ lòng mình. Vẽ núi non, sông biển hay vẽ nhà cửa phố phường gì thì cũng phải ẩn chứa trong đó ẩn ức người, nỗi niềm người, tâm trạng người. Nghệ thuật nào mà chả mang khuôn mặt người.