Sống hậu hiện đại – không chỉ là mốt
Chúng ta nói đến nghệ thuật hậu hiện đại đã nhiều, tốn nhiều giấy mực để nói về nghệ thuật hậu hiện đại, và ít nhiều, hậu hiện đại là một phương án buộc phải chấp nhận. Ở vị thế của mình, hậu hiện đại giống như tiến trình toàn cầu hóa, có một sức mạnh của một quả đấm bọc nhung và không cưỡng lại được
Quân tử không hẳn đã cần nhất ngôn
Đó là một cách nói về việc một ý tưởng, một xu hướng hôm nay đúng nhưng mai đã có thể hết mốt, thay bằng cái khác hợp thời hơn. Trước đây chúng ta gắn hai chữ “thời trang” vào sau một từ chỉ nghề nghiệp của ai đó với hàm ý chê là xu thời. Nhưng thử nhìn lại, điều đó tưởng không có mâu thuẫn với quan điểm “chớp thời cơ” mà chúng khẩu đồng từ, mọi người Việt Nam đều rầm rập đi tìm thời cơ đấy thôi?
Trong cách ứng xử người Việt có tính tùy cơ ứng biến, có cách sống thích ứng tốt, đó chính là những cơ sở để họ chấp nhận một “con cá mập” như hậu hiện đại hiện diện trong đời sống. Không nói đến lĩnh vực văn học nghệ thuật, mà trong bối cảnh xã hội, những phẩm chất hậu hiện đại có ở khắp nơi, theo chân những tập đoàn kinh tế, những chủ thuyết cải cách xã hội và trong từng siêu thị.
Thử nhìn vào cách bán hàng và mua hàng hôm nay của người Việt. Trước đây chúng ta dễ chung thủy với một nhãn hiệu (phích nước Rạng Đông, cao su Sao Vàng,…) hay là thích nghệ sĩ nào thì suốt đời nghe đến mức rão cả băng (Sơn Ca 7 thì liêu trai huyền hoặc, nhạc tiền chiến thì du dương lắng đọng, nhạc đỏ thì hào hùng thanh sạch). Cả một xã hội vận hành trong một trật tự quy ước lạ lùng, và lối sống thì chi phối bằng quán tính. Hôm nay lớp trẻ (và phần nào chính chúng ta nữa) phát hiện ra, trữ nước nóng không chỉ có ruột phích hai lớp, mà còn có bình đun nước cắm điện liên tục, hoặc không chỉ biết “chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa” mới là hay mà câu nức nở “anh nói anh chán anh chia tay, tình yêu đó với anh mong manh vậy sao” cũng khiến cả một thế hệ véo von theo Ưng Hoàng Phúc và tam ca H.A.T. Ngày xưa xách làn đi chợ, mua rau muống và thịt lợn mông sấn là chấm hết. Ngày nay, đẩy giỏ xe chở hàng trước giá siêu thị, vô số nhãn hàng cạnh tranh nhau, chỉ chực nhảy xổ vào tay người dùng. Đánh răng bằng kem ba màu trong một hay có tinh chất trà thì tốt hơn? Ăn sôcôla Bỉ hay sôcôla Mỹ thì ngon hơn? Và chẳng ai phải nổi xung lên với những “thách thức” đó cả. Trước đây khi ai cũng mặc đồ áo trắng quần xanh cỏ úa thì một cái mầu như mầu hoàng yến nghe đã kinh, đã gợi nên cả một thế giới “phồn vinh giả tạo”. Nay thì những người sành thời trang chả ai thấy màu hoàng yến là mầu đẹp cả, hoặc ít nhất mười năm gần đây, mốt quần áo không có màu hoàng yến. Thay đổi tín điều, thay đổi cách nhìn thế giới như thay đổi mốt quần áo, sao cho phát triển nhanh hơn, đó là dấu ấn hậu hiện đại trong đời sống xã hội hôm nay.
Thuốc kháng sinh ngừa “cúm” hậu hiện đại?
Đã nói đến hậu hiện đại là nói đến những biểu hiện phức tạp, nhiều ngóc ngách, lắm phương cách bộc lộ. Nguyên liệt kê các dòng hay trào lưu nghệ thuật trong chủ nghĩa hậu hiện đại đã dạt từ biên này sang mép kia, như trong kiến trúc và tạo hình, từ làm ngược lại mô thức cổ điển cho đến tạo ra hình khối siêu thực chưa từng có. Chủ nghĩa hiện đại tối tân hóa và hoàn chỉnh những khái niệm cổ điển đứng vững một thế kỷ, chủ nghĩa hậu hiện đại đã đến và đục đẽo chúng, cấy ghép chúng trở nên xộc xệch chỉ trong vòng hai thập niên. Hoặc chính chủ nghĩa hậu hiện đại là cơ thể của chủ nghĩa hiện đại sau thời gian phát triển đến độ, đã mặc chật chiếc áo tư tưởng thời đại. Một thời đại với những vấn đề xa xôi tưởng như không dính líu đến nghệ thuật mà lại làm nó sống dở chết dở: toàn cầu hóa kinh tế, mạng internet, hậu chiến tranh lạnh, bệnh AIDS và cúm gà. Trước đây chẳng mấy quốc gia Châu Âu lo cúm gà từ Trung Quốc lại hoành hành đến mức nằm đợi ở kho chế biến thịt đại siêu thị, hay con bò điên Pháp chạy xộc vào quán ăn ở Malibu. Nhưng nay, một ông khách hắt xì hơi trong thang máy ở Hong Kong đủ khiến cả thế giới gần như tê liệt vì virus H5N1. Điều đầu tiên tất cả chạy đi tìm là lọ thuốc kháng sinh. Những hoạt động xuôi ngược này ban đầu làm người Việt chóng mặt, có thể lấy làm khó chịu: bọn Tây này động một tý là hoắng cả lên. Sau một thời gian va đập, chính mình nhiễm căn bệnh chung của nhân loại, người Việt nhận ra: đó là một sự vận động của thế giới này, và nhờ chúng, những căn bệnh không mong muốn, mỗi con người thời hiện đại luôn có ý thức tìm cách vượt qua, dù là bằng thuốc kháng sinh.
Chúng ta vẫn sống theo phương cách tiền công nghiệp, cận đại, các chủ thuyết lý tính mới chỉ đan được những đường ngang dọc sơ khai, tấm áo vẫn hở hoang hoác. Nhưng làn sóng toàn cầu hóa đem chủ nghĩa hậu hiện đại đến và kéo tất cả phải đi cùng. Chưa kịp định nghĩa rõ ràng về một chủ nghĩa cũ, đã phải đối diện với một xu thế mới, tất cả đe dọa làm lung lay những thiết chế, hoặc thiết chế nào đưa ra cũng không vá kín những chỗ da thịt hở hang lồ lộ của đời sống mới. Giống như quy chế cấm trang phục biểu diễn không hở ngực quá ¾ rút cục vẫn không xác định được ca sĩ Hồ Quỳnh Hương có vi phạm hở ngực loã lồ không, mà Sở VHTT TPHCM chỉ xử phạt số tiền chả thấm vào đâu so với thu nhập của ca sĩ. Trong cuộc đối mặt với “kẻ thù” vô hình là hậu hiện đại này, thuốc kháng sinh của những nhà chức trách văn hóa không mấy hiệu quả. Như trên đã nói, với quán tính phân biệt đúng-sai vẫn mấy trăm năm từ Rene Descartes hay là quân tử-tiểu nhân của Khổng Mạnh, người ta vẫn cố gắng áp dụng quan điểm đưa ra một chân lý cuối cùng, ta đúng và nhiệm vụ là phải xác định một kẻ địch nào đấy trong một trận đồ có tên Hậu hiện đại.
Hậu hiện đại là một cách ứng xử
Nếu như đặt lại vấn đề, có cần thiết nhìn nhận cách tiếp cận Chủ nghĩa Hậu hiện đại như một ván đấu tranh đua, một trận chiến “ai thắng ai” thì hẳn chúng ta không nhọc công uống thuốc kháng sinh mà hóa ra làm cơ thể suy nhược dần đi. Sự thật là tinh thần hậu hiện đại đã len lỏi đến mỗi con người, mỗi cá nhân trước một bài tập ngữ pháp, với một dãy từ hãy lựa chọn để điền vào chỗ trống, chỉ có thể xác định là tìm từ thích hợp nhất. Để tránh há miệng mắc quai, những chương trình gameshow trên TV dễ sai như “Chiếc nón kỳ diệu” hoặc “Đuổi hình bắt chữ” cũng chỉ dám nói là từ “bạn đưa ra có đúng với đáp án của chúng tôi” hay không chứ không còn nói bạn sai hay chúng tôi mới đúng. Đơn giản vì không có khán giả chương trình không sống được, và chả ai tự tin đến mức sống không cần người khác, nhất là không cần khán giả cho một show truyền hình – thước đo cho nhà nhà tài trợ rót tiền.
Dĩ nhiên luật pháp còn có mặt để làm vị trí của trọng tài trong một xã hội dân chủ để đảm bảo cho xã hội vận hành và phát triển bền vững. Hậu hiện đại với những quan niệm của nó dễ đi đến cách nghĩ (cả ảo tưởng lẫn sợ hãi) là có thể xóa mọi đường biên. Khi nó cố gắng xóa đi đường biên giữa các khu vực đặc thù, nó đã đến ngưỡng tự phá vỡ bản thân. Bởi vì tinh thần hậu hiện đại chính là khả năng tôn trọng sự đa dạng và phong phú, và hậu hiện đại tồn tại trên cơ sở đó.
Trước đây, trong gia đình, mỗi lời của cha mẹ là một chân lý và kinh nghiệm của họ ăn khớp với thực tiễn xã hội. Con cái thực hành đúng là đã thành công. Chủ nghĩa hiện đại vạch ra những lộ trình thẳng tắp, những cách thức quy chuẩn thang bậc chính xác như máy. Hôm nay, con cái không nghe lời bố mẹ, bên cạnh cách đánh giá là hư hỏng hay mất dạy, còn là câu chuyện về sự bất đồng, về những nguyên tắc chủ nghĩa hiện đại bị phá vỡ. Xã hội Việt Nam đã không còn giữ cho mình một khuôn mặt ổn định như những bức tranh gia đình “ấm cúng và trọng thờ nhiều giá trị vững chắc” như trước. Những xã hội thu nhỏ này đã chứng kiến cuộc thay đổi khá quyết liệt và nhiều nước mắt. Trong gia đình xã hội cổ điển, chân lý thuộc về người cha, tức người đề ra và thực thi những quan niệm đạo đức. Trong gia đình hiện đại, chân lý thuộc về người cha và/hoặc người mẹ, người quyết định kinh tế. Còn gia đình hậu hiện đại, chân lý là sự thỏa thuận, sự liên minh ngầm giữa các bên. Khi trẻ còn nhỏ, cuộc sống diễn ra với giá trị cổ điển. Khi đi học và mới lớn, là câu chuyện hiện đại. Và khi con người này tiến tới độc lập suy nghĩ, tinh thần hậu hiện đại chế ngự.
Vấn đề hậu hiện đại đến đây lại có thể nói là vấn đề thế hệ. Những người thuộc thế hệ trước vẫn hay dùng từ “hoang mang” để nói về tâm thế lớp trẻ. Điều đó có đúng nhưng không phải là đúng theo nhận định kiểu trắng-đen của người lớp trước. “Hoang mang” ở đấy là một cách suy nghĩ có cân nhắc, đa chiều của người trẻ trước những hiện tượng ở cuộc sống. Những hiện tượng như các tác phẩm văn học của những cây bút trẻ vừa qua như “Chuyện của thiên tài”, “Bóng đè”, “Cánh đồng bất tận” là ví dụ rất rõ. Họ trải nghiệm thực tế, lấy mình ra để mổ xẻ, điều này nhiều bậc cha chú cho là ít vốn (“giỏi gì đâu, chỉ biết viết về mình với văn hóa thấp”). Nguyên nhân là do cha chú quen rọi một ánh sáng lý tưởng trên trang giấy của mình, lại quen sống trong thời mọi thứ được mặc chiếc áo chân lý phân biệt đúng-sai rõ ràng. Trong khi lớp trẻ đứng trước vô số hiện tượng không cắt nghĩa được, thử nghiệm mình là một cách tốt nhất có thể được lúc này. Cuộc tranh cãi có “thiên tài” hay không, ít vốn non tay hay là còn phải cố gắng nhiều, tính tư tưởng kém hay là vô tổ chức… xem ra phản ánh cuộc đọ sức giữa tâm thế hiện đại và hậu hiện đại mang nhiều mầu sắc thế hệ luận.
Hậu hiện đại, rút cục là bậc thang kế tiếp. Nó không định hình rõ, điều ấy chẳng phải bi kịch. Bi kịch là ở chỗ, chúng ta không chịu thấy bi kịch của những cố gắng định nghĩa phân loại của chủ nghĩa hiện đại đã làm. Ứng xử với hậu hiện đại thế nào, chơi với nó hay vật lộn với nó, phụ thuộc nhiều vào việc bao nhiêu phần trăm hậu hiện đại trong ta.
Chú thích ảnh:
ảnh 1: “Phẩm chất hậu hiện đại” len lỏi trong đời sống người Việt đến từng siêu thị