Simon Rattle lần đầu chỉ huy dàn nhạc tại Việt Nam
Sự trở lại Việt Nam lần thứ ba của dàn nhạc London Symphony vào tháng 10 tới sẽ có một nét đặc biệt: nhạc trưởng Anh Simon Rattle, người mới từ giã vị trí nhạc trưởng chính của dàn nhạc Berlin Phiharmonic để trở thành giám đốc âm nhạc của London Symphony kể từ mùa diễn 2017-2018, chỉ huy dàn nhạc trong một đêm diễn giàu màu sắc.
Nhạc trưởng Simon Rattle chỉ huy dàn nhạc London Symphony. Nguồn: theartsdesk.com
Với người yêu nhạc cổ điển, cái tên Simon Rattle đã nói được nhiều điều: đây là một nhạc trưởng tài năng từng kế nhiệm Claudio Abbado ở vị trí nhạc trưởng chính của Berlin Philharmonic, sau màn trình diễn ra mắt xuất sắc bản giao hưởng số 6 của Mahler vào năm 1987. Trong sự nghiệp của mình, dù xây dựng một kịch mục âm nhạc với biên độ không ngừng mở rộng nhưng Simon Rattle được biết đến nhiều nhất cùng các tác phẩm của các nhà soạn nhạc cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 như Gustav Mahler, Dvorak, Claude Debussy, Anton Bruckner…
Simon Rattle còn là một người đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới, coi đó là một cách mới để tiếp cận khán giả trẻ. Dù từ buổi đầu mở ra Digital Concert Hall, ông gặp không ít phản đối nhưng ông vẫn không chùn bước khi cho rằng đây sẽ là tương lai của nhạc cổ điển… Với những buổi hòa nhạc được phát trực tiếp qua internet, Berlin Philharmonic đã góp phần mở ra một chương mới về số hóa cho âm nhạc cổ điển và sau được rất nhiều dàn nhạc khác trên thế giới áp dụng.
Trong buổi hòa nhạc tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, Hồ Gươm vào tối ngày 5/10/2019 tới, cùng với London Symphony, Simon Rattle sẽ gửi đến khán giả Việt Nam một chương trình phong phú, bao gồm khúc overture Lễ hội La Mã của Hector Berlioz, bản Gymnopedie số 1 của Éric Satie, Slavonic dance số 7 Op.46, số 7 Op 47 của Antonín Dvorák, The Young Person’s Guide to the Orchestra (Benjamin Britten) cùng các trích đoạn chương 4 bản giao hưởng số 5 của Gustav Mahler, chương 3 và 4 bản giao hưởng số 2 của Johannes Brahms. Đáng chú ý, món quà âm nhạc đặc biệt mà Simon Rattle và London Symphony gửi đến khán giả Việt Nam là bản chuyển soạn tác phẩm “Tiến quân ca” ở ngay đầu chương trình.
Do số lượng ghế ngồi ở vườn hoa Lý Thái Tổ không nhiều nên UBND thành phố Hà Nội đã chuẩn bị màn hình LED 400 inch đặt tại đường Đinh Tiên Hoàng và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để phục vụ khán giả.
Như vậy trong buổi tối ngày 5/10/2010, quanh Hồ Gươm sẽ có hai điểm tổ chức hòa nhạc quan trọng, một là của Simon Rattle và dàn nhạc London Symphony tại vườn hoa Lý Thái Tổ và một là buổi độc tấu “Charles Valentin Alkan: Những kiệt tác” của hai nghệ sỹ trẻ, Alessandro Marino (Ý) và Nguyễn Đức Anh (Việt Nam) tại Trung tâm văn hóa Pháp.