Sao chưa uống trà!

Tất cả chúng ta đều biết cuộc sống con người không thể tách rời hai yếu tố, vật chất và tinh thần. Chúng ta thử hình dung một ngày xã hội không có âm nhạc, phim ảnh, hội họa, kiến trúc, tôn giáo …, thì cuộc sống sẽ ra sao?, ta sẽ liên tưởng đến thời kỳ ăn lông-ở lỗ của tổ tiên loài người!

Trà cũng giống bao thứ thân thuộc khác, nó mang trong mình cả hai yếu tố không thể thiếu đối với con người. Về mặt vật chất, trà mang lại lợi ích dinh dưỡng hay dược lý mà chúng ta dễ dàng tìm thấy trên bất cứ một tờ tạp chí khoa học hay dinh dưỡng nào. Về mặt tinh thần, hoạt động uống trà cũng đồng thời tác động đến cảm xúc cá nhân, văn hóa của cộng đồng và cả tâm linh nữa.

Có những quan niệm cho rằng: Uống trà cần có thời gian thảnh thơi, tâm hồn thư thái; người uống trà cần có những trải nghiệm trong cuộc sống cần trải qua cay-đắng-ngọt-bùi; uống trà cần một không gian trầm mặc-suy tư; thưởng thức trà là thú vui của người già …. Rất nhiều những ý kiến với quan niệm như vậy bó buộc chúng ta khiến cho việc uống trà trở nên xa cách với muôn thứ diệu linh, huyền hoặc. Tôi không nghĩ những quan niệm như vậy là sai, tất nhiên có thể khi thưởng thức trà để được trọn vẹn thì rất cần những yếu tố trong quan niệm trên, xong không phải trà nhân nào cũng có thể thưởng thức trà như vậy vào bất cứ thời gian, không gian nào.

Cá nhân tôi thấy “không gian” mà trà tạo ra rộng lớn lắm, không gian đó đủ sức “bao bọc” tất cả chúng ta, từ người cầu kỳ cho đến người mộc mạc, từ người sôi nổi cho đến kẻ trầm tư, …. Vẫn có những lo ngại cho rằng uống trà sẽ mất ngủ, nhưng liệu việc đánh đổi một vài đêm mất ngủ để nhận được những giá trị lớn lao mà trà mang lại có nên chăng?, tôi nghĩ đây là vụ trao đổi muôn phần ích lợi.

Với riêng tôi, những hình ảnh cha tôi bên bàn trà ám ảnh tôi. Trong gia đình tôi, chiếc bàn nơi ông ngồi, chiếc ấm ông dùng đã trở thành biểu tượng giúp nhắc nhớ cho tôi về ông. Khi tôi kể về cha tôi cho con trai tôi nghe, những câu chuyện tôi kể xoay quanh chiếc bàn đó, những kỷ niệm được rót ra từ chiếc ấm đó, thế nên đối với con tôi chiếc bàn và chiếc ấm kia đã mang trong mình hình ảnh của cha và ông nội nó. Biết đâu sau này con trai tôi cũng sẽ kể tiếp câu chuyện về tôi và cha tôi cho con của nó vẫn bên chiếc bàn và từ chiếc ấm giản dị kia. Được vậy thì những vật dụng đó đã trở thành biểu tượng nhắc nhớ đến nhiều đời trong gia đình gắn với hoạt động uống trà, như thế chẳng phải hay lắm sao?, như thế chẳng phải việc uống trà đã giúp kết nối các thế hệ hay sao? Đấy là khi chúng ta uống trà để có được một chốn riêng tư, để có được một quãng lặng mà suy tư, mà nhớ đến những thế hệ đã qua, mà răn mình, mà kể cho con cháu, chẳng phải chúng ta đang dạy dỗ con cháu về truyền thống gia đình thông qua việc uống trà thông qua trà cụ đã được tổ tiên truyền lại đấy sao?. Đó chính là yếu tố Tâm linh trong việc uống trà vậy. Tất nhiên còn vô cùng nhiều thứ trong gia đình nhắc tôi nhớ đến cha tôi, xong hình ảnh của ông bên ấm trà đối với tôi luôn là lúc ông nhiều tâm sự nhất, là hình ảnh thanh khiết và tôn nghiêm nhất!

Tôi đồng ý, nếu như uống trà với nhiều những giá trị Văn hóa như vậy thì quả chúng ta cần đến thời gian, không gian, tinh thần thích hợp mà cuộc sống đâu để ta yên, vậy chẳng nhẽ một năm chúng ta chỉ uống trà vài lần thôi sao? Rất may, trà từ ngàn năm trước vốn là một thứ nước uống được ưa chuộng phát sinh từ dược tính của trà, người dân uống trà để tăng cường tinh thần, để giảm tật bệnh, để kết nối cộng đồng, chén trà trong trường hợp này giản dị đấy chứ! Chúng ta chỉ cần cho một nhúm trà vào ấm pha rồi rót ra chén là có thể uống để có được những lợi ích trên rồi, hay ấm trà lớn một cách giản dị là bạn bè có thể ngồi suồng sã chuyện trò, người nông dân chân chất ở chốn thôn quê có thể quây quần bên một tích hoặc một nồi lớn chè tươi là có thể râm ran chuyện đồng áng chẳng phải thú vị lắm sao!, mà đâu có cầu kỳ phức tạp, đâu có cần không gian trầm mặc cộng với sự suy tư sâu lắng làm gì.

Hơn một chút thôi, chúng ta sẽ sửa soạn ấm chén, đủ món cầu kỳ để hưởng thụ vào lúc thanh nhàn, để đàm tâm với tri âm. Còn gì thú vị hơn khi nhàn rỗi mời bạn đến uống trà! Một thiếu phụ mà biết sửa soạn trà cụ pha cho bạn hay chồng mình một tách trà ngon thì chẳng phải đẹp lắm sao, chẳng phải những thao tác, cách lựa chọn trà cụ của người thiếu phụ đã đủ để nói lên hết tính cách, thẩm mỹ, đạo đức, đã thể hiện tối đa sự tôn trọng, hiếu khách rồi hay sao?, đâu cần đến hệ thống ngôn từ lê thê để “lời nói gió bay” liệu có đọng lại trong tâm trí của nhau được bao nhiêu. Đấy chẳng phải yếu tố Văn hóa của con người của cộng đồng đã dựa vào trà mà phô diễn đấy thôi.

Những lễ tết, giỗ chạp, cưới hỏi, ma chay … của người Việt chúng ta tất thảy đều có trà trong đó. Một ngày nào những thanh niên đi hỏi vợ sẽ phải mang theo trà, một người con đứng trước vong linh cha ông, tổ tiên phải dâng trà, khi mừng thọ cha ông phải dâng trà, vào lúc giao thừa cũng không thể thiếu trà trên ban thờ tiên tổ, khi quây quần gia đình, bè bạn êm đềm nhất bên bàn trà vậy. Tất cả những hoạt động đó thể hiện yếu tố trà là không tách rời trong đời sống của người dân nước Việt, trà tồn tại một cách dai dẳng và phong phú trong cuộc sống dân ta. Thử hỏi còn gì có thể tồn tại mà ý nghĩa và phong phú hơn trà với người dân Việt nữa!?

Như vậy, cá nhân tôi thiết nghĩ, việc uống trà chẳng những mang lại cho tôi những lợi ích về vật chất cho cơ thể tôi mà nó còn bồi đắp tâm hồn con người tôi, mang lại cho tôi một cuộc sống thảnh thơi, mang lại cho tôi quãng thời gian nhàn rỗi giữa Cuộc sống còn bộn bề muôn thứ, mà việc uống trà còn là một hành động của tôi vun đắp vào Văn hóa dân tộc nhằm tiếp tục duy trì một nét văn hóa giàu bản sắc, duy trì một đời sống tinh thần nền nã của cộng đồng Việt.

Với những gì trà có thể mang lại cho chúng ta, vậy còn lý do gì để chúng ta không uống trà, còn lý do gì để chúng ta không thể đánh đổi một vài đêm mất ngủ mà trong thực tế chúng ta đã “ngủ” quá nhiều.

SAO CHƯA UỐNG TRÀ!

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)