Ralph Vaughan Williams và dân ca Anh
Hấp lực giữa dân ca và nhạc nghệ thuật là chất xúc tác để nhà soạn nhạc người Anh khám phá ra chất nhạc đích thực của mình sau nhiều năm tìm kiếm.
Nhà soạn nhạc Ralph Vaughan Williams góp phần quan trọng vào việc phục hưng dân ca Anh. Nguồn: Evening Standard.
Ralph Vaughan Williams và việc phục hưng dân ca được kết nối chặt chẽ với nhau. Vì ông là một trong những nhà soạn nhạc xuất sắc nhất và đặc trưng nhất của Anh, mối liên hệ của ông với trào lưu dân ca có lẽ là đặc điểm nổi bật nhất được duy trì nhờ sự phổ biến của nhiều tác phẩm ông viết lấy cảm hứng từ các giai điệu dân ca chẳng hạn như Norfolk Rhapsody số 1 (được sáng tác năm 1906 cùng hai bản nữa mà sau này nhà soạn nhạc rút lại), Fantasia on Christmas Carols (1912), English Folk Song Suite (thoạt tiên được sáng tác cho ban quân nhạc vào năm 1923 và được phối lại cho dàn nhạc vào năm sau), Fantasia on Greensleeves (thực sự được chuyển soạn từ vở opera Sir John in Love của chính ông) và Five Variants of Dives and Lazarus (1939). Trong vở opera đầu tay của ông, Hugh the Drover, cũng có nhiều dấu vết của các giai điệu dân ca (tác phẩm này được trình diễn năm 1924 nhưng có lẽ được sáng tác từ khá sớm, trước Thế chiến thứ nhất). Vở opera khiến Vaughan Williams bận tâm đến gần cuối đời này (ông vẫn còn tiếp tục chỉnh sửa vào năm 1956) vừa như một minh chứng về tình yêu suốt đời của ông với dân ca Anh vừa như một hình thức nghệ thuật mà ông muốn bổ sung cho thể loại lễ ca (carol) và thánh ca (hymnody) Anh, cũng gắn liền với những tác phẩm đỉnh cao của ông.
Tuy vậy Vaughan Williams hoàn toàn không phải là người sáng lập trào lưu dân ca ở Anh. Việc sưu tầm và xuất bản các bài lễ ca cổ đã bắt đầu sớm hơn nhiều, vào thế kỷ 19, và sự phổ biến của các bài dân ca cùng phiên bản chuyển soạn của chúng đã được khuyến khích vào cuối thời kỳ Victoria. Novello là nhà xuất bản ủng hộ trào lưu này, dẫn đến việc nở rộ các lớp học và salon của tầng lớp trung lưu với các ca sĩ nghiệp dư tài năng chớm nở. Một số tác phẩm tiên phong của Sabine Baring-Gould (Songs of the West năm 1889-91) và A Garland of Country Song năm 1895), English County Songs (1893) của Lucy Broadwood (1893) và phần bàn luận về dân ca trong chương ba cuốn The Art of Music (1893) của Hubert Parry đã được ấn hành. Việc chuyển soạn dân ca phù hợp với khao khát về bản sắc dân tộc trong âm nhạc của người Anh đương thời – một xu hướng cũng đang diễn ra trên khắp châu Âu vào thời điểm đó – với mong mỏi bảo tồn vốn quý này của di sản quốc gia như Frank Kidson (thành viên của Ủy ban đầu tiên của Hiệp hội Dân ca) đã lưu ý trong bài viết dành cho ấn bản thứ hai của Grove’s Dictionary of Music and Musicians (Từ điển Âm nhạc và Nhạc sĩ Grove, tập 5, 1911), “[dân ca] đã biến mất hoàn toàn” trước cuộc tấn công của chủ nghĩa công nghiệp đô thị.
Với xu hướng thiên về các thể loại lễ ca và thánh ca, Vaughan Williams cho rằng mình đã trải nghiệm một số cảm xúc thiêng liêng khi nghe Bushes and Briars ở làng Ingrave, Essex vào năm 1903. Người ta không biết liệu ông có có mặt tại phiên khai mạc của Hiệp hội dân ca năm 1898 hay không khi Hubert Parry đọc diễn văn khai mạc bởi ông không phải là thành viên của ủy ban sáng lập, nhưng chắc chắn ông đã theo dõi công việc của hiệp hội và tin tưởng vai trò bảo tồn dân ca của nó thực sự cần thiết (thậm chí còn thúc giục chính phủ rót ngân sách nhà nước vào công việc này như Chính phủ Pháp đã làm).
“Trải nghiệm hiển linh ở làng Ingrave” của Vaughan Williams là sự khởi nguồn về một cái gì đó mới mẻ – nguyên liệu đầy thú vị và con đường dẫn âm nhạc nước Anh đến một chủ nghĩa hiện đại mới. Đối với một nhà soạn nhạc mà từ trước đến nay vẫn bị âm nhạc của Wagner lôi cuốn và bị “chất Anh” của Hubert Parry và Edward Elgar – nhà soạn nhạc đang tận hưởng thời kỳ hoàng kim của mình – làm lóa mắt, thì thật bất ngờ là dân ca và nét quyến rũ của nó đã chỉ ra con đường phía trước. Do đó, trong những năm ngay trước chiến tranh, Williams tiếp tục sáng tác On Wenlock Edge, Fantasia on a Theme của Thomas Tallis, Five Mystical Songs, Fantasia on Christmas Carols và The Lark Ascending, các tác phẩm cho thấy chân dung một nhà soạn nhạc rốt cuộc đã tìm thấy chính mình sau một cuộc phiêu lưu kéo dài 30 năm có lẻ.
Bốn tập chuyển soạn dân ca do Hiệp hội Ralph Vaughan Williams xuất bản bằng nhãn hiệu thu âm Albion của mình (tập 1 vào tháng 12/2020 và tập 2 vừa được phát hành) nhấn mạnh vào đóng góp của nhà soạn nhạc trong chuyển soạn dân ca. Đây là một nét độc đáo đầy ý nghĩa. Trong suốt cuộc đời làm việc lâu dài và hiệu quả của mình, Vaughan Williams đã sưu tầm được 800 giai điệu dân ca, dẫu ông chỉ chuyển soạn tương đối ít trong số những giai điệu mình chép lại. Trên thực tế, chỉ có Folk-Songs from the Eastern Counties (Các bài dân ca từ các hạt phía Đông), được xuất bản năm 1908, hoàn toàn là các bản chuyển soạn các giai điệu mà ông đã đích thân sưu tầm. Mọi ấn phẩm khác gồm các bản chuyển soạn giai điệu được các nhà sưu tầm nổi tiếng khác như George Butterworth, Henry và Robert Hammond, Maud Karpeles, William Percy Merrick và Cecil Sharp thu thập.
Các album do Albion thu âm. Nguồn: Amazon
Việc sưu tầm và chép truyền khẩu (không phải lúc nào cũng là một quá trình dễ dàng) diễn ra ở các hạt khác nhau của Anh và Vaughan Williams từng kêu gọi mọi người tham gia, như ông viết rõ trong một lá thư gửi biên tập viên tờ Morning Post vào tháng 12/1903: “Mỗi ngày lại có vài ca sĩ lão làng nào đó qua đời, và cùng với họ có thể có nửa tá giai điệu tuyệt đẹp mất đi vĩnh viễn với thế giới: nếu muốn gìn giữ những gì còn sót lại chúng ta phải bắt đầu việc này ngay lập tức.” Quả thực giai điệu là thứ Vaughan Williams theo đuổi trước hết. Như John Francis, tác giả cuốn sách phát hành kèm cả bốn tập dân ca của Williams sưu tập và chuyển soạn, nhận xét: “Ông quan tâm đến ca từ ít hơn và thường chỉ tốc ký câu đầu tiên. Vì đã từng in các ca khúc này, ông cảm thấy rằng nhiều ca từ đã bị làm sai lạc, thường vô nghĩa và sai ngữ pháp, điều đó có nghĩa là sau đó phải khôi phục lại lời ca”. Vaughan Williams muốn nhấn mạnh rằng quá trình sưu tập không chỉ đơn giản là ghi chép một cách thuần túy những gì bắt gặp mà còn bao hàm cả sự đánh giá thẩm mỹ: điều quan trọng là lưu lại được vẻ đẹp của các giai điệu để chúng có thể “trò chuyện” với khán giả tương lai. Johannes Brahms đã làm được điều này với trình độ thượng thừa trong nhiều bản chuyển soạn dân ca Đức đầy chất nghệ thuật, thậm chí cả Charles Villiers Stanford trong vô số tập giai điệu Ireland, và đem lại cho những bản chuyển soạn này một nét đẹp độc đáo bằng lối hòa âm lãng mạn. Vaughan Williams là người kế thừa quan điểm phong cách này. Nhiều bản chuyển soạn của ông được coi là “ca khúc nghệ thuật” và là những sáng tác đích thực khi thể hiện một bản sắc âm nhạc dân tộc mới mà ông đã rất tha thiết nhận ra.
Việc tìm hiểu các bản chuyển soạn có trong bốn tập thu âm cho thấy, trong suốt cuộc đời mình, Vaughan Williams đã được truyền cảm hứng từ giai điệu dân ca mà ông và những người khác sưu tập. Phần lớn các ca khúc đưa ra cho ca sĩ thể hiện theo kiểu mẫu ‘ballad’ nhưng ông đã trao cho họ cơ hội để thể hiện tính cách, đổi giọng và thậm chí đối thoại. Nhiều bài mang nỗi buồn về tình yêu đã mất và khép lại bằng sự tuyệt vọng của người tình tội nghiệp song cũng có một số bài mang giai điệu khỏe khoắn (thường là các bài liên quan đến chủ đề làm nông), một số bài có giai điệu mãnh liệt, sinh động thể hiện niềm vui sống… Trong mỗi trường hợp, Vaughan Williams sáng tác phần đệm để làm nổi bật giai điệu và làm nổi bật vẻ đẹp của lời ca. Tuy nhiên phong cách đệm rất đa dạng, như William Vann, giám đốc âm nhạc của dự án, nhận xét. “Nhiều phần đệm để làm nền cho những câu thơ đa dạng và đề cao giai điệu như trong Banks of Green Willow nhưng cũng có những phần đệm khác tập trung vào cấu trúc và màu sắc; quả thực một số phần đệm như vậy tương đồng về cấu trúc với các sáng tác khác của Vaughan Williams, chẳng hạn như O, who is that rap at my window”. Với sắc màu theo gam nguyên âm hiếm có và kỹ thuật tremolando gợi bầu không khí, bản chuyển soạn này có thể dễ dàng được phối cho hòa tấu thính phòng hoặc dàn nhạc. Bài Searching for Lambs tinh tế với giọng tenor và violin gợi lên những sắc thái u sầu dịu dàng của The Lark Ascending mà rất có thể Vaughan Williams đã sáng tác cùng lúc. Hai bài On Board a Ninety-Eight và The Captain’s Apprentice (FSEC) đã được tái sử dụng trong Norfolk Rhapsody số 1 và người ta có thể nghe thấy những chỉ dấu rõ ràng đến The Bloody Gardener trong Giao hưởng số 5 của ông.
Có một số trường hợp, tiếng piano nổi lên một cách truyền cảm trong bản chuyển soạn. Nhiều bài là các bộ biến tấu theo khổ thơ một cách hiệu quả ở cách mà mỗi câu thơ thu hút một lối hòa âm mới, một kiểu đối vị mới, các quãng tương phản của piano và một loạt kỹ thuật phong phú và thể hiện trí tưởng tượng phong phú của Vaughan Williams. Trong số những bài cuối cùng có âm nguyên mạnh mẽ [robust diatonicism] ở cuối The Morning Dew, những đối âm ba bè (triadic parallelisms) của The winter’s gone and past, bè trầm dạng bước (walking bass) của Bold General Wolfe mà ta liên tưởng gần gũi với giai điệu tụng ca Sine nomine của Vaughan Williams). Thế nhưng ấn tượng phổ biến, nếu không muốn nói là không thể xóa nhòa, mà nhiều bản chuyển soạn để lại là sự huy hoàng của các giai điệu, ngay cả các giai điệu thể hiện tiếng nói nội tâm. Chính sự phong phú về biểu hiện này của dân ca Anh là thứ Vaughan Williams đã nhận ra. Xu hướng thể hiện nội tâm đầy u uất này đã xuất hiện ở trong những tác phẩm viết cho dàn nhạc sớm nhất của ông, In the Fen Country (1904), với những giai điệu dân gian tổng hợp, nhưng nó cũng là một phần của một không gian rộng lớn hơn của Fantasia on a Theme by Thomas Tallis, Fantasia on Christmas Carols và A London Symphony cùng thế giới riêng tư sâu sắc của A Pastoral Symphony.
Có một thực tế là các tác phẩm từ nguồn cảm hứng dồi dào cảm xúc này của Vaughan Williams không được chú ý ngay từ lần thu âm đầu tiên. Các ca sĩ trong các phòng hòa nhạc London không đưa chúng vào chương trình biểu diễn của mình bởi họ thích các ca khúc nghệ thuật “chính hiệu” từ tập The House of Life or Songs of Travel của nhà soạn nhạc hơn còn người yêu dân ca truyền thống lại ưa chuộng các ca khúc không nhạc đệm, không có các những nét tô điểm và trau chuốt của nhạc cổ điển. Do vậy, ban đầu những bản dân ca chuyển soạn này chỉ được giới hạn trong các trường học cũng như một số liên hoan âm nhạc có các màn tranh tài (trong đó Vaughan Williams là một giám khảo dày dạn kinh nghiệm). Xa ánh đèn sân khấu kiểu như vậy, không mấy ai còn biết đến chúng nữa. Tuy nhiên, tôi cho rằng những bản chuyển soạn này còn thể hiện ý nghĩa lớn hơn rất nhiều, vì chúng không chỉ tôn vinh vai trò của nhà soạn nhạc trong việc phục hưng dân ca mà còn đem lại cho chúng ta cái nhìn vào sự kết hợp đầy tinh túy giữa dân ca và ca khúc nghệ thuật, một chất xúc tác chính để Vaughan Williams khám phá ra phong cách và phương hướng nghệ thuật đích thực của mình. □
Ngọc Anh lược dịch
Nguồn: https://www.gramophone.co.uk/features/article/how-vaughan-williams-found-his-voice-through-folk-song
—
* Jeremy Dibble là nhà âm nhạc học người Anh và giáo sư âm nhạc tại trường đại học Durham.