Sơn mài khi không còn vóc

Nghệ sĩ Phi Phi Oanh trò chuyện với nhà nghiên cứu nghệ thuật Vũ Huy Thông về những thể nghiệm với nghệ thuật sơn mài, trong đó tranh sơn mài chỉ còn lại cái da mà không còn cái vóc nặng nề của nó. Trò chuyện xoay quanh các tác phẩm của Phi Phi Oanh tại triển lãm nghệ thuật đương đại ‘Ranh giới Vô định - Undefined Boundaries’ diễn ra hồi tháng Ba vừa qua.


Một tấm ‘da sơn mài’ được chiếu phóng lớn bằng máy ‘Lacquerscope’ trong phòng triển lãm ‘Ranh giới vô định’, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, tháng 3/2017. Nguồn: Heritage Space và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam.
 

Nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông: Bạn có thể chia sẻ về cách thức làm tác phẩm trong triển lãm “Ranh giới vô định”?

Nghệ sĩ Phi Phi Oanh: Tranh sơn mài thường được vẽ trên một thứ vật liệu nền móng nào đó, gọi là vóc, giống như sắt-xi (chassis, nền tranh) của tranh sơn dầu. Sau khi tôi làm một số tác phẩm sơn dầu, tôi bắt đầu suy nghĩ về cái “vóc” nặng đó. Học về sơn dầu thời kì 100 năm trước, sự thay đổi của tranh sơn dầu cũng phản ánh sự thay đổi trong cách xem của khán giả, tôi bắt đầu suy nghĩ về cái gọi là dematerialization – tính phi vật thể, phi vật chất – bởi chúng ta ngày càng quen với cách tiếp cận và xem những hình ảnh ở dạng digital, như xem phim, ảnh. Trong khi đó, tranh sơn mài luôn luôn là da (bề mặt) của một thứ gì đó, hoặc là bát, hoặc là cốc, rương, bàn ghế, cửa…, vì vậy tạo cảm giác vô cùng nặng. Tôi đặt ra những nghi vấn về việc nếu như tranh sơn mài không còn cái vóc, chỉ còn lại cái da, nghĩa là thuần túy chỉ còn lại hình ảnh, thì nó sẽ như thế nào? Và từ đó tôi mong muốn tìm kiếm khả năng vẽ lại tranh sơn mài trên một chất liệu mỏng hoặc trong, để thử nghiệm một đặc điểm rất độc đáo của sơn ta là sự “trong suốt”.

Tôi bắt đầu tìm hiểu một vài quy trình vẽ trên kính, có thể bóc tách hình ảnh ra khỏi bề mặt tấm kính thành một sản phẩm giốn như lớp da có màu sắc. Hoặc tôi ép nhiều tấm kính đã vẽ vào với nhau thành dạng khối, với nguyên lý giống như trong xây dựng cao ốc. Lúc đầu, tôi vẫn thử cách vẽ truyền thống, dùng bạc, nước, mài cẩn thận hơn, làm sao để các nét vẫn đan vào được với nhau, sau đó thì ép kính. Công đoạn đầu tiên tạo ra được pure imagine (hình ảnh chân thực) của bề mặt tranh sơn mài. Nhưng vậy còn cái bóng của nó sẽ cần được xử lý như thế nào? Dùng ánh sáng mà vẫn tạo được cảm giác phóng chiếu được hình của sơn mài nặng nề như là một dạng vật chất? Tôi bắt đầu đi mua máy ảnh medium format ở chợ giời châu Âu, sau đó chế tạo lại và sử dụng đèn LED để không ảnh hưởng gì đến tranh.

Toàn bộ thiết bị giống như máy chiếu đó là bạn tự lắp ráp bằng tay?

Vâng, tôi dùng ống kính của những máy ảnh đó để lắp ráp lại thành một thiết bị mới nên mỗi cái lại mang một hình dạng kiểu cách khác nhau.

Các ống kính đó sẽ chiếu ánh sáng qua những tấm kính nhỏ mà bạn làm như là sơn mài, sau đó phóng lên một bức màn. Thế còn những hình vẽ cụ thể? Bạn vẽ thuần túy theo lối chơi màu, các lớp trong suốt với nhau như tranh trừu tượng?

Khi vẽ tranh sơn mài, tôi cố gắng không dựa vào một mẫu vẽ nào có trước. Những bức tranh sơn mài đầu tiên chỉ là một dạng thử nghiệm về ngôn ngữ hội họa. Tôi chọn trong bộ hơn 100 bức tranh sơn mài thử nghiệm đầu tiên, những bức thể hiện được ý ‘vô định’ để đưa vào triển lãm lần này. Tuy nhiên, mỗi cái đều mang một dáng vẻ khác, nó cũng không đơn thuần là trừu tượng, có cái có hình, có chất cảm khác nhau.

Nhưng có vẻ là ngay khi bắt tay vào làm những bức hình đó thì bạn đã có ý tưởng phóng chiếu nó lên đúng không? Bởi vì các tấm kính bạn làm hầu hết đều ở kích thước rất nhỏ?

Vâng, tại vì ngay từ đầu khi tôi sưu tầm được khoảng mấy chục cái máy chiếu, tôi cũng nghĩ là phải làm sao cho các tấm kính vừa được với kích thước của khe máy chiếu. Tôi chọn ra 12 bức trong hơn 100 tấm kính đã làm từ những năm 2013, 2014. Những bức dùng để chiếu thì cũng không nên vẽ nhiều lớp quá vì nó sẽ không giữ được độ trong. Vì sơn mài khi mà bị mài đi, bạc hay vàng sẽ đen lại và tạo nên độ bóng như thường thấy, nhưng cũng có nghĩa màu sắc đã bị sai lệch. Tôi thấy rằng những cái chiếu được và để xem được hay nhất là những cái có được sự trong suốt của sơn thôi, không có nhiều chất lắm![1]


Các tấm ‘da sơn mài’ được thay thế hằng ngày bởi nghệ sĩ trong suốt thời gian triển lãm. Kích thước của chúng khi được phóng lên màn chiếu là 3x3m. Nguồn: Heritage Space và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam.

Như vậy, ta có thể tạm gọi đó là một cách thể nghiệm mới với nghệ thuật sơn mài. Đó là việc thay đổi ‘cốt’ của tranh, còn cách vẽ thì hầu như không đổi, và một cách khác để xem hình ảnh của nó. Thay vì người ta xem bức tranh sơn mài được vẽ và mài trên vóc như truyền thống, thì người ta sẽ xem hình ảnh của nó được chiếu thuần túy bằng ánh sáng.

Sự thay đổi không chỉ từ phía người làm sơn mài, mà còn cả từ phía người xem sơn mài. Sự ‘định kiến’ trong cách hiểu và định nghĩa về sơn mài làm chúng ta khó khăn khi nghĩ về một cách hiểu nào đó khác về loại hình này, không phải chỉ như một kiểu tranh đã tồn tại trong truyền thống hay một kiểu đồ thủ công mỹ nghệ.

Hôm nay mọi người nói khá nhiều về new media, như điện ảnh hay kỹ thuật số, nhưng thực sự sơn mài cũng là một kiểu chất liệu mới, khi nó được hình thành trong cùng thời gian lịch sử với sự ra đời của ảnh chụp hay phim. Chính vì vậy tôi muốn thử nghiệm đặt chúng cạnh nhau, tương tác với nhau. Ý tưởng có thể đơn giản coi như một loại hình hội họa cổ điển khả dĩ đặt vào môi trường của phim. Ít nhất thì nó cũng tạo ra một nhận thức mới về sơn mài.

Thế còn về những bức tranh của bạn – từ đây tôi xin phép được gọi những miếng kính được sử dụng trong triển lãm “Ranh giới vô định” của bạn là những bức tranh – thì tính “vô định” của nó có lẽ được thể hiện ở chỗ những miếng mảng màu hòa vào nhau mà không có chủ định rõ ràng?

Về từ infinite – vô định, bất định, vô hạn, người ta thường hiểu theo tư duy của toán học, còn trong đời sống tôi nghĩ infinite cũng chỉ mang tính tương đối thôi. Nó tùy thuộc vào chỗ đứng của mình, khi mình dùng thân thể mình để đo mọi việc. Chẳng hạn như đối với con người, infinite có thể là hiện tượng khi cái tai không nghe được hay con mắt không thấy được, thì bây giờ ta có kính hiển vi hoặc kính viễn vọng thì ta có thể thấy được. Hoặc thông qua những khoa học khác, ta hiểu được thứ không thấy được qua mắt. Vậy thì đối với những hình ảnh quá to hoặc quá nhỏ chẳng hạn, liệu bình thường ta có thể nhìn được nếu thiếu những công cụ như thấu kính phóng đại?

Như vậy “infinite” hay tính vô định ở đây liên quan tới việc con người nhờ có các máy móc, thiết bị mà không ngừng vượt qua các giới hạn nào đó của chính mình, trong trường hợp này là giới hạn của thị giác. Quan trọng hơn, “infinite” có thể được hiểu như quá trình truy tìm bản chất của sơn mài, khi nó chỉ còn là chính nó chứ không phụ thuộc vào “vóc” nữa, qua đó một chất liệu tưởng như vô cùng quen thuộc, nằm trong những giới hạn chúng ta đã biết, nay trở nên “vô định” và hoàn toàn mới mẻ. Ngoài ra thì bạn còn có ý tưởng ẩn chứa nào khác nữa không?


Chiếc máy chiếu sơn mài ‘Lacquerscope’ có cốt hightech tại triển lãm ‘Ranh giới vô định’, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, tháng 3/2017. Nguồn: Heritage Space và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam.

 

Mỗi bức tranh đều có những câu chuyện của nó. Có một thiết bị mà ít người để ý tới trong tác phẩm của tôi, đó là một cái máy mà tôi làm từ một cái ống kính cũ đã hỏng. Tôi thiết kế lại một cái hộp cho nó, cái hộp đó cũng được vẽ bằng sơn ta. Cốt của nó tôi dùng cốt thường và cốt high-tech, giống như chất sợi carbon, sau đó ép lại bằng vật liệu tương tự dùng làm máy bay. Đây cũng là một ý mà tôi rất thích về tác phẩm. Từ xưa, sơn mài có phẩm chất làm mới lại cái cũ, làm quý những thứ rất bình thường. Rất thú vị ở cái ý là mình đi lượm rác, những thứ vô dụng để lắp lại, làm một cái áo mới cho nó bằng sơn mài. Và sau đó, nó trở thành một thứ gì đó vừa là mỹ nghệ, vừa là tượng, vừa là tranh. Đồng thời, khi được sử dụng trong dạng thức này, ta không biết rằng cái tranh chính là tấm kính nhỏ, hay là hình ảnh được phóng chiếu, hay là tấm lụa nền được chiếu lên, hay là do dòng điện và ánh sáng. Có vẻ không có cái gì là sơn mài và tranh sơn mài hết.

Bạn dự định sẽ phát triển tiếp mạch sáng tạo này như thế nào?

Sau nhiều năm làm việc với chất liệu này rồi thì bây giờ tôi mới có thể thấy đủ can đảm để xây dựng cho nó một thứ ngôn ngữ riêng. Từ năm nay tôi bắt đầu thử vẽ lại những hình ảnh theo dạng tranh biểu hiện, thành một cái hình hay thành một cái nghĩa, ngoài hình thức của nó.

Như vậy có thể nói là trong một quá trình làm việc khá dài khoảng 10 năm của Oanh ở cả Tây Ban Nha và Việt Nam thì bạn đều xoay quanh một chất liệu chính là sơn mài, đúng không? Điều gì khiến bạn thấy sơn mài lại trở nên hấp dẫn đến thế?

Đầu tiên, đó đơn giản là cái cớ để tôi trở về Việt Nam, tìm về với văn hóa Việt. Lúc đầu tôi cũng khá là thất vọng vì tưởng chừng cũng làm tương tự như sơn mài Nhật, nhưng sau khi bắt đầu làm tôi thấy rất thú vị. Nó là một kiểu chủng loại riêng mà càng tiếp cận càng thấy có cái duyên riêng.

Tôi nghĩ rằng chất liệu và quá trình làm tranh sơn mài đưa tới cho người ta rất nhiều hứng thú để thể nghiệm.

Nó còn như là một thứ gì đó rất lạ, vì nhiều điều trong lý thuyết của sơn mài vẫn còn chưa được định hình. Bảo nó là đồ thủ công mỹ nghệ cũng không đúng, mà bảo nó là sơn như sơn dầu thì cũng không đúng. Nó vừa hẹp hơn đồng thời cũng rộng hơn. Với tất cả những cái đặc tính của nó, ngay cả những người làm trong làng nghề sơn mài cũng chưa hiểu hết. Tôi thấy rất thú vị không chỉ bởi quá trình làm, mà nó còn từ cái ý nghĩa vừa rộng, vừa gợi mở của sơn mài.

Phi Phi Oanh (1979), nghệ sĩ Thị giác và Đa phương tiện người Mỹ gốc Việt, cư trú và làm việc tại Hà Nội. Cô tốt nghiệp bằng Cử nhân Nghệ thuật của Trường Thiết kế Parsons (Parsons School of Design) năm 2002, sau đó lấy bằng Thạc sỹ chuyên ngành Nghệ thuật và Nghiên cứu từ Đại học Complutense tại Madrid (Tây Ban Nha) năm 2012. Năm 2004, Phi Phi Oanh được trao học bổng Fulbright cho quá trình quay về Việt Nam nghiên cứu và học tập về sơn mài truyền thống ở Hà Nội, thứ sau này trở thành chất liệu then chốt xuyên suốt quá trình thực hành nghệ thuật của cô. Sáng tác của Phi Phi Oanh là sự kết hợp sơn mài với các chất liệu mới và áp dụng các công nghệ, để mở rộng năng lực thị giác của sơn mài, không chỉ để soi rọi những đặc tính ẩn khuất trong lịch sử và văn hóa của chất liệu, mà còn nhằm mang đến các cơ hội đối thoại mới cho chất liệu có tính truyền thống bảo thủ này.
Vũ Huy Thông thực hiện

[1] “bạc hay vàng sẽ đen lại và tạo bóng”: sau khi mài, do nghệ sĩ không dùng lớp sơn bảo vệ (lớp “toát”) nên bạc và vàng sẽ bị ô-xi hóa và trở nên bị đen xỉn đi; “không có nhiều chất khác lắm!”: khi có nhiều “chất” tức là đã sử dụng bạc, vàng dưới nhiều kỹ thuật để tạo hiệu ứng bề mặt, đồng nghĩa với độ trong suốt của hạt màu lơ lửng trong màng sơn bị giảm đi.

 

 

Tác giả

(Visited 59 times, 1 visits today)