Sai lệch, mất mát và phản bội: Lưu ý dành cho dịch giả

Tôi bắc những cây cầu nối từ tiếng Ý sang tiếng Anh, hòng truyền đạt lại nguyên tác với ma lực đủ để mời gọi những độc giả bội thực ở Mỹ. Ta có thể so sánh sự chuyển dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác với cái kì dị khó tả mà Marcel Proust từng mô tả sự cố gắng nắm bắt nó trong những trang đầu tiên Đi tìm thời gian đã mất: cái khoảnh khắc ông rời khỏi trạng thái thức để đi vào giấc ngủ. Với tư cách là một dịch giả, mục đích của tôi là đưa độc giả vượt qua cái khoảng không ấy, một cách nhẹ nhàng để không làm câu thần chú bị phá vỡ. Để thành công, có một vài nguyên tắc ta cần tuân theo.

Một nguyên tắc then chốt của dịch thuật là dịch giả nên luôn luôn hướng về ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Nếu bạn sinh ra ở Mỹ nhưng lại thành thục tiếng Ý, thì bạn sẽ dịch từ tiếng Ý sang tiếng Anh, không còn con đường nào khác. Chính ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn sẽ chứa đựng hấp lực mạnh mẽ nhất, áp đảo nhất. Một bản dịch, dù cho nó trung thành với nguyên tác đến đâu đi chăng nữa – trung thành là một từ có nội hàm đối lập; nó vừa có nét nghĩa là kết dính, lại vừa có nghĩa là chia cắt – một dịch giả lão luyện phải đưa óc sáng tạo của mình tới điểm dung hòa, bởi cô ta đang tạo nên một công trình sáng tạo bình đẳng với bản gốc

Nhưng vậy thì tác phẩm ấy phải bắt chước bản gốc ở mức độ nào?

Vladimir Nabokov từng nói rằng bản dịch sát vớ vẩn nhất cũng tuyệt đối đáng giá hơn bản dịch tự do tầm cỡ nhất. Tuy nhiên, bản dịch [Eugene Onegin của Alexander Pushkin] của Nabokov là nỗ lực của một thiên tài cấp tiến hay là một thảm họa vẫn là vấn đề gây tranh cãi giữa một số nhà phê bình.

Vladimir Nabokov từng nói rằng bản dịch sát vớ vẩn nhất cũng tuyệt đối đáng giá hơn bản dịch tự do tầm cỡ nhất. Theo Nabokov, một bản dịch chẳng nên có một mảy may ý nghĩa nào khác ngoài những từ ngữ chính xác của tác giả. Ông đã vận dụng lý thuyết dịch thuật của mình và – dù là vì ông đi từ tiếng Nga bản địa của mình tới thứ tiếng Anh được học hay vì ông theo cái lý thuyết dịch thuật tối giản (minimalist) của mình – đưa ra một bản dịch tiểu thuyết Eugene Onegin của Alexander Pushkin được nhiều người xem là một bản dịch “phẳng” (flat) và vô hồn. Bản dịch của Nabokov là nỗ lực của một thiên tài cấp tiến hay là một thảm họa vẫn là vấn đề gây tranh cãi giữa một số nhà phê bình. Nó được xuất bản giữa một rừng những lời công kích kịch liệt, nhưng đâu đó vẫn có một vài ý kiến ủng hộ. Một tác giả viện đến “tính chính xác như luật” của nó – tốt thôi nếu đó là người dành lòng trung thành lớn lao nhất của mình cho văn bản nguồn. Là một người đã kiếm sống nhiều thập kỉ với nghề dịch thuật, tôi nhận ra sự thật là mình được nhà xuất bản thuê để phục vụ người đọc chứ không phải tác giả.

Là một nghệ sĩ lập dị ở rất nhiều phương diện, Samuel Beckett viết tác phẩm của mình bằng tiếng Pháp và rồi sau đấy dịch nó sang thứ Anh ngữ bản địa của ông, không bao giờ khác đi cả. Ngay cả Beckett cũng nhận ra rằng viết là một chuyện, dịch lại là chuyện khác. Có một cơn thủy triều trong tâm trí con người đưa ta dạt về phía tiếng mẹ đẻ, và ai cố gắng cưỡng lại ngọn triều ấy sẽ có nguy cơ bị cuốn phăng và chết chìm – hay nhẹ nhất là tạo ra một bản dịch kỳ cục và loạn ngôn.

Một nguyên tắc khác cho việc dịch tác phẩm của một tác giả đang sống là hãy dẹp tácgiả sang một bên. Tác giả luôn là một lực nguy hại: nó khiến ta “sửa chữa” tiếng Anh để trông giống với nguyên tác hơn. Vậy nhưng chỉ tác giả đó là người duy nhất thực sự biết trong đầu mình có cái gì ngay từ đầu. Mẹo dịch là: cố gắng nhận ra tác giả đã nghĩ gì trong đầu và diễn tả nó trong thứ ngôn ngữ mà cô ta không có sẵn. Chẳng người nào có thể nhìn cả hai văn bản bằng cảm quan ngôn ngữ bản địa. Luôn có một văn bản là ngoại lai.

Bạn dịch từng từ (hay cụm từ) một, để mình được dẫn dắt theo ADN của văn bản, tức giọng nói bên trong ngôn từ của tác giả. Trong dịch thuật, đó là phần mê hoặc nhất, gần gũi nhất với niềm cảm hứng của thần linh mà Socrates coi là tiếng nói của một hiện hữu cao hơn.

Bạn phải chính xác và đồng thời cũng phải đủ bản lĩnh để phản bội lại nguyên tác khi cần thiết. Bởi bản dịch của bạn sẽ bất trung với nguyên tác ở một vài khía cạnh nào đó, dù bạn có làm gì đi chăng nữa.

Mọi “giải pháp” đều chật hẹp; bất kì văn bản sáng tạo nào cũng mênh mông, rộng mở và phong phú khôn cùng. Một tiểu thuyết tuyệt vời sẽ giống với trí óc của một đứa trẻ tò mò: Nó không bao giờ ngừng đặt câu hỏi. Mà thường thì nó còn đặt ra hai ba câu hỏi cùng lúc.

Một ví dụ: Georges Perec, tiểu thuyết gia thể nghiệm người Pháp, đã viết một kiệt tác đầy sắc sảo có tên La Vie mode d’emploi, chứa đầy những trò chơi chữ hỏa mù và trò đánh tráo ngữ nghĩa. Một trong những dịch giả tài năng nhất hiện nay, David Bellos, giáo sư tại trường Princeton, đã Anh ngữ hóa nó thành Life A User’s Manual. Bellos sau này cũng viết một cuốn sách về dịch thuật là Is That A Fish in Your Ear?, trong đó cho rằng chẳng có lý do gì mà bản dịch lại không thể chuyển tải sự hài hước và thậm chí là những trò chơi chữ.

Là một người đã kiếm sống nhiều thập kỉ với nghề dịch thuật, tôi nhận ra sự thật là mình được nhà xuất bản thuê để phục vụ người đọc chứ không phải tác giả.

Nhà văn người Anh Adam Thirlwell, trong bài điểm cuốn sách này trên New York Times Book Review, dẫn ra một đoạn chơi chữ trong tiếng Pháp được dịch rất khéo léo mà Bellos nhắc đến đầy tự hào. Bối cảnh là một cửa hàng tạp hóa ở Paris, thử thách đối với dịch giả là một tấm danh thiếp đùa cợt trên đó có dòng chữ: Adolf Hitler, fourreur. Để nhận ra sự thú vị trong trò chơi chữ này, bạn cần biết fourreur trong tiếng Pháp nghĩa là người buôn đồ lông thú, bề mặt thì là nghề buôn nhưng phát âm thì gần, ít nhất là với người Pháp, với từ Führer. Bellos đã dịch nó sang tiếng Anh như sau: Adolf Hitler, German lieder. Trò chơi chữ vẫn theo cách tương tự: Adolf Hitler có thể là một lái buôn trong các bài ca Lãng mạn Đức hồi thế kỉ 19, hoặc có thể là một lãnh đạo Đức (leader). Và vì từ Führer cũng có nghĩa là lãnh đạo, Bellos không chỉ sử dụng cùng một luật chơi mà còn dựa vào cùng một ý niệm căn bản.

Ngoài ra, Bellos khi dịch từ fourreur cũng cố gắng tạo ra cảm giác ngớ ngẩn tương tự. Nghĩ đến một Hitler xun xoe đo cắt miếng da sóc cho một phụ nữ cũng ngớ ngẩn chẳng kém một Hitler mồi chài bán bản nhạc cho một ca sĩ nữ giọng trung có dáng vẻ nghiêm nghị. Tóm lại, đó là một bản dịch thành công. Bellos đạt được tất cả những qui tắc ở trên. Rõ ràng tôi cũng không thể làm tốt hơn ông ấy.

Nhưng cùng lúc vẫn có cái gì đó bị mất đi, mặc dù chỉ nó ra ở đây thì quả là hơi thô lỗ. Đây là một bình luận về bản chất của dịch thuật, về mất mát và giới hạn. Fourreur không được chọn một cách ngẫu nhiên. Hiển nhiên việc ở Pháp từ fourreur phát âm gần với Führer làm người ta nhận ra trò chơi chữ ở đây. Nhưng trong chiếc đồng hồ còn một bánh răng nữa: Một nhà buôn lông thú được Hitler cấp phép gần như chắc chắn là một người Do Thái. Đảng quốc xã cầm quyền cấp phép miễn trừ đặc biệt cho các nhà buôn lông thú người Do Thái để tiếp tục buôn bán thay vì phải đeo ngôi sao vàng như các thợ thủ công khi Wehrmacht chuẩn bị cuộc xâm lược Nga. Jean-Paul Sartre trong tiểu luận năm 1947 Anti-Semite and Jew của mình từng đặt câu hỏi, “tại sao lại thù ghét người Do Thái hơn các nhà buôn lông thú?”, như thể hai nhóm người này có liên hệ gần gũi với nhau. Ấn tượng này không chỉ giới hạn ở Pháp: Joseph Kennedy, một nhân vật bài Do Thái khét tiếng, gọi các nhà làm phim Do Thái nhập cư mà ông đang cạnh tranh trong nỗ lực xây dựng một studio điện ảnh lớn ở Hollywood là “một lũ con buôn lông thú đần độn”. Bản thân Hitler cũng phần nào không thích lông thú bởi hắn từng nói, “Bọn buôn lông thú Do Thái tham lam đến nỗi những loài động vật đẹp đẽ nhất đang bị tận diệt.

Bạn phải chính xác và đồng thời cũng phải đủ bản lĩnh để phản bội lại nguyên tác khi cần thiết. Bởi bản dịch của bạn sẽ bất trung với nguyên tác ở một vài khía cạnh nào đó, dù bạn có làm gì đi chăng nữa.i

”Ý của tôi ở đây không phải là Bellos đã thất bại theo nghĩa nào đó; mà là bản dịch tốt nhất có thể có cũng bỏ sót hằng hà sa số ý nghĩa. Liệu Perec có cái ý tưởng về người Do Thái trong đầu khi tạo ra trò chơi chữ với từ fourreur không? Ai mà biết được? Dẫu vậy, Perec trên hết vẫn có một lý do để ý thức về nét nghĩa bị mất này. Cha mẹ ông là người Do Thái nhập cư vào Pháp từ Phần Lan. Họ của ông ban đầu là Peretz: Cha ông mất khi chiến đấu với người Đức năm 1940; mẹ ông chết ở Auschwitz năm 1943.

Nếu chỉ dịch một từ mà có thể có đến từng này ý nghĩa thất thoát, thật khó tưởng tượng những thế giới mất đi với việc dịch cả một cuốn tiểu thuyết. Nhưng điều mấu chốt cần nhớ – mà tôi vẫn thường dặn bản thân – là cái đó chẳng có vấn đề gì cả. Mất mát là vô hình; và chính điều này giúp ta có một bản dịch trót lọt.

Những bản dịch tốt nhất thành công nhưng cùng lúc chúng cũng hoàn toàn không thỏa đáng. Ta có thể áp dụng định luật bất toàn của Heisenberg vào trong dịch thuật – ngay khi bạn định rõ một nghĩa trong ngôn ngữ khác, bạn đã chặt đứt một chuỗi những nghĩa kế tiếp hay gần gũi, mất đi những liên hệ, những trò chơi chữ tiềm tàng và những nghĩa nước đôi khéo léo. Dừng ý nghĩa lại, bạn biết được vị trí nhưng không biết được tốc độ của nó; để nó tiếp tục chao lượn, bạn có thể ước lượng được tốc độ nhưng không bao giờ tìm lại được nó nữa, như thể nó biến mất vào cõi bất khả tri.

Là một người dịch từ tiếng Ý, hằng ngày, tôi, phần nhiều là vô thức, can dự vào cuộc tranh cãi xưa cũ giữa thái độ trung thành với văn bản nguồn và tính khả thụ trong một ngôn ngữ mới. Hết sức nghịch lý là trung thành và khả thụ đều tỏ ra cố chấp với nhau. Ví dụ, ta thử xem xét một lối diễn đạt (có phần cũ kĩ) trong Anh ngữ: “chia tay kiểu Pháp”. Nó nghĩa là đi mà không nói lời tạm biệt. Khá thú vị là trong tiếng Pháp, cụm thành ngữ này là dire adieu all’anglaise. “Chia tay kiểu Anh”. (Có thể hình dung tình cảnh ở đây: một gã người Pháp và một gã người Anh cùng quay lưng bỏ đi, mỗi bên đều sửng sốt trước sự bất nhã của người còn lại, đều coi cái hành động đó là chung cho tất cả công dân ở phía kia). Nếu ai đó dịch một cuốn sách tiếng Pháp sang Anh ngữ cho một độc giả Anh, cách giải quyết tự nhiên sẽ là đổi từ “English leave” sang “French leave”; tuy nhiên, như vậy thì câu nói sẽ tối nghĩa nếu nhân vật nói câu đó là một người Pháp. Vậy nên, vì sự sáng sủa và chính xác, người ta nên tạo ra một bản dịch buông hơn, kiểu như “gã đùng đùng bỏ đi không một lời từ biệt”

.…

Ngày này, các dịch giả có được sự giúp đỡ xa xỉ của Internet trong việc tìm hiểu ý nghĩa và ngữ cảnh của vô vàn cụm từ. Nhưng có một quy trình khác, cũng lâu đời như môn dịch thuật, không có vẻ gì là có thể thay thế bằng bất cứ thuật toán nào. Đó là khả năng phóng chiếu bản thân vào thế giới được mô tả.

Một dịch giả tốt nghiệp trường học ngôn ngữ Ý sẽ vẫn cảm thấy khó khăn trong việc truyền đạt những đặc tính của thế giới Ý vật chất nếu cô ta không dành thời gian sống ở đó. Đấy là một nơi mà đi bộ hay đi xe cũng chật chội và khó chịu chẳng kém không gian chuyện trò, nơi mọi người để ý và bình phẩm nếu cái vớ của bạn không hợp với cái thắt lưng (và nếu bạn nghĩ thắt lưng và vớ ở đây là màu nâu và đen, và hợp nghĩa là “cùng một màu” thì yên tâm đi, có hẳn một cuốn sách về thắt lưng, vớ và màu sắc đang chờ để viết cho riêng bạn, ở Ý)

.……..

David Bellos, giáo sư tiếng Pháp, tiếng Ý và văn học so sánh ở ĐH Princeton, đồng thời là một trong những dịch giả danh tiếng nhất hiện nay. Ông tin rằng, chẳng có lý do gì mà bản dịch lại không thể chuyển tải sự hài hước và thậm chí là những trò chơi chữ của tác phẩm gốc.

Địa điểm và cách thức mà sự kiện xảy ra ở mỗi nơi mỗi khác. Liệu điều đó có quan trọng? Liệu những chi tiết có quan trọng? Hẳn là chúng quan trọng, và chúng quan trọng hơn ở một vài đoạn văn so với những đoạn khác, nhưng sự thúc bách muốn chú thích không ngừng ở dịch giả có thể còn nguy hại hơn việc bỏ lỡ vài chi tiết. Đây là sự bối rối của dịch thuật: như [tiểu thuyết gia người Anh] Nick Hornby diễn tả, đọc văn học dịch, ngay cả các bản dịch tuyệt vời, cũng giống như nghe một chiếc radio không dò đúng tần số. Điều cấp thiết thực sự – và cũng là một nguyên tắc quan trọng – trong việc dịch một đoạn văn tả cảnh chỉ đơn giản là đừng ngáng đường. Hãy giúp độc giả khi có thể, nhưng đừng làm nếu phải trả giá bằng sự uyển chuyển và sinh khí của văn bản.

Trong Bản khắc bị đánh mất, Davis Esterly, giữa rất nhiều chủ đề khác, mô tả quá trình phục chế các tác phẩm điêu khắc gỗ thế kỉ 17 sau một trận hỏa hoạn kinh hoàng ở cung điện Hampton Court ở Anh. Esterly, cũng là một nhà điêu khắc gỗ, kể lại việc ông đã bắt đầu cố gắng ra sao để tạo ra một bản khắc hoa mô phỏng bản khắc của một bậc thầy qua đời đã lâu. Đầu tiên, ông cố gắng đo đạc các loài thực vật ngoài đời và khắc chúng theo các số đo ấy. Nhưng những hình khắc chẳng có chút sinh khí nào. Phải đến lúc ông bắt tay vào quá trình tạo tác với sự giúp sức của tưởng tượng, ông mới tìm ra cách tạo nên một bản khắc giống với nguyên mẫu. Trong những ràng buộc tương tự, điều lý tưởng mà một dịch giả nên cố gắng làm là: Trong khi vẫn trung thành ở mức độ vừa phải với từ ngữ trong văn bản, anh ta cũng nên nhận ra cái nhìn mà tác giả đã cố gắng truyền đạt, và bắt đầu truyền đạt cái nhìn đó bằng ngôn ngữ của anh ta

…….

Để lập bản đồ Trung Quốc – một bản đồ trung thực, chính xác và xứng đáng – như Jorge Luis Borges nói với ta trong truyện ngắn ngắn gọn một cách tuyệt vời Về tính chính xác trong khoa học, một hội các nhà địa trắc đã tạo ra một bản đồ đúng bằng kích cỡ của Trung Quốc, trùng khít đến từng điểm. Như tôi đã viết ở đâu đó, rằng không có từ ngữ nào là bất khả dịch, chỉ có những thế giới bất khả dịch. Công việc của tôi là bắc những cây cầu nối chúng với thế giới mà ta đang sống.

Ta có thể áp dụng định luật bất toàn của Heisenberg vào trong dịch thuật – ngay khi bạn định rõ một nghĩa trong ngôn ngữ khác, bạn đã chặt đứt một chuỗi những nghĩa kế tiếp hay gần gũi, mất đi những liên hệ, những trò chơi chữ tiềm tàng và những nghĩa nước đôi khéo léo. Dừng ý nghĩa lại, bạn biết được vị trí nhưng không biết được tốc độ của nó; để nó tiếp tục chao lượn, bạn có thể ước lượng được tốc độ nhưng không bao giờ tìm lại được nó nữa, như thể nó biến mất vào cõi bất khả tri.

Đức Anh dịch

Nguồn: http://www.vqronline.org/essays-articles/ 2014/02/loss-betrayal-and-inaccuracy-translator’s-handbook

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)