Siêu gọn

Bây giờ (và sau này) người càng lúc càng đông đúc, nguyên liệu đang cạn kiệt, một người sử dụng bất cứ cái gì quá mức vừa phải (bất kể khả năng tài chánh thế nào) là bị những người theo chủ nghĩa bảo vệ môi trường coi là vô đạo đức. Một phong trào vận động người ta ở vừa đủ, giảm bớt hao tốn (tiền của họ và tài nguyên trong trời đất). Cái nhà tiêu chuẩn được thiết kế nhỏ lại.

“Cả đời tôi đeo đuổi một ước mơ, ước mơ về một nơi tôi có thể gọi là nhà mình; nơi tôi ngồi bên cái bàn nhỏ với những ý tưởng lớn, không bị ai quấy rầy; nơi tôi có thể chào đón bao nhiêu người tùy thích, với khung cửa sổ nhỏ mở ra những mối quan hệ rộng. Tôi đã theo đuổi ước mơ về một thế giới nơi tôi có thể an cư bất cứ nơi nào tôi muốn, với cái giường nhỏ cho những giấc mộng to. Cả đời tôi đã đi theo ước mơ đó, và giờ đây, lần đầu tiên, ước mơ đó đi theo tôi, bất cứ nơi nào tôi đi.”*

Lời thuyết minh của đoạn phim dài một phút về ngôi nhà một mét vuông của Van Bo Le-Mentzel thể hiện một khái niệm di dân về nhà: nhà là bất cứ đâu mà mình có được tự do và riêng tư để ngồi suy nghĩ và nằm mơ mộng. Nó siêu gọn để có thể dịch chuyển bất cứ lúc nào đến bất cứ đâu mà nó được dành cho một mét vuông. Chỉ cần một mét vuông trên mặt đất này thôi. Ước mơ của một con người trốc khỏi cội nguồn sao mà cảm động. Nhưng thực tế là hàng trăm triệu người đang sống trên mặt đất mà không sở hữu được một tấc đất để cắm dùi; đối với họ một mét vuông là cả một ước mơ.

Ngôi nhà được coi là nhỏ nhất thế giới này có một cửa cái và một cửa sổ, không gian vừa đủ để ngồi làm việc với cái máy tính bảng trên tay, thò đầu ra cửa sổ chào hỏi người qua lại. Giường là tấm nệm gắn sát vách và mái, muốn nằm chỉ việc hạ cái nhà xuống vị trí nằm ngang. Và khi ra khỏi nhà đi chỗ khác, cứ kéo cái nhà theo sau, như kéo một cái va li to đùng. Không có bếp hay nhà vệ sinh. Không hề gì. Khi người ta trẻ và lãng mạn, ngôi nhà chủ yếu dành cho ba hoạt động kể trên, phần lớn năng lượng dành cho những hoạt động ngoài trời, ngoài xã hội. Tất nhiên cái nhà này cần một môi trường thân thiện với những tiện nghi công cộng mà người ta có thể sử dụng thoải mái.

Tôi đã từng thấy những cái tương tự như vậy ở Việt Nam. Một xe đẩy bán trái cây dạo của dân ngoại tỉnh kiếm sống ở thành phố, ban ngày là cửa hàng, ban đêm hàng hóa được dồn lại để có vừa đủ chỗ cho một người (có khi kèm cả trẻ em) nằm khoanh tròn trong giấc ngủ say sưa. Mái che bằng nhựa bao bọc được sự riêng tư, và cũng tạo hình một mái nhà che mưa tránh gió. Hồi còn chiến tranh, lúc tôi mới về ở xóm tản cư, nhà là túp lều lá tạm bợ, nhưng cũng được mười mấy mét vuông cho một gia đình bốn năm người chui ra chui vào. Có nhà chưa tới mười mét vuông, về sau lại dựng vách chia ra, tách làm hai hộ khẩu. Dù vậy vẫn còn lớn hơn cái thùng phuy. Cái thùng phuy rỉ sét đặt nằm ngang, trời mưa gió cỡ nào người nằm ngủ trong đó cũng không lo dột. Hồi đó, khi thấy ông già sống trong cái thùng phuy, tôi nhớ gì đâu cái nhà chòi của mình dưới quê, vốn là một cái lu da lươn nứt mẻ, bị bỏ lăn lốc ở góc vườn sầu riêng.

Dĩ nhiên, có điều kiện vật chất để xây một cái nhà đàng hoàng cho một cuộc sống thoải mái là mong muốn chính đáng mà nhiều người đã đạt được như thành tựu đáng kể nhứt của đời người. Cái nhà, theo Stephen Gardiner, mang ý nghĩa sự sáng tạo, một cái gì đó mới, một nơi cư trú giải phóng con người khỏi ý nghĩ hang động. Không chỉ là nơi che mưa tránh nắng hay nơi trú ẩn an toàn (hang động làm nhiệm vụ này hoàn toàn chu đáo), nhà thể hiện những nhu cầu văn hóa khác nhau của con người trong những thời đại và xã hội khác nhau.

Nhu cầu “nhà” trong xã hội hiện đại cơ bản là nhu cầu có được sự riêng tư. Trong văn hóa Việt, sự riêng tư không được coi trọng. Anh chị em độc thân ở chung nhà, ngủ chung phòng, là chuyện tự nhiên, cho dù bao nhiêu tuổi hay tánh khí thói quen khác nhau như thế nào. Chỉ khi một người cưới vợ hay lấy chồng mới có nhu cầu “ra riêng”. Mà khi đã ra riêng thì cuộc sống vợ chồng vẫn là chung mọi thứ. Một người Việt chịu ảnh hưởng văn hóa “truyền thống”, xuất thân cơ hàn, khi thành đạt thì xây một căn nhà khổng lồ để có thể đem hết cha mẹ anh chị em về ở, để chung hưởng phú quí.

Lối sống phương Tây là tìm kiếm tự do cá nhân trong không gian sống riêng tư. Ở thành phố New York chẳng hạn, có một triệu tám hộ gia đình chỉ có một hai nhân khẩu. Ở Âu châu hơn một phần ba dân số sống độc thân. Mỗi người một cái nhà, hay một căn hộ. Người nhiều tiền một mình ở nhà to, người ít tiền ở nhà nhỏ, có vẻ không có vấn đề. Nhưng trước đây, khi xây nhà, người ta nghĩ đến “gia đình” nhiều hơn một nhân khẩu, và để ngăn người cho thuê nhà nhồi nhét quá nhiều người trong không gian hẹp té, chính quyền các đô thị có qui định nhà phải đạt một diện tích tối thiểu nào đó, không thể nhỏ hơn, chẳng hạn 60 mét vuông.

Vào thời người còn thưa, ở nơi đất còn rộng, nguyên liệu rẻ, nhân công thừa, thì một người ở một (hay nhiều) căn nhà bao lớn không thành vấn đề. Nhưng bây giờ (và sau này) người càng lúc càng đông đúc, nguyên liệu đang cạn kiệt, một người sử dụng bất cứ cái gì quá mức vừa phải (bất kể khả năng tài chánh thế nào) là bị những người theo chủ nghĩa bảo vệ môi trường coi là vô đạo đức. Một phong trào vận động người ta ở vừa đủ, giảm bớt hao tốn (tiền của họ và tài nguyên trong trời đất). Cái nhà tiêu chuẩn được thiết kế nhỏ lại. Nhưng bao lớn là to? Bao to là nhỏ?

Tháng 7/ 2012, thị trưởng thành phố New York mở một cuộc thi thiết kế căn hộ độc thân cho một chung cư sẽ xây trên phần đất công của thành phố, yêu cầu là mỗi căn hộ có diện tích từ 28 đến 30 mét vuông. Thông báo này, giống như mọi thứ khác chính quyền Mỹ đưa ra, gây hai luồng phản ứng mạnh mẽ: ủng hộ và chống đối. Nhà gì mà dưới 30 mét vuông, nước Mỹ chứ có phải thế giới thứ ba đâu, người Mỹ (ba phần tư dân số có thể trọng vượt mức trung bình) đâu phải chú lùn. Và những vật dụng gia đình “tiêu chuẩn Mỹ”, từ tủ lạnh, máy giặt, bếp lò… toàn là đồ vĩ đại, làm sao đặt chúng vô căn hộ tí hon?

Nhưng các nhà sản xuất đã đón gió trước rồi. Ngay lập tức, vô số mẫu mã siêu gọn của các đồ nội thất được chào hàng cho những căn hộ siêu gọn. Phần nhiều từ châu Âu. Bên đó người ta đã đi trước trong phong trào nhà siêu gọn, đồ đạc siêu gọn, đời sống siêu gọn. Nhật cũng đặc biệt ngăn nắp và coi căn hộ 30 mét vuông là rộng rãi, nếu biết xếp đồ nội thất vô tường khi không dùng tới. Thực tế là ở Mỹ cũng đã có những căn nhà siêu gọn từ tám chín mét vuông đến hai ba chục mét vuông, mà không phải vì thiếu đất hay đất mắc mỏ như ở thành phố New York. Đó là một sự lựa chọn cách sống, như một người cổ vũ phong trào ở nhà siêu gọn nói:

“Nếu căn nhà lớn vài trăm mét vuông, người ta có thể ở trong nhà cả ngày. Nhưng người ta không thể ở hoài trong căn nhà vài mươi mét vuông. Người ta phải ra ngoài, hòa nhập với thiên nhiên, với xã hội, do đó người ta có được cách sống hài hòa, cân bằng. Người ta có thể sống một mình mà không héo mòn trong cô độc.”
————
(*) Dịch từ lời thuyết minh phim One SQM House

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)