Sách vẫn… vô địch

LTS: Tháng ba năm nay là một tháng đầy ắp sự kiện với những ai đam mê sách: Từ 10 đến 16/3, Hội sách thành phố Hồ Chí Minh diễn ra với sự tham gia của 126 đơn vị xuất bản, trưng bày trên 150.000 tên sách thu hút hàng trăm nghìn lượt khách. Nhiều hoạt động đã được tổ chức như hội thảo gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đa dạng... Tiếp theo đó, vào ngày 20/3, cùng với nhiều nước khác trên thế giới, Ngày quốc tế Pháp ngữ sẽ được tổ chức ở Việt Nam. Đây là dịp để quảng bá cho việc sử dụng tiếng Pháp và khuyến khích đọc sách dưới mọi hình thức (dịch thuật, xuất bản, quảng bá, thư viện...). Những sự kiện nói trên chính là cơ hội để toàn xã hội cũng như giới trí thức cùng suy nghĩ lại về sách và nền văn hóa sách ở Việt Nam. Chưa có một nghiên cứu cũng như thống kê đủ tỉ mỉ, chi tiết và chính xác về các hoạt động đọc sách ở Việt Nam, nhưng nếu quan sát những hiện tượng hiển hiện trong đời sống xã hội, có thể thấy lộ rõ những mối lo về thói quen đọc sách của người Việt. Nhìn sang nước Pháp - đất nước có tính hình mẫu về "văn hoá sách"- sẽ thấy đối sánh về một hoạt động vô cùng thiết yếu đối với sự phát triển xã hội.

Trong thời đại công nghệ ngày nay, giữa một biển thông tin và hình ảnh như thác lũ dồn dập đến từ mọi miền thế giới thì ở Pháp, sách vẫn có sức sống mạnh mẽ và duy trì “ngôi vị số một” trong các sản phẩm văn hóa.

Trước sự bùng nổ truyền hình, Internet, nhiều người đã tiên đoán về một «cái chết của sách» ở Pháp. Song điều đó đã không xảy ra: sách vẫn chiếm thế «thượng phong» khi đứng cùng những sản phẩm văn hóa khác. Theo thống kê, các gia đình Pháp sử dụng tới một nửa ngân sách dành cho các món ăn văn hóa là để mua sách (51%), tức vượt xa đĩa DVD và phim video (20%), đĩa CD âm nhạc (15%) và đứng cuối bảng là trò chơi điện tử (14%).
Năm 2006 người Pháp đã mua  494 triệu cuốn sách – tức trung bình khoảng 8 cuốn sách trên một đầu người. Đó là chưa kể số lượng 200 triệu cuốn sách các loại mà người Pháp mượn về từ các thư viện để gia đình cùng đọc. Cùng năm này, các nhà xuất bản đã ấn loát và phát hành khoảng 68.000 đầu sách, trong đó sách mới chiếm tới một nửa.
 

“Mùa văn học”– thường diễn ra vào tháng 9 hằng năm– năm qua đạt con số kỷ lục: Hơn 90 nhà xuất bản trong toàn quốc đã phát hành 727 tiểu thuyết Pháp và nước ngoài – trong đó ¼ là sách đầu tay– và khoảng 600 cuốn sách khác thuộc các thể loại nghiên cứu, tiểu luận… Về mức tăng trưởng, tính riêng năm trước đó, năm 2006, hệ thống xuất bản sách đã tăng khoảng 1,7% so với năm 2005, còn số lượng sách bán được ra công chúng cũng tăng 2,1%.
Sách và xuất bản là một bộ phận hữu cơ của văn hóa Pháp. Ở Pháp, “thành công” có nghĩa là có con, có vườn và có sách xuất bản. Sách luôn luôn là một tiếng nói văn hoá, một diễn đàn có sức nặng. Ngay cả chính trị Pháp muốn tồn tại và thành công cũng phải thông qua sách. Năm 2007 là năm bầu cử tổng thống, chỉ trong vòng vài tháng sát ngày bầu cử, khoảng 150 cuốn sách chính trị đã dồn dập xuất bản, trong đó có khá nhiều cuốn đạt kỷ lục về số lượng bán ra, đạt tới trên 100.000 bản mỗi đầu sách.
Nhưng sách văn học mới là vua trong lĩnh vực xuất bản: tiểu thuyết của Pháp và nước ngoài chiếm 20% thị phần; sách thiếu nhi 17% và nếu tính thêm cả truyện tranh (11%) thì sách văn học đã chiếm gần một nửa (48%) tổng chi phí mua sách mà người dân dành cho thú vui đọc sách của mình.
Xuất bản cũng đã thích ứng với thói quen tiêu dùng của các gia đình. Hiện nay 1/5 lượng sách được bán tại các trung tâm thương mại, các siêu thị trên toàn quốc. Sách cũng có mặt trong các trạm dịch vụ trên đường cao tốc, các cửa hàng tạp phẩm và đương nhiên trong cả các nhà ga và sân bay. Vì người Pháp phải dành nhiều thời gian cho việc đi lại hằng ngày và cho các chuyến du lịch thường xuyên nên cách thức mới của giới xuất bản và phát hành sách đã góp phần duy trì thói quen đọc sách của nhiều lứa tuổi ở Pháp. Tại các thành phố lớn hay cả vùng Paris rộng lớn với số dân lên tới trên 10 triệu người, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều người chăm chú đọc sách khi ngồi chờ và trên trên các phương tiện giao thông công cộng.

M.N

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)