Sống động không gian

Đại lộ «Cánh đồng Élysées», Champs-Élysées, ở Paris được nhiều người coi như đại lộ đẹp nhất thế giới. Kể ra nói về vẻ đẹp, thì cũng nên tương đối hóa, để giữ hòa hiếu, và để cân bằng được má hồng thiếu nữ với con mắt si tình của chàng Emmanuel Kant. Sách vở về đại lộ này thì vô vàn. Hôm nay chúng ta nói chuyện khác.

Lần đầu Anh La đi thăm đại lộ này, lòng thật mê ly khi thấy rất nhiều tượng dựng hai bên đại lộ. Bạn nhớ hộ rằng đại lộ này dài sát nút hai cây số nhé, với chiều rộng bảy mươi mét, và chứa trong nó khu vườn Champs-Elysées dài bảy trăm mét và rộng từ ba trăm đến bốn trăm mét! Các dãy tượng này thật có gu, chúng làm nên một quần thể phức hợp nhưng không cãi vã lẫn nhau. Quả là một nhà bảo tàng tượng vĩ đại ! Anh La thầm phục trong bụng, bấm nghĩ «các tay thị trưởng thời nào mà làm sao duyệt được từng này bức tượng, trải qua thời gian, mà lại hòa hợp nhau đến thế?». Nghĩ vội vậy, nhưng chiều chợp tối rồi, vừa vội ngó nghiêng như ma đuổi, lại vừa sĩ diện không hỏi lại ai.

Mấy tháng sau có dịp thảnh thơi, Anh La quyết dành một buổi đi xem lại lô tượng nọ ám ảnh mãi trong đầu mình ở «Cánh đồng Élysées». Không tin vào mắt mình nữa ! Bờ bên này, đống tượng đó đâu còn, mà thay vào đó là cả một tuyến đường sắt… hơn một cây số, với dãy tàu cao tốc TGV nằm trên đó đang khoe sắc, khoe sức cho mọi người. Bờ bên kia, đâu ra những bức tượng… khác, lại cũng rất thú vị !

Rồi lần khác nữa quay lại đây, giữa đại lộ người ta trồng lúa mì, và máy gặt đập thật chạy gặt lúa thật… để biểu tình và biểu dương tài năng của người nông dân đang bị hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhũng nhiễu !

Mà đại lộ này cũng là nơi diễu hành với duyệt binh ngày quốc lễ của họ. Không có lễ đài nào xây ở đây cả. Đến ngày đó thì họ dựng khắp lễ đài để vui chơi, hết lễ thì tháo đem cất đi đâu không biết…

Còn các lô tượng nọ thì hóa ra là những đợt triển lãm mỹ thuật thật!

—-

Sau mấy lần bị «Cánh đồng Élysées» chọc mình như thế, người chậm hiểu như Anh La cũng bắt đầu phải suy nghĩ lại.

Anh La hiểu ra rằng cái không gian sống của mình là để mình vui sống năng động, chứ không phải để làm chết gí chính mình đi.

Hãy hình dung toàn bộ không gian của những thành phố lớn của chúng ta, chúng chính là những phòng sinh hoạt của toàn cộng đồng! Chúng ta buộc phải suy nghĩ để sử dụng được chúng sao cho thật thông minh, thật hữu hiệu, thật năng động, thật vui vẻ, nếu chúng ta muốn có được hạnh phúc ngay trong cuộc đời này, ngày hôm nay.

Đừng nhất nhất cứ cái góc đường ấy, thì phải là cái tranh cổ động kiểu ấy, đứng mãi ở đấy. Cách thức đó nó làm cùn mòn đi tư duy của tất thảy mọi người, giống như bạn treo mãi một cái tranh lịch năm này qua tháng khác ở chính giữa nhà bạn vậy. Treo lâu đến mức không ai còn nhớ là nó đang được treo ở đó, trừ những vị khách lạ hoắc tới nhà mình lần đầu tiên.

Những gì thiêng liêng, bạn phải có khu tưởng niệm riêng, ở đó kín đáo, tĩnh mịch, và… thiêng liêng! Ở đó bạn trầm ngâm sâu lắng trong tâm tư. Và những vật thể văn hóa ở đó không cần và cũng không nên to tát ầm ĩ, để khỏi phản tác dụng.

Ngay cả các khu tưởng niệm nghĩa trang, nên nhỏ nhắn, trang nghiêm, tĩnh lặng, và khuất nẻo để tránh làm buồn phiền đời sống thường ngày.

Còn lại, phố phường làng xóm phải vui vẻ, phải hoạt bát, phải năng động, phải mời gọi, phải lịch lãm, phải sáng tạo, phải thuận dụng, phải có độ hữu ích lớn lao nhất cho cộng đồng, cho mỗi người.

Mỗi thị trấn, thị xã, phường khóm, làm sao có được ít nhất một con phố đi bộ ở khu trung tâm, một khu hoạt đông thể thao, một liên hợp thư viện-nhà văn hóa-rạp hát, chúng thực sự để cho tất thảy mọi người tham gia, chứ không phải cho vài nhà chuyện nghiệp nào đó.

Cái tinh thần đó sẽ cổ vũ và tạo dưng nên cái đời sống thật xứng đáng cho những giá trị ta vừa nhắc đến trên đây.

Và không người dân nào lại không nhiệt tình và sẵn sàng đóng góp để dựng nên cái không gian sống sinh động thực sự của mình, vì mình.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)