Sinh thái học queer và một cách chung sống khác

Khi kêu gọi người khác sống “thuận theo tự nhiên”, chúng ta đang chấp nhận bản tính tự nhiên của họ, hay đang gò ép họ vào những khuôn mẫu thiên nhiên nhân tạo, vốn chỉ xuất hiện trong văn hóa của con người? Đó là một trong nhiều suy tư được gợi nên trong buổi sáng tác chung mang tên “Gối đầu lên cỏ”, xoay quanh chủ đề “sinh thái học queer”, diễn ra ở Hà Nội sáng 19/5/2024, do nhóm Tiếng-Thét và Viện Goethe Hà Nội đồng tổ chức.

TS. Trần Ngọc Hiếu và nhà văn Maik Cây trong phần trò chuyện.

“Lẽ tự nhiên” nào cũng nhân tạo

Tại DesigN’N MORE, một tổ hợp kiến trúc lấy thiên nhiên làm cốt lõi nằm gần điểm hợp lưu giữa sông Đuống và sông Hồng, nhóm Tiếng-Thét và bạn bè đã ngồi thành vòng tròn dưới tán cây, để lắng nghe phần trò chuyện mở đầu của TS. Trần Ngọc Hiếu (giảng viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội). Bằng những ví dụ gần gũi và dễ hiểu, tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu đã giúp mọi người làm quen với “sinh thái học queer” (queer ecology) – một hướng tiếp cận liên ngành để hiểu mối quan hệ giữa thiên nhiên với con người, mà trong hai thập kỷ gần đây đã để lại nhiều dấu ấn trong học thuật và nghệ thuật. 

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy từ cuối thế kỷ 19, các xã hội nói tiếng Anh đã dùng từ “queer” (kỳ dị, bất bình thường) để miệt thị những người đồng tính luyến ái, hoặc có diện mạo không phù hợp với khuôn mẫu nam tính, nữ tính của số đông. Đến giữa thế kỷ 20, nhiều người có bản dạng giới nằm ngoài khuôn mẫu “chuẩn” của xã hội bắt đầu tự nhận mình là queer, thách thức thái độ kì thị của xã hội. Vậy ta có nên nghi ngờ một quan niệm phổ biến – rằng quan hệ tình cảm nam-nữ “thuận lẽ tự nhiên” hơn quan hệ đồng giới (homosexual) hoặc trạng thái không giới tính (asexual) – khi mà “lẽ tự nhiên” do xã hội áp đặt đang cấm cản những người queer sống theo cảm xúc và ham muốn tự nhiên? Bị lôi cuốn bởi câu hỏi này, các học giả như Catriona Sandilands và Timothy Morton đã xây dựng khái niệm “sinh thái học queer” (tạm dịch: “sinh thái học kháng chuẩn”); trong đó từ “queer” chỉ chung mọi hiện tượng tự nhiên lệch khỏi chuẩn mực văn hóa của một tập thể người, thay vì gói gọn trong câu chuyện giới.

Từ góc nhìn “sinh thái học kháng chuẩn”, mọi phát biểu nhân danh tự nhiên đều có chỗ đáng ngờ. Đơn cử, trong văn hóa phương Tây, chim hải âu được xem là biểu tượng của thiết chế hôn nhân do có tập tính kết đôi trọn đời, và sư tử đực được xem là biểu tượng của nam tính. Nhưng các nghiên cứu gần đây đã cho thấy trong thực tế, khoảng 8% số lần giao phối của sư tử đực diễn ra giữa các cặp đôi đực-đực thay vì đực-cái, và các cặp đôi gồm hai chim mái chiếm đến một phần ba số tổ chim trong quần thể hải âu Laysan ở Kaena Point, Oahu. Cho đến nay, khoa học đã ghi nhận hiện tượng ghép đôi đồng giới ở ít nhất 1500 loài sinh vật, và con số này đang tăng dần theo những nghiên cứu mới. Nhiều sinh vật đơn bào vốn không có giới tính (asexual), và nhiều sinh vật khác có số giới tính lớn hơn hai. Chẳng hạn, trùng amibe Dictyostelium discoideum có ba giới tính, nấm Coprinellus disseminatus có 143 giới tính, và nấm Schizophyllum có 23.000 giới tính. Những thực tế này không chỉ bác bỏ quan điểm phổ biến rằng quan hệ luyến ái nam-nữ là khuôn mẫu “hợp tự nhiên” duy nhất, mà còn chất vấn những hệ tư tưởng ít nhiều đặt nền tảng trên mô hình nhị nguyên nam-nữ, bao gồm triết lý âm dương ở phương Đông.

Từ góc nhìn này, TS. Trần Ngọc Hiếu đã xem xét bối cảnh lịch sử và tính chính đáng của những ranh giới nhị nguyên quen thuộc trong văn hóa toàn cầu ngày nay, như sự phân tách con người với thiên nhiên, sự sống với đồ vật, nền văn minh với văn hóa bản địa, nam với nữ… Vì sao trong văn hóa Á Đông, các biểu tượng như mai, trúc, cúc, tùng chỉ tượng trưng cho sự nhẫn nại, ngay thẳng, trong sạch, uy dũng của người “quân tử” nam giới; còn nữ giới chỉ được tượng trưng bởi một lượng biểu tượng rất nhỏ và phụ thuộc vào điểm nhìn của người nam – như việc hoa lan đôi lúc tượng trưng cho sự yểu điệu, mềm yếu của mỹ nhân? Lối phân loại nhị nguyên thường mã hóa cái nhìn của nhóm người thống trị trong xã hội, và phục vụ cho quyền lực của nhóm người này. Sinh thái học kháng chuẩn chủ trương vượt thoát khỏi cái nhìn nhị nguyên để thừa nhận sự đa dạng của thế giới, và xây dựng những mối quan hệ hợp tác dựa trên tính đa dạng này, thay vì quan hệ áp chế, cạnh tranh nhằm khai thác hoặc tranh giành vị trí thống lĩnh. 

Từ góc nhìn “sinh thái học kháng chuẩn”, mọi phát biểu nhân danh tự nhiên đều có chỗ đáng ngờ.

Nghệ thuật queer và một cách chung sống khác

Sau khi xuất hiện như một danh xưng mang tính tuyên ngôn về bản dạng giới, khái niệm “queer” đã truyền cảm hứng cho một cộng đồng rộng lớn hơn, khi giúp họ hình dung một cách tốt hơn để chung sống với nhau. Với TS. Trần Ngọc Hiếu, tinh thần queer đã “nuôi dưỡng sự can đảm trong ý thức kháng chuẩn, sự nhạy cảm trước nguy cơ nhiều giá trị trong đời sống có thể bị quy chuẩn hóa và trở nên độc đoán, sự tinh tế để không nhân danh những thứ được coi như bình thường, hiển nhiên để làm đau người khác”. Như vậy, “sự biểu đạt thẩm mỹ nào cũng mang tính queer”, vì chúng giúp con người hiểu và thưởng thức những phần lệch chuẩn của nhau mà họ không thể chia sẻ trong các không gian được thiết chế hóa của đời sống thường ngày. Để chủ động bảo vệ tinh thần queer trong nghệ thuật, nghệ sĩ nên ý thức rõ ràng về rào cản mà các định chế xã hội, nhất là ngôn ngữ, có thể gây ra cho tầm nhìn và sáng tác của họ.

Tiếng-Thét, đơn vị đồng tổ chức buổi họp mặt, là một nhóm tác giả chọn “tinh thần bản nháp”, ý thức về các cộng đồng ngoại biên, và ba nguyên tắc “tự do, đa dạng, khoan dung” làm giá trị cốt lõi cho các suy tư và thực hành nghệ thuật của mình. Tinh thần bản nháp, mục tiêu hàng đầu mà nhóm theo đuổi, là hoan nghênh việc viết, lưu trữ và chia sẻ những tác phẩm không hoàn hảo mà sau này họ có thể chia sẻ hoặc không. Đây là cách để họ thoát khỏi áp lực chuẩn hóa và thói quen tự kiểm duyệt, để bảo lưu ngôn ngữ và suy nghĩ lệch chuẩn. “Sinh thái học kháng chuẩn” đã trở thành mối quan tâm chung của Tiếng-Thét sau khi một thành viên của nhóm, là nhà văn Maik Cây, tiếp nhận ý tưởng này qua một workshop kết nối các nghệ sĩ queer Việt Nam và xứ Wales diễn ra hồi tháng chín năm ngoái. “Sinh thái học kháng chuẩn” cũng là một chủ đề nối dài từ số chuyên đề “QUỂ” của Tiếng-Thét, một tập hợp các tác phẩm queer từ các tác giả queer, ra mắt trên nền tảng số của nhóm vào tháng 3/2023.

Trong cuộc trò chuyện sau sự kiện, Maik Cây đã chia sẻ cảm nhận của chị về những nghệ sĩ có cái nhìn gần với lăng kính sinh thái học queer. Chị đặc biệt ấn tượng với nhà làm phim độc lập Derek Jarman, người xây dựng một khu vườn giữa vùng hoang địa sát nhà máy điện hạt nhân ngay sau khi được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 1986. Bẳng những loài cây kháng hạn bản địa và những đồ vật cũ kỹ nhặt trên bãi biển – thứ mà hầu hết mọi người không thấy có gì đẹp hay giá trị – Jarman đã xây dựng khu vườn siêu thực của một “kẻ ngoài cuộc”, nơi con người queer từ chối trở thành hàng hóa trong guồng máy của chủ nghĩa tư bản để cùng tồn tại một cách bình đẳng và gắn kết với những sinh thể không phải người. Một ví dụ khác là “thẩm mỹ chậm” trong tác phẩm của một số nhà làm phim queer như Apichatpong (Thái Lan), Trương Minh Quý (Việt Nam) hay Thái Minh Lượng (Đài Loan). 

Khác với tư duy điện ảnh thông thường, “thẩm mỹ chậm” không bắt nhịp phim “phục vụ cốt truyện”, và dùng nhịp phim để thao túng cảm xúc của người xem, các đạo diễn cố gắng đưa vào phim những cảnh quay gần như theo thời gian thực trong đời sống nhân vật. Thêm vào đó, họ cũng dùng một lượng lớn diễn viên không chuyên – những người sẽ diễn theo cách mình sống hằng ngày, và từ đó tạo ra những tình tiết vượt thoát khỏi cốt truyện định ra lúc đầu. Nhờ đó, người xem chậm rãi sống đời sống đa dạng của các nhân vật, đối thoại với nhân vật và bối cảnh để tạo ra các cảm xúc và suy nghĩ của riêng mình, thay vì thụ động tiếp nhận câu chuyện và triết lý mà đạo diễn đưa cho họ. “Thẩm mỹ chậm” mang tính queer (kháng chuẩn) hơn là liên quan trực tiếp đến cộng đồng queer. Tuy nhiên, vì mọi bộ phim của Hầu Hiếu Hiền (Đài Loan) đều mô tả sự thất bại của khuôn mẫu nam tính truyền thống, còn Thái Minh Lượng và Apichatpong là người đồng tính nam, những cảm nhận và suy tư về giới của họ có thể liên quan mật thiết đến tính queer trong “thẩm mỹ chậm” mà họ tạo dựng.

Nhưng không chỉ trong cách làm phim, mà lối sống của các đạo diễn này cũng rất “queer”. Thái Minh Lượng đang sống ẩn dật trong một chung cư bỏ hoang cùng Lý Khang Sinh, diễn viên nam chính duy nhất trong mọi bộ phim dài ông từng thực hiện. “Sự đồng cư ở nơi chốn hoang sơ của họ đặc biệt và queer ở chỗ họ chưa bao giờ là tình nhân: Thái Minh Lượng là một người đồng tính nam công khai, trong khi Lý Khang Sinh là một người nam hợp giới dị tính” – Maik Cây chia sẻ. Những nghệ sĩ này, thông qua tác phẩm và đời sống của mình, đã xác nhận rằng nếu muốn, con người và các dạng thức tồn tại khác có thể cùng chung sống trong những mạng lưới tương trợ ngang hàng, thay vì áp chế và tước đoạt nhau trong các trật tự mang màu sắc của chủ nghĩa thượng đẳng.□

Bài đăng Tia Sáng số 13/2024

Tác giả

(Visited 158 times, 1 visits today)