Sáng tạo giữa thời AI
AI không thể tước đoạt thôi thúc sáng tạo nếu như bạn không cho phép. Mỗi khi vẽ một bức tranh, viết một bài thơ, hát lên một bản nhạc… ta làm điều đó trước nhất cho bản thân mình. Đồng thời ta lưu lại một ý tưởng cho thế giới xung quanh. Hàng nghìn năm trước con người đã vẽ lên vách đá, và chúng ta vẫn sẽ tiếp tục “vẽ” bất kể lên “cái vách” gì.
![](https://cdn.tiasang.com.vn/tiasang-media/2025/01/Sang-tao-trong-the-gioi-co-AI-A1.png)
Sáng tạo là nhu cầu bản năng
Có những người cho rằng nghệ thuật nói chung là thứ xa xỉ mà người ta chỉ nghĩ tới khi đã đủ cơm ăn áo mặc. Nhưng nếu nhìn lại xuyên suốt lịch sử loài người, ta sẽ thấy điều ngược lại. Ngay cả khi phải chật vật kiếm ăn từng bữa, cả khi… chưa có quần áo mặc con người đã sáng tạo nghệ thuật rồi. Kể từ hơn 64.000 năm trước, loài người đã biết vẽ lên những vách đá, ghi chép lại hình ảnh của chính loài người và những sinh vật trên Trái đất. Trong hầu hết các nền văn hóa, cả Việt Nam, nghệ thuật dân gian luôn đóng góp nhiều tác phẩm giá trị, là cội nguồn gốc rễ dân tộc.
Hầu hết chúng ta, trong đời sống hằng ngày, đều đang ít nhiều được hưởng lợi từ nghệ thuật do con người tạo ra, chưa bàn tới chất lượng nghệ thuật tới đâu. Từ những thứ nhỏ nhặt như nhạc hiệu chương trình truyền hình (đó có thể là một bản nhạc cổ điển nổi tiếng), cái ghế, cái quần cái áo… cho tới những thứ to tát hơn như các công trình kiến trúc, các siêu phẩm điện ảnh doanh thu hàng tỷ đô… Tôi từng nói chuyện với một người bạn ủng hộ sử dụng tranh minh họa do AI tạo ra. Bạn ấy cho rằng những bức tranh đó không phải nghệ thuật nên không ảnh hưởng tới nền nghệ thuật của nhân loại nói chung (?!). Nghệ thuật song hành cùng công nghệ ứng dụng sâu rộng trong đời sống con người hiện đại, mặt khác lại gây ra phân cực gay gắt trong quan niệm thế nào mới là nghệ thuật; khiến cho người ta dù được hưởng lợi từ sáng tạo nghệ thuật mỗi ngày nhưng lại phủ nhận điều đó, hoặc thậm chí còn chẳng nhận ra. Cuốn sách “The Design of Everyday Things” của tác giả Don Norman đã chỉ ra rằng người dùng bình thường thường ít nhận ra những thiết kế tốt, bởi chúng đã làm quá tốt việc của mình. Chỉ những thiết kế không dùng được, không đẹp mắt hợp lý mới tòi ra lồ lộ như cái gai trong mắt.
Điều quan trọng trước nhất đó là sự minh bạch. Cần có luật nghiêm khắc về việc minh bạch trong các sản phẩm hay hoạt động có sử dụng AI.
Thực hành nghệ thuật, bất kể chất lượng cao thấp, theo ý kiến chủ quan của tôi, là mọi hoạt động sáng tạo từ đơn giản nhất như viết một status trình bày quan điểm về bất kỳ chủ đề gì, chụp một tấm ảnh selfie hay ngân nga một bài hát… nhưng nhất thiết phải do bạn tự làm. Không cứ phải vẽ đẹp mới được vẽ, mới thấy vui khi được cầm cọ; không cứ phải viết được những áng văn bất hủ thì mới được viết, mới được rèn luyện tư duy bằng ngòi bút. Năng lực nghệ thuật hay trình độ thưởng thức không tước đi cơ hội trải nghiệm nghệ thuật (tận hưởng đến đâu lại là vấn đề khác).
Ngay cả với người làm chuyên môn nghệ thuật, nếu không tạo ra sản phẩm dở thì sẽ không có tác phẩm hay. Không ai sinh ra đã là danh họa, văn hào. Tài năng đến mấy cũng cần rèn luyện, thử nghiệm mới tạo ra tuyệt tác. Đây là một nguy cơ lớn của AI mà ít được nhắc tới: loại bỏ những công việc “đầu vào”, đồng nghĩa với việc người làm sáng tạo không còn nhiều cơ hội để đi từ trình độ thấp hoặc vừa lên trình độ cao. Điều này về lâu về dài khả năng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm sáng tạo nói chung.
Trong cuộc trò chuyện kể trên, tôi nói với người bạn của mình rằng khi tìm kiếm tranh minh họa để dùng là bạn ấy đã mưu cầu nghệ thuật rồi, hay nói cho bớt đao to búa lớn hơn là cần một sản phẩm sáng tạo. Đến bây giờ, tôi vẫn bắt gặp nhiều hội nhóm Facebook chia sẻ những trang sách giáo khoa của vài thập kỷ trước. Mọi người mê mẩn, thán phục những bức vẽ minh họa vừa tình cảm vừa sinh động, những vần thơ trong trẻo, điêu luyện; bồi hồi nhớ lại những giờ học ngày xưa vẫn còn ghi dấu tới giờ. Ấy là minh chứng cho việc con người ta luôn có nhu cầu với các sản phẩm sáng tạo tốt. Ngày xưa đời sống thiếu thốn hơn, tại sao chúng ta vẫn làm được nghệ thuật như vậy? Điều gì trong đời sống hiện đại, đủ đầy hơn lại khiến chúng ta phải hy sinh những sáng tác chất lượng?
Bảo vệ năng lực sáng tạo
Đối với những người làm công nghệ, việc nghiên cứu phát triển công nghệ nói chung và AI nói riêng là nhu cầu sáng tạo của họ. Quá trình phát triển này là tất yếu. Tuy vậy, sử dụng công nghệ ra sao luôn là thách thức với con người hiện đại.
Cuốn sách The Anxious Generation (tạm dịch: Thế hệ lo âu) – tác giả Jonathan Haidt đã phân tích chi tiết về tác động mạnh mẽ của mạng xã hội lên sức khỏe tinh thần lẫn nhận thức của thế hệ trẻ. Ca ngợi tiện ích của mạng xã hội nói riêng và công nghệ nói chung thì cũng không thể lờ đi mặt trái của chúng. Cuối năm 2023, Công ty Bảo hiểm UnitedHealth, trụ sở tại bang Minnesota, Mỹ đã bị kiện lên tòa án liên bang với cáo buộc sử dụng AI có tỷ lệ sai lên tới 90% trong việc lọc hồ sơ bảo hiểm y tế. Việc này gây ra nhiều tác động nghiêm trọng đối với các bệnh nhân đáng lý được nhận bảo hiểm. Hậu quả do lạm dụng AI dễ thấy nữa là tin giả và các hoạt động lừa đảo. Với khả năng deep fake hình ảnh lẫn giọng nói ngày càng tinh vi, người dùng mạng khó nhận biết được đâu mới là thật. Trước khi có ứng dụng AI thì tin giả đã là một vấn nạn rồi, nay muốn kiểm soát còn gian nan gấp bội.
![](https://cdn.tiasang.com.vn/tiasang-media/2025/01/bai-tho-ngoi-nha-to-ha-1-338x375.jpg)
So với những thảm họa kể trên thì việc bao bì gói bim bim in hình con cua có tận bốn con mắt, tấm poster phim nhân vật một đằng tay chân một nẻo hay những bài thơ giả giọng Hồ Xuân Hương mà đọc lên vần điệu, ý tứ lục cục một đống sỏi do AI tạo ra gây nên những tranh luận ồn ã trên mạng có vẻ… không mấy ghê gớm. Tuy nhiên, ứng dụng AI trong các ngành nghề sáng tạo hiện nay đang vướng phải hai vấn đề lớn vẫn đáng nói:
Một là vấn đề bản quyền
Sử dụng các tác phẩm public domain để luyện AI là không đủ, các công ty bỏ tiền nghiên cứu AI muốn vét sạch mọi thứ hiện đang có mà không buồn lăn tăn tới luật bản quyền (vì nếu không thì không tạo ra được sản phẩm hợp thời, cạnh tranh trực tiếp với “bản chính”). Trong cuốn sách “21 bài học thế kỷ 21”, tác giả Yuval Noah Harari đã chỉ ra sự tự do gần như tuyệt đối, không mấy rào cản của phát triển công nghệ gây ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Mặt khác, luật bản quyền cũng cần được bổ sung, cập nhật cho kịp với sự thay đổi chóng mặt của thế giới.
Có thắc mắc rằng AI ăn cắp thì khác gì các họa sĩ chép tranh của nhau? Việc đạo nhái kiếm lợi dưới hình thức nào cũng trái đạo đức nghề nghiệp (còn chỉ chép tranh lại là một câu chuyện khác). Nhưng con người ăn cắp… chậm hơn, còn giới hạn sức người. Để chép một bức tranh cũng cần thời gian và vài kỹ năng cơ bản. Không phải gõ vài dòng chữ là xong. Tại sao bài trừ đồ chôm chỉa mà lại bao biện cho phương thức ăn cắp vừa nhanh, vừa dễ, ồ ạt hàng loạt không thể kiểm soát nổi?!
Hai là nguy cơ làm suy giảm nhận thức và khả năng người dùng
Tương tự tác động của các hình thái nội dung mới trên mạng (ví dụ như video ngắn và cực ngắn) đã làm suy giảm khả năng tập trung của con người. Theo thí nghiệm của giáo sư Gloria Mark tại ĐH California, Irvine, tác giả cuốn Attention Span: A Groundbreaking Way to Restore Balance, Happiness and Productivity (tạm dịch: Khả năng tập trung – một cách thức đột phá để tìm lại sự cân bằng, hạnh phúc và năng suất), thời gian tập trung của con người những năm 2000 (thời điểm cũng đã có các phương tiện số và internet) là khoảng 2.5 phút. Vài năm trở lại đây con số đó rớt xuống còn 47 giây.
Như một bài viết của nhà khoa học máy tính Paul Graham mà Tia Sáng đã từng dịch đăng, tương lai của việc sử dụng AI sẽ tạo ra hai nhóm người tách biệt: biết viết và không biết viết. Vẽ cũng vậy (dùng AI tạo tranh thì không phải là biết vẽ, không thể gọi là artist), sáng tác nhạc cũng vậy, viết kịch bản phim cũng thế, đặc biệt trong việc học hành. Cốt lõi sâu xa là khả năng tự tư duy, sáng tạo. Thậm chí giờ còn có ứng dụng AI chuyên viết prompt cho ứng dụng AI tạo hình ảnh nữa thì có lẽ viễn cảnh để trí tuệ nhân tạo tự chơi với nhau chẳng còn bao xa. Việc gìn giữ, rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo trở thành một lựa chọn cá nhân cần nhiều quyết tâm, ý chí.
Ngoài ra, các vấn đề về ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên khi nghiên cứu và sử dụng AI cũng cần được lưu tâm.
AI cũng có mặt tốt mặt xấu. Ứng dụng AI chắc chắn có mặt tích cực, nhưng có lẽ chúng ta nên chậm lại, cẩn trọng và có giới hạn trong việc sử dụng AI. Còn không lợi bất cập hại, con người phải bù đầu dọn dẹp, xử lý những hậu quả do việc lạm dụng và lợi dụng AI gây ra trước khi kịp tận hưởng chút ích lợi nào.
Vậy làm sao để dùng AI như một công cụ đúng nghĩa?
Điều quan trọng trước nhất đó là sự minh bạch. Cần có luật nghiêm khắc về việc minh bạch trong các sản phẩm hay hoạt động có sử dụng AI. Không thể phân biệt sản phẩm AI với sản phẩm của con người tạo ra nhiều chuyện… hài hước, như nhiếp ảnh gia Miles Astray đã cố tình gửi một bức ảnh thật tham gia một cuộc thi ảnh AI và giành chiến thắng (dù sau đó bị tước giải). Nhưng cũng có thiệt hại trực tiếp đối với người làm sáng tạo; như nhóm bài trừ cực đoan AI lại tạo ra những cuộc “săn phù thủy”, buộc tội sai chính các nghệ sĩ họ đang muốn lên tiếng bảo vệ. Lựa chọn dùng hay không dùng AI không quan trọng bằng biết sự thật AI có đang được sử dụng hay không. Liệu giả thuyết “Dead internet” (giả thuyết cho rằng không gian mạng chỉ ngập tràn các tài khoản và nội dung ảo, không có mấy người thật) có đang trở thành hiện thực?
Tiếp nữa, không thể để các ứng dụng AI chưa hoàn thiện được sử dụng tràn lan, không kiểm duyệt, áp đặt thô bạo lên người dùng (ví dụ như Meta dự kiến tạo ra hàng loạt những tài khoản và nội dung ảo trên các kênh mạng xã hội của họ mà người dùng không được thông báo đâu là tài khoản và nội dung ảo, cũng như không có lựa chọn loại trừ hoàn toàn những nội dung ấy trên feeds của mình). Chẳng còn lạ gì những câu trả lời “tự bịa” lung tung lẫn sai kiến thức cơ bản của các sản phẩm AI, những bàn tay vẽ thừa ngón hay khủng khiếp hơn như vụ kiện công ty bảo hiểm kể trên.
Về phía người dùng phổ thông cần tìm hiểu về AI cẩn thận, có đầu đuôi trước khi đưa ra quan điểm hay quyết định. Không ít người dùng hiện giờ không hiểu rõ, lại nhầm lẫn ngớ ngẩn họa sĩ vẽ digital cũng là dùng AI?!? Nghệ sĩ Vocaloid cũng là dùng AI?!?! Về phía người làm sáng tạo, càng cần tìm hiểu AI, nhất là khi bạn muốn bài trừ nó. Ngay cả khi không có AI, con người trong thời đại hiện nay cũng cần nhiều hơn một kỹ năng chuyên môn để thành công. Họa sĩ thì ngoài vẽ cũng nên biết chút về marketing, quảng cáo bán hàng, luật bản quyền…
Cuối cùng, những người làm sáng tạo chuyên nghiệp lẫn không chuyên, vì công việc hay chỉ vì niềm vui cá nhân, cần duy trì và bồi đắp những kết nối giữa người với người, với hiện thực thông qua trí tưởng tượng và nghệ thuật. Những câu chuyện, cảm xúc, ý tưởng… là những điều quan trọng góp phần tạo nên con người. Chúng ta có thể đồng cảm với máy móc (tương lai biết đâu đấy?), nhưng không có gì thay thế được sự đồng cảm giữa con người với nhau. Chúng ta không được quên hay đánh giá thấp việc mình luôn có lựa chọn này.
Kết lại
Trong tương lai bất định của xã hội hiện đại với AI, tôi hy vọng chúng ta sẽ luôn mưu cầu sáng tạo chân thành mà không ngại mất thời gian rèn luyện, không bỏ qua cơ hội được tự mình trải nghiệm cả quá trình; cũng như không mất niềm tin vào những kết nối giữa con người với nhau.□
Bài đăng Tia Sáng số 1+2/2025