Robert Oppenheimer qua góc nhìn hậu thế 

Bộ phim của đạo diễn Christopher Nolan về nhà vật lý Robert Oppenheimer, tổng công trình sư dự án bom nguyên tử Manhattan, có thể cho chúng ta biết thêm những gì về ông?

Một cảnh trong bộ phim “Oppenheimer” của đạo diễn Nolan.

Đã gần 80 năm kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ II, những câu chuyện về nhà Vật lý lý thuyết sáng láng và bí ẩn, tổng công trình sư 38 tuổi của dự án chế tạo bom nguyên tử J. Robert Oppenheimer vẫn luôn cuốn hút giới sử gia và nghệ thuật. Hàng loạt các tác phẩm xuất hiện ngay từ năm 1946, từ phim tài liệu, phim truyền hình ngắn, kịch, sách, tiểu thuyết tranh, phim truyện, thậm chí cả opera đã được làm ra xoay quanh cuộc đời, sự nghiệp và di sản của ông. Nổi bật nhất trong số này vẫn là một đoạn video ngắn chiếu cảnh nhà thiên tài suy kiệt, ám ảnh bởi sản phẩm của chính mình đang trích lại một câu sử thi Bhagavad Gita “Bây giờ tôi trở thành Thần chết, kẻ hủy diệt thế giới” trong bộ phim tài liệu năm 1965 của NBC News. Điều đó khiến công chúng luôn tò mò về cuộc đời ông, người nắm giữ một vai trò lớn trong cuộc chạy đua phát triển một thứ vũ khí hủy diệt nhưng trong những ngày cuối tồn tại trên Trái đất lại ngập trong nỗi tiếc nuối về công trình lớn nhất của đời mình. 

Bộ phim điện ảnh đầu tiên cùng tên Oppenheimer của Christopher Nolan một lần nữa kể về những góc cạnh của cuộc đời ông, về tài năng, những sự kiện lịch sử kịch tính, cả hối tiếc và bi kịch. Nó cho thấy cuộc đời của Robert Oppenheimer không hoàn toàn là tiếc nuối như trong video nói trên. Nó chứa đựng rất nhiều hứng thú, đam mê khoa học, nhưng đầy bi kịch như một bộ phim tiểu sử tiêu đề “American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J. Robert Oppenheimer”.

Oppenheimer, kẻ hủy diệt?

Chúng ta hãy cùng nhớ lại giai đoạn đầu tiên của dự án Manhattan. Được đích thân tướng công binh Grove lựa chọn, nhà vật lý lý thuyết Oppenheimer khi đó mới chỉ 38 tuổi. Trong vai trò dẫn dắt dự án, ông đã không chỉ tập hợp mà truyền cảm hứng, khơi gợi, tổ chức và dẫn dắt hàng loạt những nhà khoa học giỏi nhất của thời đại. Ông nắm bắt mọi vấn đề lý thuyết, tham gia vào mọi thí nghiệm thực nghiệm như lời nhà vật lý Victor Weisskopf kể lại sau này. Chính từ môi trường làm việc cực kỳ hứng thú và thách thức đó đã ra đời hàng loạt khám phá khoa học và tạo nên quả bom nguyên tử đầu tiên.

Ngày 16/7/1945, Oppenheimer cùng đồng nghiệp quan sát vụ thử bom hạt nhân đầu tiên của nhân loại (bí mật) tại bãi thử Trinity ở phía Nam Los Alamos. Giây phút đó cực kỳ căng thẳng, họ biết rằng quả bom tên “Gadget” này sẽ có thể thay đổi thế giới. Họ cũng tin rằng nếu thành công thì nước Mỹ có thể kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ II, đúng hơn là đánh bại nước Nhật bởi khi đó thì Đức đã bị đánh bại. Oppenheimer nín thở và thốt lên “Nó nổ rồi” ngay khi vụ nổ diễn ra. Nhà vật lý Isidor Isaac Rabi, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1944 do phát hiện hiện tượng cộng hưởng từ hạt nhân, nhớ lại: ông xuống xe, đi khập khiễng như trong phim “High Noon” sau thành quả của mình. 

“Thời gian trôi qua, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những thành kiến và không công bằng trong quy trình mà ông phải tuân thủ, trong khi đó bằng chứng về lòng trung thành và tình yêu đất nước của ông luôn được khẳng định”.

(Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm)

Để rồi hơn hai tuần sau ngày 6/8/1945, quả bom mang tên “Little Boy” được chiếc máy bay mang tên “Enola Gay” được thả vào giữa thành phố Hiroshima, khiến hàng chục nghìn người chết. Ba ngày sau đó, máy bay Bockscar thả quả bom thứ hai mang tên “Fat Man” xuống Nagasaki. Tổng cộng có từ 110 nghìn đến 210 nghìn người dân chết tại chỗ. Sáu ngày sau, Nhật hoàng Hirohito công bố đầu hàng vô điều kiện.

Sau đó ba tuần, công chúng Mỹ mới được biết về sự hủy diệt khủng khiếp này trong bài báo “Hiroshima” của John Hersey đăng trên tờ New Yorker. Tổng thống Truman đã trấn an dân chúng, điều Tổng thư ký thời chiến Henry Stimson đăng một bài báo trên tạp chí Harper bảo vệ quyết định dùng bom nguyên tử trong vào tháng 2/1947. Nó kể lại những phút giây quyết định đầy căng thẳng với lý do chính là tránh một cuộc đổ bộ quân sự đẫm máu có thể khiến ít nhất một triệu quân nhân Mỹ thiệt mạng. Lập luận này ảnh hưởng suốt một thế hệ người Mỹ sau đó. 

Chỉ vài tháng sau, bộ phim Hollywood “The Beginning or the End” tiếp tục kể về bối cảnh ủng hộ quyết định này. Nó ra đời rất nhanh ngay khi công chúng bắt đầu dấy lên những câu hỏi có thực sự cần thiết không. Phim đã đưa cả vai Tổng thống và hàng loạt tướng tá vào khung cảnh, kể lại không quân Mỹ trước đó đã thả tờ rơi cảnh báo dân chúng về quả bom nguyên tử, và máy bay thả bom đã bị không quân Nhật bắn phá liên tục. 

Nhưng vào năm 2020, Greg Mitchell viết cuốn “The Beginning or the End – bộ phim Hollywood và nước Mỹ đã dùng để lấy đi sự ăn năn của người Mỹ và khiến cho họ yêu thích quả bom hơn”. Sự thực thì không có chuyện thả tờ rơi cũng như phòng không Nhật bắn phá. Nhiều nhà sử học còn không đồng ý với cảnh diễn việc ra quyết định thả bom, họ cho rằng quyết định đã được tiến hành thảo luận trong cả một quá trình dài. Thậm chí nhà sử học hạt nhân Alex Wellerstein còn viết, Tổng thống Truman đã không phải là nhân tố ra quyết định chính. Ông Truman cũng đã nhầm lần rằng Hiroshima là một căn cứ quân sự chứ không phải thành phố đông dân. Và Bird đã từng hỏi người viết thuê của Stimson là con số một triệu quân nhân Mỹ có thể chết nếu đổ bộ lấy nguồn từ đâu? Câu trả lời là đến từ không khí thôi. 

Robert Oppenheimer.

Oppenheimer không coi bộ phim “The Beginning or the End” là một dàn dựng có chủ đích. Nhưng Leo Szilard, một nhà vật lý đồng nghiệp nói thẳng: “Nếu tội lỗi của các nhà khoa học là tạo ra quả bom nguyên tử thì sự trừng phạt cho họ là phải xem bộ phim ‘The Beginning or the End’”. 

Dĩ nhiên, ​​Oppenheimer đã cùng các nhà khoa học đã khuyến nghị rằng quả bom chỉ nên được nhắm vào các mục tiêu quân sự, hay cần thử nghiệm công khai trước để cảnh báo buộc Nhật Bản đầu hàng. Vào đêm xảy ra vụ đánh bom ở Hiroshima, Oppenheimer cho rằng điều hối tiếc duy nhất của ông là quả bom đã không được hoàn thành kịp để sử dụng chống lại Đức. 

Sự thật là mặc dù rất phấn khích trước thành tựu của mình, các nhà khoa học vẫn kinh hoàng trước sự thiệt hại của dân thường trong cuộc tấn công, lo lắng tương lai của vũ khí sẽ khuyến khích các cuộc chiến trong tương lai thay vì ngăn chặn chúng. Trong phim của Nolan, vào tháng 10/1945, Oppenheimer đã nói với Tổng thống Harry S. Truman (Gary Oldman đóng): “Thưa Tổng thống, tôi thấy bàn tay mình dính đầy máu”.

Suy sụp cuối đời

Những năm sau đó, Oppenheimer tiếp tục lên tiếng công khai về sự nguy hiểm của chiến tranh nguyên tử ngay cả khi ông tiếp tục đóng vai trò cố vấn vũ khí hạt nhân cho chính phủ Hoa Kỳ. Tháng 11/1945, ông nói với một khán giả ở Philadelphia rằng quả bom “là một thứ xấu xa theo các tiêu chuẩn của thế giới”. Năm 1949, với tư cách là người đứng đầu ủy ban cố vấn cho Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ (AEC) mới thành lập, ông đã đưa ra một báo cáo cảnh báo chống lại việc phát triển bom khinh khí – một loại vũ khí nhiệt hạch mạnh hơn bom Trinity, Hiroshima hoặc Nagasaki do nhà khoa học Teller, đồng nghiệp trong Dự án Manhattan đề xuất. Oppenheimer viết: “Một quả bom siêu hạng có thể trở thành vũ khí diệt chủng. Một siêu bom không bao giờ nên được sản xuất.” Năm 1953, ông đã có một bài phát biểu ví Hoa Kỳ và Liên Xô có năng lực hạt nhân như “hai con bọ cạp trong một cái chai, mỗi con có khả năng giết chết con kia với cái giá bằng chính mạng sống của mình”.

Cuộc đời của Oppenheimer đã không phẳng lặng sau đó. Trong giai đoạn Thượng nghị sỹ McCarthy cảnh báo về việc các điệp viên Xô viết thâm nhập Chính phủ Mỹ, ông được chủ tịch của AEC Lewis Strauss báo phải ra điều trần trong một phiên bí mật. Oppenheimer đã tự bào chữa cho chính mình trong hơn một tháng kể từ tháng 4/1954. Ông phải giải trình về quan hệ thân thiết với Chevalier, một học giả văn học Pháp có thiện cảm với phe Cộng sản tại Berkeley, hay việc ông phản đối quả bom khinh khí của Teller. Hay cả vấn đề cá nhân là việc qua lại với vị hôn thê cũ Tatlock (Florence Pugh đóng) vào mùa hè năm 1943, một người theo chủ nghĩa Cộng sản trong khi Oppenheimer đang làm việc tại Los Alamos. Sáu tháng sau, cô tự sát vào năm 1944. “Tại sao anh phải gặp cô ấy?”. Ủy ban hỏi. Oppenheimer trả lời: “Bởi vì cô ấy vẫn còn yêu tôi”.

Ủy ban điều trần đã không khôi phục chứng nhận an ninh cho Oppenheimer với tỷ lệ 2:1. Sự kiện này làm ông suy sụp. Ông quay lại giảng dạy ở Princeton, New Jersey, làm Giám đốc Viện nghiên cứu Tiên tiến từ năm 1947. George Kennan, một người bạn khác thuyết phục ông ra nước ngoài. Kennan kể lại rằng Oppenheimer đã trả lời trong nước mắt: “Chết tiệt là tôi lại yêu đất nước này rồi”.

Oppenheimer cố giữ hình ảnh trước công chúng sau vụ điều trần này nhưng không thành công. Thậm chí vào năm 1964, nhà viết kịch người Đức Heinar Kipphardt đã làm một vở kịch dựa trên tư liệu từ các phiên điều trần an ninh tên “Về những vấn đề của J. Robert Oppenheimer”. Oppenheimer đã nói với tờ Washington Post rằng “Toàn bộ những cái chết tiệt đó là một trò hề, người ta đang cố tạo ra một bi kịch”.

Mọi việc lắng xuống khi Tổng thống Lyndon B. Johnson trao tặng giải thưởng Enrico Fermi, vinh dự cao quý nhất của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử AEC năm 1963 cho Oppenheimer. Nhưng lúc này, ông đã trở nên quá mặc cảm về danh tiếng của mình và lui về sống những ngày còn lại ở Princeton, ở Viện Nghiên cứu cao cấp cho đến năm 1966 rồi qua đời vì bệnh ung thư vào tháng 2/1967. New York Times viết trong cáo phó về ông “Người đàn ông phức tạp và khó hiểu này chưa bao giờ xua tan hết được những nghi ngờ về hành xử của mình”.

Cuối cùng thì chứng nhận an ninh của Oppenheimer được phục hồi tháng 12/ 2022 khi Bộ Năng lượng hủy bỏ quyết định năm 1954 của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử AEC. Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm tuyên bố “Oppenheimer đóng một vai trò trung tâm trong lịch sử của chúng ta trong việc lãnh đạo các dự án năng lượng nguyên tử của quốc gia trong Thế chiến Thứ hai và đặt nền móng cho các phòng thí nghiệm quốc gia của Bộ Năng lượng”. Bà cho rằng “Thời gian trôi qua, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những thành kiến và không công bằng trong quy trình mà tiến sĩ Oppenheimer phải tuân thủ, trong khi đó bằng chứng về lòng trung thành và tình yêu đất nước của ông luôn được khẳng định”.

Bộ phim của Nolan đã chiếu lại nhiều khoảnh khắc của cuộc đời Oppenheimer. Bird, đồng tác giả của “American Prometheus” đã khen ngợi các lời thoại của phim. Nó chứa đựng toàn cảnh về cuộc đời Oppenheimer, không né tránh các câu hỏi đạo đức về quả bom. Nolan bao quát một cách rất khéo léo cuộc tranh luận giữa các nhà vật lý về việc liệu quả bom có cần thiết hay không. Và trong một cảnh Oppenheimer đã nói rằng quả bom được chế để chống lại một kẻ thù gần như đã bị đánh bại”. Khi xem những thước phim này, khán giả cảm thấy thực sự được thấy “một nhân vật bí ẩn và một tiểu sử sâu sắc”. 

Bộ phim của Nolan xuất hiện đúng vào một thời điểm bấp bênh khi quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân đang bị ngưng lại và có khả năng đảo ngược. Gần 80 năm đã trôi qua, các nhà lãnh đạo thế giới ngày nay ít ai đã trực tiếp chứng kiến sự khủng khiếp của bom hạt nhân, thậm chí còn không biết nhiều về những sự thật cơ bản của Thế chiến II. 

Nhưng có lẽ khoảng cách thời đại đó cũng tạo ra cơ hội để “công chúng có thể nói một cách cởi mở hơn về những sự kiện lịch sử nguyên tử quan trọng.” theo lời của chủ tịch của Tổ chức Di sản Nguyên tử, bà Cynthia C. Kelly. “Chúng ta cần thời gian đủ xa để có được một đạo diễn tầm cỡ như Nolan tiếp nhận câu chuyện của Oppenheimer bằng góc nhìn mới mẻ”. □

Nguyễn Quang tổng hợp

Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/history/the-real-history-behind-christopher-nolans-oppenheimer-180982529/

https://www.nationalgeographic.com/history/article/julius-robert-oppenheimer-atomic-bomb-legacy

Tác giả

(Visited 41 times, 1 visits today)