Pinocchio – Sự phức tạp đằng sau lời nói dối

Tác phẩm Pinocchio mới nhất của Guillermo del Torro (2022) đã thoát ra khỏi cái bóng của bản gốc cách đây 200 năm và khỏi phiên bản chuyển thể huyền thoại của Disney năm 1940 để mang lại một góc nhìn mới về sự dối trá và sự trung thực.

Một cảnh Pinocchio và cô tiên xanh trong truyện. Ảnh: smithsonianmag.com

Ra đời cách đây hai thế kỉ, Cuộc phiêu lưu của Pinocchio của Carlo Collodi vẫn đầy lôi cuốn với ít nhất 260 bản dịch các thứ tiếng khác nhau và hàng chục phiên bản điện ảnh chuyển thể. Là một tác phẩm được viết ra dành cho trẻ thơ nhưng cuốn tiểu thuyết này được nhiều nhà phê bình sau này đánh giá là tăm tối và nghiệt ngã, khác hoàn toàn với những truyện cổ tích, thần thoại mà các em vẫn thường hình dung.

Công chúng ít người biết đến chú rối Pinocchio thông qua bản gốc mà qua tác phẩm điện ảnh – hoạt hình chuyển thể hoạt hình của Disney năm 1940. Trong ấn tượng của đa số, đây là câu chuyện về sự dối trá: Pinocchio là một con rối gỗ biết nói cười với chiếc mũi dài ra mỗi khi nói dối. Nhưng nói dối không phải là trung tâm mà là hành trình làm người đau đớn của một đứa trẻ vô cùng ngỗ nghịch và ích kỉ.

Pinocchio ban đầu là một khúc gỗ biết nói cười được ông thợ mộc Cherry tặng cho người bạn Geppetto để làm con rối. Ông Geppetto đặt tên con rối là Pinocchio với hy vọng nó sẽ lưu diễn khắp nơi để phụng dưỡng ông khi tuổi già sức yếu, vì ông rất nghèo. Nhưng đáp lại kì vọng của người đàn ông tội nghiệp, khi ở hình hài chưa hoàn chỉnh, Pinocchio đã làm đủ trò đập phá: khi ông lão tạo ra khuôn miệng, cậu mở lời xúc phạm ông, cười vào mặt ông và trốn chạy. Năm lần bảy lượt trong suốt câu chuyện, sự ngỗ nghịch, nhẹ dạ, ngu dốt đã thường xuyên đẩy những người tốt bụng trong cuộc đời Pinocchio và cả chính bản thân cậu bé vào tổn thương và hiểm nguy, thậm chí là mất mạng.

Ban đầu, sự ngỗ nghịch của Pinocchio đã khiến Geppetto phải vào tù vì cảnh sát nghĩ rằng người bố đã đối xử tệ hại với cậu. Về sau, sự nhẹ dạ và ngu dốt của Pinocchio đã khiến cậu bỏ học, không phải một mà là hai lần. Lần thứ nhất, Pinocchio bỏ học, sự xúc động vì người bố đã bán chiếc áo ấm duy nhất để có tiền mua sách đánh vần cho cậu nhanh chóng biến mất khi cậu háo hức sa đà vào gánh xiếc bên đường. Và từ đó là một chuỗi những vận rủi mà Pinocchio gặp phải: suýt bị thiêu chết bởi ông chủ gánh xiếc, sau khi được ông chủ gánh xiếc rủ lòng thương cho tiền mang về cho cha thì bị hai kẻ Cáo và Mèo giả mù, giả ngu lừa gạt. Chúng không những muốn lừa lấy và cướp tiền mà còn định treo cổ giết luôn cậu bé. Nhưng Pinocchio nhẹ dạ thì không mảy may nghi ngờ, khiến dẫn đến hai sinh vật tốt bụng ra sức can ngăn chú đều bị giết chết. Pinochio cuối cùng mất tiền, nhưng đi kiện thì chính quan tòa – dưới dáng vẻ là một con khỉ đột đeo kính, thay vì tìm bắt cáo và mèo thì lại bỏ tù cậu vì “tội ngu dốt”.

Cuộc phiêu lưu của Pinocchio cứ liên tiếp rơi vào tai ương, tưởng như sau khi được Cô Tiên xanh cứu nạn, cậu bé sẽ trở thành một thiếu niên chăm chỉ học hành. Pinocchio về sau có trở thành một học sinh xuất sắc đầu lớp, nhưng vì một phút “sa ngã” mà cậu tò mò chạy theo anh bạn Candlewick tới Vùng đất đồ chơi. Đây là lần bỏ học thứ hai của cậu bé và kết quả còn thảm khốc hơn cả lần trước. Vùng đất này đã hóa những đứa trẻ chỉ thích chơi, không thích học thành con lừa. Kết quả là Pinocchio bị hóa thành lừa và bị bán cho rạp xiếc để mua vui, để rồi khi bị trẹo chân không thể biểu diễn được thì suýt bị lột da để làm trống.

Tác phẩm là sự phản chiếu của del Toro với bản thân và thế giới về ý nghĩa của việc sống trên đời: Sự không vâng lời có khi khiến con người suy tư và chuyển biến. Sự không hoàn hảo có khi là một phẩm chất. Lời nói dối tồi tệ nhất là nói dối với chính mình.

Nổi bật trong “Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio” còn nằm ở ý nghĩa: thế nào là một con người thực sự? Ở phút cuối cùng, điều gì khiến Cô Tiên xanh quyết định biến Pinocchio thành một cậu bé bằng xương bằng thịt? Bất kể cậu đã từng là một chú bé hư đốn, dối trá, không vâng lời trước lời khuyên của Chú Dế biết nói và Bà Tiên, cũng như sa đà vào lừa lọc, cám dỗ, giao du bạn xấu?

Điều gì ở phút cuối cùng mà Bà Tiên quyết định biến Pinocchio thành một cậu bé bằng xương bằng thịt và tặng thêm 40 đồng tiền vàng để cậu đi học tiếp? Bất kể cậu đã từng là một chú bé hư đốn, dối trá, không vâng lời trước lời khuyên của Chú Dế biết nói và Bà Tiên, cũng như sa đà vào lừa lọc, cám dỗ, giao du bạn xấu? Ở đoạn kết cuốn sách, Cô Tiên xanh đã nói với cậu trong giấc mơ: “Đây là phần thưởng cho cậu bé có trái tim nhân hậu… Những cậu bé dịu dàng giúp đỡ cha mẹ mình, trong lúc khốn cùng và ốm đau xứng đáng được khen ngợi và yêu mến, kể cả khi chúng không được nhìn nhận là tấm gương về sự vâng lời và hành xử tốt.” Vì thế, khi biến Pinocchio thành người, cô đã nhìn nhận cậu là con người với bản tính thiện lương và tinh thần luôn hy sinh, xả thân vì người khác. Điều khiến hành trình trở thành một cậu bé thực sự (a real boy) của Pinocchio trở nên thuyết phục là vì cậu từ một đứa trẻ cư xử không đúng mực, dần học được quy luật của xã hội và sự thích nghi linh hoạt để cuối cùng chọn thành người tử tế.

Ra đời vào khoảng năm 1881-1882, tiểu thuyết của Carlo Collodi còn là một tác phẩm phản ánh xã hội đương thời. Thời bấy giờ đa số người dân nước Ý trong tình trạng đói nghèo và mù chữ, rất ít ai nhận được nền giáo dục chính thống và có địa vị xã hội như Collodi. Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio là câu chuyện đề cao vai trò của giáo dục, của học hành1. Không khó để nhận ra rằng, những rủi ro của Pinocchio ập đến mỗi khi cậu quyết định bỏ học. Con lừa không chỉ là một lời nguyền ở trong truyện dành cho những đứa bé không đi học mà còn trong tiếng Ý còn ngụ ý chỉ những người phải làm lụng khổ cực. Trong quan niệm của Carlo Collodi, không được học hành tử tế đồng nghĩa với một cuộc sống vất vả, lam lũ. Pinocchio mang hình hài bằng xương bằng thịt, nhưng để trở thành người “tự do”, “không bị dắt mũi bởi bất kì ai”, cậu phải được đến trường. Sau khi biến Pinocchio thành người, bà Tiên không quên để lại cho cậu bé 40 đồng tiền vàng để cậu tiếp tục đi học.

Cảnh Pinocchio mũi dài vì nói dối trong bản chuyển thể của Disney (1940).

Pinocchio của Disney: Nói dối là xấu?

Trong tác phẩm hoạt hình nổi tiếng Pinocchio ra đời năm 1940, mũi của cậu bé người gỗ chỉ dài ra đúng một lần vì nói dối. Nhưng đó là một cảnh phim ấn tượng và rất khó quên với khán giả. Khác với tác phẩm gốc của Carlo Collodi, “nói dối” là một trong những chủ đề chính của tác phẩm Disney.

Pinocchio trong bộ phim hoạt hình không sinh ra từ một khúc gỗ thần kì mà chỉ là một con rối vô tri. Chú người gỗ trở nên nói cười là nhờ Cô Tiên xanh hóa phép. Và để trở thành một bé trai thực sự, cô ra ba điều kiện cho chú bé là phải “dũng cảm, thành thật và không ích kỉ”. Disney đã giữ lại hầu hết các chi tiết đầy phiêu lưu của phiên bản gốc. Tuy nhiên, hãng phim này đã khéo léo ráp nối, sắp xếp và kể lại chúng sao cho câu chuyện bớt rùng rợn, tính cách nhân vật ít phức tạp. Disney đã đem lại cho các độc giả một thông điệp đầy gọn ghẽ và dễ hiểu: Nói dối là xấu. Làm người là phải biết vượt qua mọi cám dỗ, thú vui nhất thời.

Phiên bản Pinocchio của Disney này có thể được coi là chuyển thể thành công nhất trong lịch sử từ trước đến nay khi liên tục lọt vào danh sách phim hay nhất của các nhà phê bình. Tuy nhiên, việc kể một câu chuyện gọn ghẽ so với một bản gốc nhiều lớp lang nghĩa phức tạp sẽ phải đánh đổi. Trong đó, Disney đã đơn giản hóa lời nói dối. Trong lần xuất hiện duy nhất giữa cuộc phiêu lưu để cứu Pinocchio khỏi hiểm nguy, Cô Tiên xanh đã dạy cậu bé một bài học quan trọng rằng: cậu không được nói dối bất kỳ điều gì với người khác, nếu không cậu sẽ thấy hậu quả trước mắt mình – chiếc mũi gỗ mọc dài ra thành cây. Nhưng trước đó, Pinocchio đã phải chịu hậu quả đau đớn hơn nhiều khi nói thật. Cậu bé Pinocchio được Disney khắc họa ngay từ ban đầu đã là một câu bé thánh thiện, ngoan ngoãn chứ không hề ngỗ nghịch như bản gốc2. Chính vì sự thật thà mà cậu đã bị Cáo và Mèo lợi dụng để bán cho ông chủ gánh xiếc tàn ác (khác với bản gốc chỉ là rủ rê vào để xem). Và cũng chính vì sự trung thực, Pinocchio nói với ông chủ gánh xiếc rằng mình chỉ muốn đem tiền về cho cha mà gã chủ gánh xiếc đã nhốt cậu bé vào chiếc lồng chim. Thực chất những lời nói không đúng sự thật của cậu bé không làm hại ai, trong khi những kẻ hãm hại chú bé trong suốt chặng đường như Cáo và Mèo thì không phải chịu một hình phạt nào mỗi khi cất lời nói dối. Pinocchio về sau nói dối cô Tiên chỉ là một phản ứng tự vệ y. Lời của cô Tiên bỗng trở thành một lời giáo huấn khiên cưỡng và đe nẹt, thiếu bao dung với hoàn cảnh của cậu bé. Cách Pinocchio học về giá trị của lời nói thật vì thế cũng thụ động, không đến từ sự nhận thức.

Pinocchio và người cha Geppetto trong tác phẩm của Guillermo del Torro.

Trong khi đó, ở tác phẩm gốc của Carlo Collodi, lời nói dối được thể hiện phức tạp hơn nhiều. Cũng nên nói thêm rằng, Pinocchio có mũi dài ra trong truyện không phải vì nói dối, mà đơn giản chỉ vì khúc gỗ làm nên cậu bé quá đặc biệt. Tất cả các nhân vật trong truyện gốc đều nói dối, nhưng nói dối chưa chắc đã xấu. Geppetto đã nói dối cậu bé gỗ rằng chiếc áo ông mặc ấm quá nên ông phải bán đi để mua sách đánh vần cho cậu bé. Cô Tiên xanh cũng nói dối là mình đã chết để thử thách cậu bé phải tự đối diện với hiểm nguy. Cô Tiên xanh từng nói với Pinocchio rằng: “Hỡi cậu bé thân yêu của ta, những lời nói dối sẽ bị phát hiện ngay lập tức, vì chúng có hai loại. Có những lời nói dối có chân ngắn và lời nói dối có mũi dài. Lời nói dối của cậu như lúc nãy, là một lời nói mũi dài”. Ngụ ý của câu này cho rằng, dù trong hoàn cảnh nào, lời nói dỗi cũng có hại cho bản thân người thốt lời. Nhưng đó không phải là lời giáo huấn. Trong cách diễn đạt của Carlo Collodi, lời nói đó giống như một sự mỉa mai. Bởi có biết bao nhiêu kẻ dối trá trong câu chuyện vẫn cứ nhởn nhơ và thảnh thơi – trong khi người thật thà thì khốn đốn.

Pinocchio của Guillermo del Toro: Một bộ phim mang tinh thần phản Pinocchio

Nền tảng phát hành phim trực tuyến lớn nhất thế giới Netflix vừa cho ra mắt một phiên bản hoạt hình stop-motion của Pinocchio. Phiên bản này do đạo diễn Guillermo del Torro – chủ nhân của hai tượng vàng Oscar chuyển thể. Vị đạo diễn lừng danh nổi tiếng với những bộ phim mang đậm yếu tố thần tiên kì ảo pha trộn với kinh dị chỉ lấy bản gốc của Carlo Collodi làm cảm hứng để kể lại một câu chuyện hoàn toàn khác. Guillermo del Torro đã mang đến một góc nhìn mới về sự dối trá và trung thực.

Guillermo del Torro nhìn vào phim trường Pinocchio của mình.

Del Toro lần đầu tiếp xúc câu chuyện về Pinocchio khi còn nhỏ qua phiên bản của Disney (1940). Bị mê hoặc trước những khoảnh khắc dữ dội và yếu tố kinh dị trong phim, vị biên kịch- đạo diễn-nhà sản xuất đạt nhiều giải Oscar ấp ủ cho ra phiên bản Pinocchio độc đáo. Ông đặt Pinocchio trong một bối cảnh xã hội đầy thử thách: thời kì phát xít của Mussolini mà trong đó nhiều kẻ nịnh hót kẻ độc tài tàn ác để có danh vọng, những cậu thiếu niên phải che giấu trái tim non nớt và giàu tình cảm để được huấn luyện trở thành cỗ máy giết người máu lạnh. Còn bối cảnh gia đình của cậu bé người rối cũng phức tạp không kém. Người cha Geppetto chế ra Pinocchio không phải để an ủi tuổi già, cũng chẳng phải là từ sự cầu tự thuần khiết mà để thế chỗ cho đứa con hết mực ngoan ngoãn, vâng lời Carlo bị tử nạn vì bom rơi đạn lạc. Geppetto tạo ra chú bé người gỗ trong một tình trạng tồi tệ gần như mất tỉnh táo vì chìm đắm quá sâu trong rượu bia một thời gian dài. Pinocchio được Bà tiên Sự sống (thay thế hình ảnh Cô Tiên xanh) trao cho linh hồn để cứu rỗi và bù đắp những ngày tháng khốn khổ của cha mình.

Chưa sinh ra đời Pinocchio đã phải mang trên vai một trọng trách nặng nề và một tương lai tăm tối. Thế nào mới là trung thực, thật thà trong thế giới này? Pinocchio là cậu bé nghịch ngợm, tò mò và gây nhiều rắc rối, không giống như Carlo ngoan ngoãn vâng lời. Nhưng nếu “bắt chước” Carlo, cậu mới khiến cha mình vui. Pinnocchio là cậu bé ngây thơ, giàu tình thương. Nhưng nếu nịnh hót những kẻ tàn ác máu lạnh, Pinocchio không chỉ có danh vọng mà còn có thể giữ được mạng sống.     

Tác phẩm là sự phản chiếu của del Toro với bản thân và thế giới về ý nghĩa của việc sống trên đời: Sự không vâng lời có khi khiến con người suy tư và chuyển biến. Sự không hoàn hảo có khi một phẩm chất Lời nói dối tồi tệ nhất là nói dối với chính mình3. Pinocchio quyết định trung thực với con người mình, vẫn tiếp tục nghịch ngợm và tò mò, không khuất phục trước những kẻ tàn bạo, sẵn sàng xả thân để cứu bạn bè bất kể là danh dự và tính mạng của cậu bị đe dọa. Và đó là lí do mà cậu khiến những người xung quanh, đặc biệt là người đã “sinh thành” ra cậu phải thay đổi.

Pinocchio không sợ hãi việc nói dối. Nói dối không đáng ghét, miễn là những lời nói đó không trái với lương tâm của mình. Đó là khi cậu liên tục nói dối để mũi mình dài ra, tạo thành cây cầu để cứu bạn bè và về sau là người cha thoát khỏi hiểm họa. Đây là một chi tiết vừa thông minh nhưng cũng vừa xúc động: chính lúc cậu bé đang nói dối, phấn khích nhìn mũi mình biến thành một cành cây đại thụ kì dị trong mắt người khác – cũng chính là khi cậu thành thực với chính bản thân mình nhất, trân trọng và tự hào về vẻ bề ngoài kì khôi của mình.

Khác với các bộ phim chuyển thế khác, Guillermo del Toro không để Pinocchio biến thành xương bằng thịt khi phim kết thúc. Cậu bé người rối vẫn ở hình hài rối gỗ không hoàn hảo với cuộc đời kì dị không bao giờ biết đến cái chết. Nhưng trong mắt những người cha, cậu đã trở thành một người con trai đích thực. Pinocchio khác với đứa con trai quá cố của ông – nghịch phá, gây nhiều rắc rối, nói xạo, nhưng cuối cùng lại tồn tại để cứu rỗi ông. Pinocchio vừa trở thành “My Son” (con trai ta) vừa trở thành “My Sun” (ánh mặt trời, ngụ ý che chở) của Geppetto.

Khi được xướng tên nhận tượng vàng trong Giải thưởng Quả Cầu Vàng vừa qua cho bộ phim Pinocchio, del Toro đã nói trong bài phát biểu nhận giải: “Hoạt hình là điện ảnh,” và đây “không chỉ là thể loại cho trẻ em; đó là phương tiện mang tính truyền tải.” Qua câu nói này, ông đã tái khẳng định lại lời nhận định của đạo diễn Xô viết Sergei Eisenstein: “Hoạt hình có thể diễn tả bất kỳ hình ảnh nào một người nghệ sĩ có thể tưởng tượng. Chúng không còn là những bộ phim ngắn cho trẻ em nữa, mà xứng đáng đứng ngang hàng với những phim điện ảnh mang tính hiện thực”.4 Cho dù là tiểu thuyết hay phim hoạt hình, Pinocchio trải qua bao sự chuyển biến vẫn luôn mang màu sắc mới mẻ và ý nghĩa để người lớn nhìn lại về thời ấu thơ và hiện tại: về mục đích của việc nói dối, của việc làm con người và cách yêu thương bản chất thật sự của người khác.□

——-

Tài liệu tham khảo:

1 Acocella, Joan. “The Transformations of Pinocchio.” The New Yorker, 6 June 2022, https://www.newyorker.com/magazine/2022/06/13/the-transformations-of-pinocchio.

2 The Making of ‘Pinocchio’: No Strings Attached (2009) https://www.youtube.com/watch?v=RdUx1RNoPkA&t=306s

3 Art of Pinocchio – Book

https://film.netflixawards.com/pinocchio

4 https://www.rogerebert.com/reviews/great-movie-pinocchio-1940

Tác giả

(Visited 200 times, 1 visits today)