Royal Concertgebouw: Góp phần tạo nên tinh hoa cho Amsterdam
Từ một thành phố có đời sống âm nhạc nghèo nàn, Amsterdam đã bước sang một chương mới khi thành lập Dàn nhạc Hoàng gia Concertgebouw.
Cho đến những năm 1880, Armsterdam là một thành phố có đời sống âm nhạc khá nghèo nàn. Brahms đã từng đến đó và không muốn ở lại. Những nghệ sĩ muốn có một địa điểm biểu diễn ưng ý đều phải tìm đến các địa điểm khác. Năm 1882, sáu công dân ưu tú, giàu có của thành phố có cùng suy nghĩ rằng đã đến lúc thành phố cần tự hào vì có một dàn nhạc xuất sắc, đầy tham vọng và một phòng hòa nhạc đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu về âm thanh, kiến trúc, mỹ thuật để phục vụ cho mục đích này. Họ đã thành lập Công ty Concertgebouw (trong tiếng Hà Lan có nghĩa là phòng hòa nhạc) để hiện thực hóa nhu cầu của mình. Kiến trúc sư Adolf Leonard van Gendt đã xây dựng lên phòng hòa nhạc Concertgebouw, bắt đầu từ năm 1883 và hoàn thành vào năm 1888 với khán phòng chính chứa được 1.974 khán giả.
Gây dựng uy tín
Buổi hòa nhạc đầu tiên diễn ra tại đây vào ngày 11/4/1888 với các tác phẩm của Wagner, Handel, Bach cũng như bản giao hưởng số 9 của Beethoven với số lượng tham gia của 120 nhạc công và gần 500 ca sĩ do nhạc trưởng Henri Viotta dẫn dắt. Theo thời gian, Concertgebouw được đánh giá là một trong phòng hòa nhạc có được âm thanh tuyệt vời nhất, tạo ra tiếng dàn dây “mượt như nhung”, bè gỗ “riêng biệt, đầy cá tính” và bè đồng có âm sắc “vàng ròng”. Sau đó hơn sáu tháng, Concertgebouw Orchestra được thành lập và có buổi biểu diễn đầu tiên vào ngày 3/11/1888. Nghệ sĩ violin, nhạc trưởng người Hà Lan Willem Kes được mời làm nhạc trưởng chính đầu tiên của dàn nhạc. Năm 1988, nhân dịp kỉ niệm 100 năm thành lập dàn nhạc, nữ hoàng Hà Lan Beatrix đã phong tặng danh hiệu Royal (hoàng gia) cho dàn nhạc.
Willem Kes trong nhiệm kỳ bảy năm của mình đã miệt mài trong việc nâng cao trình độ của một dàn nhạc non trẻ cũng như thị hiếu của khán giả Armsterdam. Và kết quả đã tương xứng với nỗ lực. Công chúng đến xem dàn nhạc biểu diễn đã trở thành một nghi thức văn hóa phổ biến và thịnh hành tương tự như các trung tâm âm nhạc châu Âu hàng đầu thời kỳ đó như Vienna, Berlin hay Paris. Việc cấm phục vụ đồ ăn, thức uống, hút thuốc và tán gẫu trong khi diễn ra hòa nhạc đã trở thành thông lệ tại Concertgebouw. Sau khi Kes rời dàn nhạc vào năm 1895 (để tới chỉ huy ở dàn nhạc Scottish Orchestra, Glasgow), người thay thế ông, Willem Mengelberg đã kế thừa một dàn nhạc có chất lượng cao, sẵn sàng cho bước tiến lớn trên sân khấu quốc tế.
Nhạc trưởng 24 tuổi Willem Mengelberg nắm giữ cương vị nhạc trưởng chính của Concertgebouw Orchestra trong 50 năm, một con số dài bất thường với một vị trí như vậy. Khát khao sự hoàn hảo, Mengelberg đã biến Armsterdam thành một trung tâm âm nhạc hàng đầu tại châu Âu, được kính trọng ngang hàng với những thành trì truyền thống của âm nhạc cổ điển như Vienna hay Berlin. Sự độc đoán của Mengelberg đã biến Concertgebouw Orchestra thành một khối gắn kết và có tính kỷ luật cao. Điều này nhờ vào cách tuyển chọn nhạc công khắt khe mà quy trình do chính Mengelberg đề ra. Các thí sinh biểu diễn sau một tấm màn che, để loại bỏ những tác động bên ngoài như màu da, độ tuổi, giới tính, quốc tịch, ngoại hình… có thể tác động đến sự lựa chọn. Vị trí vẫn sẽ để trống nếu chưa lựa chọn được người thay thế phù hợp và các tác phẩm biểu diễn sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với số lượng nhạc công hiện có. Quá trình tuyển chọn rất căng thẳng và thông thường chỉ có 1% ứng viên được lựa chọn. Hơn nữa, sau khi trúng tuyển, các thành viên mới phải thể hiện được cá tính mạnh mẽ, đồng thời thể hiện được sự linh hoạt và ăn ý với những bạn diễn, cũng như hòa nhập được với hoạt động lưu diễn, ghi âm, gặp gỡ các nhà tài trợ… của dàn nhạc. Sau nhiệm kỳ của Mengelberg, quá trình này vẫn được duy trì nhằm mục đích kiểm soát chất lượng các thành viên của dàn nhạc, điều kiện nền tảng cho chất lượng và danh tiếng của Concertgebouw Orchestra.
Mengelberg đã sáng suốt trong việc duy trì một danh mục biểu diễn cho dàn nhạc bằng cách kết hợp giữa những tác phẩm kinh điển của Bach, Mozart, Beethoven với những sáng tác đương đại của những nhà soạn nhạc đầy hứa hẹn đương thời như Mahler, Richard Strauss và Schoenberg. Nhiều nhạc sĩ cũng được mời đến để chỉ huy các tác phẩm của chính mình như Debussy, Grieg, Stravinsky… Mengelberg cũng tích cực giới thiệu âm nhạc của những nhạc sĩ Hà Lan như Diepenbrock hay Dopper. Mối quan hệ chặt chẽ của ông với các nhà soạn nhạc quốc tế đương đại hàng đầu đã giúp hình thành nên tính cách đặc biệt của dàn nhạc, vừa là người bảo vệ vừa là người hiện đại hóa âm nhạc cổ điển. Tình bạn của ông với Mahler và Richard Strauss đã trở thành di sản nghệ thuật. Cả hai thường xuyên đến Amsterdam để biểu diễn các tác phẩm của mình và Mengelberg cũng trở thành người diễn giải xuất sắc âm nhạc của họ. Âm thanh Concertgebouw rất lý tưởng cho các tiết mục hậu Lãng mạn. Strauss đã dành tặng thơ giao hưởng Cuộc đời của vị anh hùng cho Mengelberg và dàn nhạc.
Concertgebouw Orchestra trong quá trình toàn cầu hóa
Từ năm 1910 trở đi, nguồn thu từ các nhà tài trợ hảo tâm và biểu diễn trở nên không đủ cho nhu cầu chi phí của dàn nhạc và phòng hòa nhạc. Ngân sách của thành phố và của cả quốc gia đã phải hỗ trợ. Để đổi lại các khoản trợ cấp, dàn nhạc phải tổ chức các buổi hòa nhạc dành cho những khá giả yêu nhạc có điều kiện kinh tế khó khăn với yêu cầu đa dạng hóa chương trình để đáp ứng thị hiếu của đông đảo công chúng. Các bản ghi âm cũng bắt đầu được thực hiện.
Chỉ trong vòng hai thập kỷ, dàn nhạc đã có thể tự hào về bản sắc riêng biệt, chất lượng nghệ thuật được đánh giá cao và danh tiếng mang tầm vóc quốc tế. Năm 1926, nhật báo La Libreosystemque đã viết: “Vienna Philharmonic và Concertgebouw Orchestra đã làm chủ thế giới giao hưởng”. Là người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng và phát triển dàn nhạc, danh tiếng của Mengelberg đã trở thành một nhân vật được tôn kính. Ông cũng là Giám đốc Âm nhạc của New York Philharmonic từ năm 1922-1930. Mặc dù giành được những vinh quang sáng chói nhưng những năm cuối cuộc đời ông đã trôi qua trong xấu hổ và ê chề. Bị buộc tội cộng tác thân thiết với chính quyền Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, năm 1945, Hà Lan đã cấm ông biểu diễn suốt đời, sau đó giàm xuống còn 6 năm. Ông sống ẩn dật tại Sent, Thụy Sĩ và qua đời vào tháng 3/1951, chỉ hI tháng trước khi hết hạn lệnh cấm.
Trong khoảng 75 năm đầu tiên của dàn nhạc, Concertgebouw Orchestra duy trì một chế độ nhạc trưởng tương đối phức tạp. Bên cạnh nhạc trưởng chính còn có các nhạc trưởng thứ nhất (eerste dirigent), chịu trách nhiệm hỗ trợ nhạc trưởng chính trong việc dàn dựng tác phẩm. Một số nhạc trưởng danh tiếng từng đảm nhận vị trí này như Pierre Monteux (1924-1934), Bruno Walter (1934-1939) hay Eugen Jochum (1941-1943). Ngoài ra còn có nhạc trưởng thứ hai (tweede dirigent) được cho là “làm những gì nhạc trưởng chính bảo”. Tất cả những nhạc trưởng thứ hai đều là người Hà Lan như Cornelis Dopper, Evert Cornelis và Eduard van Beinum. Sau khi Mengelberg bị cấm đoán, Eduard van Beinum đã trở thành nhạc trưởng chính tiếp theo của dàn nhạc.
Beinum lần đầu chỉ huy dàn nhạc vào năm 1929, trở thành nhạc trưởng thứ hai vào năm 1931 và nhạc trưởng thứ nhất vào năm 1938. Trong nhiệm kỳ của mình, Beinum ghi dấu ấn với những tác phẩm của các nhà soạn nhạc Pháp và đặc biệt trong những bản giao hưởng của Bruckner. Với một phong cách dân chủ hơn Mengelberg, Beinum đã dần dần chiếm được cảm tình của cả nhạc công lẫn khán giả. Năm 1950, một sự kiện quan trọng xảy ra đối với dàn nhạc, các nhạc công và ban giám đốc của Công ty Concertgebouw mâu thuẫn gay gắt và không thể hòa giải. Cuộc xung đột trở nên công khai và kéo dài trong nhiều tháng. Nguyên nhân chính được đưa ra là dàn nhạc chỉ là ưu tiên thứ hai của ban giám đốc, sau phòng hòa nhạc. Cuối cùng, Bộ Giáo dục, Nghệ thuật và Khoa học cũng như chính quyền thành phố Amsterdam vào cuộc và Concertgebouw Orchestra đã trở thành một thực thể riêng biệt. Tiền trợ cấp của chính phủ được chuyển thẳng cho dàn nhạc. Sau một thời gian chuyển đổi, một nền tảng được thành lập để quản lý dàn nhạc lâu dài. Công việc điều hành được giao cho một bộ ba: Nhạc trưởng chính, giám đốc nghệ thuật và giám đốc kinh doanh. Năm 1954, Beinum dẫn dắt dàn nhạc trong chuyến lưu diễn đầu tiên tới Mỹ. Tuy nhiên, tình hình sức khỏe của Beinum không được tốt, rất nhiều lần ông đã phải nhường công việc của mình cho người trợ lý Paul van Kempen. Ngày 13/4/1959, khi đang cùng dàn nhạc tập luyện bản giao hưởng số 1 của Brahms, ông bị một cơn đau tim và qua đời.
Sau hai năm hoạt động không có nhạc trưởng chính, năm 1961, dàn nhạc bổ nhiệm đồng thời hai nhạc trưởng giữ cương vị này là Eugen Jochum và Bernard Haitink. Tuy nhiên, Jochum chỉ đảm nhiệm vị trí này trong một khoảng thời gian ngắn. Từ năm 1963, chàng trai trẻ tuổi Haitink, người sinh ra tại Amsterdam trở thành nhạc trưởng chính duy nhất. Haitink tiếp tục duy trì phong cách dân chủ được lập từ thời Beinum. Mặc dù cũng gặp phải không ít khó khăn trong những ngày đầu ở cương vị mới nhưng dưới sự ủng hộ của ban giám đốc, uy tín Haitink đã ngày càng được củng cố và trở thành một tên tuổi lớn mang tầm vóc toàn cầu. Ông đã tạo được dấu ấn riêng đậm nét đồng thời vẫn duy trì được bản sắc riêng của Concertgebouw Orchestra, đặc biệt trong các bản giao hưởng của Mahler. Dưới nhiệm kỳ của ông, dàn nhạc đã thực hiện vô số bản thu âm, chủ yếu với Philips, Decca và EMI Classics. Vào đầu những năm 80, Haitink đã đe dọa từ chức để phản đối chính phủ lên kế hoạch cắt giảm trợ cấp cho dàn nhạc, dẫn đến việc có thể 23 nhạc công sẽ bị sa thải. Cuối cùng, mọi việc cũng được giải quyết ổn thỏa và Haitink tiếp tục nắm giữ cương vị của mình cho tới năm 1988.
Cũng trong giai đoạn này, quá trình toàn cầu hóa bắt đầu xảy ra. Mô hình nhạc trưởng khách mời, chỉ xuất hiện trong một vài đêm với số lượng tác phẩm được giới hạn đã trở thành xu thế phổ biến. Những nhạc trưởng gắn bó với một dàn nhạc hơn ¼ thế kỷ như Haitink hay Karajan đã trở thành của hiếm. Các nhạc trưởng khách mời với những kỹ năng và danh mục cụ thể, như trường hợp của Nikolaus Harnoncourt với các tác phẩm thời kỳ Baroque và Cổ điển đã khiến danh mục biểu diễn của Haitink phải loại bỏ đi khá nhiều Bach, Haydn, hay Mozart. Điều này khiến cho những năm cuối nhiệm kỳ của Haitink trở nên căng thẳng và mệt mỏi. Ông đã giã từ dàn nhạc vào năm 1988, một sự chia tay khá tiếc nuối của một nhạc trưởng kỳ cựu đã thành công trong việc duy trì danh tiếng hàng đầu cho dàn nhạc. Haitink được dàn nhạc phong tặng danh hiệu Nhạc trưởng danh dự.
Riccardo Chailly đã trở thành nhạc trưởng đầu tiên không phải người Hà Lan (không tính Jochum chỉ làm đồng nhạc trưởng chính trong một khoảng thời gian ngắn) đảm nhận cương vị nhạc trưởng chính của Concertgebouw Orchestra. Nhạc trưởng người Ý ngay khi vừa nhậm chức đã phải đối mặt với một tình huống nan giải khi căng thẳng giữa lợi ích thương mại và nghệ thuật đã đến giới hạn. Dàn nhạc ngày càng phụ thuộc vào sự trợ cấp từ phía chính phủ. Và khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, các nhà chức trách Hà Lan cắt giảm chi tiêu và giảm đầu tư cho dàn nhạc. Để cứu vãn tình hình, ban giám đốc mới được thành lập, đứng đầu là những doanh nhân có quan hệ và biết cách kết nối với giới tài chính, ngân hàng. Các buổi lưu diễn quốc tế được tổ chức nhiều hơn và nhờ vào doanh thu được trả rất cao từ phía các phòng hòa nhạc nước ngoài, cán cân thâm hụt ngân sách đã được giảm mạnh.
Danh mục biểu diễn của Chailly nghiêng nhiều về phía các nhà soạn nhạc thời kỳ Lãng mạn cuối thế kỷ 20 và hiện đại. Ông là người háo hức định vị mình theo phong cách Mengelberg. Chailly là một người cuồng tín về độ chính xác, đã yêu cầu dàn nhạc luyện tập nghiêm ngặt hơn thời Haitink và không để cho nhạc công có nhiều cơ hội để bộc lộ ý kiến cá nhân của mình. Phong cách chỉ huy cũng như sự lựa chọn tác phẩm biểu diễn của Chailly dần dần không nhận được sự đồng tình của dàn nhạc. Cách diễn giải các tác phẩm âm nhạc Pháp và cuối thời kỳ Lãng mạn, điển hình là các bản giao hưởng của Mahler – vốn là thương hiệu lịch sử của Concertgebouw Orchestra đã vấp phải nhiều chỉ trích. Tuy nhiên, họ vẫn dành sự tôn trọng cho ông trong các tác phẩm hiện đại và opera. Nhưng nhìn chung, bầu không khí của dàn nhạc là không thật sự tốt đẹp. Nhiệm kỳ của Chailly kéo dài từ 1998-2004.
Nhạc trưởng người Litva Mariss Jansons được chọn là nhạc trưởng chính kế tiếp của Concertgebouw Orchestra. Cả hai đã hợp tác với nhau rất hiệu quả. Là một nhạc trưởng đầy kinh nghiệm, ông có một tầm nhìn hòa hợp với dàn nhạc. Theo quan điểm của Jansons, công việc của nhạc trưởng là chăm sóc các thành viên trong dàn nhạc đồng thời bảo vệ được quan điểm nghệ thuật và con người của mình. Đặt ra những nguyên tắc rất cao trong việc tuyển dụng và giữ chân các thành viên, Jansons nhận được sự tôn trọng sâu sắc từ phía dàn nhạc vì sự đồng cảm và tính chuyên nghiệp. Dưới nhiệm kỳ của Jansons, dàn nhạc đã phát triển mạnh về nghệ thuật. Phong cách chỉ huy của Jansons uyển chuyển hơn Chailly, ông có thể biểu diễn với một nhịp độ khác hẳn khi tập luyện, điều mà Chailly hiếm khi chệch hướng. Jansons thể hiện sự thành thạo trong mọi phong cách. Danh mục biểu diễn của ông dàn trải rất rộng, phù hợp về một “dàn nhạc phổ thông”. Ông cũng được đánh giá rất cao trong các tác phẩm của Richard Strauss và Mahler, những bản nhạc gắn liền với tên tuổi dàn nhạc. Năm 2008, tạp chí Gramophone đã tổ chức một cuộc bình chọn và Concertgebouw Orchestra dưới sự điều hành của Jansons đã được bầu là dàn nhạc xuất sắc nhất thế giới. Vào năm 2013, dàn nhạc đã thực hiện một chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, tới cả châu Phi và Úc. Tuy nhiên, vì những vấn đề về sức khỏe giống như Beinum, Jansons đã chia tay dàn nhạc trong thân thiện và tiếc nuối năm 2015. Jansons cũng được dàn nhạc phong tặng danh hiệu Nhạc trưởng danh dự.
Daniele Gatti đã trở thành nhạc trưởng thứ hai người Ý làm nhạc trưởng chính của Concertgebouw Orchestra từ năm 2016. Tuy nhiên, ông chỉ nắm giữ cương vị này cho tới năm 2018. Ngày 2/8/2018, dàn nhạc đã chấm dứt hợp đồng với ông ngay lập tức khi nhận được cáo buộc cho rằng Gatti có “những hành vi không phù hợp”, một vài thành viên nữ của dàn nhạc đã có báo cáo về Gatti. Từ đó cho đến nay, dàn nhạc vẫn chưa bổ nhiệm nhạc trưởng chính tiếp theo. Tháng 10/2020, nhạc trưởng người Hungary Iván Fischer được thông báo trở thành nhạc trưởng khách mời danh dự bắt đầu từ mùa diễn 2021-2022.
Hướng đến thế hệ trẻ
Hằng năm, Concertgebouw Orchestra thực hiện khoảng 120 buổi hòa nhạc, trong đó có khoảng 40 chương trình được thực hiện bên ngoài Hà Lan. Ngoài những nhạc trưởng chính thức, Concertgebouw Orchestra cũng bổ nhiệm những nhạc trưởng khách mời chính khác để tạo sự phong phú trong các buổi biểu diễn của dàn nhạc, trong số này đáng kể có Pierre Monteux, Eugen Jochum, George Szell, Kirill Kondrashin và Nikolaus Harnoncourt. Một yếu tố khác trong việc tạo nên nét riêng biệt của dàn nhạc là trong suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm, chỉ có bảy nhạc trưởng chính, tạo nên sự khác biệt so với những dàn nhạc có cùng độ tuổi và tầm cỡ. Gần một nghìn bản thu âm dàn nhạc đã thực hiện cũng góp phần vào danh tiếng này. Concertgebouw Orchestra cũng đóng vai trò là một trong những dàn nhạc opera biểu diễn Nhà hát Opera Quốc gia Hà Lan. Từ năm 1987, dàn nhạc thính phòng Concertgebouw được thành lập, với các thành viên từ Concertgebouw Orchestra với mục đích hòa tấu các tác phẩm âm nhạc thính phòng.
Năm 2003, dàn nhạc thành lập Học viện Concertgebouw, hằng năm tiếp nhận những sinh viên tiềm năng đồng hành cùng dàn nhạc trong suốt mùa diễn. Những sinh viên này được tham gia các bài học, các hội thảo và biểu diễn hòa tấu thính phòng tại nhiều địa điểm khác nhau. Hầu hết sinh viên sau khi rời Học viện đều trở thành các nhạc công chuyên nghiệp, trong đó đã có 11 người trở thành thành viên của chính Concertgebouw Orchestra. Concertgebouw Orchestra cũng thành lập dàn nhạc trẻ Young Concertgebouw Orchestra bao gồm các thành viên trên khắp châu Âu từ 14-17 tuổi. Tại trại hè thiếu niên, các thành viên được học tập, chơi hòa tấu thính phòng, tham gia các buổi hội thảo do thành viên của dàn nhạc hướng dẫn. Vào cuối chương trình, họ sẽ thực hiện một chương trình hòa nhạc với một nhạc trưởng hàng đầu tại Concertgebouw Hall và tất cả những quốc gia thành viên EU. Trong chuyến lưu diễn, họ sẽ biểu diễn cùng với những nhạc công trẻ tài năng địa phương với mục đích tạo mối quan hệ chặt chẽ giữ những người trẻ tuổi, phát triển tài năng, sự gắn kết và đa dạng.□
Bài đăng Tia Sáng số 16/2024