Soprano Hà My: Cần cả một đời hoàn thiện giọng hát

Với các nghệ sĩ trẻ, chỉ có đam mê và giọng hát, opera quả là một vùng đất rộng lớn để có thể đeo đuổi cả đời. Còn soprano Nguyễn Hà My, opera còn hơn cả một sự lựa chọn nghề nghiệp.

Vì sao Hà My lại lựa chọn âm nhạc cổ điển trong khi những dòng nhạc khác được cho là hấp dẫn hơn và tương lai rộng mở hơn?  

Em bắt đầu theo học thanh nhạc từ Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, tuy nhiên lúc đó em chưa có một định hình rõ ràng gì cả về nghề nghiệp. Tất cả cứ diễn ra như vậy cho đến năm 2018, khi em ôn thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nghe các anh chị khóa trên hát trực tiếp, em mới thực sự cảm thấy ấn tượng và tự hỏi ‘làm sao người ta có thể tạo được âm thanh đẹp như thế, hát tự nhiên, dù không có mic nhưng nghe rất vang và đã tai?’ Lúc đó, em đã muốn mình đến một ngày nào đó cũng phải làm được như vậy. Sau một quãng thời gian dài làm việc với các thầy cô – cô Ngọc Định và sau này là thầy Quốc Hưng, khi giọng hát của em được khai phá và phát triển dần thì cùng lúc, em cũng nhận thức được rằng âm nhạc cổ điển là thứ mà em có thể làm tốt nhất và nó sẽ là con đường mình muốn theo đuổi. 

Với các nghệ sĩ trẻ ở giai đoạn đầu sự nghiệp, khi tất cả còn chưa định hình thì chắc hẳn, ai cũng có một thần tượng để vươn tới. Vậy nghệ sỹ opera yêu thích của bạn là ai? Và bạn học hỏi được gì từ họ? 

Opera thế giới thực sự là một sân khấu lớn, quy tụ những nghệ sĩ bậc thầy. Em may mắn sinh vào thời kì mà có thể dễ dàng tiếp cận với nhạc cổ điển qua băng đĩa, các trang, app nghe trực tuyến, … Khi tìm hiểu các tác phẩm qua những bản ghi âm của các nghệ sĩ thế hệ vàng trước đây, em đặc biệt yêu thích Renata Tebaldi giọng soprano Ý huyền thoại thời kỳ Hậu Thế chiến. Giọng Tebaldi đầy đặn và đẹp tròn trịa trong suốt toàn bộ âm vực có vẻ khó hình dung nhưng bà ấy gần như là người định hình thẩm mỹ về một âm thanh đẹp cho em. 

Một nghệ sĩ khác cũng có ảnh hưởng rất lớn đến em là Montserrat Caballé – ca sĩ opera hàng đầu của thập niên 1970 – 1980. Thực ra, em không nghe Caballé hát quá nhiều nếu ở góc độ thưởng thức nhưng em đã học hỏi được rất nhiều từ kĩ thuật và cách điều khiển giọng hát của bà ấy. Em từng rất lúng túng ở các nốt thuộc âm vực thấp thuộc về giọng ngực dù vốn ban đầu em phát triển từ một giọng nữ trung lên. Caballé đã cho em nhiều ý tưởng để làm chủ hoàn toàn âm khu quan trọng này. Bà ấy thực sự là một quái kiệt trong giới biểu diễn – những nốt vuốt pianissimo (cường độ nhỏ – PV) tinh tế và điêu luyện như cách bà ấy thực hiện có lẽ cả đời này em cũng không thể làm được. 

Có một điều quan trọng hơn nữa ngoài kĩ thuật là với opera, em phải thể hiện tình cảm, tâm hồn của một nhân vật chứ không chỉ phô bày giọng hát cá nhân.

Còn ở trong nước thì NSƯT Hà Phạm Thăng Long là hình mẫu mà em hướng tới, cô là người đã hun đúc và truyền cho em niềm đam mê với opera.

Ngoài việc tiếp cận nghệ thuật opera từ các bài giảng và các bản thu âm kinh kiển thì các nghệ sĩ trẻ còn cần phải được trang bị điều gì nữa?

Cũng như với các nghệ sĩ khí nhạc, việc theo đuổi nghệ thuật opera của các nghệ sĩ thanh nhạc như em cần có một môi trường cổ điển thực sự. Bọn em cần được sống trong đó, được tham gia các hoạt động giao lưu học hỏi và nhất là được biết các nghệ sĩ thế giới biểu diễn những gì và thẩm mỹ khán giả cổ điển bây giờ ra sao. Hiện nay, qua quan sát, em thấy có rất nhiều nghệ ssĩ trẻ rất tài năng trên thế giới nhưng tiếc là ở Việt Nam, em ít có điều kiện được xem trực tiếp. 

Một trong những nghệ sĩ opera đang hoạt động gây cho em ấn tượng mạnh nhất là Saioa Hernandez, cũng là một học trò của Caballé. Em mơ ước được nghe giọng soprano người Tây Ban Nha này hát trực tiếp vì thực sự là không ai có cách hát như thế trong thế hệ này. Giọng hát chị ấy rất dày, vang lớn, thậm chí ngay cả những nốt cao nhất cũng có âm thanh ngực trong đó – một điều rất ít thấy ở các nghệ sĩ opera gần đây. Để hát được như thế không thể một sớm một chiều mà được. Ngoài chuyện thể lực, hình thể cao lớn thì chị ấy chắc chắn phải trải qua sự rèn luyện rất kiên nhẫn và cẩn trọng mới có thể tải được thứ âm thanh đầy nội lực như thế chứ không chỉ là thiên bẩm. Không phải tác phẩm nào chị ấy hát em cũng thích và giọng hát em cũng không phải kiểu kịch tính hạng nặng như thế, nhưng cách chị ấy tạo ra được thứ cảm xúc kích động qua âm thanh giọng hát của mình thật đáng ngưỡng mộ. 

Soprano Nguyễn Hà My vào vai nhân vật Cio-cio-san trong trích đoạn vở opera “Madama Butterfly”.

Có rất nhiều người khi nghe bạn hát trực tiếp đều ấn tượng với giọng hát có kích cỡ lớn được xem là của hiếm ở Việt Nam của bạn, đó là do sự luyện tập hay bẩm sinh? Bạn tự hào với nó chứ?

Nói rất thật là em không hề biết giọng hát của em có âm lượng như thế nào so với các ca sĩ khác. Thứ âm thanh người hát nghe được khác với thứ khán giả nghe thấy, bởi khi hát opera, âm thanh sẽ phóng ra phía trước và tạo ra nhiều bồi âm chứ không phải là nó “to” tại chỗ bọn em. Em chỉ có cảm giác làm sao âm thanh luôn phải phóng ra xa và tạo ra sự “trùm tỏa” tối đa. Đó là kết quả của rất nhiều năm tháng rèn luyện cùng thầy cô và cả những nghiền ngẫm, đúc rút kinh nghiệm cá nhân. Em nghĩ khi làm đúng, thả lỏng cơ hàm, nhấc vòm và khai thác hết các khoang cộng minh trên mặt thì tất cả các ca sĩ đều có thể tạo ra “âm thanh lấp phòng” như vậy. 

Em cảm kích những lời khen ngợi, nhưng nói tự hào thì không hẳn. Em không tự hào vì có một giọng hát lớn, nhưng em tự hào với giọng hát có âm sắc riêng của em. Có thể nói thế này không được khiêm tốn lắm, nhưng em nhận ra được giọng hát của em một cách cực kỳ rõ ràng so với bất cứ giọng nữ cao đồng nghiệp nào khác dù hiển nhiên, không ai có âm sắc giống ai hoàn toàn. Em thực sự rất “yêu” giọng hát mình và luôn tìm mọi cách để hoàn thiện nó.

Nhưng một giọng hát nhiều ưu thế có đủ với một nghệ sĩ opera?

Dĩ nhiên là không. Có rất nhiều thứ phải hoàn thiện mà có lẽ sẽ phải bỏ ra cả một đời người để làm được. Về mặt kĩ thuật chẳng hạn, em muốn mình chạy nốt sắc nét hơn. Trước đây, em nghĩ rằng giọng dày thì sẽ không linh hoạt như những giọng mảnh, nhẹ. Thế rồi qua quá trình tập bài, gặp những bài viết cho kiểu giọng như mình nhưng lại có những đoạn chạy nốt và em phải tìm cách để xử lý. Lúc ấy em mới vỡ ra – nhận định trước đây của mình là sai. Nếu tập đúng phương pháp, bất cứ giọng nào cũng đều có thể hát coloratura (lối hát hoa mĩ – PV).

Mỗi khi hát mà mình bộc lộ được những cảm xúc thật của mình, khi mình làm được điều đó mình sẽ tạo ra sự kết nối – với nhân vật và cả với khán giả nữa.

Nhưng có một điều quan trọng hơn nữa ngoài kĩ thuật là với opera, em phải thể hiện tình cảm, tâm hồn của một nhân vật chứ không chỉ phô bày giọng hát cá nhân. Em xin kể chuyện này, có một lần em hát aria “Un bel dì” của nhân vật Cio-cio-san trích vở opera “Madama Butterfly” tại Trung tâm văn hóa Ý Casa Italia, Hà Nội trong một buổi tiệc sau concert, nó là hát vui vẻ giao lưu thôi, thậm chí em còn đang mặc đồ thường phục. Khi em vừa hát xong, em nhận thấy một số khán giả nước ngoài rưng rưng. Em không dám nói là em đã hát rất hay, có thể là do âm nhạc của Puccini hoặc do họ hiểu được nội dung của bản aria mà thấy xúc động. Nhưng điều đó có nghĩa là người ca sĩ opera hoàn toàn có thể truyền tải được cảm xúc thông qua âm nhạc và họ phải làm được. Đối với em, điều đó là trách nhiệm của một người nghệ sĩ.  

Bạn thích Cio-cio-san chứ?

Không, em hoàn toàn không thích cô ấy. Cô ấy quá chấp niệm. Cô ấy làm tất cả mọi điều để bảo vệ niềm tin mù quáng của cô ấy và khi mọi thứ tan vỡ thì cô ấy làm một việc rất tiêu cực là tự sát. Em không phải con người như thế. Khi em xem vở opera “Madama Butterfly”, em nghĩ nếu em diễn màn cuối em sẽ khóc thật trên sân khấu mất. Nội dung opera thường như vậy, nó có thể là lỗi thời hoặc cách hành xử cực đoan của các nhân vật dễ bị xem là kỳ quặc và xa lạ so với chúng ta. Nhưng thứ để lại ấn tượng với khán giả là những cảm xúc thật được thổi bùng qua âm nhạc và nó càng mạnh mẽ hơn bởi lối trình diễn trực tiếp: hát bằng âm thanh giọng hát mộc của người ca sĩ opera.

Nếu được lựa chọn bạn thích được hát vai diễn nào?

Có lẽ là Maddalena trong vở opera “Andrea Chenier” của Giordano – một nhà soạn nhạc thuộc trường phái Verismo (hiện thực – PV) cũng như Puccini. Dù em không thực sự thích tính cách các nhân vật nhưng em thích âm nhạc của Verdi và các nhà soạn nhạc Verismo. Khi em chọn tập một tác phẩm nào, ngoài sự tư vấn của thầy cô thì bản thân em phải thấy lay động với âm nhạc của nó đã. Nhưng cũng phải thú thật, các vai chính của thời kì hậu Lãng mạn này rất khó và có thể làm hỏng một giọng hát non nớt nếu không biết tiết chế.

Soprano Nguyễn Hà My giành giải Nhất bảng B (nghệ sĩ chuyên nghiệp) tại Cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng năm 2023.

Em đã hát aria Maddalena: “La mamma morta” cho vòng thi chung kết cuộc thi vừa rồi và cũng đang tập “Vicino a te”, bản duet kết cũng trong “Andrea Chenier” cho bài thi tốt nghiệp sắp tới. Đây là một vai spinto (có chất kịch tính – PV) hay, âm nhạc lôi cuốn tuyệt vời nhưng khá nặng – thầy của em luôn nhắc nhở là tập các aria của nó phải rất cẩn thận nếu không thì có thể ảnh hưởng đến giọng hát. Có điều thú vị là các cao trào mãnh liệt cùng những quyết định bất chấp của Maddalena trong vở dễ khiến cho người ta nghĩ cô ấy là người mạnh mẽ. Cá nhân em thì lại cảm nhận khác. Mẹ cô ấy chết vì bảo vệ cô ấy, người giúp việc phải bán thân để lo tiền thuốc thang cho cô ấy và cô ấy chỉ biết tự dằn vặt mình là “kẻ mang lại bất hạnh cho những người mà mình yêu thương” – điều đấy chỉ ra là cô ấy khá yếu đuối. Cái “mạnh mẽ” ở đây không phải con người hay cá tính mà chính là những nỗi đau của cô ấy – là thứ khiến em đồng cảm với nhân vật. Em cũng từng gặp rất nhiều thử thách và những chuyện đau buồn trong cuộc sống. Nó tạo cho em sự gắn kết với nhân vật dù cho em chưa từng được diễn cả vở.

Làm sao một nghệ sĩ có thể tìm được sự rung động hay sự kết nối với những nhân vật có cá tính và số phận khác mình?

Em nghĩ mọi ca sĩ opera phải sống và trải nghiệm qua nhiều thăng trầm thì mới có thể hát hay được. Chúng ta không trải qua những điều khủng khiếp mà nhân vật trải qua – nhưng nỗi đau, sự tức giận, hay niềm vui thì ai cũng đều từng nếm trải trong cuộc sống ở những mức độ khác nhau và người nghệ sĩ phải tái tạo nó thông qua âm nhạc. Em mới vỡ ra điều đấy gần đây thôi. Ngay trước cuộc thi Thính phòng nhạc kịch toàn quốc 2023, em đã gặp một chuyện rất buồn đến mức khiến em từng nghĩ mình sẽ phải từ bỏ tất cả. Em xem cuộc thi là lần cuối em hát và em đã quyết định tập “O smania, o furie” (opera “Idomeneo” – PV), bản aria ban đầu em vốn không nghĩ là hợp với mình. Đây thực chất là màn hóa điên của Elettra – một nhân vật bi kịch trong thần thoại Hi Lạp. Em đã trút hết sạch những cảm xúc dồn nén trong mình, những nỗi căm tức, tổn thương, giận dữ,… khi em hát aria ấy – chưa bao giờ em hát bằng cả tính mạng mình như thế, nó khiến chính em cảm thấy được thăng hoa.

Tất cả thầy cô, bạn bè thân thiết của em khi xem phần trình diễn đó đều sốc vì nó trái ngược hoàn toàn những gì mà mọi người biết về em – ở ngoài em khá hiền lành, ít nói và thường không bộc lộ nhiều cảm xúc. Đến giờ em vẫn nhận được những lời khen vì bài thi hôm đó. Tất nhiên đánh giá hay – dở là ở mỗi người, có thể có người thích hoặc không thích em hát. Nếu người ta có sự đồng cảm thì họ sẽ thích và ngược lại, còn với cá nhân em, bài thi hôm đó đã khai mở cho em một điều. Đó là mỗi khi hát mà mình bộc lộ được những cảm xúc thật của mình, khi mình làm được điều đó mình sẽ tạo ra sự kết nối – với nhân vật và cả với khán giả nữa.

Giải thưởng ở cuộc thi Thính phòng nhạc kịch có ý nghĩa như thế nào với bạn?

Với em, giải thưởng là một bất ngờ và quan trọng hơn, nó góp phần củng cố thêm mơ ước của em là được trở thành một nghệ sĩ opera thực thụ, được hát các vai diễn chứ không chỉ là hát các concert thính phòng, mà để có thể đạt được nó, em phải hoạt động trong một nhà hát opera chuyên nghiệp. Em chỉ là một ca sĩ trẻ, dù có một chút ít thành tích cá nhân cũng không thể tự dưng bỗng chốc có được một vai diễn chính. Em xem lúc này là thời gian tích lũy. Em sẽ tiếp tục rèn luyện, mở rộng giới hạn bản thân, học thêm kịch mục hát. Có thể trong tương lai em sẽ thử sức ở một số concours âm nhạc quốc tế có quy mô lớn hơn.

Nhạc cổ điển không phải bộ môn nghệ thuật cho số đông kể cả ở trên thế giới chứ không chỉ Việt Nam, bạn có chạnh lòng khi theo đuổi nó không? 

Chưa bao giờ em cảm thấy điều đó. Em yêu opera và theo đuổi nó mà không mưu cầu điều gì khác dù là tiền bạc, nổi tiếng hay sự tung hô của số đông. Em chỉ có một trăn trở là làm sao có nhiều khán giả Việt Nam nghe opera hơn, trân trọng bộ môn nghệ thuật này hơn. Có lẽ, em sẽ tìm mọi cách để giới thiệu opera tới nhiều người hơn, đặc biệt là các bạn trẻ – những khán giả tiềm năng của nhạc cổ điển bằng những buổi hòa nhạc giáo dục tại một số trường học hay các địa điểm công cộng. Em đã thực hiện những hoạt động đó trong nhiều năm trở lại đây cùng các bạn nghệ sĩ trẻ khác và nhận được nhiều lời động viên, khích lệ. Điều đó khiến em có nhiều niềm tin về triển vọng tương lai của opera nói riêng và nhạc cổ điển nói chung ở Việt Nam. 

Cảm ơn Hà My đã chia sẻ cùng Tia Sáng.

—————

Soprano Nguyễn Hà My sinh năm 1993 tại Hoài Đức, Hà Nội. Năm 2022, Hà My tốt nghiệp thủ khoa thanh nhạc hệ đại học và hiện đang là học viên Cao học Thanh nhạc biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dưới sự hướng dẫn của TS. NSND Đỗ Quốc Hưng. Tháng 12 vừa qua, Hà My giành giải Nhất bảng B (nghệ sĩ chuyên nghiệp) tại Cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng năm 2023 do Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch tổ chức. Trước đó, Hà My cũng từng giành Giải vàng cuộc thi Kyushu Music Competition tại Nhật Bản.

Trinh Biên thực hiện

Bài đăng Tia Sáng số 4/2024

Tác giả

(Visited 24 times, 1 visits today)