“Quản trị” sáng tạo nghệ thuật
Điều ai cũng thấy là ta đang cải cách hành chính mạnh mẽ, cải cách quản trị xã hội, kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông vận tải... riêng quản trị văn nghệ thì không. Vì thế sau nhiều năm đổi mới, tầng tầng lớp lớp đan cài về quản trị sáng tạo và công bố văn nghệ này vẫn tiếp tục gây ra những phiền toái, những sự vụ không cần có, tốn sức, tốn của: từ các giải thưởng, các hội, các địa phương tới tượng đài kỳ dị mà bao người ta thán.
Tranh Lý Trần Quỳnh Giang- Ảnh: Lê Thiết Cương |
Với nước ta các luật này còn mới mẻ nhưng nước nào cũng có luật báo chí và luật về văn hóa nghệ thuật mà ta có thể tham khảo. Một nhà báo Bắc Kinh sang Singapore thời đầu mở cửa định ở lại đó “hành nghề tự do” song chỉ sau một thời gian ngắn anh ta hồi hương vì ở Sing còn “chặt hơn” ở’ nhà! Bộ văn hóa lúng túng khi xử lý một tranh có ý đả kích lãnh tụ. Xử lý xong (chỉ là không cho trưng bày) lại mang tiếng xâm hại tự do cá nhân. Trong khi một ông Tây say trót bôi bẩn ảnh nhà vua Thái Lan đã bị tòa xử 20 năm tù (sau được ân xá) mà không dám kêu mất tự do! Như vậy luật tạo các đường biên cần thiết cho các hành vi (phát ngôn, xuất bản, công bố, tác phẩm…) dân sự mà dù sau nó, trong nó là tư tưởng hay tình cảm nào, người ta cũng phải tuân theo vì lợi ích của cộng đồng. Người sáng tạo-chính quyền và- công chúng cần tìm được sự đồng thuận qua luật, Chính quyền dùng luật điều hòa để có sự đồng thuận này. Và khi có tranh chấp người sáng tạo với chính quyền hay công chúng với chính quyền thì có tòa phân xử. Mới đây một nữ họa sĩ vẽ một tranh hai người đàn bà khỏa thân. Tên tranh là “Bà ta” nhưng chính quyền (Hội đồng duyệt) cho rằng vẽ về đồng tính nữ và hai lần không cho bày, một tại TL chung ở trường Mỹ thuật Hà Nội lần sau trong TL riêng của cô tại L’Espace, nhà văn hóa Pháp. Lý do là “không phù hợp” hay “có hại cho thuần phong mỹ tục”. Tuy nhiên nhiều họa sĩ kêu: Chính phủ ta không kỳ thị đồng tính. Phim, truyện và TV đều được đưa chuyện này. Sao tranh lại bị cấm. Hơn nữa cũng đã có những tranh về đồng tính nam đã được bày sao đồng tính nữ lại không? Vấn đề ở đây là người cụ thể đại diện chính quyền hiểu khác nhau về thuần phong mỹ tục. Và không có tòa nào xử sự bất đồng này giữa tác giả và chính quyền dù cả hai bên đều dựa vào luật. Tất nhiên cũng tại “luật” này chưa đủ độ chuẩn để họa sĩ cũng như hội đồng duyệt biết thế nào là đúng luật hay sai luật.
Tranh Lý Trần Quỳnh Giang- Ảnh: Lê Thiết Cương |
2. Vở Bí mật vườn lệ chi đã diễn 70 tối sắp lên TV bỗng có công văn của Ban TTVH thành phố HCM do họa sĩ Trang Phượng ký (theo Tuổi Trẻ) đề nghị dừng vì có những ý kiến cho rằng có những chi tiết “sai lịch sử” (theo kịch này có thể một vị minh quân thời Lê là con ngoài giá thú). Sau 5 năm lại có “chỉ thị miệng” là có thể diễn lại nếu sửa chữa. Nghệ sĩ Thành Lộc tiếp thu ý kiến và không động tới “chuyện này” (chắc là tránh voi chẳng xấu mặt nào!) nữa khi dựng lại và công diễn mới đây rất được công chúng hoan nghênh. Vở Bà tỷ phú về thăm quê của Duerenmatt do một đạo diễn nước ngoài dựng, công diễn tại Hà Nội; TPHCM và Hải Phòng, cũng vướng mấy chi tiết: dựng theo bản dịch nào, trang trí sân khấu có tính ám chỉ bêu xấu Việt Nam hay không… Khi gửi một bài báo tới một tòa sọan. Tòa soạn không đăng cũng không nói với tác giả bài báo tại sao. Hỏi qua một cộng tác viên của báo đó người viết bài được biết:”Hình như có chỉ thị từ trên ngưng không giới thiệu thêm về vở này nữa”. Rồi mọi việc cũng đi qua và “êm xuôi”. Một dự án mỹ thuật quốc tế: Sài Gòn-Thành phố mở do hai nhà tuyển trạch nước ngoài thực hiện bằng tiền tài trợ của một quỹ nước ngoài ở Việt Nam và một công ty Việt Nam thực hiện, có các tác phẩm Video nhưng các băng này lại được giao cho hội đồng duyệt phim duyệt. Dự án này được đưa lên báo chí, và có phát hành một cuốn cataloge gồm cả thông tin hướng dẫn xem 4 bảo tàng! Cứ như là nó có diễn ra thật! Sự thực là nó không hề diễn ra và công chúng bị lừa. Có ý châm chọc cho rằng bên tổ chức đã cố tình đặt cơ quan duyệt vào thế không thể duyệt được để trút trách nhiệm và giải ngân với nhà tài trợ. Chỉ có công chúng là thiệt mà họ không biết kêu ai!
Vấn đề ở đây là không tìm được sự đồng thuận giữa ba bên người sáng tạo-chính quyền-công chúng do không có đủ luật và nếu có thì không có chế độ một cửa của chính quyền như bên kinh tế, hành chính. Người nước ngoài cũng biết chính quyền đối với văn nghệ gồm ba cửa: Bộ (sở) VHTT, Ban TTVH và cơ quan chức năng Bảo vệ văn hóa. Nhiều khi còn có thêm đại biểu của các hội Chính trị-xã hội-nghề nghiệp cùng biểu quyết. Ba bốn bên này, qua những nhân sự cụ thể hiểu luật rất khác nhau và để dung hòa thì thường phải “cắt” những gì quá mới, có thể gây sốc hay những hệ qủa khó lường. Ngay khi cắt gọt “đúng luật” rồi vẫn có ý kiến cho dừng hay không duyệt như nêu trên. Thường không có văn bản nên không quy được trách nhiệm cho ai. Nơi chính thức cho giấy phép không ra văn bản cấm hay thu hồi, hủy bỏ làm cho tác giả có cảm giác bị “xử ức” không minh bạch, công khai, công bằng như ai cũng có quyền đòi hỏi trong kinh tế! Rõ ràng quốc gia nào cũng cần kiểm soát, bảo vệ văn hóa nhưng trong lĩnh vực sáng tạo này ta cũng cần cơ chế một cửa, công khai, minh bạch. Tôi chắc chắn rằng để đi đến sự đồng thuận không khó, đơn giản hơn ta đang làm rất nhiều và tránh được những trục trặc không đáng có. Thực tế là ta “quá dân chủ”, không luật lệ, không kiểm soát nổi các sản phẩm văn hóa độc hại đi liền với các tệ nạn xã hội nhưng vẫn mang tiếng là chưa dân chủ!
3. Gần đây có nhiều hội thảo về văn nghệ trong thời kỳ đổi mới nhưng không có hội thảo khoa học nghiêm túc về vấn đề quản trị văn nghệ trong thời kỳ đổi mới. Tại hội nghị quốc tế của Viện Văn học năm 2006 khi bàn về lý luận phê bình văn học tôi có đề nghị nghiêm túc là nên có đề tài nghiên cứu xem lý luận và phê bình văn học đã cản trở đổi mới như thế nào? Nhiều người cười ồ nhưng cũng nhiều đại biểu thấy đó là chuyện nghiêm túc. Rõ ràng tương tự như kinh tế ta cần các chuyên gia hành chính về quản trị văn nghệ trong xã hội mới. Không nhẽ chỉ trong kinh tế quản lý kiểu cũ mới lạc hậu, mới là rào cản còn hệ quản lý văn nghệ thì không! Tôi không thiên về việc kêu đòi tự do cho văn nghệ sĩ vì thực tế ta quá lỏng lẻo, thậm chí có khi “vô chính phủ” để cho vô số kẻ vô tài, thiếu đức đội lốt văn nghệ sĩ tự tung tự tác, trục lợi tham nhũng… mà thiên về việc cải cách quản trị văn nghệ vì lợi ích của người dân. Nâng mức hưởng thụ và chất lượng hưởng thụ văn nghệ của người dân chính là việc phải làm khi hiện đại hóa đất nước.
4. Việc tìm sự đồng thuận giữa người sáng tạo-chính quyền –công chúng (theo kiểu pháp trị ở “mặt tiền”, đức trị, nhân trị ở nền giáo dục, đào tạo) trở nên khó, phức tạp gấp đôi khi ở cả ba bình diện này đều có sự hội nhập, toàn cầu hóa. Cả ba thành phần trên này không chỉ có thuần Việt mà còn có yếu tố ngoại. Các quỹ văn hóa nước ngoài, các nhà văn hóa nước ngoài, các đại sứ quán nước ngoài – có chức năng quản trị văn nghệ đang làm việc ở Việt Nam. Họ làm việc với nghệ sĩ, chính quyền và công chúng Việt Nam. Các nghệ sĩ nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam ngày càng nhiều số người đa quốc tịch tăng mạnh, (đã có các họa sĩ Pháp là hội viên Hội MT TPHCM). Công chúng cũng gồm hàng trăm nghìn và sẽ là hàng triệu người nước ngoài vừa “tại chỗ” vừa du lịch, vãng lai. Bộ ba người sáng tạo-chính quyền – công chúng nay đều có hai mặt dính liền như hai mặt một tờ giấy, nội-ngọai đan xen, hòa nhòe vào nhau. Cộng đồng đa văn hóa-đa sắc tộc này có “văn nghệ của nó” hay không? Toàn thế giới, từ UN tới các cấp phường xã một nước đều lo mất bản sắc dân tộc, địa phương. Đa dạng văn hóa được đề cao và báo động toàn cầu cấp thiết hơn cả đa dạng sinh học. Thời buổi ngày nay có vẻ như sự giao lưu văn hóa đang được thay bằng cộng sinh văn hóa. Trao đổi nghệ thuật đang được thay bằng cùng sáng tác, cùng công bố, cùng tạo sự kiện, cùng dấn thân xã hội cùng hưởng thụ giữa các nghệ sĩ và công dân nhiều nước trên một địa bàn, trong lòng các nền văn hóa khác nhau. Chính quyền nước nào cũng “đau đầu” về các yếu tố ngoại. Người Pháp lo âm nhạc và bóng đá toàn gốc Bắc Phi, người Đức lo văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ tràn lan ở Berlin, người Anh cũng lo mất bản sắc khi EU mở rộng quá mức về phía Đông! Các quan chức văn hóa nước ngoài tại Việt Nam cần tìm được sự đồng thuận với chính quyền sở tại mới tổ chức sáng tạo văn nghệ thành công. Việc ưu ái vài “tài năng” cá biệt không kích thích sáng tạo mà có khi còn gây chia rẽ. Sự không đồng thuận giữa các quan chức nội-ngoại với các quan niệm hành chính và văn hóa khác nhau, các luật lệ và thang giá trị khác nhau cùng phương thức điều hành khác nhau làm giảm hiệu quả của hợp tác-và cộng sinh. Có vô số thí dụ và bài học này ở Việt Nam những năm qua. Rõ ràng các cơ sở văn hóa “ngoại” các quỹ văn hóa ngoại đã là những “tụ điểm”, những nguồn lực quan trọng, các sự kiện, các tác phẩm, các cộng đồng nghệ sĩ có yếu tố ngoại ở mọi lĩnh vực từ mỹ thuật tới lễ hội, từ văn chương tới điện ảnh, từ sân khấu đến âm nhạc ngày càng trở thành một bộ phận hấp dẫn và gây nhiều tranh cãi nhất trong đời sống văn nghệ Việt Nam.
Khi LHQ kêu gọi đa dạng văn hóa, chống lại sự toàn cầu hóa một hai nền văn hóa đại chúng của vài quốc gia giàu có thì các nhà hoạt động văn hóa đều hiểu rằng vai trò của chính quyền các nước trong “quản trị” hoạt động sáng tạo tự do, đảm bảo phát huy truyền thống và bản sắc ở mọi quốc gia là quan trọng và khó khăn nhường nào. Vì vậy cần có sự hợp tác linh hoạt hơn, minh bạch, cởi mở, thẳng thắn hơn giữa các quan chức văn hóa nội-ngoại với nhau và với cộng đồng sáng tạo cùng công chúng. Quan chức nội- ngoại hãy là một đối tác trong dòng chảy này hơn là cấp trên hay ông chủ!
“Quản trị” khó thay!
Ảnh trên cùng: Tác phẩm của trại điêu khắc Đồ Sơn