Song Lang: Cõi nhân sinh ngắn ngủi và gặp nhau dù chỉ một ngày cũng là sinh mệnh.
Đoạn kết của Song Lang, với nhát kiếm kết liễu cuộc đời nàng Mỵ Châu lụy tình trên sân khấu và nhát dao định mệnh kết thúc cuộc đời một kẻ vừa mới thức tỉnh ở bên ngoài sân khấu, chỉ cách nhau vài chục bước chân, (và rồi tất cả bị xóa nhòa nhanh chóng sau một cơn mưa), tôi phần nào đồng cảm được với câu tagline của bộ phim: “Khi sân khấu và cuộc đời hòa quyện”.
Hai diễn viên chính trong phim Issac (Phạm Lưu Tuấn Tài – trái) và Liên Bỉnh Phát (phải).
Không gian nghệ thuật của Leon Le
Nếu có chút gì đó giống nhau giữa Song Lang và Bá Vương Biệt Cơ (Farewell, my concubine) của Trần Khải Ca, một bộ phim về số phận trắc trở của hai diễn viên kinh kịch, tôi nghĩ nó nằm ở điểm đó. Cả hai đều mượn câu chuyện sân khấu để nói về câu chuyện cuộc đời, và thân phận con người. Cốt truyện của bộ phim được lồng song song với cốt truyện của vở kịch trên sân khấu. Và cả hai bộ phim đều mượn cái chết ở đoạn kết và để lại cho khán giả sự hẫng hụt, day dứt. Có điều, một bên là kẻ chủ động chọn cái chết “kép” trên sân khấu để hóa giải bi kịch cuộc đời; một bên là hai cái chết bị động ở trên sân khấu và ngoài cuộc đời vì những ân oán, vay trả của kiếp người mà họ phải gánh chịu.
Tất nhiên, sự tương đồng đó hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến diễn tiến cũng như ngôn ngữ điện ảnh của hai bộ phim. Nếu Bá Vương Biệt Cơ là một bộ phim về “đại tự sự” thì Song Lang là một bộ phim về “tiểu tự sự”. Nếu Bá Vương Biệt Cơ là câu chuyện của cả một giai đoạn lịch sử thăng trầm mà nhân vật trải qua, thì Song Lang chỉ là câu chuyện nhỏ của hai kẻ vô tình gặp nhau chỉ trong một vài ngày. Chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời này, hơn ai hết, giới sáng tạo hiểu rõ điều ấy. Nhưng một kẻ chỉ thực sự được gọi là kẻ sáng tạo, khi anh ta tạo ra được một câu chuyện của riêng mình, thấm đẫm “mùi vị” cuộc đời của chính anh ta.
Cũng giống như nhiều người nói đạo diễn Song Lang chịu nhiều ảnh hưởng của Vương Gia Vệ trong cách chọn màu sắc có phần rực rỡ, bố cục của khung hình và dư vị hoài cổ về một thời họ từng trải qua thì tôi vẫn thấy rõ “mùi vị” riêng của gã đạo diễn Leon Quang Lê khiến bộ phim này thực sự là tác phẩm của anh ta, kể cả điểm hay và chưa hay, chứ hoàn toàn không phải là “vay mượn” của ai khác.
Một đạo diễn điện ảnh giỏi với tôi là một người tạo ra được một tầng khí quyển (atmosphere) của riêng mình và chinh phục được kẻ khác, trước hết chính những người trong ê kíp làm phim của anh ta cái đã. Khi nói chuyện với Hoàng Phúc, nam diễn viên chỉ đóng một vai nhỏ và ít thoại trong bộ phim Xích Lô của Trần Anh Hùng, anh kể lại với sự tri ân cảm giác không thể quên được về mặt trải nghiệm nghề nghiệp khi làm việc chung với Trần Anh Hùng. Cả dàn diễn viên, chính và phụ, chuyên nghiệp và nghiệp dư đều được Trần Anh Hùng mời đến một không gian riêng biệt và tập làm quen với tầng khí quyển của đạo diễn trong vòng vài tháng và tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài cho đến khi họ thực sự “ngấm” và thâm nhập vào đó.
Xem Song Lang, phần nào tôi cũng cảm nhận được “tầng khí quyển” của gã đạo diễn Việt kiều này tạo ra. Hai năm vừa qua, dù là người tiếp cận kịch bản từ đầu và thấy được tiềm năng của nó, dù là người giới thiệu kịch bản đến một nhà sản xuất (nhưng không thành), tôi biết anh ta đau đáu và nuôi giấc mộng với một bộ phim truyện dài đầu tay về sân khấu và cuộc đời hơn là một anh diễn viên trên sân khấu Broadway hay tham gia vài vai phụ mờ nhạt trong các bộ phim giải trí ở Việt Nam – điều mà anh ta làm để kiếm sống lúc bấy giờ.
Tôi không biết trước đó bao nhiêu năm nữa, nhưng trong gần hai năm qua, tôi thấy anh ta thực sự vật lộn với bộ phim này. Vứt bỏ cuộc sống phù hoa ở ngay giữa trung tâm Manhattan, New York, Mỹ để trở về sống trong một căn phòng trọ của một khu chung cư Sài Gòn cũ. Hi vọng, thất vọng, và có thể cả tuyệt vọng, rồi thì cả than phiền, lo lắng, trầm cảm, nghĩ đủ thứ “thuyết âm mưu”… tất cả những thứ cảm xúc lên bổng xuống trầm của một kẻ làm đạo diễn điện ảnh tâm huyết và không muốn bán rẻ nghề nghiệp của mình, tôi đều thấy anh ta đã trải qua. Nên xem Song Lang, tôi không ngạc nhiên bộ phim có thể làm tốt được đến vậy, trong những điều kiện khó khăn, thậm chí khắc nghiệt mà bộ phim trải qua.
Method directing
Cải lương, thứ nguyên liệu dù không nhiều nhưng đậm đặc (bởi không có nó thì không có bộ phim) được tái hiện lên phim thật trọn vẹn. Trọn vẹn, bởi anh ta yêu cải lương như máu thịt của mình (và cả những bộ môn nghệ thuật truyền thống khác của Việt Nam như chèo, tuồng với dự định làm một trilogy – tam bộ về chúng). Trong những tháng ngày bộ phim bị bế tắc chưa tìm thấy đường ra, thi thoảng tôi và thị Thắm1 nhắn tin rủ đi xem phim hay ăn uống gì đó, anh ta thường nhắn lại bảo đang ở trong một lớp cải lương nào đó. Anh ta chia thời gian của những buổi chiều ở phòng gym để tập thể hình (lâu lâu lại thấy anh ta khoe hình trên mạng) và các lớp cải lương ở nhà hát Trần Hữu Trang hay các soạn giả kỳ cựu để thứ nghệ thuật truyền thống ấy thấm đẫm vào mình. Vì thế mà với Song Lang, anh ta không chỉ là đạo diễn, đồng biên kịch, dựng phim, (và chắc là còn nhúng tay vào sản xuất, phục dựng bối cảnh, chỉnh màu, âm thanh, âm nhạc…) mà còn là một soạn giả cải lương thứ thiệt với rất nhiều câu vọng cổ và bản cải lương được soạn riêng cho phim.
Nếu trong diễn xuất, có một thứ kỹ thuật gọi là “method acting” (tôi tạm dịch đó là kiểu diễn nhập hồn nhập xác) thì trong đạo diễn, nếu có một thứ gọi là “method directing”; tôi nghĩ anh đạo diễn Việt kiều này đã vận dụng nó vào bộ phim của mình. Không chỉ là cải lương; căn phòng trọ của nhân vật Dũng trong căn chung cư cũ kỹ đích thực là căn hộ mà anh ta đang ở, cũng đậm chất retro và điệu đà nhiều hoa lá. Cái cầu thang ẩm mốc cũ kỹ, ánh sáng buổi sớm chiếu qua những khe hở hoa văn trên bức tường chung cư, con phố đêm hiu quạnh dưới ánh đèn đường, bảng điều khiển trò chơi điện tử bốn nút và rất nhiều thứ khác của hai nhân vật chính, đều là cái không gian sống quen thuộc của một Sài Gòn xưa cũ còn sót lại mà anh ta chìm đắm trong hơn một năm qua. Thậm chí lựa chọn khung hình aspect ratio 3:2 cho bộ phim cũng có thể là một ảnh hưởng từ bộ môn nhiếp ảnh mà anh ta làm việc trong vài năm ở New York.
Đạo diễn Leon Quang Le, “một kẻ hiếm hoi trong làng phim ảnh sặc mùi thị trường hiện nay dám “tử vì đạo”, một kẻ quyết tâm theo đuổi cái mình muốn làm, còn không đúng ý mình là “quit” ngay tắp lự”.
Sự lãng mạn trong đáy mắt
Nhưng Song Lang không chỉ đáng khen vì tái hiện một thời vàng son và cay đắng của cải lương hay Sài Gòn những năm 80 thật đẹp mà còn là câu chuyện cuộc đời của hai gã đàn ông cô độc tình cờ “chạm” vào nhau trong một vài ngày ngắn ngủi. Bỏ qua câu thoại nghe khá sến và phần nào khiên cưỡng về du hành thời gian với con người, đồ vật, nơi chốn so với nhịp thoại ngắn gọn, sắc lạnh của bộ phim; bỏ qua những đoạn hồi ức của Dũng thiên lôi về tuổi thơ khiến phim bị trễ nhịp, sến và cũ – tôi thực sự đồng cảm với câu chuyện của hai nhân vật chính, qua ánh mắt họ dành cho nhau và tìm thấy nhau. Đôi mắt của hai kẻ cô độc ấy chỉ thực sự tìm thấy được sinh khí khi họ va vào nhau và thấy được nhau, cho dù từ cái nhìn tò mò lần đầu tiên chạm mặt nhau, cái nhìn giận dữ và mỉa mai lần thứ hai tình cờ lặp lại và những cái nhìn bắt đầu thấu hiểu tâm can của nhau sau một đêm ở cùng nhau trên căn gác cũ. Vì thế mà dù yếu tố đồng tính không được thể hiện rõ và khá mờ nhạt trong phim, tôi vẫn thấy đây là một phim lãng mạn và đầy tinh tế về đồng tính qua lối diễn xuất đầy hòa hợp (chemistry), qua khả năng diễn xuất bằng mắt giữa hai diễn viên Isaac và Liên Bỉnh Phát.
Bộ phim Carol (2015) càn quét hầu hết tất cả các đề cử giải thưởng điện ảnh lớn trên toàn thế giới, được giới phê bình mô tả là chuyện tình qua ánh mắt giữa hai nhân vật nữ chính Carol (Cate Blanchett) và Therese (Rooney Mara). Tôi cũng nhìn thấy cái cái nhìn đó giữa hai nhân vật Dũng và Linh Phụng trong Song Lang dù họ chưa hề chạm vào nhau về mặt xác thịt. Hầu hết các bộ phim về đề tài đồng tính đều có yếu tố nhục dục như một thứ tất yếu, trong Song Lang, nhục dục hoàn toàn bị triệt tiêu, đơn giản là nó chưa kịp đến, đơn giản bởi đạo diễn muốn thoát được một cái bẫy có thể bán thêm được vài trăm vài ngàn tấm vé, nhưng có thể khiến anh ta phải thỏa hiệp về mặt nghề nghiệp.
Cũng phải lâu lắm rồi, điện ảnh Việt mới có hai nhân vật chính thực sự đáng giá trong một bộ phim khiến người xem thấy được nội tâm và chiều sâu của nhân vật. Isaac đã hoàn toàn thoát khỏi cái mác ca sĩ đóng phim để vào vai Linh Phụng, một anh kép hát cải lương cô độc với ánh nhìn luôn lảng tránh hay che giấu một điều gì đó. Càng về cuối, với sự thăng hoa trên sân khấu, những biến động cảm xúc, sự bồn chồn nôn nao với món quà trên tay trong cánh gà và ánh mắt tìm kiếm khi nhìn về khán giả, sự cô độc lẻ loi khi rời khỏi nhà hát khi không còn một bóng người, ta thấy được cái nỗi niềm của một anh nghệ sĩ, một người đàn ông khát khao được thấu hiểu, khát khao được tìm thấy một tri kỷ trong cuộc đời. Isaac đã diễn tả những cung bậc cảm xúc ấy thật trọn vẹn, không non nớt cũng không già dặn, vừa vặn với chiếc áo nhân vật mà anh ta mang.
Phải nói sao đây về Liên Bỉnh Phát với vai Dũng thiên lôi? Với tôi, đây là một phát hiện đáng giá nhất của điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm qua với tình trạng âm thịnh dương suy trên màn ảnh. Liên Bỉnh Phát khiến tôi nhớ đến những nam diễn viên nam tính và diễn hay của trước đây như Đơn Dương, Lê Công Tuấn Anh, Thiệu Ánh Dương… Anh ta cũng khiến tôi nhớ đến những phát hiện đáng giá của điện ảnh Việt qua những bộ phim đầu tay, như Tạ Ngọc Bảo trong Thương Nhớ Đồng Quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Lê Văn Lộc trong Xích Lô của Trần Anh Hùng, Lê Thế Lữ trong Mùa Len Trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Đó là những diễn viên được phát hiện và tỏa sáng nhờ rơi vào tay đạo diễn giỏi và biến mất sau đó vì không tìm thấy cơ hội nghề nghiệp thứ hai. Tôi mong điều đó không xảy ra với Liên Bỉnh Phát vì anh có quá nhiều tố chất của một nam diễn viên hàng đầu (chứ không phải một ngôi sao hàng đầu).
Dũng thiên lôi dù rất khác nhưng nghĩ kỹ lại là một phiên bản khác của Linh Phụng. Anh ta là một gã giang hồ đòi nợ thuê cô độc, vô cảm nhưng mang trong mình một tư chất nghệ sĩ chờ được đánh thức; anh ta là một kẻ đa cảm cố ẩn giấu và cũng khao khát tìm thấy một tri kỷ trong cuộc đời. Anh ta có một điều gì đấy như chết ở bên trong (như nhân vật Nhà thơ do Lương Triều Vỹ đóng trong Xích Lô) nhưng anh ta cũng chờ đợi được hồi sinh, chờ đợi một kẻ khác đánh thức để phục thiện. Hình ảnh Dũng thiên lôi ngồi khóc câm lặng (theo nghĩa đen) với góc máy cao dưới bầu trời đêm (với ¾ hình trời) là một trong vài hình ảnh đầy chất điện ảnh và đẹp nhất của bộ phim này. Lối diễn xuất trầm, sắc lạnh, cộc lốc; cái triết lý làm nghề lạnh lùng vô cảm, sự thay đổi có phần chóng vánh sau một đêm tao ngộ với Linh Phụng đều được Liên Bỉnh Phát vào vai với sự chín tới, tiết chế cao độ mà bung phá cũng mạnh mẽ. Có lẽ vì thế mà cái kết để lại mới gây sốc và ám ảnh đến vậy.
Song Lang – hai gã đàn ông cô độc tình cờ tìm thấy nhau sau một đêm rồi lạc mất nhau vĩnh viễn. Song Lang (loan) – cái dụng cụ dùng để giữ nhịp trong bộ môn cải lương hay nhạc tài tử để lại một cái kết đanh gọn, có cao độ lớn và âm vực rộng vang xa như âm thanh của thứ nhạc cụ này vậy.
Xuân Quỳnh nói: “Cuộc sống ngắn ngủi, con người chỉ đi qua cuộc đời như một vệt sáng rồi biến mất, vĩnh viễn”.
Và gặp nhau trong cõi đời này, dù chỉ một ngày cũng là sinh mệnh.
(Viết tặng cho linh hồn của em tôi)
—
Chú thích
*Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, tác giả của bộ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, tranh giải phim hay nhất tại Liên hoan Điện ảnh Hiện thực (Cinéma du Réel) tại Trung tâm nghệ thuật và văn hóa quốc gia Georges-Pompidou.