Ra mắt “Thực thể Việt – nhìn từ các toạ độ chữ” của nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương

Chiều 14/11, PGS. TS Trần Ngọc Vương đã ra mắt tác phẩm mới xuất bản của mình tại Không Gian Sáng Tạo Trung Nguyên, 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội, với sự tham dự của nhiều tên tuổi nổi bật trong giới trí thức.

Đến dự có: Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước; GS Chu Hảo, GĐ NXB Tri thức; ông Nguyễn Trung, cựu Đại sứ tại Thái Lan; GS Ngô Đức Thịnh; TS.Hoàng Ngọc Hiến; GS Nguyễn Quang Ngọc; PGS. Nguyễn Văn Kim; TS. Phạm Xuân Thạch, TS Nguyễn Đức Mậu; TS. Trần Đình Thiên; TS Trần Đình Huỳnh; TS Hồ Bất Khuất;  TS.Nguyễn Xuân Diện, các nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Lại Nguyên Ân…và rất nhiều đồng nghiệp cùng học trò của PGS.TS Trần Ngọc Vương.

Mở đầu, PGS. TS Trần Ngọc Vương phát biểu về quá trình hình thành tác phẩm “Thực thể Việt – nhìn từ các toạ độ chữ”, do NXB Tri thức ấn hành. Ông xúc động đến nghẹn lời khi nhắc tới người thầy đã dẫn dắt khai mở cho ông – GS Trần Đình Hượu.

Tiếp theo, lần lượt nhiều khách mời đã có những trao đổi hết sức sôi nổi về cuốn sách.

Theo ông Nguyễn Trung, cuốn sách đã “nêu lên nhiều vấn đề hệ trọng trong đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của đất nước ta kể từ thời Triệu Đà cho tới ngày nay. Tác giả nêu không ít nhận xét, đánh giá của riêng mình, rất đáng là “nhiên liệu” cho việc đào sâu, tìm tòi, xác định cái thực thể Việt đích thực của chúng ta, để nghĩ tiếp, đi tiếp.


Lễ ra mắt tác phẩm của PGS.TS Trần Ngọc Vương
thu hút được sự quan tâm của giới trí thức
(ảnh: blog Nguyễn Xuân Diện).

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, thì đánh giá: “Sách của ông Trần Ngọc Vương rất hấp dẫn, tôi đọc một mạch cả quyển.” Tuy nhiên, theo nhà văn, tác giả dường như quá chú tâm về Nho giáo mà hơi nhẹ phần Phật giáo. “Mặc dù có bài về Trần Nhân Tông, nhưng chưa đủ. Theo tôi, nếu có âm – dương, thì Nho giáo là phần dương, Phật giáo là phần âm…,” ông nói. Ông cũng cho rằng, tác giả chưa đề cập những tiêu cực của Nho giáo trong cuốn sách này.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân lại tỏ ra rất thích cụm từ “Thực thể Việt” trong tiêu đề cuốn sách, mặc dù theo ông cụm từ “nhìn từ các tọa độ chữ” mang hơi hướng “hậu hiện đại”, mong manh, đùa cợt.

TS Đinh Hoàng Thắng phát biểu với một bài viết sẵn khá công phu, trong đó có đoạn: “Hơn 500 trang sách của TS Trần Ngọc Vương quả là cả một vỉa rừng đại ngàn về tư tưởng và kinh tế-xã hội, về văn hóa và văn chương cùng với một số cây cổ thụ do ông tuyển chọn, dĩ nhiên là với các tiêu chí do ông đề ra…” Ông cho rằng, tác giả Trần Ngọc Vương đã đề cập khá táo bạo đến một mảng rất bao trùm, một vấn đề mang tính triết học phổ quát của lịch sử, đó là có hay không có những “lối phát triển” khác nhau của các xã hội khác nhau; có hay không có những “mô thức phát triển” khác nhau, và có thể hay không thể “phối-kết hợp” hai lối phát triển ấy với nhau. Ông ca ngợi, cuốn sách được viết trong hơn 30 năm “để khai thác những đề tài mang tính liên ngành từ một góc nhìn độc đáo và táo bạo, góc nhìn của một nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn và dũng cảm”.

 

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)