Roberto Bolaño: Sự suy bại của cái đẹp và cái đẹp của sự suy bại

Roberto Bolaño đã viết bài thơ “Sự nghiệp văn học của tôi”, về sau được tổng hợp lại và in trong tập The Unknown Universe, vào tháng 10/1990. Đó là năm con trai ông ra đời, sự kiện khiến ông nhận ra đã đến lúc không thể chỉ viết thơ mà đủ sống nữa. Ông bắt đầu chuyển sang viết văn xuôi, và mặc dù với chúng ta, những tiểu thuyết như 2666 và Thám tử hoang dã là kiệt tác của văn chương Mỹ Latin đương đại, thì có lẽ với Bolaño cũng chỉ là một kiếp nợ mà như một nhân vật trong Thám tử hoang dã có mô tả là, “sớm hay muộn tôi cũng đành phải gắn kết với cái tục tằn của việc viết truyện”.

Nhà văn Roberto Bolaño.

Những lời từ chối từ Anagrama, Grijalbo, Planeta, dĩ nhiên là cả từ Alfaguara,
Mondadori. Một lời nói không từ Muchnik, Seix Barral, Destino… Hết thảy những nhà xuất bản… Hết thảy người đọc

Hết thảy giám đốc bán hàng…

Dưới cầu, trong khi mưa, một cơ hội vàng

để nhìn lấy chính tôi:

như con rắn nơi Bắc Cực, nhưng đang viết.

Viết thơ trên mảnh đất kẻ khờ.

Viết với con trai ngồi trên gối tôi.

Viết đến khi đêm buông

với sấm sét từ ngàn con quỷ dữ.

Những con quỷ sẽ đưa tôi xuống âm ti,

nhưng đang viết.

Roberto Bolaño đã viết bài thơ “Sự nghiệp văn học của tôi”, về sau được tổng hợp lại và in trong tập The Unknown Universe, vào tháng 10/1990. Đó là năm con trai ông ra đời, sự kiện khiến ông nhận ra đã đến lúc không thể chỉ viết thơ mà đủ sống nữa. Ông bắt đầu chuyển sang viết văn xuôi, và mặc dù với chúng ta, những tiểu thuyết như 2666 Thám tử hoang dã là kiệt tác của văn chương Mỹ Latin đương đại, thì có lẽ với Bolaño cũng chỉ là một kiếp nợ mà như một nhân vật trong Thám tử hoang dã có mô tả là, “sớm hay muộn tôi cũng đành phải gắn kết với cái tục tằn của việc viết truyện”.

Thám tử hoang dã (theo bản dịch thăng hoa của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng) lấy cảm hứng từ sự ra đời và biến mất chóng vánh của một phong trào thơ ca ở Mexico được gọi là infrarealism (tạm hiểu là chủ nghĩa hiện thực nội tại), nguyên bản của “chủ nghĩa hiện thực cật ruột” (visceral realism) trong tác phẩm. Đó là một đám những nhà thơ trẻ do chính Bolaño và người bạn thơ Mario Santiago Papasquiaro làm thủ lĩnh, lúc đó hai người mới chỉ bước vào tuổi hăm hai hăm ba, cái tuổi mơ mộng ấy, cái tuổi mà như ông viết trong một bài thơ là “cái vô cùng không làm chúng tôi run sợ”1. Nhân vật Arturo Belano trong truyện chính là hiện thân của Bolaño còn nhân vật Ulises Lima là hiện thân của Papasquiaro. Và vì trẻ, họ nghĩ rằng mình có thể thay đổi được một điều gì đó trên thế giới này. Họ nghĩ thơ ca có thể chống lại nền chính trị dơ bẩn của đất nước thập niên 70, với những kẻ cầm quyền một mặt sát hại học sinh sinh viên, một mặt lấy lòng thế hệ trẻ bằng những chương trình học bổng văn hóa do các nhà thơ danh tiếng đứng đầu. Họ chống lại một cách rất ngây thơ: đi phá hoại những buổi tọa đàm gặp gỡ của các nhà thơ được bao bọc trong “vàng thủ két sắt của chính quyền”, “những ngợi ca trí trá của đám phê bình gia chính thống” hay “những tung hô của công chúng dâm dật, thô bỉ”. Tất nhiên họ chẳng thay đổi được gì, chẳng thay đổi được nền thơ ca Mexico đã đành mà cả cuộc đời mình cũng không nốt, và Thám tử hoang dã như bản ai điếu dài cho thơ ca đang vẫy vùng trong đầm lầy hiện sinh nhớp nhúa.

Tiểu thuyết bắt đầu bằng nhật ký của một cậu sinh viên Juan García Madero trường luật 17 tuổi, cậu học luật nhưng cậu chỉ muốn làm thơ, và cậu là một bách khoa thư về thơ ca, liên tục thách đố ông thầy ở khoa văn về những thuật ngữ thơ ca lạ lùng như kỳ hoa dị thảo. Cậu được kết nạp vào một băng thơ ca, phải, một băng, nghe du thủ du thực như thể một băng cướp, nhưng không, một băng thơ ca, và rồi dần bước vào cuộc sống bên rìa thế giới của những tâm hồn cuồng tưởng và đầy những khoái lạc buồn bã. Trong một cảnh hoang dại và đầy hứng khởi khiến ta liên tưởng phần nào đến Che Guevara cùng người bạn thân nhảy lên chiếc xe máy chu du Nam Mỹ, dù ít chính nghĩa hơn, García Madero cứu một cô gái điếm và cùng cô lao lên chiếc xe của Belano và Lima, và bốn người họ đi tới Sonora, nơi họ tin mình sẽ tìm được một nữ nhà thơ bí ẩn đã bị lãng quên, Cesárea Tinajero, người mà họ gọi là mẹ đẻ của chủ nghĩa hiện thực cật ruột. Phần 1 của tiểu thuyết kết thúc ở đó. Phần 2 là một dàn đồng ca của hơn năm chục nhân vật thay nhau kể chuyện và ôn lại những ký ức rã mảnh về Belano cùng Lima. Và phần cuối trở lại cuốn nhật ký của Madero, hành trình rong ruổi lần theo dấu chân của Cesárea Tinajero, để rồi cuối cùng cũng gặp được đức mẹ thiêng liêng ấy trong tình thế bàng hoàng. 

Thám tử hoang dã như bản ai điếu dài cho thơ ca đang vẫy vùng trong đầm lầy hiện sinh nhớp nhúa.

“Tôi bảo anh rằng tôi cũng như họ thôi thì anh liền đáp là không đúng, tôi đang đi học và có đi làm trong khi hai người kia chả làm gì. Họ là nhà thơ, tôi cãi. Thầy dạy toán nhìn vào mắt tôi mà lặp lại hai chữ nhà thơ. Đồ lười chảy thây thì có, anh nói…”.  Một nhân vật trong Thám tử hoang dã kể lại. Nhà thơ là một danh xưng bị khinh rẻ đến tận cùng. Và trong cuốn tiểu thuyết với hàng chục nhà thơ và hầu như đều dựa trên những tên tuổi có thật của nền thi ca Mễ bấy giờ, cuộc đời của các nhà thơ hiện ra, chông chênh, vô hướng, tủi hổ và buồn thê thảm. Thơ ca nhàn cư vi bất thiện. Thơ ca dường như chỉ đem lại bệnh tật, tai ương, bệnh điên, tội lỗi, và cái chết. 

Có một chi tiết khi Belano thách đấu với một tay phê bình gia mà theo anh là chuẩn bị điểm một cuốn sách sắp ra mắt của anh. Nghĩa là cuốn sách còn chưa ra mắt. Nghĩa là anh muốn đấu kiếm với y vì một bài phê bình còn chưa được viết ra. Và hình ảnh hai kẻ cầm kiếm khua khoắng nhau vì văn chương, đúng hơn là vì một thứ văn chương chưa từng tồn tại trên đời, thật điên rồ và ngớ ngẩn. Phải chăng họ không còn gì khác đáng làm trong cuộc đời này nữa? Đời họ u uất một cách vô vị đến thế kia ư? Và một chi tiết khác do nhân vật cô thư ký của thi hào Octavio Paz2 kể lại, một chiều nọ Octavio Paz đến công viên và tình cờ gặp Ulises Lima. Hai con người cứ đi vòng tròn cắt qua nhau, mỗi lần cắt qua lại nhìn nhau, và trong ba ngày liên tục, thi hào yêu cầu cô thư ký đưa mình tới đúng chỗ đó, gặp đúng người đó, đi qua nhau đúng theo cách đó, rồi kể cho cô xưa kia băng nhóm hiện thực cật ruột của anh ta đã từng bắt cóc ông.

Cuốn “Thám tử hoang dã” (dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng) do công ty Nhã Nam và NXB Hội nhà văn xuất bản.


Vì sao họ muốn bắt cóc ông ư? Ông không biết. Ông nghĩ là bởi họ ghét ông còn ông chẳng quan tâm tới họ. Mà cũng có thể đó chỉ là một trò đùa ầm ĩ. Dù sao ông cũng đã “quên họ vĩnh viễn” rồi. Những nhà thơ cật ruột, họ đã làm chừng ấy việc, gây ra chừng ấy phi vụ thất kinh, thế mà ga cuối của họ vẫn là cái hố lãng quên. Hơn một lần có những nhân vật mô tả Arturo Belano và Ulises Lima như những bóng ma, họ thoắt ẩn thoắt hiện, đến và đi, xuất hiện rồi tan biến, nếu không phải bóng ma thì họ sẽ được mô tả như một kẻ lãng du nơi những con sông không có thật, nơi có những hòn đảo chìm sâu trong ảo tưởng và những kẻ xơi tái lẫn nhau, hoặc là một kẻ đọc sách dưới vòi nước khiến cho mọi cuốn sách của anh ta đều hỏng gáy, những kẻ không giống ai, không ai hiểu. 

Những nhà thơ rũ rượi, những nhà thơ buồn rầu, những nhà thơ thất bại, về sau có người tìm mãi mà chẳng kiếm đâu ra còn áng thơ nào của Ulises Lima, viết thơ là ném sỏi vào vô tăm tích như vậy đấy. Vậy mà trong cái bê tha đến tã tượi ấy, họ vẫn chạm đến một điều gì đó cao cả, một sự cao cả siêu thực, siêu trần. Chẳng hạn vào lúc khi họ nói về kế hoạch lên đường đi xa chẳng hẹn ngày về, có lẽ lại là một chuyến du hành vào cõi không gì cả, nhưng một nhân vật nữ đã thốt lên rằng chưa bao giờ cô thấy họ đẹp đến vậy và quyến rũ đến thế. “Mặc dù họ chẳng làm gì để trở nên quyến rũ. Ngược lại: họ bẩn kinh người, ai mà biết họ đã bao lâu rồi không tắm, bao lâu rồi không ngủ, mắt họ thâm quầng và họ cần cạo râu (Ulises thì không, anh ta thì chẳng bao giờ cần cạo) nhưng tôi vẫn sẵn lòng hôn cả hai người…”. 

Ngay cả những trang cuối cùng khi Cesárea Tinajero sau rốt cũng xuất hiện nơi một thị trấn hoang liêu ở miền Bắc Mexico, cơ thể ngồn ngộn như một tảng đá, cặp mông phềnh ra trong lúc đang ngồi bên con mương giặt quần áo, một người đàn bà nhà quê nghèo khổ mà nếu có dịp nhác thấy thì sẽ chẳng bao giờ nghĩ đó là một nhà thơ, đừng nói là một nhà thơ vĩ đại, bởi “nhìn từ đằng sau, khom mình trên máng, Cesárea chẳng có tí nào thơ”, một hình ảnh thê lương, bi thiết tới vậy về sự sụp đổ của một thi nhân cũng vẫn loáng lên một điều gì đó không thể bị tạp lẫn. Nói cho cùng, cái hình ảnh ấy còn đẹp hơn chán vạn lần hình ảnh dạ hội linh đình của giới văn sĩ trong tiểu thuyết ngắn Đêm Chile3, cũng là một trong những tác phẩm đỉnh cao của Roberto Bolaño, với người chủ nhà hào phóng rót whiskey và mở đĩa nhạc Debussy của đích thân dàn Berlin Philharmonic chơi, trò chuyện về cuộc trình diễn nghệ thuật này, tiểu thuyết nọ, trong khi bên ngoài tình trạng Thiết quân luật được ban bố, và rồi một người khách đi lạc bất thần vào nhầm một căn phòng nơi có một người đàn ông trần truồng đang bị trói chặt, một trong những người bị bắt cóc để thẩm vấn trong bí mật mà rồi một vài sẽ bị giết chết. Đó là hình ảnh sự suy bại của cái đẹp. Còn ở Cesárea Tinajero là cái đẹp của sự suy bại. Cái sau vẫn đáng kể hơn nhiều so với cái trước. 

Ấn bản “Los Detectives Salvajes” của Roberto Bolaño

Thơ ca, trong những hoàn cảnh trớ trêu nhất và thối tha nhất, vẫn cứ cứu vớt con người. Một nhân vật của Thám tử hoang dã đã nhớ lại cái năm 1976 ấy, khi quân lính tràn vào trường học và lôi tất tật những sinh viên chúng bắt gặp để đưa đi, một người đã thoát nạn chỉ bởi vì vào đúng khi đó, cô đang ngồi trên bồn xí và đọc một bài thơ của một thi nhân mới qua đời của Tây Ban Nha: “Tôi tin, hãy cho phép tôi lạc đề mà nói điều này, tôi tin rằng cuộc sống đầy ắp những điều kỳ diệu và bí ẩn. Mà thật vậy, nhờ Pedro Garfias, nhờ những bài thơ của Pedro Garfias và nhờ cái thói quen thâm căn cố đế của tôi là đọc thơ trong toilet, mà tôi là người cuối cùng biết rằng cảnh sát đã vào trường…” và cô cứ ở lại đó mãi, ngồi mãi trên cái bệ xí, ngồi mãi trên cái bệ xí đọc thơ thật chậm rãi, và cô thoát nạn. Thơ ca, dù có bị đầy vào trong nhà xí và trộn với mùi nước tiểu, thì không thể khác được, nó vẫn là thơ ca và nó vẫn là một sự hiện diện thánh thần.

Và còn biết bao nhiêu đoạn trong cuốn tiểu thuyết quá dày, quá thách đố ấy, mà ta cảm tưởng như Roberto Bolaño chỉ đang mượn cái lốt tiểu thuyết để mà xây dựng một vũ trụ cho thơ. Những cuộc hội thoại dài nhiều trang giấy chỉ về những thể thơ và nhịp thơ xa lạ với một kẻ không chuyên, nào là glyconic, mimiambic, homeoteleuton, hapax legomenon và vô số những định nghĩa thơ ca mà cả đời này ta cũng chẳng cần tới, vậy mà chúng đem đến cho ta một khoái cảm lạ thường khi đọc. Ta không cần phải hiểu, ta chỉ cần biết rằng chúng tồn tại, rằng ở đâu đó trên thế gian này vẫn có những thứ kiểu như một loại hình thơ giống như sâu bướm, những thứ ở đó chỉ để mà ở đó, tách xa với tính thực dụng của đời sống, những thứ vô cùng khó hiểu và không kêu đòi được hiểu, thậm chí là những thứ ta không thể phát âm được tên cho trơn tru, nhưng chúng vẫn ở đó, uy nghi và sâu thẳm. 

(Lại) một nhân vật trong Thám tử hoang dã nói: “Có thứ văn chương dành cho những khi ta chán. Thứ này vô khối. Có thứ văn chương dành cho những khi ta bình tâm. Là thứ văn chương hay nhất, theo tôi. Cúng có thứ văn chương dành cho những khi ta buồn. Và có thứ văn chương dành cho khi ta vui. Và có thứ văn chương dành cho khi ta tuyệt vọng. Đấy là thứ văn chương mà Ulises Lima và Belano muốn viết.” Cuốn sách này có lẽ phải xếp vào dạng cuối cùng, thứ văn chương dành cho khi ta tuyệt vọng. Nhưng không sao, tuyệt vọng cũng là thơ. Ngay cả cái chết của thơ, như cái chết của Cesárea Tinajero, cũng là thơ nữa cơ mà. 

Thơ ca, dù có bị đầy vào trong nhà xí và trộn với mùi nước tiểu, thì không thể khác được, nó vẫn là thơ ca và nó vẫn là một sự hiện diện thánh thần.

Sự thất bại của thi ca đích thực, điều chúng tôi viết ra bằng máu.

Và tinh dịch và mồ hôi, Darío nói.

Và nước mắt, Mario nói.

Dẫu trong chúng tôi không ai khóc.4

———

1 Bài thơ Visit to the Convalescent 

2 Nhà thơ Mexico đoạt giải Nobel Văn chương. Ông là một trong những nhân vật hàng đầu chịu sự chỉ trích của phong trào thơ do Roberto Bolaño khởi xướng.

3 Đã có bản dịch tại Việt Nam của dịch giả Bùi Trọng Như

4Bài thơ Visit to the Convalescent 

Tác giả

(Visited 34 times, 1 visits today)