REMAKE – Chặng đường vòng ngắn ngủi trên màn bạc Việt ?
Nhìn lại trào lưu Remake tại Việt Nam, ta nhận ngay ra một nền điện ảnh kém phát triển lại tích cực đi mua lại ý tưởng từ những nền điện ảnh lớn hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Hiện tượng này phản ánh điều gì?
Đạo diễn Mỹ chuyên làm phim về Việt Nam Stephane Gauger trên phim trường Yêu Đi Đừng Sợ. Bộ phim được đánh giá cao về mặt chuyên môn nhưng tại sao vẫn không thành công về doanh thu?
Hiện tượng phim Việt Nam sử dụng kịch bản nước ngoài đã manh nha từ bộ phim Yêu (đ/d: Việt Max, 2015), khi đây là một tác phẩm chuyển thể không chính thức từ nguồn Thái. Tuy nhiên, bộ phim này chỉ gây được chú ý về nguồn gốc với giới chuyên môn nhỏ hẹp. Phải cho đến khi nhà sản xuất CJ E&M đại thắng với bộ phim mang tên Em Là Bà Nội Của Anh (đ/d: Phan Gia Nhật Linh, 2015), xác lập một kỷ lục mới về doanh thu tại thời điểm đó, thì một quả bom đã nổ giữa giới làm phim. Cụm từ nóng nhất năm 2016 của ngành điện ảnh chính là Remake. Nhiều người vồ vập, cũng có người dè dặt, nhưng chắc chắn ai cũng nói về nó. Thời đại phim nhảm đã qua, phim danh hài đang mất giá dần, remake xuất hiện như một chân trời hốt bạc có khả năng thay thế. Làn sóng hưng phấn này thực sự có vẻ uy hiếp các kịch bản nội địa đến nỗi mà giải Cánh Diều Vàng và LHP Việt Nam đều phải ra thông báo chính thức rằng phim remake không có chỗ trong các sân chơi này. Nhưng sự lo lắng đó thật thừa thãi, đến thời điểm cuối năm 2017 có thể nói rằng trào lưu remake đã thoái trào. Dù cho vẫn còn hai phim remake chưa công chiếu là Tháng Năm Rực Rỡ (đ/d: Nguyễn Quang Dũng), Cô Nàng Ngổ Ngáo (đ/d: Văn Công Viễn), và một vài dự án remake rục rịch bấm máy, sự phấn khích đối với chúng đã không còn, nhất là sau thất bại doanh thu của Sắc Đẹp Ngàn Cân (đ/d: James Ngô). Lý do nào khiến cho một cơn sốt tưởng chừng rất nóng lại chóng nguội như vậy?
Remake là gì?
Remake là một hiện tượng phổ biến ở Hollywood, đó là khi các nhà sản xuất Mỹ quyết định chuyển thể lại những tác phẩm điện ảnh quốc tế với diễn viên Mỹ, bối cảnh Mỹ và cách làm Mỹ. Gần đây nhất trong năm 2017 chúng ta có Ghost In The Shell với nguyên tác là một phim hoạt hình Nhật Bản kinh điển. Nhưng xin chú ý rằng người Mỹ làm lại phim thế giới thì nhiều, chứ hầu như không nước nào remake phim Hollywood cả. Thứ nhất là vì phim Hollywood thường được đầu tư cao nhất thế giới, không một nước nào đủ tiềm lực tài chính để sản xuất các bộ phim bom tấn như vậy. Thứ hai, giá mua quyền chuyển thể kịch bản từ kinh đô điện ảnh là một con số đủ lớn để không ai dại dột chi trả, chỉ để làm một bộ phim chiếu thị trường nội địa. Thứ ba, sức ảnh hưởng văn hoá của Hollywood đã quá khủng khiếp, không có quốc gia nào lại chấp nhận quảng bá sức mạnh mềm của Hoa Kỳ thêm nữa thông qua remake. Và cuối cùng, Hollywood là một cỗ máy làm phim khổng lồ với thị trường toàn cầu, một cách tự nhiên nhu cầu kịch bản của chú King Kong này cao hơn các nền điện ảnh khác. Có thể nói rằng, đây là một hiện tượng nước chảy chỗ trũng, khi mà một nền điện ảnh lớn đi thu mua ý tưởng từ các nền điện ảnh nhỏ hơn.
Liều thuốc tốt cho căn bệnh trầm kha ?
Trong 10 năm trở lại đây, ngành điện ảnh Việt Nam đã trưởng thành về nhiều mặt. Nhờ các nhà làm phim Việt kiều, chúng ta đã có một quy trình chuẩn mực với những cá nhân chuyên nghiệp ở các vị trí tổ chức sản xuất. Sự phát triển của kỹ thuật số khiến cho các thiết bị làm phim cao cấp dễ tiếp cận hơn, một thế hệ các tay máy trẻ được trưởng thành trong môi trường thuận lợi đã sớm được công nhận là các giám đốc hình ảnh xuất sắc. Thay vào một lớp đạo diễn có tên tuổi mà năng lực đáng ngờ, chúng ta đã có những cái tên mà chuyên môn đã được bảo chứng bằng cả chất lượng phim cũng như thành công phòng vé. Ngay cả kỹ xảo máy tính, một lĩnh vực sang trọng mà tới giờ vẫn còn ít phim Việt Nam dám đụng đến vì quá tốn kém, chúng ta cũng không thiếu những công ty giàu kinh nghiệm gia công cho các bom tấn Hollywood. Ấy vậy, còn một thứ cốt lỗi mà cho đến nay điện ảnh Việt Nam vẫn rất yếu: Kịch bản. Mười năm nay, ở đỉnh cao chúng ta chưa tìm được dù chỉ một biên kịch ngôi sao có thể đảm bảo cả hai yếu tố chuyên môn và doanh thu. Tại cấp phong trào, các bạn trẻ chập chững bước vào nghề thể hiện rõ rằng họ chưa từng được chuẩn bị nền tảng văn hoá vững vàng và được đào tạo bài bản. Kết quả là đừng nói đến một kịch bản xuất sắc có thể làm chất liệu cho một siêu phẩm, ngay cả một kịch bản sạch sẽ, đúng kỹ thuật như cỡ Em Chưa 18 (đ/d: Lê Thanh Sơn) cũng đã là của hiếm. Hãy nhìn vào bộ phim Việt đáng chú ý cuối cùng của năm 2017: Lôi Báo, ngay cả một đạo diễn hàng đầu như Victor Vũ cũng không thể giấu nổi một kịch bản non tay.
Bộ phim Em Là Bà Nội Của Anh (2015) chuyển thể từ bộ phim Miss Granny (2014) của Hàn Quốc cán mốc doanh thu 5 triệu USD, là kỷ lục tại thời điểm đó đã “châm ngòi” cho trào lưu remake của Việt Nam. Trong ảnh là hai diễn viên đóng nhân vật chính trong phiên bản Việt Nam và Hàn Quốc. Nguồn: thethaovanhoa.vn
Khi mà nguồn kịch bản nội yếu về chất lượng, thiếu về số lượng thì phải thừa nhận là đi mua kịch bản tốt từ nước ngoài là một bước đi đúng đắn. Việt Nam khác Hollywood ở chỗ này, chúng ta remake là để học. Đây là một trong những nấc thang vô cùng quan trọng nếu như chúng ta muốn có một thị trường điện ảnh lành mạnh. Và cũng không thể không kể đến chính các biên kịch Việt Nam, dù có thể có đôi chút tự ái nghề nghiệp, các kịch bản remake vừa là thách thức sống còn và cũng vừa là những bài học bổ ích về cách viết.
Phải chăng là đau bụng uống nhân sâm?
Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế là kể từ sau Em Là Bà Nội Của Anh, không có phim remake nào đạt được thành công đáng chú ý về cả nghệ thuật lẫn doanh thu. Có phim có lời như Ngày Mai Mai Cưới (đ/d: Nguyễn Tấn Phước), nhưng một phần là vì kinh phí đầu tư khá tiết kiệm. Một vài phim thì được đánh giá là tốt về chuyên môn như Bạn Gái Tôi Là Sếp (đ/d: Hàm Trần) hay Yêu Đi Đừng Sợ (đ/d: Stephane Gauger) nhưng doanh thu chỉ đạt mức hoà vốn. Sắc Đẹp Ngàn Cân thì không chỉ lỗ nặng mà còn bị khán giả chê là vô hồn. Thậm chí có dự án còn đổ bể khi sắp quay vì nảy sinh mâu thuẫn với chủ sở hữu tác quyền nước ngoài. Để hiểu vấn đề cho cặn kẽ, chúng ta cần phải bóc tách bộ phim đầu tiên đã khơi mào nên trào lưu này.
Ngoài việc được đầu tư mạnh tay trong cả khâu sản xuất lẫn phát hành, Em Là Bà Nội Của Anh có một vài lợi thế với tư cách là một phim remake. Trước hết đó chính là yếu tố lạ miệng, ở thời điểm dự án bắt đầu, khán giả hầu như không hề biết đây là một phim chuyển thể và khái niệm thế nào là remake cũng còn xa lạ. Đây là điểm mà đương nhiên các phim về sau này không có được.
Tiếp theo, bộ phim gốc Miss Granny là một phim không nổi tiếng lắm với khán giả Việt Nam, phim đã từng chiếu rạp nhưng không thành công lắm. Sau đó Miss Granny cũng chỉ được biết đến trong một nhóm nhỏ yêu thích phim Hàn, vô danh với đại bộ phận khán giả. Chính vì vậy khi đi xem Em Là Bà Nội Của Anh, phần lớn người xem là những người đến với câu chuyện này lần đầu, vẫn còn nguyên sự tươi mới. Yếu tố này chính là cái mà bộ phim Sắc Đẹp Ngàn Cân không có. Bộ phim gốc 200 Pounds Beauty là một bộ phim Hàn quá nổi tiếng từ mười năm nay, số lượng người Việt Nam đã xem nó là cực kỳ nhiều, bởi vậy họ không có nhu cầu đi xem lại một phiên bản khác của một câu chuyện đã cũ chỉ vì nó được Việt hoá. Thực tế này đã chứng minh sự thành công của phim gốc không có ý nghĩa nào cả, và lựa chọn phim nổi tiếng để remake là một sai lầm trong việc đọc nhu cầu khách hàng.
Ngoài ra còn một yếu tố cũng đáng chú ý đó là với một phim đã mười năm tuổi, giá mua quyền chuyển thể chắc chắn mềm mại hơn phim mới. Ở điểm này thì Em Là Bà Nội Của Anh có lợi thế, vì nhà sản xuất của nó chính là chi nhánh Việt Nam của hãng sở hữu tác quyền – tập đoàn CJ Hàn Quốc. Đương nhiên họ không mất chi phí khi remake tác phẩm của chính mình. Nhưng sự cũ mới không chỉ ảnh hưởng đến chi phí, nó còn có thể tác động đến chất lượng. Nếu theo dõi sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc trong hai mươi năm qua, có thể nhận thấy rằng họ cũng phải trải qua các giai đoạn học hỏi, rút kinh nghiệm chứ không hề vụt biến thành người khổng lồ chỉ sau một đêm. Ngày hôm nay, có thể nói điện ảnh Hàn là lò sản xuất kịch bản có chất lượng cao và đồng đều nhất tại châu Á. Thế nhưng tua ngược lại 10 năm hay 15 năm trước, kịch bản của Hàn Quốc cũng không đạt được một mặt bằng chung tốt như hiện nay. Nếu so về chất lượng chuyên môn thì kịch bản 200 Pounds Beauty (2006) kém khá xa Miss Granny (2014), và đến lượt 200 Pounds Beaty khi so với My Sassy Girl (2001) thì lại vượt trội hơn hẳn về kỹ thuật viết, điều này phản ánh sự phát triển qua thời gian của một nền điện ảnh. Bởi vậy, khi remake mà quá lệ thuộc vào bản gốc Hàn Quốc cũ kỹ, nhà sản xuất đang lặp lại những sai lầm về kịch bản đã được rút kinh nghiệm từ hơn một thập kỷ. Nếu khán giả đã có thời gian làm quen với những kịch bản đương đại tốt thì một kịch bản cũ sẽ rất khó chinh phục họ.
Hơn nữa, sự thành công của một bộ phim không chỉ đến từ kịch bản mà còn ở cả cách nhà sản xuất tiếp cận dự án, trong đó quan trọng nhất là lựa chọn một đạo diễn có thể khơi dậy những ưu điểm của cốt truyện cũng như được trao cho quyền tự do sáng tạo ở mức nhất định. Một người đạo diễn thực thụ phải cứng tay ở cả ba mảng: làm việc với diễn viên làm sao để bộc lộ được hết tinh thần của nhân vật, làm việc với các yếu tố hình ảnh để vừa đảm bảo thẩm mỹ vừa phù hợp với nội dung, và cuối cùng là làm việc với chính câu chuyện phim để lấy đây là xương sống cho hai công tác kể trên. Không cần mất nhiều công tranh cãi, Em Là Bà Nội Của Anh đã được trao vào tay một đạo diễn có nghề thực sự. Phan Gia Nhật Linh đã làm nên một bộ phim có hồn, làm khán giả xúc động với nhât vật, bắt khán giả phải dõi theo hành trình của họ. Các nhà sản xuất phim này có thể tự hào vì đã có một quyết định nhân sự đúng đắn. Bởi thế cho nên, sẽ rất tai hại nếu một nhà sản xuất phim tin rằng có thể để bộ phim gốc làm thay nhiệm vụ của một đạo diễn. Nếu cho rằng diễn viên chỉ cần xem phim gốc trên hiện trường là đủ để biết mình phải diễn thế nào, rằng chỉ cần thuê một DP ngồi vào chiếc ghế nóng, yêu cầu anh ta làm chính xác theo từng khung hình của phim gốc, kết quả cho nhà sản xuất sẽ là một bản photocopy vô hồn.
Nhưng hai phim Bạn Gái Tôi Là Sếp và Yêu Đi Đừng Sợ cũng có đạo diễn giỏi, có kịch bản tươi mới, được đầu tư hợp lý và là những phim khá đàng hoàng, vậy tại sao vẫn không thành công như mong đợi? Câu trả lời rằng remake bản thân nó không có phép màu nào, một bộ phim thành công phải là những phim xây dựng nhân vật có chiều sâu, có nội lực thật sự mạnh khiến khán giả sẽ tin vào họ và quên đi rằng họ chỉ là hư cấu.
Trong khi, Em Là Bà Nội Của Anh có bà Đại, một người phụ nữ đã mất chồng trong chiến tranh, hi sinh cả đời để nuôi con khôn lớn, đó là hình ảnh gần gũi như bất kỳ một người bà nào trong mỗi nhà. Chính vì thế cuộc hành trình được một lần trẻ lại tuổi đôi mươi của bà Đại đủ sức lay động người xem trẻ tuổi vì những giá trị gia đình, và trở thành một món quà tinh thần ý nghĩa khi họ mua vé mời ông bà bố mẹ đi xem, một lượng khán giả vô cùng lớn đã đến rạp dù cho đó không phải là thói quen của họ. Thì, hai phim Bạn Gái Tôi Là Sếp và Yêu Đi Đừng Sợ không có được nhân vật như bà Đại.
Remake, ta chia tay từ đây?
Những thất bại có nguyên nhân chủ quan từ con người thì không thể đổ cho remake. Nhưng khi đã có một khoảng lùi đủ để nhìn lại, ngành điện ảnh Việt Nam trong năm 2018 sẽ có một cách nhìn nhận khác về nó. Cũng như tất cả những cơn “sốt” bất động sản, “sốt” chứng khoán…, cơn “sốt” remake sau khi hạ nhiệt sẽ làm rơi rụng đi khá nhiều nhà đầu tư. Nhưng ít nhất trào lưu remake vừa qua có thể giúp ngành công nghiệp này lọc ra được những nhà sản xuất thực sự, những người ở lại với điện ảnh một cách nghiêm túc, những người làm phim với một niềm tin, không phải vì bộ phim này sẽ lấy được rất nhiều tiền từ ví người xem mà vì nhiều khán giả sẽ chia sẻ tình yêu với họ, tình yêu đến từ sự đồng cảm, tán thưởng, đau đớn, sướng vui với câu chuyện phim, thì có nghĩa là nó đã dạy được cho ta một bài học cần thiết hơn tất thảy.
Cơn sốt qua đi, nhưng điện ảnh Việt Nam chưa nên dừng remake hay ngừng sử dụng kịch bản ngoại, nhất là với lý do dân tộc chủ nghĩa nào đó. Chỉ là hãy trả lại cho remake đúng giá trị của nó. Remake không phải là một hiện tượng, nó nên là chuyện bình thường của một nền điện ảnh lành mạnh trong thời đại toàn cầu hoá. Remake không có nghĩa là photocopy, nó nên là trao cho câu chuyện cũ một sức sống mới, một cuộc đời mới. Có rất nhiều kịch bản hay nhưng bộ phim đầu tiên chưa được hoàn hảo. Những câu chuyện ấy xứng đáng có thêm một cơ hội được kể lại cho xứng với tiềm năng. Như thế thì biết đâu bản remake của một phim thất bại hoàn toàn có thể trở thành tuyệt phẩm hoặc vua phòng vé. Để làm được điều ấy, kịch bản gốc cần được những người làm phim sáng tạo lại với tất cả tài năng, trí tuệ và sự trân trọng. Phim remake sẽ còn gặp lại chúng ta, mong rằng các bộ phim ấy sẽ chứa đựng công sức đích thực của người Việt Nam, tôn vinh giá trị sáng tạo Việt Nam. Khi đó không cần và không nên có một cơ quan nào ngăn cản phim remake tham gia các giải thưởng quốc gia nữa.