Phơi nghĩ ngợi
Nghĩ ngợi nhiều việc, nhiều chuyện, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người nên cuộc viết của Hoàng Hồng-Minh cũng vì thế mà tản ra nhiều hướng, nhiều điểm. Cảm giác tác giả không ngại những việc nhỏ, chuyện tầm phào để lấy cớ nghĩ về những điều hệ trọng không chỉ của cá nhân mà còn là của cộng đồng, xã hội.
Nghĩ ngợi nhiều việc, nhiều chuyện, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người nên cuộc viết của Hoàng Hồng-Minh cũng vì thế mà tản ra nhiều hướng, nhiều điểm. Cảm giác tác giả không ngại những việc nhỏ, chuyện tầm phào để lấy cớ nghĩ về những điều hệ trọng không chỉ của cá nhân mà còn là của cộng đồng, xã hội. Một “xã hội vui vẻ”, như anh hình dung, phải được tập dượt từ chuyện xưng hô cho đúng, phải xây dựng và thực thi sự tôn trọng, phải tìm thấy và gieo gặt niềm vui ở nơi mình sống, phải đặt đồng tiền nằm đúng chức năng của nó… Đó cũng là xã hội biết lắng nghe, dân chủ, cần giữ lời hứa chứ không sa vào luận tranh, “đừng vì ham ngồi viết luận cương mà bỏ việc đánh răng” (tr.108), nghĩa là phải tập làm quen với qui củ, pháp chế. Trong nhiều thói tật làm mệt đời sống mỗi người, cản trở sự phát triển bình thường của xã hội, anh thấy lễ lạt quanh năm, chuyện ma chay cưới xin, chuyện quá nhiều hội thảo, đến thờ chữ, sính chữ, thích lên lớp, hay cả chuyện tên riêng viết hoa…, là những thứ không dễ thanh tẩy ngay, vì nó ngấm sâu vào vô thức, vào căn tính đám đông. Bởi thế, việc lấy tập tục, nhân danh các qui ước có tính truyền thống để thắt chặt vào đời sống đang biến đổi một cách mặc nhiên mà không “tìm hiểu và phân tích chúng, định giá lại chúng” (tr.59) sẽ thực sự oái oăm, trớ trêu hơn là tích cực, hữu ích. “Một cộng đồng toàn những người ngoan – anh bình luận, nói gì cũng vâng, bảo gì cũng làm, thực ra là đáng ghê sợ lắm” (tr.114). Được quan sát và trải nghiệm nhiều môi trường văn hóa, không gian sống trên thế giới, tác giả có thực tiễn để nhìn về “xứ ta”, “ao ta” kĩ càng, tỉnh táo hơn. Theo đó, chỉ khi nào “ao ta”, trong thời điểm toàn cầu hóa hiện nay, “thể hiện rõ được lòng khát khao cởi mở để tổ chức cho được một đời sống tốt đẹp, nhân hậu, tự do cho mỗi con người của cộng đồng, nó sẽ bắt đầu được một cuộc tiến hóa tự thân” (tr.360). Còn trong trường hợp ngược lại, “ao ta”, như những gì anh trông thấy, rất có thể chỉ là nơi tụ đọng của những thói hư tật xấu, của một tâm lí tự thỏa mãn hoặc sợ hãi trước các sức ép, thách thức ngặt nghèo trong hiện thực đa thể, phức thể hôm nay. Tôi không muốn dùng chữ “phản biện” đang dễ dãi dán mác khắp nơi nhưng quả thật, phần lớn những chủ kiến của người viết đều có lõi bình và phê rất vừa vặn. Ấn tượng này đặc biệt rõ ở các bài “nhiều chữ” như Niềm vui trọ ở nơi đâu?; Tình yêu có giá; Hiện thực, đơn thể, đa thể, phức thể; Nền cộng hòa biết tự dưỡng, biết hòa giải; Tết này thiền định “ao ta”…
Tôi không nghĩ tất cả những nghĩ ngợi, luận bàn của tác giả là chí lí, là có thể nhón lấy ở đó như liều thuốc dã tật. Nhiều vấn đề, như về chữ nghĩa tiếng Việt, về văn tự Hán, hẳn còn đợi ngày rộng tháng dài lật giở thêm. Tuy vậy, điều quan trọng và đôi khi vì nó ta mới trân quí, ấy là một tấc lòng biết đau đáu, một thói quen biết nhìn nhận, đánh giá riêng trước muôn mặt sự đời. Hiểu rằng tác giả là người cả nghĩ, và nhiều chỗ “cả gan” nói thẳng nên độc giả hẳn sẽ thể tất cho những chuyện “biết rồi, khổ lắm” để lắng nghe anh nối dài thêm vào chuỗi “nói mãi” của không nhiều trí thức thực tâm muốn đời sống, dù nhỏ và ít ỏi, trở nên tử tế hơn. Tất nhiên, với những người tỏ tường chuyện trong nhà ngoài ngõ như anh thì chắc anh cũng thừa biết giới hạn kiểu “tỏ lòng” ấy là thế nào. Tôi hiểu vì sao, rất nhiều lúc, anh đã dụng đến tiếng cười, cười vui cười xòa, tiếu lâm hóa câu chuyện của mình. Rồi nhiều chỗ anh sự cố tân biên (chuyện cũ viết lại) một cách dí dỏm, đùa bỡn. Bóng gió, ngụ ý, ngụ ngôn nhưng nhẹ nhõm và dù gì, cũng Việt tính rằng, “cầm lòng vậy” cái trần đời này, ít nhất ở thời điểm chúng ta đang sống. Nhân vật “Cụ Hinh” thấp thoáng khắp cuốn sách, thiển nghĩ, chẳng phải thuần Việt từ bộ dạng, giọng điệu đến túc trí đa sự nhưng lực bất tòng tâm đó ru?
Thế nên, khi dọn kho nghĩ ngợi, phơi đầy trên trang sách, Cụ Hinh không lường hết những hạt chắc hạt tốt bị lẫn trong hạt lép. Có hạt là lời hay ý đẹp đáng cất đi, nhưng nhiều hạt chỉ nên vung ở facebook chẳng hạn, để vui vẻ nhấn “like” rồi quên. Bởi sách vở văn chương ở “ao nhà” cũng đã lắm hàng xén đấy thôi.