Trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, có hai vấn đề cần được đặt ra một cách khẩn trương, và cần có những giải đáp cụ thể, được áp dụng để làm sao giải tỏa các đô thị bị ứ tắc, có nhu cầu sửa đổi lại cấu trúc và mở rộng về mặt diện tích, rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.
Hai vấn đề được nhắc đến trên thực tế, gắn bó mật thiết với nhau, bởi trong đời sống kinh tế và văn hóa, đô thị và nông thôn, hai môi trường, bối cảnh, chức năng khác nhau song tùy thuộc lẫn nhau, và bổ sung cho nhau về nhiều mặt.
Các quan niệm quy hoạch đô thị từ xưa tới nay
Chúng ta sẽ không nhắc lại chức năng đa dạng và phức tạp của một thành phố so với nông thôn. Chức năng này ngay từ thời Trung cổ, đặc biệt là ở châu Âu, cho đến nay trên những nét chính, vẫn không có gì thay đổi. Đó trước tiên vẫn là nơi tập trung phục vụ việc trao đổi, mua bán các sản phẩm cần thiết cho đời sống xã hội và cho sản xuất. Ngoài ra, còn là nơi tập trung các sinh hoạt văn hoá, giáo dục, y tế, và các cơ quan hành chính v.v.
Sau đây là một số mô hình tiêu biểu: 1/ Đô thị khép kín sau bức tường thành
Hình 2 – Mô hình đô thị khép kín sau bức tường thành (thời Trung cổ)
Cho đến thời Trung cổ, ở châu Âu, cũng như ở châu Á, để phòng chống giặc giã, chiến tranh, một thành phố quan trọng thường được bao quanh bởi một bức tường thành kiên cố, có cổng ra vào được canh giữ nghiêm ngặt. Cũng có trường hợp ở bên trong lại có «hoàng thành», do đó có thêm một bức tường thành thứ hai nữa để bảo vệ. Còn phố, nơi thị dân sinh sống và làm ăn thì nằm ở bên ngoài hoàng thành (Hà Nội là một thí dụ). Do đó, mà người ta quen dùng các khái niệm: «thành/thị», «thị dân», «thành/phố», v.v.
Xem như vậy, ở những thời đó, thành thị và nông thôn xa cách nhau bằng hẳn một bức tường thành, ra vào có canh gác nghiêm ngặt. Vua chúa, quý tộc, thị dân và nông dân sống trong những khung cảnh khác hẳn nhau và hoàn toàn cách biệt. 2/ Đô thị phát triển đồng tâm Song song với những thành phố được xây dựng hoàn toàn khép kín ở bên trong một bức tường thành này, có những thành phố đã phát triển dần dần từ những thôn làng, thị trấn, hay thị xã. Đó là những trường hợp phổ biến nhất. Những thành phố này thường nằm ở tụ điểm của những trục giao thông thuỷ, bộ, những địa điểm thuận lợi cho việc thông thương, buôn bán, và sản xuất, hoặc có một giá trị nào đó về mặt cảnh quan. Tuy nhiên, quan niệm mở rộng những thành phố này đã tuân theo một quy luật rất «tự nhiên», là mở rộng đều ra xung quanh, hạt nhân phố cổ nằm ở giữa như một cái lõi. Đó là một quan niệm quy hoạch «khép kín»: dường như người xưa không quan tâm đủ đến mối quan hệ hữu cơ, tất yếu, giữa thành thị và nông thôn.
Do đó, khi phát triển xây dựng theo các vòng đai đồng tâm, thì không gian đô thị ngày càng bị bưng bít, ngày càng dày đặc. Hơn nữa, càng xa trung tâm bao nhiêu, thì người dân thành phố càng cảm thấy xa với nông thôn bấy nhiêu.
Mà nhu cầu được gần thiên nhiên của người dân thành phố là một nhu cầu bản năng, không phải chỉ vì người dân thành thị (ở đâu cũng vậy), đều xuất thân là nông dân từ vài đời nay là cùng, mà chủ yếu vì họ ý thức được rằng môi trường thành thị ngày càng bị ô nhiễm.
Ngược lại, người dân ở nông thôn, ngoài nhu cầu lên thành phố để kiếm sống, còn có nhu cầu được biết bộ mặt sinh động và phong phú của thành phố, với những sinh hoạt văn hoá và giải trí đa dạng của nó.
Những nhu cầu nói trên đều là những nhu cầu chính đáng, song chúng đặt ra một bài toán hóc búa, mà với cấu trúc hiện nay của phần đông các thành thị và nông thôn, không thể nào thoả mãn được. 3/ Thành phố – Vườn
Không phải là một sự tình cờ, mà vào cuối thế kỷ XIX, ở nước Anh – nước đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp ở châu Âu (1780-1880)-, Ebenezer Howard, một viên chức nhỏ, không phải là một nhà quy hoạch, cũng không phải là một kiến trúc sư, đã có sáng kiến đề ra mô hình Thành phố – Vườn (1898). Ý tưởng mới mẻ này, đã có một ảnh hưởng lớn đến nền quy hoạch đô thị ở châu Âu và ở Mỹ trong suốt mấy thập kỷ sau.
Mô hình Thành phố -Vườn là một sơ đồ hình tròn, với những vòng đai đồng tâm: ở trung tâm là một công viên lớn, xung quanh là vòng đai nhà -vườn, sau đó là một con đường lớn, rồi lại đến một vòng đai nhà-vườn. Ở vòng ngoài cùng là một đường vành đai nối liền đơn vị này với cá
Hình 3 – Ebenezer Howard – Mô hình một đơn vị Thành phố-Vườn (1898)
c đường giao thông và với những đơn vị khác. Giữa các đơn vị Thành phố-Vườn là đất nông nghiệp.
Mỗi đơn vị Thành phố-Vườn của Howard có số dân nhiều nhất là 58.000 người, nhỏ nhất là 32.000 người. Ưu điểm của Thành phố – Vườn là có rất nhiều cây xanh, song nhược điểm của nó vẫn là nguyên tắc quy hoạch đồng tâm, khiến cho mỗi đơn vị vẫn tự khép kín và tách biệt hẳn với các đơn vị khác và với môi trường nông thôn bao quanh. Mặt khác, sự phân định các khu chức năng cũng chưa được rõ ràng. 4/ Đô thị vệ tinh
Năm 1922, Raymond Unwyn, một kiến trúc sư, đưa ra mô hình Đô thị Vệ tinh, dựa trên ý kiến chủ đạo của E. Howard, nhưng bố trí rõ ràng hơn các chức năng của đô thị ở khu trung tâm của vệ tinh chính, các vệ tinh khác nằm ở xung quanh. Mô hình này cũng vẫn phạm một nhược điểm, là lặp lại cấu trúc của mô hình đô thị truyền thống, với các chức năng chính nằm kẹt ở trung tâm, do đó không thể bành trướng, để đáp ứng sự phát triển của đô thị trong tương lai.
Hình 5 – Raymond Unwyn , Đô thị vệ tinh (1922)
Gần cùng một thời điểm, vào năm 1923, Robert Whitten đưa ra một mô hình Đô thị Vệ tinh khác, có nhiều điểm được cải thiện so với mô hình của Unwyn, nhưng vẫn là những sơ đồ quy hoạch đồng tâm.
Một đơn vị mô hình Đô thị Vệ tinh của Whitten gồm có một vệ tinh chính ở trung tâm, với chức năng thương mại, xung quanh là 8 vệ tinh khác, với những chức năng khác nhau. Các không gian cây xanh, được mở rộng ra, nhưng đó là những không gian trong đó không ai được phép xây dựng (non aedificandi), chứ không phải là đất nông nghiệp.
Trên cả hai mô hình Đô thị Vệ tinh này, người ta thấy vấn đề giao thông chưa được đặt ra một cách rõ ràng ở quy mô một vùng lớn, và ở quy mô lãnh thổ. 5/ Đô thị tuyến tính
Năm 1892, ở Tây Ban Nha, Soria Y Mata, lần đầu tiên, đưa ra một mô hình quy hoạch tuyến tính áp dụng cho thành phố Madrid, dưới hình thức một dải dài nối liền các đô thị nhỏ xung quanh Madrid. Nhưng phương án này chỉ nhằm giải đáp có một vấn đề duy nhất : vấn đề nhà ở. Do đó, ý tưởng của Soria Y Mata cũng hơi bị hạn chế, và không triển khai thêm được, bởi một lý do đơn giản, là mô hình này chưa phải thật sự là mô hình đô thị tuyến tính, với đầy đủ các chức năng của nó, và vẫn còn tách biệt với nông thôn.
Hình 6 – Soria Y Mata , Đô thị tuyến tính đầu tiên ở Madrid (1892)
Mặc dầu vậy, ý tưởng này đã lan rộng sang Mỹ, và đã gợi ý cho các nhà quy hoạch đô thị Mỹ sáng tạo ra mô hình «chùm đô thị» (tạm dịch từ «Regional City». Trên thực tế, đây là một tổng thể đô thị, nằm rải ra giữa một vùng nông thôn, dọc theo một tuyến giao thông liên vùng, mỗi đô thị có một chức năng khác nhau. Phải chờ đến giữa thế kỷ XX, khái niệm «quy hoạch tuyến tính» và «đô thị tuyến tính» mới được triển khai một cách có hệ thống. Một trong những lý thuyết gia có phần đóng góp quan trọng vào công việc này, là Michel Kosmin, một kiến trúc sư đã từng giữ một chức vụ quan trọng trong lãnh vực quy hoạch ở Tunisie (Bắc Phi) vào những năm 50 của thế kỷ trước.
Sơ đồ quy hoạch một «đô thị tuyến tính» có tính cách lý thuyết của Michel Kosmin bao gồm những nguyên tắc sau đây:
1/ Bố trí toàn bộ đô thị tuyến tính dọc theo những trục giao thông quan trọng (xa lộ, quốc lộ, đường sắt, đường thuỷ)
2/ Bố trí các khu chức năng song song với các trục giao thông nói trên
3/ Trục chính của đô thị tuyến tính cũng nằm song song với các trục giao thông
4/ Ở một bên của một trục thẳng đứng với trục đô thị, bố trí khu trung tâm, gồm có 3 khu chức năng chính: khu buôn bán, khu hành chính, và khu sinh hoạt văn hoá.
5/ Ở hai bên trục thẳng đứng và khu trung tâm, là các khu nhà ở
Hình 8 – Michel Kosmin, Sơ đồ Đô thị tuyến tính (đơn vị nhỏ nhất với dân số 25 000 người)
6/ Khu công nghiệp nằm tách riêng ở bên kia trục giao thông chính.
Những nguyên tắc được tác giả vạch ra ở trên, đương nhiên chỉ có tính cách lý thuyết. Đi vào áp dụng, chắc hẳn những nguyên tắc này sẽ phải thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể. Sáu nguyên tắc trên đủ cho ta thấy là mô hình «đô thị tuyến tính» của Michel Kosmin, mặc dầu mới chỉ là một sơ đồ, song rõ ràng đã mang tính chất «mở». Nó không còn là những vòng tròn đồng tâm và những không gian khép kín nữa. Trục thẳng đứng với trục giao thông chính có thể đi sâu vào các vùng nông thôn, khiến cho các công trình kiến trúc và các sinh hoạt của đô thị có thể thâm nhập vào nông thôn. Đó là cái ý chính của mô hình cần được khai thác.
Evry, Marne-la-Vallée (ngoại ô Paris) và ảnh hưởng muộn màng của quy hoạch tuyến tính
Trong một chừng mực nào đó, những ý tưởng về đô thị tuyến tính đã được áp dụng những năm gần đây (từ 1971 cho đến khoảng năm 2000) ở ngay tại các thành phố mới xung quanh Paris: Evry, Marne la Vallée, Cergy-Pontoise… mặc dầu, như vậy là đã quá muộn rồi (nhưng «muộn còn hơn không»), vì xung quanh Paris cả một vòng đai những thị xã «ngoại ô» đã được xây dựng bừa bãi, vô kỷ luật, không theo một phương hướng, một quy hoạch tổng thể nghiêm chỉnh nào, và đã làm xấu đi rất nhiều bộ mặt của thành phố này. Chính cái vòng đai ngoại ô xấu xí và dày đặc này đã là một rào cản, làm cho Paris ngày càng xa các vùng nông thôn, trước kia ở ngay kế bên. Người ta còn nhớ, các đồi Monmartre, Chaillot, Passy, Butte-aux-Cailles… và ngay cả khu vực đại lộ Champs Elysées, trước kia đều là các thôn làng, hoặc đất nông nghiệp hết.
Một đôi nét gợi nghĩ đến không gian kiến trúc của một trục đô thị tuyến tính, với Phố lớn ở trung tâm, và những Cửa sổ mở rộng sang hai bên là đồng ruộng.
Hình 1 – Đô thị mới xung quanh Paris (Les 5 Villes nouvelles), một thí dụ, một hình thức quy hoạch gần với nguyên tắc tuyến tính và chùm đô thị để giải quyết vấn đề mở rộng và giải toả một thành phố lớn bị bưng bít ở bên trong vòng đai các ngoại ô.
Các thành phố mới xung quanh Paris, mặc dầu có áp dụng được đôi chút mô hình đô thị tuyến tính, song vì sự tồn tại của cái vòng đai ngoại ô dày đặc kia, mà đã không khai thác được hết tác dụng của mô hình này (đối với thành phố mẹ, Paris – thành phố cần được mở rộng và giải toả).
Vả chăng, đó cũng không phải là mối quan tâm của các nhà hữu trách, trực tiếp chỉ đạo lãnh vực quy hoạch, và các tác giả của những dự án thành phố mới này. Đối với họ, thoát ra khỏi được cái vòng kiềm toả của các thị xã ngoại ô, và xây thọc ra được về bốn phía của Paris mà không lấn chiếm quá nhiều đất đai nông nghiệp như thế, cũng đã là một kỳ tích rồi.
Vài suy nghĩ về việc phát triển và mở rộng thủ đô Hà Nội
Viết những dòng này, tôi không khỏi nghĩ đến những đô thị sẽ phải mở rộng ra, hay quy hoạch lại ở nước ta, đặc biệt là tôi nghĩ đến phương án mở rộng Hà Nội về phía Hà Tây.
Mặc dầu không có những số liệu điều tra và thống kê cần thiết cho việc nghiên cứu và phác thảo ra một sơ đồ quy hoạch, dù chỉ là để góp ý, và mặc dầu biết rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế và xã hội hiện nay, nhiều điều kiện thực hiện chưa hội đủ, song tôi vẫn nghĩ rằng, đây chính là địa điểm thuận lợi nhất để có thể thực hiện được một mô hình «đô thị tuyến tính» lý tưởng và độc đáo cho thủ đô Hà Nội.
Mô hình tuyến tính lý thuyết của Michel Kosmin có thể được diễn dịch một cách tổng quát và giản lược bằng hình tượng «con rết», hay «chân rết». Cái thân con rết là trục đô thị nằm song song với các tuyến giao thông, còn chân rết là các trục thẳng đứng với tuyến giao thông. Trong một số trường hợp, trục này có thể nằm ở cả hai bên một trục giao thông quan trọng. Đi vào chi tiết, sơ đồ trên sẽ cần phải được thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể, và nhất là cần phải được biến hoá tuỳ theo óc tưởng tượng của các nhà quy hoạch và kiến trúc.
Thành phố Cergy-Pontoise
Đưa đô thị tuyến tính vào một vùng nông nghiệp có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, như vùng Hà Tây, đương nhiên là phải coi trọng những nơi có danh thắng cổ tích nổi tiếng của vùng, vì đó là những di sản quí báu của dân tộc và thường là những điểm hấp dẫn du khách nhất, khi họ đặt chân tới một thành phố mới.
Việc áp dụng mô hình đô thị tuyến tính vào một vùng nông thôn, ngoài mục đích mở rộng, hoặc giải toả một đô thị, còn có một mục đích thứ hai cũng không kém phần quan trọng, là rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, bằng cách đưa đô thị về nông thôn, mở rộng không gian đô thị, để cho hai môi trường đô thị và nông thôn dễ thâm nhập vào với nhau.
Cả hai mục đích này rốt cuộc cũng đều hướng về cùng một mục đích chung, là: hiện đại hoá nông thôn, đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế và của đời sống người dân đô thị và nông thôn.
Tài liệu tham khảo:
Ebenezer Howward, Les Cités-Jardins de demain – Ed. Dunod 1969
Revue Technique et Architecture N°3-4 , 1947 sur l’Urbanisme.
Elie Mauret, Pour un équilibre des villes et des campagnes – Ed. Dunod 1974
Michel Kosmin, Ville Linéaire – Ed. Vincent, Fréal & C° – Paris 1952
Cahiers de l’Institut d’Aménagement et d’Urbanisme de la Région Parisienne – Vol. 31, 1973