Phỏng vấn
Vừa kết thúc buổi nói chuyện, anh ta cầm cuốn sổ tay lên bục tìm tôi.
– Anh không dự à?
– Không – Anh ta vừa nói vừa gọt bút chì – Tôi mới xem khúc côn cầu xong.
– Anh phải đưa tin trận đấu à?
– Không. Không phải lĩnh vực của tôi. Tôi chỉ phỏng vấn nhà khoa học và viết về các buổi nói chuyện của họ. Nhưng phải nói khúc côn cầu tuyệt thật! Thôi, trở về bài nói chuyện của ông đi!
– Bài nói chuyện của tôi là “Tương lai xán lạn của khoa học”.
– A! Là khoa học? – Anh ta hí hoáy vào sổ tay.
– Đúng vậy, khoa học – Tôi đáp.
Anh ta bỗng dừng bút.
– “Xán lạn”… “X” hay “S” nhỉ – Anh ta hỏi.
Tôi chỉ cho anh ta.
– Hiểu rồi! – Anh ta lại nói – Nhưng mà… điểm chính của ông là gì? Đúng vậy, điểm chính. Hẳn ông phải hiểu những gì mình nói nhỉ?
– Tôi nói về vấn đề liên quan tới vật chất có tính phóng xạ và lý thuyết mang tính đột phá về kết cấu nguyên tử.
– Hượm đã – Anh ta nói – Tôi đang chép lời ông đây. “Tính phóng xạ”… lại còn “mang tính đột phá”. Rồi. Hay lắm. Đều chép vào đây rồi.
Dường như sắp gập sổ, đột nhiên anh ta hỏi:
– Trước ông đã đến đây chưa?
– Chưa. Đây là lần đầu tiên.
– Ông ở khách sạn mới xây phải không?
– Đúng rồi.
– Cảm giác thế nào?
– Cũng được.
Anh ta lại mở sổ ra và ghi chép.
– Ông có thấy lò mổ mới gần đấy không?
– Không. Thậm chí tôi chưa từng nghe.
– Nó là lò mổ lớn thứ 3 ở đây đấy! Ông có thể cho biết cảm tưởng về nó?
– Tôi nói rồi. Tôi còn chưa thấy nó.
Anh ta viết mấy chữ, sau đó lại hỏi:
– Về cái hội đồng thành phố tệ hại này, quan điểm của ông thế nào?
– Những việc như thế này, tôi cũng chưa từng nghe.
– Ông không biết thành viên hội đồng thành phố này đều là lừa đảo à?
– Tôi thì chẳng có khái niệm gì về họ cả.
– “Chẳng có khái niệm gì?” – Anh ta thốt lên – Nhưng, lẽ nào ông không thấy bọn họ đều thề à?
– Tất nhiên. Bọn họ rất hay dối trá – Điểm này thì tôi đồng ý với anh ta – Sự thực thường chứng minh bọn họ là một lũ côn đồ.
– A, ông nói bọn họ là một lũ côn đồ? Hay lắm. Thật là tuyệt.
Anh ta hoạt bát hẳn lên
– Bản báo đặc biệt hoan nghênh những phát biểu loại này. Ông xem, thường các diễn giả đều không nói hay đến độ… “một lũ côn đồ”. Chà, thật là tuyệt. Ông vừa nói bọn họ kiếm bẫm nhờ xây lò mổ?
– Về chuyện này thì tôi e không có gì để nói cả.
– Nhưng… – Anh ta dường như van lơn – Ông có chắc là họ có thể làm chuyện đó không?
– Không, không, đúng là tôi không có gì để nói cả.
– Thôi được – Anh ta nói vẻ hậm hực – Tôi có thể bỏ qua chi tiết này. E hèm, xin cảm ơn ông. Tạm biệt!
Hôm sau, khi chuẩn bị rời thành phố, tôi thấy tờ báo có bài của anh ta. Đầu đề to tướng đập vào mắt:
HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ LÀ MỘT LŨ CÔN ĐỒ
Nhà khoa học nổi tiếng nói chuyện về khoa học Cơ đốc
Dưới đây là những gì anh ta viết:
Hôm qua, một nhà khoa học nổi tiếng đã tới thành phố ta nói chuyện về khoa học Cơ đốc. Người nghe đã được thưởng thức phong cách nói chuyện độc đáo của ông. Ông nói hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại vô tuyến, đồng thời chỉ ra hội đồng thành phố là một lũ côn đồ. Ông đã miêu tả kỹ lưỡng quá trình giải phẫu kết cấu, đồng thời nhận định cái gọi là kết cấu thực chất là kết quả của phóng xạ vô tuyến. Ông đã chúc mừng lò mổ mới xây của thành phố ta, nói đó là lò mổ hoành tráng nhất mà mình từng thấy, vì thế ông không có ý kiến gì về chuyện tham nhũng trong quá trình xây lò mổ. Bài nói chuyện của ông hấp dẫn người nghe, nhận được hàng tràng pháo tay…
Xem xem! Anh ta viết như thế đó. Những ai từng tiếp xúc với phóng viên đều biết đó là “ngón nghề” của họ! Song không vì thế mà tôi bực bội đâu nhé! Hằng sáng thức dậy, chúng ta chẳng đều mong đọc những tin tức kiểu đó sao?