Sau 150 năm, vẫn gây sóng gió
Nhà soạn nhạc người Italia Giacomo Puccini mất năm 65 tuổi vào năm 1924 nhưng gần một thế kỷ sau khi qua đời vẫn gây sóng gió trên sân khấu ở các nhà hát, thu về tới 250 triệu USD từ việc công diễn các vở opera làm say đắm hàng triệu triệu trái tim khán giả. Ở quê hương Lucca, người ta dựng tượng ông còn ở trên khắp thế giới, người ta ngưỡng mộ ông và cùng nghẹn lòng khi lắng nghe “Sì, Mi chiamano Mimi”.
Đó là sự lựa chọn đúng đắn bởi Giacomo Puccini sau này đã trở thành người tiếp nối truyền thống opera Italia mà những nhà soạn nhạc như Gioacchino Rossini, Vincenzo Bellini, Giuseppe Verdi… đã dày công xây dựng. Hơn cả việc kế thừa, ông còn tạo ra một phong cách khác biệt mang dấu ấn của riêng mình, phong cách versimo (hiện thực) thuần túy trên sân khấu opera, vốn được manh nha bắt đầu bởi Mascagni – vở “Cavalleria Rusticana” và Leoncavallo – vở “Pagliacci”. Trong danh mục biểu diễn hằng năm của các nhà hát opera lớn trên thế giới vẫn xuất hiện những cái tên quen thuộc như “La Boheme”, “Tosca”, “Madame Butterfly”, “Turandot”…, đây là những sáng tác tiêu biểu trong sự nghiệp của Puccini. Bất chấp việc ông đã qua đời vào năm 1924, tên tuổi của ông lại càng được biết đến rộng rãi hơn trên quy mô toàn thế giới. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu âm nhạc, sau khi ông mất, vở “La Boheme” đã được trình diễn hơn 1.200 lần và luôn đứng đầu danh sách các mùa diễn của nhà hát Metropolitan (Mỹ). Hai vở opera khác của Piccini là “Tosca” và “Madama Butterfly” có mặt trong tốp 6 (các vở opera khác như “Carmen”, “Aida” và “La Traviata” cũng xuất hiện ở danh sách này). Vì thế, không cần đến những màn kỷ niệm hoành tráng thì tại các nhà hát opera hàng đầu thế giới, mùa diễn hằng năm đều là một kỳ festival nho nhỏ về Puccini. Mùa diễn này, Metropolitan gửi đến khán giả các vở opera như “Madame Butterfly”, “La Boheme” và một vở mới dàn dựng là “La Rondine”, đặc biệt “La Boheme” sẽ diễn ra vào đúng ngày sinh nhật của Puccini ngày 22 tháng12.
Các hãng nổi tiếng thế giới cũng không chịu nằm ngoài kế hoạch “kiếm tiền” nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh Puccini. Hãng Deutsche Grammophon tung ra thị trường bộ thu âm “La Boheme” với cặp nghệ sỹ soprano Anna Netreko – Mimi và terno Rolando Villazon – Rodolfo do nhạc trưởng Bertran de Billy chỉ huy dàn nhạc đài phát thanh Bavaria ở Munich. Hãng Telarc phát hành bản trình diễn của dàn nhạc giao hưởng Atlanta, nhạc trưởng Robert Spano chỉ huy với soprano Norah Amsellem và terno Marcus Haddock. Trong lịch sử, nhiều nghệ sỹ opera hàng đầu thế giới đã thử sức và thành công với “La Boheme” như cặp Renata Tebaldi – Carlo Beronzi, chỉ huy Tullio Serafin, cặp Freni – Pavarotti, chỉ huy Karajan huyền thoại, de los Angeles, Bjoerling, chỉ huy Beecham. Có một giai thoại rằng, khi xem Freni đóng vai Mimi, Karajan đã phải thú nhận: “Trong đời chỉ có 2 lần tôi khóc, một lần khi mẹ tôi qua đời và một lần nghe Freni hát Mimi”.
Điều làm nên nét hấp dẫn của các vở opera của Puccini là sự pha trộn của âm nhạc và bi kịch. Phần lớn các vở opera ông sáng tác đều là những bi kịch của các cô gái. Những vai nữ hầu như quan trọng hơn các vai nam trong các tác phẩm của Puccini, 7 trong số 12 tác phẩm sân khấu của ông được đặt theo tên của các nhân vật nữ. Cùng với việc sáng tạo nên những giai điệu xúc động, dễ đi vào lòng người, Puccini còn nắm vững cách xử lý chất giọng để có thể kết hợp hài hòa và nhịp nhàng với dàn nhạc. Puccini luôn nắm bắt và đi trước một bước những đổi mới của thời đại. Các nhà soạn nhạc lớn đương thời như Wagner, Debussy hay Stravinsky là những tấm gương để ông noi theo. Tuy học rất nhiều từ kỹ thuật âm nhạc của Wagner nhưng Puccini vẫn khẳng định phong cách riêng của mình với verismo, một loại hình nghệ thuật đối nghịch lại những vở opera mang tính thần thoại của Wagner. Với những chất liệu thô ráp từ cuộc sống, ông đã sáng tạo nên những kiệt tác, mặc dù vẫn khiêm tốn tự nhận: “Tôi chỉ có thể viết nhạc về những điều giản dị”. Vì thế, “La Boheme” dù là câu chuyện tình đẫm nước mắt, nhưng vẫn không được các nhà phê bình đánh giá cao còn “Tosca” bị coi là một thứ giật gân tầm thường xoàng xĩnh. Dẫu vậy, trên thực tế, đây là những kiệt tác mà Puccini đã “rót” vào một “lượng trữ tình” đáng ngạc nhiên. Không chỉ muốn dừng lại ở đó, Puccini muốn khám phá những con đường mới, cách thể hiện mới. Kết quả của sự thay đổi này là sự ra đời của vở opera “Turandot”, lần đầu tiên được trình diễn ở Milano ngày 25 tháng 4 năm 1926. Vở opera này hoàn toàn khác biệt với những vở mà Puccini đã từng viết trước đó, đây được coi là kiệt tác vĩ đại nhất của ông, là sự kết hợp giữa Turandot độc ác, Calaf anh hùng, Lìu đầy chất thơ. Tuy nhiên, căn bệnh ung thư vòm họng đã ngăn cản ông hoàn thành nốt “Turandot” vào năm 1924. Sau này, nhà soạn nhạc Franco Alfano đã viết tiếp “Turandot” dựa trên bản thảo mà Puccini để lại. Trong buổi trình diễn lần đầu tiên vở “Turandot” tại La Scala, Toscanini đã hạ đũa chỉ huy của mình xuống khi tới đoạn cái chết của Lìu, đúng chỗ mà Puccini đã viết đến. Buổi tối tiếp theo, vở opera được trình diễn với đoạn kết của Alfano.
Không chỉ gây sóng gió bằng tài năng của mình, những uẩn khúc đời tư của Puccini luôn là miếng mồi ngon cho những lời đồn đại. Trong thời gian viết vở “Edgar”, dựa trên vở kịch của Alfred de Musset, Puccini đã gặp Elvira Bonturi, vợ một người bạn học phổ thông, khi nhận lời dạy piano cho bà. Họ đã phải lòng nhau, sau đó 2 năm, Elvira Bonturi bỏ nhà đi theo Puccini cùng với cô con gái của mình. Vào thời điểm ấy, ly dị chưa được chấp thuận ở Italia. Chính vì lý do ấy, chỉ sau khi chồng của Elvira qua đời năm 1904, cả hai mới được phép kết hôn chính thức trong nhà thờ. Cuộc sống của cặp vợ chồng này diễn ra trong tình yêu, ghen tuông và nghi kị, cũng như các vở opera của chính Puccini. Tình hình trở nên nghiêm trọng khi cô gái trẻ Dora Manfredi được nhận vào gia đình Puccini làm hầu gái. Ngôi nhà đã trở thành địa ngục với sự dò xét, theo dõi của Elvira và bà đã góp sức với báo chí dựng nên một scandal ngoại tình của Puccini. Trước sức ép khủng khiếp này, cô hầu gái Dora đã trở nên suy nhược và quẫn trí dẫn đến hành động tự sát vào tháng 1 năm 1909. Kết quả khám nghiệm cho thấy, Dora vẫn là một trinh nữ và Puccini hoàn toàn vô tội. Để cứu vợ khỏi phải vào tù do tội vu khống, Puccini đã phải trả một khoản tiền lớn cho gia đình Manfredi. Sự việc đã tác động mạnh đến Puccini, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sáng tạo và niềm đam mê sáng tác của ông trong một khoảng thời gian dài. Nhằm khai thác vấn đề đời tư của Puccini, một nhà làm phim người Italia, Paolo Benvenuti đã sản xuất bộ phim mang tên “Puccini và các cô gái” về nhà soạn nhạc danh tiếng với những điều hào nhoáng phô trương về cuộc sống riêng tư. Bộ phim đã được ra mắt ở Liên hoan phim Venice và ngay lập tức bị hậu duệ Puccini phản đối. Bất chấp tất cả những điều tiếng trên, Puccini vẫn làm hàng triệu triệu trái tim khán giả opera say đắm. Ở quê hương Lucca, người ta dựng tượng ông còn ở trên khắp thế giới, người ta ngưỡng mộ ông và cùng nghẹn lòng khi lắng nghe “Sì, Mi chiamano Mimi”.