Phục dựng chân dung một trí thức

Năm nay, tròn một 120 năm ngày sinh của học giả, nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nhà văn hóa, dịch giả Phan Khôi (1887-1959). Dịp này đã được đánh dấu bằng một loạt sự kiện có ý nghĩa. Các tập sách sưu tầm bài viết của Phan Khôi trong các năm 1930, 1931 và các bản dịch Lỗ Tấn của ông đã được xuất bản. Một tọa đàm về ông cũng đã được Tạp chí Xưa và Nay, Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, học giả có uy tín như Đinh Xuân Lâm, Vu Gia, Nguyễn Q. Thắng, Lại Nguyên Ân. Từ những vùng xa của quá khứ, từng bước, một chân dung trí thức đã được phục dựng lại. Nhân dịp này, chúng tôi xin được điểm lại đôi nét về tiểu sử, sự nghiệp trước thuật và những công trình chính của Phan Khôi.

– Phan Khôi, hiệu Chương Dân sinh ngày 6.10.1887. tại làng Bảo An, nay thuộc xã Điện Quang, Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha là Phó bảng Phan Trần, tri phủ Diên Khánh; mẹ là bà Hoàng Thị Lệ, con gái Tổng đốc Hoàng Diệu. Thiếu thời học chữ Hán, năm 19 tuổi đi thi, đỗ tú tài.
– Năm 1907, Phan Khôi ra Hà Nội tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Sau khi nghĩa thục bị đóng cửa ông đi Nam Định, sau đó về quê. Sau đó ông bị thực dân bắt và giam ở miền Trung. Đến năm 1913, Phan Khôi được tha.
– Năm 1918, Phan Khôi ra Hà Nội, tham gia viết tờ Nam phong tạp chí của Phạm Quỳnh. Đây là thời điểm bắt đầu sự nghiệp báo chí của Phan Khôi.
– Từ 1920 đến năm 1945, ông đã viết cho các tờ : Lục tỉnh tân văn, Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh tạp chí, Đông pháp thời báo, Phụ nữ tân văn, Thần chung, Trung lập, Quần báo, Đông tây tuần báo, Phụ nữ thời đàm, Tràng An, Sông Hương, Hà Nội báo, Đông dương tạp chí, Dư luận, Thời vụ, Tao đàn, Phổ thông bán nguyệt san. Trong khoảng thời gian nói trên, ông đã tham gia hoặc khởi xướng nhiều cuộc tranh luận về hiệp ước Pháp-Việt năm 1787, về vấn đề nữ quyền, về việc viết đúng chữ quốc ngữ, về vấn đề di sản Nho giáo và di sản học thuật Việt Nam trong quá khứ.
– Năm 1932, ông in bài thơ Tình già trên tờ Phụ nữ tân văn, khởi đầu cho phong trào Thơ mới.
– Sau năm 1945, ông đựơc Hồ chủ tịch mời ra Hà Nội và tham gia khác chiến với cương vị một nhà văn hóa.
– Năm 1956, 1957, Phan Khôi có một số bài viết trên báo của nhóm Nhân văn giai phẩm.
Khoảng thời gian hoạt động rực rỡ nhất của Phan Khôi, “làm cho Phan Khôi trở thành Phan Khôi” kéo dài từ năm 1928 đến năm 1939. Trong khoảng thời gian này, toàn bộ các bài viết của ông đều được đăng trên báo với các đề tài rất đa dạng : cổ học Trung Quốc và Việt Nam; văn hóa, văn học và chính trị Trung Quốc đương đại; khảo cứu lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và văn học Việt Nam, phê phán chính trị đương thời.
Các tác phẩm chính của Phan Khôi đã in thành sách :
Chương dân thi thoại (1936)
Trở vỏ lửa ra (1939)
Tìm tòi trong tiếng Việt (1950)
Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ (dịch của Xit-ta-lin, 1951)
Việt ngữ nghiên cứu (1955)
Dịch Lỗ Tấn (từ 1955 đến 1957)

(Tổng hợp tư tư liêụ của gia đình và nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân)

P.V

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)