Rồng và Sen

Một trong những bộ sưu tập gốm Việt Nam đẹp nhất đang được triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật Birmingham (BMA), bang Alabama, Mỹ.

Triển lãm “Rồng và Sen” mở cửa từ 22/1 đến 8/4/2012 đã hé lộ một truyền thống độc đáo, bắt nguồn từ 6.000 năm trước, bất chấp hàng nghìn năm trải qua sự đô hộ của phong kiến phương bắc, thực dân Pháp, và sự tàn phá của chiến tranh.

Nổi bật bởi các sắc màu vàng, xanh, đỏ, và nâu sống động, cùng các họa tiết hoa và thú, những chiếc bát, bình, vò, lọ, đĩa… này đã được mua đi bán lại từ nhiều thế kỷ nay. Một số món đồ có khắc Hán tự và biểu tượng Phật giáo, một số được dùng trong các nghi thức trà đạo ở Nhật Bản. Còn có cả một chiếc bình đã đến nước Đức và trở thành quà tặng Quận công Công quốc Saxony năm 1590.

Những năm 1990, hàng trăm nghìn cổ vật đã được trục vớt từ những con tàu bị đắm hồi thế kỷ 15 – 16 và một phần trong số đó đã có mặt trong sưu tập của BMA. Một cuộc trục vớt quan trọng vào năm 1997 đem lại 240 nghìn cổ vật từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm ngoài khơi Hội An, nhưng còn nhiều cổ vật hơn thế được phát hiện từ trước đó bởi ngư dân Hội An. “Chúng đã được đưa ra nước ngoài như những hàng hóa thương mại để có thể dễ dàng được xuất đi ngay,” theo lời John Stevenson, đồng giám tuyển  của triển lãm và tác giả cuốn sách xuất bản năm 1997 về gốm Việt Nam, Gốm Việt Nam: Một truyền thống tách biệt. “Chiếc tàu bị đắm chỉ một lúc sau khi rời bến cảng. Có lẽ đã phải có đến 500 nghìn món đồ. Nhiều khả năng đó là lý do khiến tàu bị chìm.”

Trải dài qua 19 thế kỷ, 221 cổ vật được trưng bày tạo ra một bức tranh tổng thể về lịch sử nghề gốm của Việt Nam.

“Một vài trong số đó được lưu giữ trong các gia đình người dân tộc vùng cao ở Việt Nam, một số khác được nông dân tìm thấy trong khi cày ruộng,”  theo lời Don Wood, giám tuyển của BMA mảng Nghệ thuật Châu Á và đồng giám tuyển của triển lãm. “Bộ sưu tập cũng bao gồm mọi thứ, từ những hiện vật từng thuộc về đình chùa, hoàng cung, đến vật dụng ngày thường.”

Nhìn xa trông rộng


Bình gốm đất nung tráng men thế kỷ 18, với motif lưỡng long
rượt bảo châu trí tuệ của Phật phía trên dải mây.

Bộ sưu tập được Hội Nghệ thuật Châu Á của BMA bắt đầu xây dựng từ năm 1974 sau những nỗ lực vận động của nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Sherman Lee thuộc Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland. Với chiến tranh Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối, đây là một hành động táo bạo, Stevenson nói.

“Điều gây ấn tượng về bộ sưu tập của BMA là Hội Nghệ thuật Châu Á đã nhận ra đây là một lĩnh vực hấp dẫn, đáng để sưu tập”, ông nói. “Nó thể hiện một tầm nhìn xa. Tôi đánh giá bộ sưu tập này ở đẳng cấp tương đương với bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và Bảo tàng Mỹ thuật Boston.”

Một phần lớn của bộ sưu tập là do nhà sưu tập William M. Spencer III, qua đời năm 2010, để lại cho bảo tàng.

“Spencer đã đóng góp một vài trong số những cổ vật ban đầu, sau đó ông đã giúp chúng tôi hình thành bộ sưu tập hoàn chỉnh từ năm 2005 tới 2007”, Wood cho biết. “Ông ấy thích các cổ vật của Việt Nam, và ông coi đây là cơ hội để giúp đưa bộ sưu tập trở thành hàng đầu.”

Khi ông và Wood thiết kế cuộc trưng bày, ông muốn tìm một hiện vật đủ tầm để làm tiêu điểm. “Tôi nhớ đến một cổ vật trong cuốn sách của mình, nên tôi kết nối bảo tàng với nhà buôn đồ cổ và cuộc giao dịch đã được thực hiện,” Stevenson kể.

Cuộc giao dịch đem lại cho BMA một chiếc bình gốm 500 tuổi, còn gần như mới nguyên, cao khoảng 70 cm, được mua bằng tiền do The Spencer Estate hỗ trợ. Apollo, một tạp chí về nghệ thuật ở London xếp giao dịch này ở vị trí thứ 9 trong số 26 giao dịch đồ cổ quan trọng nhất thế giới năm 2011. BMA cũng được xếp ngang hàng với Louvre, the Metropolitan, British Museum và Rijksmuseum.

Được làm từ đất sét trắng xám ở đồng bằng sông Hồng, chiếc bình là một trong những đại diện xuất sắc nhất của truyền thống gốm Việt Nam – có bề mặt được khắc hình bốn con hạc, men màu xanh và có họa tiết trang trí.

Nhưng cũng giống như nhiều đồ gốm, nó có một sắc thái thoải mái tự nhiên toát ra từ các đường viền mềm mại và các họa tiết thú.

“Anh không thể tìm thấy điều này ở đồ gốm Trung Hoa,” Stevenson nói. “Khi người Pháp lần đầu phát hiện những cổ vật này trong các cuộc khai quật những năm 1920 và 1930, họ đã coi chúng như một dạng biến thể kém chất lượng, một thứ nghệ thuật địa phương của Trung Quốc hơn là từ một dòng chảy truyền thống riêng của Việt Nam.”

Wood lại thấy sự khác biệt này thật hấp dẫn.

“Trung Quốc đô hộ Việt Nam hơn một nghìn năm, ông nói. Bất chấp sự đô hộ này, Việt Nam có thẩm mỹ và truyền thống riêng. Âm nhạc, văn học, và gốm – tất cả đều Việt Nam một cách rõ ràng.”

Giới thiệu về triển lãm “Rồng và Sen”, BMA viết, “Việt Nam là nước có nghề gốm tinh xảo nhất ở Đông Nam Á. Mặc dù học nghề từ Trung Hoa, nhưng các thợ gốm Việt Nam đã phát triển được thẩm mỹ và các kỹ thuật sản xuất của riêng mình.”

BMA được đánh giá là đang sở hữu một trong những bộ sưu tập gốm Việt Nam đẹp nhất ở Bắc Mỹ, bên cạnh Bảo tàng Mỹ thuật Boston và Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York. Toàn bộ sưu tập này được giới thiệu trong catalogue do NXB ĐH Washington ấn hành, cùng với những bài viết quan trọng của ba tác giả: Stevenson, Wood, và Philippe Truong – những chuyên gia hàng đầu về gốm Việt Nam.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)