Serge Koussevitzky – Một biểu tượng của âm nhạc đương đại

Từ một nghệ sĩ đến một nhạc trưởng, một người quảng bá âm nhạc, Serge Koussevitzky đã thiết lập nên một đế chế vĩ đại của riêng mình và qua đó, trở thành một biểu tượng của âm nhạc cổ điển trong thế kỷ 20.

Serge Koussevitzky tại Paris năm 1934. Nguồn: Boston Symphony Orchestra.

Trưởng thành từ âm nhạc 

Serge Alexandrovitch Koussevitzky sinh ngày 26/7/1874 (14/7 theo lịch Nga) tại thị trấn nhỏ Vishny Volotchok nằm ở giữa Moscow và Saint Petersburg trong một gia đình Do Thái. Cha của Serge là người biểu diễn klezmer, nhạc cụ dân gian của dân tộc Do Thái còn mẹ là nghệ sĩ piano, tuy nhiên bà đã mất vào năm 1877 khi cậu còn rất nhỏ. 

Ngay từ nhỏ, Serge đã được học biểu diễn một số nhạc cụ, trong đó thành thạo nhất là piano và cello. Cùng với cha, chị gái và hai anh trai, Serge đã lập nên một dàn nhạc gia đình, biểu diễn tại các đám cưới, quán rượu, hội chợ và lễ hội mùa hè. Năm 1888, Serge quyết định theo học âm nhạc chuyên nghiệp bằng cách xin vào học tại Nhạc viện Moscow nhưng bị từ chối vì đã qua thời gian nhập học. Do đó, Serge học double bass tại Trường Âm nhạc và Kịch nghệ, Moscow Philharmonic Society mới được thành lập, và theo học Joseph Ramboušek, bè trưởng double bass tại Nhà hát Bolshoi. 

Trước khi tốt nghiệp vào năm 1894, từ năm 1892, Koussevitzky đã là thành viên của nhà hát Mamontov, Moscow. Năm 1894, anh là nhạc công tại nhà hát Mariinsky, Saint Petersburg và một năm sau, Koussevitzky quay trở lại Moscow để tham gia vào nhà hát Bolshoi, trở thành đồng nghiệp của thầy giáo mình. Và sau khi Ramboušek qua đời vào tháng 3/1901, anh thay thế ông để đảm nhiệm cương vị bè trưởng cũng như giảng dạy tại Trường Âm nhạc và Kịch nghệ. Trong những năm này, tên tuổi của Koussevitzky đã trở nên nổi tiếng trên khắp nước Nga khi trở thành nghệ sĩ biểu diễn độc tấu double bass, bao gồm một số tác phẩm được chuyển soạn cho nhạc cụ này như bassoon concerto của Wolfgang Amadeus Mozart hay Kol Nidrei của Max Bruch, nâng tầm double bass lên một vị thế không hề thua kém bất cứ nhạc cụ nào khác. Năm 1903, anh lần đầu tiên biểu diễn tại nước ngoài trong một chương trình ở Đức. Năm 1905, Koussevitzky kết hôn với Natalia Uskhova, con gái của triệu phú Konstantin Uskhov. Đây là người vợ thứ hai của anh. Trước đó, từ năm 1902-1905, Koussevitzky có một cuộc hôn nhân với nghệ sĩ ballet Nadezhda Galat.

Có được sự hậu thuẫn vững chắc về mặt tài chính. Koussevitzky bỏ việc tại Nhà hát Bolshoi và đăng một bài viết có tiêu đề Những người Helot mới (Helot là từ để chỉ những người nô lệ dưới thời Sparta cai trị) trên báo Từ tiếng Nga, với những dẫn chứng và số liệu cụ thể, chỉ trích gay gắt ban giám đốc nhà hát đã bóc lột vô nhân đạo các nhạc công của dàn nhạc, những người đã cống hiến hết mình cho âm nhạc, để đổi lấy những khoản thù lao nhỏ nhoi. Cùng với vợ, Koussevitzky định cư tại Berlin và ông đã theo học chỉ huy dàn nhạc cùng bậc thầy Arthur Nikisch, người lúc này đang là nhạc trưởng chính tại Berlin Philharmonic. Chính Nikisch đã tiên đoán cậu học trò của mình một ngày nào đó sẽ chỉ huy Boston Symphony Orchestra. 

Tại Berlin, ông có cơ hội gặp gỡ với những tên tuổi lớn của nền âm nhạc thế giới bấy giờ như Gustav Mahler hay Richard Strauss. Ông cũng bắt đầu sáng tác một số tiểu phẩm dành cho double bass và piano vào khoảng thời gian này. Tháng 1/1908, Koussevitzky đã thuê Berlin Philharmonic để biểu diễn bản piano concerto số 2 của Rachmaninov trong buổi ra mắt lần đầu của mình trên cương vị nhạc trưởng, với sự tham gia của chính nhà soạn nhạc. Sau đó ông đi biểu diễn tại London, Vienna được đánh giá là “một trong những nhạc trưởng tài năng nhất của thế hệ trẻ”. 

Boston Symphony Orchestra dưới thời Koussevitzky của trở thành một thiết chế văn hóa không thể thiếu trong đời sống âm nhạc Mỹ và ngôi nhà mùa hè Tanglewood trở thành hình mẫu, nơi mà hầu như toàn bộ nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nhạc công Mĩ đều đã cộng tác ít nhất một lần trong đời.

Năm 1909, Koussevitzky trở về Nga và dưới sự tư vấn của Rachmaninov, ông đã thành lập Nhà xuất bản Âm nhạc Nga. Ông chịu trách nhiệm điều hành còn Rachmaninov đứng đầu hội đồng nghệ thuật. Nhà xuất bản Âm nhạc Nga nhanh chóng nổi tiếng trên khắp nước Nga và nhiều quốc gia khác, đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến các tác phẩm của những nhà soạn nhạc Nga đương thời như Scriabin, Prokofiev, Stravinsky và chính Rachmaninov, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các tác giả. Koussevitzky cũng thành lập dàn nhạc giao hưởng của riêng mình và cùng nhau, họ biểu diễn khắp nước Nga và châu Âu, điều khiến danh tiếng của ông ngày một lan xa. 

Danh mục biểu diễn của Koussevitzky cho thấy ông quan tâm rất nhiều đến âm nhạc đương đại, điều sẽ theo ông trong suốt cuộc đời. Koussevitzky chính là nhạc trưởng trong buổi ra mắt các tác phẩm PetrushkaThe rite of spring (Stravinsky) cũng như mời Fritz Kreisler và Ferruccio Busoni biểu diễn âm nhạc của họ tại Nga. Koussevitzky cũng không hề từ bỏ công việc chơi double bass, thường xuyên xuất hiện trên sân khấu trong vai trò nghệ sĩ độc tấu. Vào giai đoạn này, ông nắm giữ nhiều cương vị quan trọng tại các hiệp hội, là giám khảo tại nhiều cuộc thi uy tín và trở thành một trong những nhân vật hàng đầu của nền âm nhạc Nga.

Cách mạng tháng 10 nổ ra, nước Nga trải qua biến động chưa từng có. Với danh tiếng của mình, Koussevitzky được lựa chọn làm nhạc trưởng chính của Saint Petersburg Philharmonic, dàn nhạc giao hưởng lâu đời nhất nước Nga (lúc này mang tên Petrograd State Symphony Orchestra). Một lần nữa, ông rất tích cực trong việc quảng bá âm nhạc của những nhà soạn nhạc đồng hương trong đó đặc biệt phải kể đến người bạn thân Scriabin. Cùng với đó là một chuỗi chương trình các tác phẩm của Rachmaninov và Peter Ilyich Tchaikovsky. Trong bối cảnh rối ren của tình hình chính trị thời kỳ này, Koussevitzky đã dũng cảm tuyên bố: “…cùng với tất cả những công dân Nga có lương tâm, tôi chỉ phục tùng chính phủ do Quốc hội lập hiến thành lập; và trước đó tôi sẽ tiếp tục chỉ huy Dàn nhạc Nhà nước – với điều kiện tất yếu là không có “quyền lực” mới nào, dưới bất kỳ hình thức nào can thiệp vào công việc của tổ chức này”. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều quan chức can thiệp vào công việc của dàn nhạc, kể cả những việc nhỏ nhặt như chỗ ngồi của từng nhạc công. Điều này khiến cho sự hợp tác của một người có cá tính mạnh mẽ như Koussevitzky với dàn nhạc ngày càng trở nên lỏng lẻo. Cuối cùng, năm 1920, ông đã rời bỏ quê hương để tới Berlin và rồi định cư tại Paris, mở ra một chương mới trong cuộc đời mình.

Thành công bằng một phong cách gây tranh cãi 

Với danh tiếng và tiềm lực tài chính, Koussevitzky không khó khăn trong việc tiếp tục công việc chỉ huy yêu thích của mình. Kiên định với mục tiêu giới thiệu âm nhạc của các tác giả đương đại trong điều kiện tốt nhất có thể, ông đã thuê những nhạc công giỏi nhất tại Paris trong một chuỗi 46 chương trình hòa nhạc (được gọi chung là Concerts Koussevitzky), trải dài từ 1921-1928, chủ yếu diễn ra tại nhà hát Opera Garnier, Paris. Ngoài những tác giả Nga, Koussevitzky cũng chú trọng tới những nhà soạn nhạc Pháp như Claude Debussy, Darius Milhaud, Albert Roussel hay Erik Satie. Chính Koussevitzky là người đề nghị Maurice Ravel chuyển soạn tác phẩm Những bức tranh trong phòng triển lãm của Modest Mussorgsky cho dàn nhạc và ông đã chỉ huy ra mắt phiên bản này vào ngày 19/10/1922. 

Serge Koussevitzky từng tổ chức một festival kỷ niệm 100 năm Beethoven vào tháng 3/1927. Nguồn: Boston Symphony Orchestra

Các nhà phê bình đã dành rất nhiều lời ngợi khen cho Concerts Koussevitzky, vinh danh ông là người tổ chức biểu diễn tài ba, đồng thời là người khám phá những tác phẩm mới, với những sáng tạo và nỗ lực vượt trội so với những dàn nhạc khác tại Paris. Ghi nhận những đóng góp này, Koussevitzky đã được trao tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh vào năm 1924, khẳng định vai trò ngày một quan trọng của ông trong đời sống âm nhạc tại Paris. 

Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc của Koussevitsky nhận được nhiều lời khen, chê khác nhau nhưng có một điểm chung rằng những tác phẩm đương đại dường như phù hợp với ông hơn. Là người nắm quyền tối cao trong việc tổ chức các buổi hòa nhạc, từ việc lựa chọn nhạc công cho đến chương trình biểu diễn, dễ hiểu khi tính độc đoán, không nhân nhượng với bất kỳ ai của Koussevitzky đã được thể hiện rất rõ nét, điều trở thành đặc điểm chính trong suốt nghệ thuật chỉ huy của ông. 

Cũng trong giai đoạn này Koussevitzky trở thành nghệ sĩ double bass độc tấu đầu tiên trong lịch sử thu âm. Danh tiếng của ông đã vươn xa tới tận bên kia Đại Tây Dương và Koussevitzky đã được Boston Symphony Orchestra mời làm Giám đốc âm nhạc thứ chín của dàn nhạc, bắt đầu với chương trình vào ngày 10/10/1924. Koussevitzky đến để thay thế cho nhạc trưởng người Pháp Pierre Monteux và nhờ vào Concerts Koussevitzky, ông đã duy trì phong cách Pháp cho dàn nhạc, đưa Boston Symphony Orchestra trở thành một trong những thế lực hùng mạnh và tinh tế nhất trên thế giới. Koussevitzky gắn bó với dàn nhạc trong 25 năm, trở thành nhạc trưởng chính tại vị lâu nhất đến thời điểm đó, một kỷ lục sau này chỉ bị Seiji Ozawa phá vỡ.

Năm 1924 không phải là thời điểm vàng son của Boston Symphony Orchestra. Từng là một trong những dàn nhạc hàng đầu của nước Mỹ nhưng sau khi vị giám đốc âm nhạc thứ năm Karl Muck bị bắt và trục xuất vào năm 1918 do liên quan đến nguồn gốc Đức của ông, dàn nhạc lâm vào khủng hoảng và trải qua một giai đoạn tồi tệ. Nhiều tranh đấu nội bộ cùng với sự già cỗi của một số nhạc công đã làm suy giảm chất lượng nghệ thuật của Boston Symphony Orchestra. Ngay cả sự xuất hiện của Monteux, nhạc trưởng người Pháp danh giá nhất lúc bấy giờ cũng không mang lại hiệu quả tích cực. 

Và Koussevitzky, với những thành công tại Paris nhưng chưa để lại bất kỳ dấu ấn nào tại Mỹ, mang trong mình trọng trách lớn lao trong việc giành lại danh tiếng vốn có của dàn nhạc. Đến Mỹ với yêu cầu duy nhất, phải có quyền lực bao trùm lên tất cả, Koussevitzky không mất nhiều thời gian để sắp xếp lại Boston Symphony Orchestra. Ngày 17/4/1925, Boston Evening American đưa tin “Cuộc cải tổ lớn nhất trong lịch sử dàn nhạc sắp diễn ra”. Hơn một chục nhạc công bị sa thải, những người khác được yêu cầu hiểu rõ rằng lời nói của nhạc trưởng là luật pháp – điều mà không một ai nghi ngờ trong suốt hơn 20 năm sau đó. 

Sự cải tổ của Koussevitzky được ví như công việc của một bác sĩ phẫu thuật lành nghề: sự già cỗi và kém cỏi phải bị loại bỏ. Những gì đã xảy ra ở Paris được tái hiện tại Boston, với sự chuyên quyền và lạnh lùng, thậm chí tàn nhẫn của một nhà quân sự độc tài. Các phe phái đối lập đều bị khuất phục và kiểm soát. Với mối quan hệ của mình, nhiều nghệ sĩ tài năng từ Paris đã chuyển đến Boston Symphony Orchestra, càng làm tăng thêm sự tinh tế và duyên dáng của dàn nhạc. Bất chấp việc Liên đoàn của những nhạc sĩ giành thắng lợi trong việc ngăn cản Boston Symphony Orchestra thực hiện các buổi biểu diễn trên đài phát thanh, doanh thu của dàn nhạc được cải thiện, mùa diễn được kéo dài ra, lượng khán giả mua vé ngày một đông đảo hơn. Dưới sự dẫn dắt của Koussevitzky, đây được đánh giá là giai đoạn hoàng kim của Boston Symphony Orchestra.

Vẫn mang trong mình lòng nhiệt thành với việc quảng bá âm nhạc đương đại, ngay trong năm đầu tiên tại Boston Symphony Orchestra, Koussevitzky trình diễn nhiều tác phẩm mới, như bản giao hưởng Organ của Aaron Copland, nhà soạn trẻ 24 tuổi người Mỹ. Sự nghiệp nhạc trưởng bận rộn đã khiến ông ngày một rời xa công việc sáng tác và biểu diễn double bass. Năm 1930, nhân dịp 50 thành lập Boston Symphony Orchestra, Koussevitzky đã đặt hàng một số tác phẩm từ nhiều nhà soạn nhạc danh tiếng để công diễn như Konzertmusik (Paul Hindemith), Symphony of Psalms (Stravinsky) hay bản giao hưởng số 4 (Prokofiev). 

Như một thói quen đã trở thành bản chất, Koussevitzky không chịu bó mình là một chỉ huy dàn nhạc đơn thuần, trong ông còn tồn tại một niềm đam mê tổ chức các chương trình hòa nhạc, tìm kiếm cơ hội để biểu diễn và quảng bá âm nhạc nhiều nhất có thể. Cùng với nhà bảo trợ nghệ thuật Gertrude Robinson Smith, Koussevitzky đã cho ra mắt thành công lễ hội âm nhạc Berkshire, ngày nay được biết dưới cái tên Tanglewood, ngôi nhà mùa hè của Boston Symphony Orchestra cho đến tận ngày nay với buổi biểu diễn đầu tiên vào ngày 13/8/1936. Tanglewood không chỉ là địa điểm tổ chức các chương trình hòa nhạc mà còn là trung tâm trong việc phát triển các chương trình giáo dục. Bản thân Koussevitzky tham gia giảng dạy tại đây. Được Copland giới thiệu, Leonard Bernstein là người học trò đầu tiên và nổi tiếng nhất của Koussevitzky vào năm 1940. Sau đó Bernstein trở thành trợ lý cho người thầy của mình tại chính lễ hội này. Phòng hòa nhạc ngoài trời chính của lễ hội sau mang tên ông (gọi là Nhà kho Koussevitzky) có sức chứa hơn 5.000 chỗ ngồi.

Đối diện với những khen chê

Koussevitzky là nhà vô địch trong việc xác định xu thế phát triển của âm nhạc

Bất chấp việc là một ngôi sao sáng chói trong thời đại của mình, Koussevitzky phải hứng chịu vô số lời chỉ trích về nghệ thuật chỉ huy của mình. Moses Smith, tác giả cuốn sách về tiểu sử của ông, Koussevitzky (1947) là một trong những nhà phê bình gay gắt nhất. Smith viết rằng chỉ sau khi đến Boston “ông ấy mới thực sự bắt đầu học cách chỉ huy, học những điều về âm nhạc mà một sinh viên nhạc viện được cho là phải biết ở tuổi 18”. Trong cuốn sách của mình, Smith cáo buộc “Không có câu hỏi nào về việc ai là người đáng trách khi dàn nhạc chơi ‘Forest Murmurs’ của Siegfried trong một lần ở Brooklyn. Bản nhạc, như chúng ta đã biết, có rất nhiều thay đổi về nhịp điệu. Qua từng trang tổng phổ, Koussevitzky đã chỉ huy sai nhịp điệu. Sau đó, tệ hơn nữa, ông bắt đầu điên cuồng đưa ra những chỉ đạo sai chỗ… Các nhạc công Boston, là những người tài ba, cuối cùng cũng tập hợp lại và bằng cách nào đó đã kết thúc cùng nhau”. Smith còn nhấn mạnh thêm: “Sau chương trình, Koussevitzky gọi hai hoặc ba bè trưởng lại và mắng mỏ họ. Phải mất rất nhiều công sức thuyết phục và khéo léo để có thể khiến Koussevitzky nhận thức rằng lỗi là ở ông ta”. 

Một lời chê bai nữa là từ nghệ sĩ piano Nicholas Slonimsky. Họ lần đầu tiên cộng tác với nhau vào năm 1921 tại Paris khi Koussevitzky thuê Slonimsky giúp ông học các tác phẩm hiện đại. Trong cuốn tự truyện Cao độ hoàn hảo, Slonimsky hồi tưởng lại quá trình mình trợ giúp ông trong lần đầu chỉ huy Lễ bái xuân (Stravinsky): “Khi có những thay đổi chính xác về nhịp điệu, như từ 3/16 về 2/8, ông luôn làm chậm lại các nốt móc kép và tăng tốc độ của nốt móc đơn để chúng hòa với nhau thành những chùm ba trung tính, vô định hình… Koussevitzky cũng gặp rắc rối ở những đoạn 5/8 trong tốc độ tương đối vừa phải, đặc biệt là khi 5/8 được đổi thành 6/8 hoặc 9/8, như xảy ra trong bản nhạc của Stravinsky”. 

Học giả người Anh Norman Lebrecht thì thuật lại lời của một số nhạc công của dàn nhạc rằng biểu diễn trong buổi hòa nhạc của Koussevitzky là một “cảm giác hồi hộp” và tập luyện dưới sự chỉ huy của ông là “cơn ác mộng”.

Dù nhận về vô số lời chê bai nhưng chắc chắn một điều rằng đương thời Koussevitzky vẫn gặt hái được vô số thành công và giành được rất nhiều thành tựu đáng kinh ngạc. Boston Symphony Orchestra trở thành một thiết chế văn hóa không thể thiếu trong đời sống âm nhạc Mỹ và ngôi nhà mùa hè Tanglewood trở thành hình mẫu, nơi mà hầu như toàn bộ nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nhạc công Mĩxđều đã cộng tác ít nhất một lần trong đời. Sau khi người vợ thứ hai Natalia qua đời vào ngày 11/1/1942, Koussevitzky đã thành lập Quỹ âm nhạc Koussevitzky để tài trợ cho những tác phẩm mới (bao gồm cả việc hỗ trợ sáng tác và biểu diễn) nhằm tưởng nhớ bà. Quỹ này vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả khi ông đã qua đời. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 100 tác phẩm nhận được sự hỗ trợ này, trong đó có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như Concerto cho dàn nhạc (Béla Bartók), Peter Grimes (Benjamin Britten) hay Turangalîla-Symphonie (Olivier Messiaen). Koussevitzky giã từ cương vị của mình tại Boston Symphony Orchestra vào năm 1949 nhưng vẫn tiếp tục cộng tác cùng dàn nhạc với cương vị Giám đốc âm nhạc của Tanglewood. Ngày 13/8/1950, ông xuất hiện lần cuối cùng với tư cách nhạc trưởng tại sân khấu này. Koussevitzky qua đời ở tuổi 76 tại Boston vào ngày 4/6/1951. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Church on the Hill, Lenox bên cạnh Natalia.

Trước khi Koussevitzky xuất hiện, Boston Symphony Orchestra chưa bao giờ trả tiền cho các nhà soạn nhạc để sáng tác một tác phẩm mới. Ông đã đến và thay đổi thói quen này, thiết lập nên di sản ủy thác và vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay. Bỏ qua những lời chê bai về nghệ thuật chỉ huy của ông, Koussevitzky vẫn là một trong những nhạc trưởng quan trọng nhất của nước Mỹ đầu thế kỷ 20. Nhà viết tiểu sử Hugo Leichententritt đánh giá: “Có lẽ âm nhạc giao hưởng Mỹ nợ những nỗ lực không ngừng nghỉ của tiến sĩ Koussevitzky (ông được nhiều trường đại học phong tặng danh hiệu tiến sĩ danh dự) và Boston Symphony Orchestra nhiều hơn bất kỳ nhạc trưởng và dàn nhạc nào khác. Ông đã đánh thức các dàn nhạc nổi tiếng khỏi sự thờ ơ của họ đối với các tác phẩm Mỹ”. 

Với óc tổ chức tài tình và một tiềm lực tài chính hùng mạnh, Koussevitzky là nhà vô địch trong việc xác định xu thế phát triển của âm nhạc. Ông có con mắt tinh tường đối với những nhà soạn nhạc trẻ, thậm chí vô danh, chưa được thử thách và đưa âm nhạc của họ đến với các phòng hòa nhạc danh giá. Đó là thời kỳ hoàng kim của sáng tác âm nhạc cổ điển. Thiếu đi Koussevitzky, có lẽ nhiều tác phẩm đã không thể được ra đời. Sự thật hiển nhiên là không một nhạc trưởng nào của thế kỷ 20, dù là những cái tên chói sáng nhất, có thể sánh bằng Koussevitzky trong việc định hình, xúc tiến và quảng bá các tác phẩm âm nhạc đương đại. □

Nguồn:

https://www.bso.org/exhibits/before-boston-the-early-years

https://100philharmonia.spb.ru/persons/1642

https://www.jphs.org/people/2005/4/14/legendary-bso-conductor-serge-koussevitzky.html#gsc.tab=0

Bài đăng Tia Sáng số 13/2024

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)