Rác công nghệ
Kí ức được tạo thành từ chúng đó ư? (Sylvia Spruck Wrigley)
“Mẹ em làm gì mà cứ upload ầm ĩ lên thế”, Paul lầm bầm thay cho câu Chào buổi sáng, em yêu, em ngủ có ngon không, “Anh nói thật chứ. Toàn những thứ đẩu đâu, ba chuyện linh ta linh tinh, kỉ niệm với chả kí ức từ hồi còn nhỏ. Cái đống dữ liệu lải nhải liên miên đấy thì ai mà thèm quan tâm.”
“Em biết rồi, em biết rồi. Mẹ là một đứa trẻ của thập niên 1990 mà.” Tôi pha một tách cà-phê mới, vươn tay đưa nó cho anh rồi làm thêm một tách cho mình, mạnh gấp đôi. Tôi đã rất sợ cuộc tranh luận này. “Tuổi thơ của mẹ, sự lớn lên của mẹ, nghĩ mà xem, nào có bói đâu ra được bao nhiêu dữ liệu về nó. Mẹ chỉ đang cố để chắc chắn rằng bọn mình không bị mất đi những thứ ấy thôi.” Tôi truy cập vào giao diện nhà bếp để kiểm tra việc mua sắm.
“Bà ấy đang tích trữ thì có. Chuyện này phải dừng lại. Nếu như bà ấy thực sự muốn giữ thông tin, thì một thứ là quá đủ rồi. Nhưng bà ấy không cả phân loại nổi cái này với cái kia, những thứ giống hệt nhau cũng chẳng biết đường mà xóa đi. Lúc nào cũng nhỡ mà, nhỡ mà. Nhỡ mà cái gì mới được? Anh hỏi rồi đấy chứ, mà bà ấy chỉ một mực bảo làm sao tụi con hiểu được, như kiểu rồi có ngày người ta sẽ tới hỏi xin mấy cái video mờ tịt quay cái bệ lò sưởi năm 2012 của bà không bằng.”
Mẹ tôi, giống như tất cả những người cùng thế hệ với bà, lúc nào cũng thích sao lưu mọi thứ. “Anh đừng có xấu tính thế mà, Paul. Chúng mình chưa từng phải sống trong sự khan hiếm dữ liệu bao giờ.” Tôi xóa thực đơn tuần trước, như thể hành động này giúp tôi bình tâm lại chút. Paul nói đúng, Mẹ đang mỗi lúc một tệ hơn. Cái gỉ cái gì bà cũng tải lên, cũng sao lưu. “Thế sao anh không giới hạn lại đi, chỉ cho mẹ dùng một phần dữ liệu thôi?”
“Anh thử rồi! Nhưng bà có dừng ở đấy đâu. Bà còn muốn mọi người đều truy cập vào dữ liệu của bà nữa,” Paul vẫn phàn nàn. “Bà cứ nghĩ rồi một ngày chúng mình sẽ xem lại hết với cả gắn thẻ hết cái đống ấy hay sao ấy.”
“Mẹ ơi!!!!” Serena lao vào bếp trong một điệu bộ kịch tính hết sức. “Mẹ không thể tin nổi đâu. Bà, đang tự chụp ảnh selfie, thật luôn. Bà đang tự chụp lại cảnh bà đang ăn sáng. Con thề. Nếu không con sẽ đi đầu xuống đất. Bà còn bảo, bà sẽ lưu nó lại cho hậu thế.”
“Hừm, xong bà sẽ copy một bản, rồi lại sao lưu thêm bản nữa,” Paul ngắt lời.
“Tụi bạn con bảo như thế là bị khùng đấy,” Serena nói bằng một giọng kiểu chúng nó nghĩ thế thôi, còn con thì không. “Tụi nó bảo, bà sẽ lưu tất tần tật mọi thứ.”
Tôi vuốt tắt giao diện. “Thôi được rồi, phải nói chuyện với bà.” Chắc có nốc thêm bao nhiêu cà-phê cũng không đủ giúp tôi gỡ rối vụ này.
*****
“Mẹ, mẹ đừng upload mọi thứ lên nữa,” tôi nói với bà. “Giờ có còn như ngày xưa nữa đâu. Có ai thèm quan tâm tới những nguồn thông tin từ đại chúng nữa đâu.”
“Nhưng có quá nhiều thứ đang bị mất đi này. Những thứ nhỏ bé ấy con. Những công thức nấu ăn này. Những nơi chốn nữa. Ôi con yêu ơi.” Bà đặt đôi bàn tay nhăn nheo lên đầu tôi. “Những mẩu bút chì và cuống vé. Quá nhiều thứ đang mất đi con à.”
“Những thứ ấy không phải đang mất đi, Mẹ ơi. Mà chúng chả để làm gì nữa. Chả ai buồn ngó ngàng tới chúng nữa. Mẹ cứ tích trữ những thứ tầm phào vụn vặt ấy mà để làm gì.”
Bà nhấc tay khỏi đầu tôi, chằm chặp nhìn tôi. “Nhưng sao con biết được? Một người nào đó, một ngày nào đó, có thể sẽ…”
“Sẽ thích thú với vụ mẹ ăn gì vào bữa sáng ấy ạ? Mẹ ơi, chẳng ai buồn quan tâm đâu.” Ôi ước gì tôi chưa từng phát ra câu nói ấy. Nhưng đã quá muộn rồi.
Bà chớp mắt, khó nhọc. Rồi bà chụp thêm một bức selfie khác, ghi lại khoảnh khắc này, vụ cãi cọ của chúng tôi. “Mai sau biết đâu có đứa nhỏ nào lại phải làm bài tập về nhà là mô tả cuộc sống năm 2050 thì sao, kiếm được cảnh này nó sẽ phấn khích phải biết đấy!”
“Không, Mẹ ơi, chúng nó chả thích thú gì đâu.” Dù có là chuyên viên lưu trữ đi nữa thì họ cũng chẳng thèm bận tâm tới hàng tá lộn xộn đủ thứ linh tinh mẹ tôi đang lưu lại, đấy là chưa kể, người ta đã xóa sổ mọi thư viện số trên thế giới rồi.”
Tôi hít một hơi thật sâu. “Mẹ phải gắn thẻ những thứ quan trọng với mình, Mẹ ạ, không thì con sẽ xóa hết mất đấy. Dữ liệu đám mây của bọn con giờ đầy ngập những thứ chả đâu vào đâu rồi. Serena toàn cáu um lên vì con bé kiếm mãi không ra thứ nó cần.”
“Chỉ vì nó không kiên nhẫn dành ba giây để gõ vào ô tìm kiếm. Sao lại thế được chứ, bọn mẹ hồi xưa…”
“Con biết, con biết, thi thoảng phải chờ cho giao diện nó tải xong chứ gì. Nhưng bây giờ đâu có vậy nữa mẹ. Lưu trữ công cộng là để người ta không phải chờ đợi gì nữa đấy mẹ.”
“Nhưng nó đâu có lưu được mọi thứ.”
“Bởi vì chả để làm gì! Toàn rác! Ai mà quan tâm.”
“Mẹ quan tâm,” bà nói. “Kể cả không ai khác quan tâm thì vẫn còn mẹ cơ mà.” Mắt bà chợt long lanh nước. “Kể cả không ai nhớ, thì vẫn còn mẹ mà.”
Thế hệ của mẹ tôi là thế hệ cuối cùng phải tiếp cận với đủ thứ thông tin ngẫu nhiên nào mà một người lạ bất kì lưu lại. Chúng tôi thì chưa bao giờ bị mất kết nối, chúng tôi chưa bao giờ có đủ khả năng kiếm tìm những thứ chúng tôi cần. Chỉ có những người như mẹ là biết việc sống bên ngoài dữ liệu nó thế nào.
Tôi chớp chớp mắt rồi quay một đoạn video về mẹ, đặt tên cho nó bằng tên mẹ, cả ngày tháng nữa, cả chuyện hôm nay chúng tôi nói với nhau. Tôi đã gắn thẻ xóa nếu nó không được mở ra xem lại trong vòng một năm. Nào có ai ngoài tôi quan tâm tới chuyện này, cố lưu nó lại đâu để làm gì. Nhưng mẹ nào có ở lại với tôi mãi mãi, và nó sẽ là một phần của những gì tôi còn lại về bà. Trong một khoảnh khắc bừng ngộ, tôi chợt hiểu được cảm giác của mẹ mình. Còn mẹ, bà đưa tay lướt đẩy những lưu dấu cũ xuống thanh ngang, rồi upload tiếp một đoạn clip ghi lại cảnh bà đang chơi game blasteroids vào kho lưu trữ… để dành cho hậu thế.
Tôi đưa tay nắm lấy tay mẹ, biết rằng điều này sẽ đau đớn vô cùng. Rồi nhấn “Delete” xóa đi mọi thứ.□
——————–
Truyện đằng sau truyện
Sylvia Spruck Wrigley nguồn cảm hứng thôi thúc bà viết “Rác công nghệ”.
Tính ra đã ba lần trong đời tôi làm mất những hộp đựng đồ lưu niệm và cả các vật kỉ niệm vì mỗi lần bất cẩn khi chuyển chỗ ở hay vì gặp vấn đề về dung lượng lưu trữ. Dầu vậy, tôi thấy mình còn giữ lại rất nhiều thứ. Nào là một hộp lớn đầy ảnh – tôi còn chưa bao giờ phân loại chúng để xếp theo từng tập – suốt 20 năm qua, tôi cũng chưa từng có ý định sẽ scan để lưu nó lên mạng. Tôi từng cố đưa cho con gái mình một phong bao ảnh nhưng con bé lắc đầu. Nó chẳng muốn mấy tấm hình, nó nói vậy đấy, nhưng nó thấy vui khi biết rằng tôi đang giữ chúng. Thế là tôi lại cho chúng vào trong hộp.
Thế giới ảo của tôi thì gọn gàng hơn chút. Tôi lúc nào cũng cố gắng lọc mail và tìm cách lưu trữ tối thiểu. Mỗi khi nhìn thấy laptop mẹ tôi, tôi lại hoảng: màn hình chính đầy những tài liệu rồi thẻ nọ thẻ kia, rồi bản trình chiếu đủ loại lưu đầy rẫy để truy cập nhanh xong chẳng bao giờ xóa bớt. Nhưng vụ tích trữ của tôi còn ghê gớm hơn, tôi dồn hết vào các thể loại lưu trữ và sao lưu đủ kiểu, chỉ vì nghĩ rằng “Mình nên làm thế để đề phòng”. Tôi đã rất thảng thốt khi nói chuyện với một người xóa đi mọi email của mình sau khi xong việc. Không lưu trữ lại. Còn tôi, tôi vẫn còn giữ những file gửi kèm email từ tận năm 2007 trên ứng dụng của mình. Tôi cũng cố giữ từng bức ảnh trên điện thoại di dộng, và trả tiền mua thêm dung lượng lưu trữ để không lo lỡ làm mất chúng. Chẳng mấy chốc tôi đã chạm ngưỡng, đã không còn đủ bộ nhớ để lưu thêm bất cứ cái gì, và tôi lại phải xóa dần những thứ mình lưu, hoặc phải xoay xở tìm cách khác.
Bà tôi chưa bao giờ phải đối mặt với chuyện này và điều ấy khiến tôi tự hỏi liệu cháu gái tôi có bao giờ phải bận tâm tới nó hay không. Những dữ liệu từ đại chúng thế này có vẻ là những thứ rất “tức thời” và rất có thể đã trở nên lỗi thời. Thay vì mở rộng phạm vi tiếp cận, chúng ta lại đang bắt đầu rút lui và thu mình lại, thiết lập những trò chuyện giới hạn và đơn lẻ, các ứng dụng như Slack và Discord đang thay thế dần những tương tác mang tính cộng đồng hơn. Với nhiều bạn bè tôi, email dần đã bị thay thế bởi các hệ thống tin nhắn giới hạn khắt khe hơn về danh sách liên lạc và các bộ lọc chặt chẽ hơn để chặn mọi loại thư rác. Wikipedia tưởng như từng có thể được coi là phát minh kì diệu của thế giới hiện đại, nhưng liệu còn bao lâu trước khi làn sóng công cụ tìm kiếm mới nổi lên thống trị, chỉ chăm chắm phục vụ cá nhân của mỗi người sử dụng và có thể trả lời những câu hỏi chuyên sâu của bạn về lịch sử ẩm thực Ai Cập?
Đây chính là cốt lõi của truyện “Rác công nghệ”. Trong thế giới ấy, tôi chỉ là một bà già lụi cụi chụp màn hình và lưu giữ những bản sao. Vì, bạn biết đấy, nhỡ đâu có lúc nào…
Đặng Hà dịch
Nguồn: Nature doi: https://doi.org/10.1038/d41586-023-02561-1