Soprano Angela Gheorghiu: Người khiến Georg Solti rơi lệ 

Bà tự gọi mình là ‘ngôi sao opera quyến rũ nhất thế giới’ và luôn biết rằng số phận của mình là ở trên sân khấu.


Angela Gheorghiu nói với vẻ tự tin “Tôi thích được nghe cha mẹ kể rằng các nàng tiên đã ghé thăm khi tôi mới sinh và trao tặng tôi những gì tôi cần để trở thành nghệ sỹ.” Chuyến thăm này diễn ra cách đây 58 năm tại một thành phố tên là Adjud, khi cô bé Angela trở thành con đầu lòng của một bà mẹ thợ may và một ông bố lái tàu. Tuy nhiên, ngay cả các nàng tiên cũng không thể lường trước việc Gheorghiu sẽ thành ra thế nào. 

Người phụ nữ ngồi chung ghế sofa với tôi trong một căn phòng không cửa sổ tại Nhà hát Opera Hoàng gia, Covent Garden, là một trong những giọng nữ cao hàng đầu thế giới. Bà đã trở lại London thân yêu của mình để hát Mimi trong La Bohème của Puccini. Bà ước tính đã hát Mimi hàng trăm lần kể từ buổi đầu ra mắt trong vai này tại Nhà hát Opera Quốc gia Romania năm 1990. Bà cũng đang quảng bá một album gồm các ca khúc của Puccini, có tên là A Te (To You). Gheorghiu nói rằng, đó là một bản thu cho thấy giọng hát của bà “vẫn tươi tắn như trước”.

Trong số tất cả các diva mà tôi từng phỏng vấn –  Anna Netrebko, Cecilia Bartoli, Robert de Niro – Gheorghiu là người tôi yêu thích nhất, bất chấp việc bà là một trong những nghệ sĩ có nhiều yêu sách ngạo ngược, ví dụ để chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn trên đài Radio 3, bà từng yêu cầu phải có riêng một nhà tạo mẫu tóc và từ lâu, bà nổi danh là người có những cơn giận dữ đến ngoa ngoắt, thậm chí, bà còn muốn can thiệp vào dàn dựng của các vở opera kinh điển theo ý mình. Ví dụ tại Nhà hát Opera Bastille ở Paris, bà đã nói với đạo diễn sân khấu Jonathan Miller rằng mình không quan tâm đến ý đồ của ông trong phiên bản dàn dựng La Traviata của Verdi là để Violetta chết trong một phòng bệnh viện. “Không thể nào! Tôi chết một mình thôi!”, bà tuyên bố

“Khi bạn có sức hút”, nữ ca sỹ người Romania quyến rũ nói, “khi bạn có giọng hát, khi bạn có vẻ đẹp của những gì bạn đang làm và mọi thứ bạn làm bằng cơ thể mình – chà! Ý tôi muốn nói, opera nghĩa là chạm đến tâm hồn người khác. Trong mọi hợp đồng tôi đã ký, chỉ có hai cái tên, tên tôi và tên nhà soạn nhạc. Tôi ở đó để diễn giải ý tưởng của tác giả. Mọi thứ khác đều không quan trọng lắm. Điều tôi làm mới là quan trọng nhất.”

Vậy nghệ sỹ biểu diễn là những vị thần thế tục và vai trò của khán giả chỉ là tôn thờ ư? Bà không ngần ngại khi tôi hỏi điều này, thay vào đó, bà cho tôi biết khi nào bà hạnh phúc nhất trên sân khấu. “Không phải là khi tôi hát mà là khoảng lặng ở giữa. Khi hàng ngàn người trong đám khán giả im lặng, cả dàn nhạc và dàn hợp xướng cũng vậy, để chờ đợi câu hát tiếp theo của tôi. “Ôi chao!” bà vừa nói vừa quàng khăn quanh cổ bằng một tay và dùng tay kia ấp lên tim mình.

Gheorghiu đã chạm đến rất nhiều tâm hồn kể từ những ngày đầu đó. Ba mươi năm trước, nhạc trưởng vĩ đại Sir Georg Solti đã rơi nước mắt khi bà thử giọng để hát Violetta trong La Traviata. “Cô gái thật tuyệt vời,” ông tuyên bố. “Cô ấy có thể hát bất cứ vai gì. Âm nhạc quyết định cảm xúc của cô ấy.”

Và rồi có một khoảnh khắc ở Washington vào năm 2009 khi Gheorghiu, De Niro, Bruce Springsteen và Grace Bumbry nhận giải thưởng từ Tổng thống Obama. “Tôi là người châu Âu duy nhất,” Gheorghiu nhớ lại. Bà đã hát “Vissi d’arte” trích từ Tosca của Puccini. “Và rồi Meryl Streep đến bên tôi, quỳ xuống mà nói, ‘Ôi Chúa ơi! Kiếp sau tôi muốn được như chị!’”

Tôi đã đọc câu chuyện này trong hồi ký của bà và trong các cuộc phỏng vấn khác. Nếu nó đáng được kể lại thì đó là vì nó tóm tắt cách Gheorghiu nghĩ về bản thân và về món quà được tiên ban. “Trong tất cả các tài năng, giọng hát là thứ nhạy cảm nhất,” bà giải thích. “Nó như kim cương, như ngọc trai. Một người có thể xấu xí hoặc to béo, nhưng khi họ bắt đầu diễn hoặc hát trên sân khấu, họ trở nên xinh đẹp.”

Sẽ là sai lầm nếu cho rằng chỉ cần rắc một chút bụi tiên là đủ để Gheorghiu trở thành một ca sỹ tuyệt vời. “Tất cả phải nhờ làm việc, làm việc, làm việc.” Tuy nhiên, bà không bao giờ nghi ngờ về số phận của mình, “bởi điều đó là hiển nhiên như tôi có hai tai và một bộ não!”

Tài năng của bà đòi hỏi những hy sinh. “Tôi đã cần phải lựa chọn giữa việc theo đuổi sự nghiệp hoặc sinh con. Và tôi đã nói rằng tôi sẽ không bao giờ sinh con, vì không ai có thể đảm bảo với bạn rằng việc sinh con sẽ không thay đổi cơ thể bạn. Khi bạn mang thai, sẽ có điều gì đó xảy ra với cơ thể bạn. Vì vậy, tôi đã rất thận trọng.”

Em gái kém một tuổi của cô, Elena, cũng là ca sỹ opera nhưng đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1996, để lại người chồng Andrei Dan và con gái Ioana. Sau khi Dan qua đời năm 2001, Ioana được Angela nhận nuôi. Vào thời điểm đó, Angela đã kết hôn với ca sỹ Roberto Alagna: cặp đôi đã nuôi dạy hai cô con gái, Ioana và con gái của Alagna là Ornella từ cuộc hôn nhân đầu của ông. “Tôi gọi chúng là hai cô công chúa của tôi”.

Gheorghiu hiện sống bên bờ Hồ Lugano, Thụy Sỹ, nhưng coi London là quê hương tinh thần của mình. Bà đã học tại Đại học Âm nhạc Quốc gia ở Bucharest và tốt nghiệp một năm sau khi Ceaușescu sụp đổ. Sự sụp đổ của chế độ Ceaușescu đã khiến Gheorghiu có thể theo đuổi sự nghiệp quốc tế. Một ngày năm 1992, bà đến Phố hoa [Floral Street] của London trong chiếc áo choàng không tay màu đỏ và hỏi một người qua đường lối vào cửa sân khấu Nhà hát Opera. Thật là một câu chuyện hay cho một vở opera!

Cuối năm đó, bà ra mắt tại London với vai Zerlina trong Don Giovanni. Được một trong những nhà hát opera hàng đầu thế giới ký hợp đồng là một thành công đáng chú ý đối với một người mới tốt nghiệp, nhưng chính màn trình diễn của bà tại Covent Garden với vai Mimi trong La Bohème vài tháng sau đó mới là yếu tố quan trọng hơn của câu chuyện cổ tích này. “Tôi đang tập vai Mimi và Roberto [Alagna, hát Rodolfo] đến muộn. Anh ấy đứng ngoài cửa và nghe tôi hát. Anh ấy nghe thấy một giọng hát thiên thần và hình dung rằng người đang hát khá là…” – bà phồng má. “Béo ư?” Tôi gợi ý. “Phải! Nhưng tôi lại không béo. Tôi đang mặc một chiếc váy xếp li ngắn và trông rất ổn”.

Đó có phải là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên không? “Bạn có thể nói vậy!” Chắc chắn là họ đã sớm có những cuộc trả lời phòng vấn chung, trong đó, theo các phóng viên tiết lộ, họ không thể thôi nắm tay nhau. Họ được làm phép cưới vào năm 1996 khi họ chuẩn bị cho một dàn dựng La Bohème khác tại Met. Các nhà hát opera đã nhanh chóng đặt lịch mời họ diễn với tư cách một cặp đôi, và cặp đôi quyền lực mới này đã trở nên nổi tiếng, ít nhất là ở Anh, như là Posh và Becks của opera. Câu chuyện cổ tích không kéo dài. Họ ly hôn năm 2013. “Lần cuối tôi gặp anh ấy là tám năm trước ở New York. Chúng tôi không nói chuyện. Anh ấy vẫn giận tôi”. Trong nhiều năm kể từ đó, bà đã có mối quan hệ với nha sỹ người Romania kém bà 22 tuổi, Mihai Ciortea.

Vậy bà sẽ tiếp tục hát bao lâu nữa? “Tôi hát ba giờ mỗi ngày nhưng tôi không ép giọng. Tôi không muốn có một sự nghiệp ngắn ngủi như Maria Callas. Tôi muốn hát mãi mãi”. Nhưng chẳng phải việc hát Mimi, Violetta và những nữ nhân vật chính trẻ tuổi khác ngày càng trở nên không phù hợp sao? Bà vừa cười vừa hất chiếc khăn qua vai. “Đúng là các vai đó không dành cho phụ nữ lớn tuổi. Nhưng mỗi lần tôi hát Mimi, tôi lại mang đến điều gì đó mới mẻ.” Làm sao bà có thể chịu được việc hát cùng một vai hết năm này qua năm khác, đêm này qua đêm khác? Bà nhìn tôi với vẻ thương hại. “Mỗi màn diễn là một màn diễn mới. Mỗi khoảnh khắc đều khác biệt.”

Dù vậy bà vẫn hy vọng đa dạng hóa danh mục thu âm của mình. “Monteverdi, Vivaldi – Tôi muốn để lại một bản thu âm cách tôi trình diễn tác phẩm của họ. Tôi vẫn còn tham vọng làm những điều mới mẻ.”

Chúng tôi bước ra khỏi nhà hát và hòa vào đêm London, ngang qua những người hâm mộ. Sau khi chụp nhanh một bức selfie, bà về căn hộ của mình với sức mạnh của số phận mà Verdi và tất cả những người đàn ông bình thường khác không bao giờ dám tưởng tượng.□

Stuart Jeffries
Ngọc Anh dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/music/2024/jan/22/angela-gheorghiu-soprano-interview-diva-la-boheme-royal-opera-house 

Bài đăng Tia Sáng số 7/2025

Tác giả

(Visited 55 times, 3 visits today)