Răng & tóc

Tôi đưa bạn tôi đi khám ở chỗ ông thầy lang quen. Ông không bắt mạch mà bảo bạn tôi há mồm ra, thò tay vào lay lay thử mấy cái răng cửa rồi bảo chả phải chữa chạy gì cả. Răng còn chắc thế này là còn ham muốn, còn...

Cách đây vài năm, sư thầy Niệm ở chùa Phật Tích mời tôi lên dự buổi lễ xuống tóc cho một cậu bé. Tôi băn khoăn không hiểu sao cắt tóc lại là biểu tượng cho một ý định đã quyết, những sợi tóc rơi xuống có nghĩa là đã ở bờ bên này để bắt đầu cuộc hành trình “đáo bỉ ngạn”.

 
Cười- Lâm Văn Tình

Qua hai câu chuyện trên thì thấy răng & tóc không chỉ là hình thức. Nó còn ẩn chứa bên trong nhiều câu chuyện khác.
Dương Minh Long có nhiều máy ảnh, anh đi nhiều, chụp rất nhiều, lúc nào cũng hớt hải. Đã có một quãng thời gian dài anh say đắm với “thể loại phong cảnh” cho đến khi anh chợt nhận ra những bức ảnh đó bất quá cũng chỉ để làm post card hoặc to hơn là in lịch chứ chẳng có giá trị gì. Độ 2, 3 năm gần đây tôi thấy anh cố chú tâm đến con người. Cho nên khi tôi gọi điện mời tham gia triển lãm ảnh “Răng & tóc” anh hồ hởi nhận lời ngay.


Gội đầu- Ngọc Thái

Tôi đặc biệt thú vị bức ảnh cô gái quê với mái tóc dài chấm khoeo đang đứng trên cầu Thê Húc. Long khoe anh chộp được trong một buổi sớm đi dạo. Anh nói dối cho sang chứ thực ra anh có thói quen đi bộ thể dục dưỡng sinh. Nhưng không sao, bức ảnh làm tôi nhớ lại những ngày chiến tranh. Mỗi lần ngừng bắn, mẹ đèo về Hà Nội từ nơi sơ tán, thể nào cũng được cho ra bờ hồ ăn kem que. Nhân vật trong bức ảnh của Dương Minh Long không ăn kem, cô ấy ra để tay trên thành cầu, đứng ngắm Hồ Gươm. Hồ Gươm đã là biểu tượng của Hà Nội. Không chỉ tôi và cô gái này. Ai đến Hà Nội cũng đến Hồ Gươm. Trong một đêm nhiều tâm trạng, Dương Minh Long tự đánh giá: đây là bức ảnh ưng ý nhất mình chụp về Hồ Gươm. Tôi chêm thêm: phải nói ưng ý nhất về Hà Nội nữa mới đúng. Góc máy không lạ, đề tài không lạ. Cũng không có ánh sáng ven, không bóng đổ, không sương mù, liễu rủ nhưng nó vẫn là ảnh.
 


Hành trình đến bờ bên kia- Trần Quốc Khanh

Việt Thanh, một nhiếp ảnh gia trẻ mới có tên. Vì quá bận rộn công tác, anh “email” đến một bức, rất may đó là bức ảnh đúng với quan niệm về nhiếp ảnh của Gallery 39. Thanh chụp đặc tả một “bác sỹ bản” đang lắp răng vàng cho bệnh nhân. Bàn tay của ông ta đen, bẩn, móng tay dài viền nhựa đường, không đeo găng, đang thọc vào mồm thân chủ. Qua bức ảnh người xem thấy rõ tinh thần lạc hậu, hoang dã, sơ khai nhưng rất tự nhiên của người thiểu số. Tôi đùa, phong Việt Thanh là nha – nhiếp ảnh gia.
Nhà nhiếp ảnh Ngọc Thái, đầu đã hai thứ tóc nhưng vẫn ham đi. Anh góp vui với triển lãm bằng một bức ảnh đen trắng, chụp mấy thiếu nữ Thái đang gập người, xõa tóc, gội đầu ở một suối nước trong vắt. Bức ảnh quá mộng mị, tôi không tin là cuộc sống mơ mộng như thế nhưng nếu không mơ mộng thì làm sao mà sống được. Hơn nữa, tôi phải thú nhận rằng, cuộc sống khắc nghiệt hơn nhiều nhưng vì bức ảnh quá đẹp nên tôi cứ tin bừa rằng điều đó là có thật.

 
Lắp răng vàng-Nguyễn Việt Thanh

Tôi thích ảnh của Lê Anh Tuấn ngay từ lần đầu được xem khi anh bầy tại quán rượu kiêm Gallery Chim Sáo cùng với Trần Việt Đức. Hôm khai mạc, tôi dò hỏi tay chủ quán người Pháp: “sao bao nhiêu người chụp đẹp “toi” không mời mà lại…” anh ta cắt lời (tiếng Việt của “lui” rất tốt) “những tác phẩm của các người kia cũng là ảnh nhưng tôi thấy hai ảnh này có vẻ ảnh hơn”. Quan niệm nhiếp ảnh của Tuấn rõ ràng và xuyên suốt. Những bức ảnh đơn hoặc chùm ảnh đều đậm đặc chất thời sự. Khi tôi gọi điện mời, Tuấn nói anh đang bận chụp ở Hà Giang, lúc khác lại bảo đang ở Nghệ An, ở Quảng Bình. Tôi phải nài nỉ mãi anh mới nhận lời và gửi đến một bức ảnh chụp cái mũ tóc tết rất cầu kỳ của người Mán. Tôi đang nghĩ, có lẽ phải nói khó với Bảo tàng Dân tộc học để tặng cho họ khi triển lãm kết thúc. Lực lượng nhiếp ảnh Việt Nam rất đông nhưng những góc nhìn mang tính khám phá đặc trưng văn hóa của các tộc người thiểu số là quá thiểu số.

 
Mở nắp bia- Đoàn Kỳ Thanh

Trần Quốc Khanh nghe thông báo không thủng, tưởng là triển lãm chuyên đề về tóc. Anh khệ nệ bê đến một bộ sưu tập ảnh tóc nhưng lại chẳng phải tóc vì anh toàn chụp trong chùa. Từ sư thầy, sư bác đến thượng tọa với một chú thích rất độc đáo chung cho cả bộ ảnh “Hành trình đến bờ bên kia”. Tôi trêu Khanh: “- Tất nhiên rồi, vì cậu làm sao đã “bơi” được sang bờ bên kia để chụp ảnh”.
Những người trẻ thường là bận rộn. Nhà kiến trúc Đoàn Kỳ Thanh cũng vậy. Anh gửi ảnh đến muộn nhất sau khi tôi phải “hò đò” vài chục lượt. Bây giờ tôi mới thấu nỗi khổ của Dương Minh Long, bao nhiêu lần anh phải ngửa tay xin đám. Công bằng mà nói, Long cũng có vài ưu điểm. Trong những ảnh gửi đến triển lãm của Đoàn Kỳ Thanh, tôi thích nhất bức ảnh anh chụp một cậu thanh niên người dân tộc Mông đang huy động toàn bộ lực của hai hàm răng để bật nắp chai bia. Bức ảnh này hay (chưa chắc Thanh đã nghĩ thế) vì nó giúp phân loại giới nhiếp ảnh làm đôi.
 


Mũ tóc- Lê Anh Tuấn


Những nhiếp ảnh gia duy mỹ, chuyên săn ảnh ruộng bậc thang, mây luồn ở Sapa, lộc vừng nở hoa, đồi cát ở Bình Thuận đương nhiên sẽ không thích. Số này rất đông. Phần còn lại là những người tôn trọng nhiếp ảnh. Với họ đằng sau mỗi khuôn hình phải hàm chứa thông tin. Hay nói cách khác, họ tôn trọng người xem ảnh, họ muốn đưa thông tin thậm chí là thông điệp đến người xem, chứ không chỉ là cái đẹp chung chung, nhàn nhạt trên bề mặt ảnh.
Nhiếp ảnh gia Lawrence D’Attilio, người Mỹ là tác giả cuối cùng gửi tác phẩm cho Răng & Tóc. Đó là góc nhìn khá hài hước và cũng rất Mỹ.
Còn tôi, tôi phân vân mãi chẳng biết chọn bức nào cho triển lãm “Răng & Tóc”. Tôi vốn là người đi ít, chụp ít. Đúng lúc đó, nhà nhiếp ảnh nude chuyên nghiệp Trần Huy Hoan tạt vào chơi. Anh ấy gà tôi: “Ông nên tham gia triển lãm Răng & Tóc bằng chính cái ảnh này vì nó chẳng hề có một sợi tóc, một cái răng nào”. Tôi chụp bức ảnh đó trong tâm trạng “giật mình” nên không nét lắm. Chẳng hiểu sao thời buổi nhan nhản những thương hiệu dầu gội đầu của Anh, Pháp, Mỹ mà vẫn có người ăn bưởi xong, giữ lại vỏ, phơi lên bờ tường để gội đầu dần.
 

Nhà thơ Hoàng Cầm-Lê Thiết Cương

Cũng xin nói thêm là Gallery 39 không hề thích kiểu ảnh cố tình ép ý, lộ liễu, gượng gạo hoặc cài cắm những ý tứ văn học nặng nề, những chú thích ảnh đao to búa lớn. Họa sỹ Trịnh Tú rượu ngon vào thường nhả lời đẹp ra với lớp nghệ sỹ đàn em: Không phải rằng nghệ thuật thì không nên bàn đến những vấn đề toàn cầu, vấn đề nhân loại, vấn đề của số đông nhưng tốt nhất là nên bàn những vấn đề đó thông qua những câu chuyện của số ít, của cá nhân. Tôi nghĩ bụng: gì thì gì phải diễn đạt bằng cách nhìn cá nhân mới là điều cốt tủy. Một loại ảnh nữa, chúng tôi cũng ngờ ngợ rằng chưa chắc đó có phải là nhiếp ảnh không khi mà người chụp chủ trương chơi ánh sáng, chơi bố cục hoặc nhìn bằng cách nhìn của hội họa. Thực sự thì đó là một đòn chết vì nó làm rẻ đi cả hội họa lẫn nhiếp ảnh.

 
Phơi vỏ bưởi- Lê Thiết Cương

Cứ tưởng răng tóc là nhỏ, là chuyện nhỏ nhưng hóa ra chẳng nhỏ chút nào.
Cứ tưởng răng tóc là chuyện hình thức, hóa ra cũng không hẳn như vậy.

 
Playgrins- Lawrence D’ Attilio

Cái răng cái tóc đúng là một góc con người. Nhưng cái góc đó lại chứa đựng nhiều câu chuyện.
Triển lãm “Răng & Tóc” của 8 người chụp ảnh nêu trên cũng chỉ mới nêu được vài câu chuyện nho nhỏ của cái góc người đặc biệt đó thôi.

ảnh trên cùng: Búi tó- Dương Minh Long

Lê Thiết Cương

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)