St. Thomas Choir – Những giọng ca thiên thần
Hiếm dàn hợp xướng nào có được lịch sử kỳ vĩ như St. Thomas Choir (Dàn hợp xướng thiếu nam Thánh Thomas) ở thành phố Leipzig, Đức. Khai sinh từ năm 1212, dàn nhạc vẫn cất cao giọng ca trước mọi thách thức và biến động của thời gian.
“Trong một buổi biểu diễn ngẫu hứng kéo dài 10 phút, 42 cậu bé trong trang phục trịnh trọng đã mang đến cho người dân New York giọng hát xuất thần của mình, và cũng trong suốt 10 phút ngắn ngủi ấy, khán giả hân hoan được trong giây lát quên đi cái ồn ào náo nhiệt xung quanh của thành phố để bước vào không gian thanh bình nơi khu chợ châu Âu mùa giáng sinh tuyết phủ, hay một tòa lâu đài rực rỡ ánh đèn”.
“Buổi chiều thứ Sáu, các Thomaner [thành viên dàn nhạc Thánh Thomas] vận quần jeans đi giày thể thao đứng trên ban công Nhà thờ Thánh Thomas để diễn tập lần cuối bản motet. Phía dưới, khách qua đường dừng chân du ngoạn, lấy máy ảnh đưa lên chụp. Có những đoạn nhạc nghe da diết buồn, nặng nề, ảo não, hay đượm màu thê lương chết chóc, đến nỗi thật khó tưởng tượng được làm sao mà những linh hồn trẻ trung kia lại có thể tìm kiếm được sợi dây liên hệ nào ở đó.”
Không khó để tìm ra những lời nhận xét như vậy về St. Thomas Choir. 800 năm, quãng thời gian thừa thãi để biến nhiều cái lạ thành quen, mới thành cũ, trẻ thành già, nhưng St. Thomas Choir dường như đứng ngoài cái quy luật vận động ấy. Những bản CD lưu hành khắp các thị trường thế giới và những chuyến lưu diễn quốc tế hằng năm… vẫn không thôi khiến thính giả ngỡ ngàng và hân hoan.
Cuộc sống trong dàn nhạc
Nhà thờ Thánh Thomas được xây dựng năm 1212. Do có phần trễ nải trong các lễ cầu nguyện hằng ngày, nên các tu sĩ nhờ các bé trai thay họ hát thánh ca. Từ đó St. Thomas Choir ra đời. Cùng nhau, nhà thờ và dàn nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nền âm nhạc nhà thờ đạo Tin lành Lutheran.
St. Thomas Choir hiện gồm khoảng 100 thành viên độ tuổi từ 9 đến 19. Ngoài ra, ở đây còn duy trì một lớp giữ trẻ ban ngày dành cho các bé trai từ 3 – 6 tuổi có năng khiếu ca hát. Các thành viên lớn tuổi hơn theo học tại trường Thánh Thomas và cùng sống trong trường nội trú.
Hát nhạc của Bach khi mới 9 – 10 tuổi dường như là một nhiệm vụ hết sức gian nan, nhưng các cậu bé ở đây lại tiến bộ rất nhanh. Conrad, một thành viên dàn nhạc, chia sẻ: “Khi lên lớp 4 là chúng ta đã có thể hiểu âm nhạc của Bach rồi. Chỉ có điều càng trưởng thành, chúng ta càng hiểu hơn về âm nhạc của ông mà thôi”. |
Nhìn qua dãy giường trong khu ký túc vốn mang dáng dấp một doanh trại quân đội hơn là một học viện xuất sắc, những ai mơ mộng về một trường học phù thủy lãng mạn như trường Hogwarts của cậu bé Harry Porter hẳn sẽ không khỏi thở dài thất vọng. Tại đây, các cậu bé được phân vào từng phòng khác nhau, nơi có giường ngủ, tủ quần áo, giá để sách báo, đài, cây xanh… – nhưng tivi và máy tính thì không được phép có mặt. Luôn luôn có một thành viên “lão làng” của dàn hợp xướng trong mỗi phòng: việc giáo dục như vậy do các thành viên kỳ cựu đảm trách và giáo viên lại không đóng vai trò lớn như ở trường học bình thường. Trong bộ máy điều hành của St. Thomas Choir chỉ có vài giáo viên kiêm vai trò quản lý ký túc xá, họ tổ chức các hoạt động trong thời gian rảnh rỗi và đi cùng với các cậu bé trên đường đến nhà thờ hoặc rạp chiếu phim.
Dàn hợp xướng hoạt động tuân theo một nhịp đều đặn: Thứ Hai học bài nhạc mới để biểu diễn vào ba buổi cuối tuần, nhưng khoảng thời gian ở giữa là cả một sự chuẩn bị đòi hỏi nhiều sức lực. Các cậu bé thức dậy vào lúc 6 giờ 45 phút, ăn sáng lúc 7 giờ 10, rồi đi học từ 7 giờ 30 tới 1 giờ chiều, sau đó là ăn trưa. Buổi chiều, một số quay lại trường học, một số tranh thủ nghỉ ngơi đợi tới giờ diễn tập của cả dàn nhạc lúc sáu giờ và kéo dài tới giờ ăn tối lúc 6 giờ 45.
Kkhông dễ gì mà theo được guồng quay học văn hóa, tập nhạc, lưu diễn, và ba buổi biểu diễn hằng tuần tại Nhà thờ Thánh Thomas. Song các cậu bé vàng này vẫn xoay sở được mọi chuyện một cách êm thấm, tuy rằng với những thành viên nhỏ tuổi, giai đoạn đầu làm quen quả là khó khăn. Một số vẫn còn nhớ mẹ, tối tối vẫn gọi điện đòi về nhà ngủ. Nhưng sau một thời gian, sợi dây tình cảm gắn kết với mái trường, với dàn nhạc tự nhiên xuất hiện, và, theo lời tâm sự của Conrad, một thành viên trong dàn nhạc, thì: “Điều đặc biệt khi trở thành thành viên của dàn nhạc là bạn vừa là nghệ sĩ, lại vừa có một mái nhà và một gia đình thứ hai ở trường.” Truyền thống, kỷ luật, và tinh thần đồng đội chính là ba cột trụ chính trong lịch sử tồn tại xuyên suốt 800 năm của dàn nhạc, vì vậy việc trưởng thành ở môi trường này cũng đồng nghĩa với việc gánh vác trách nhiệm.
Dấu ấn khó phai của Bach
Mặc dù đã tồn tại 500 năm trước khi Bach xuất hiện, nhưng chính dưới sự dẫn dắt trong gần 30 năm (từ 1723 đến 1750) của nhà soạn nhạc thiên tài mà St. Thomas Choir mới củng cố được vị trí vững chắc của mình trong lịch sử âm nhạc. Trên thực tế, suýt nữa Bach đã không trở thành giám đốc (cantor) của dàn nhạc. Ông chỉ có cơ hội này sau khi hai ứng viên đầu tiên của Chính quyền thành phố Leigzig từ chối lời mời.
Bản thân Bach là một thầy giáo rất nghiêm khắc, và ông tỏ ra không hài lòng với các thành viên trong dàn nhạc của mình. “Nhiều cậu tiến bộ rất chậm, nhưng phần lớn đều là vô dụng”, vị thầy giáo nghiêm khắc đã viết như vậy trong một bức thư gửi Chính quyền thành phố vào năm 1730, và còn nói thêm rằng các vị đứng đầu thành phố nên hiểu âm nhạc nhà thờ có thể phù hợp cho nhiều sự kiện như thế nào.
Bach và 55 thành viên trong dàn hợp xướng thiếu nhi của ông có hàng núi công việc để làm: bên cạnh phần âm nhạc phục vụ nhà thờ, họ còn tham gia những sự kiện thế tục của thành phố. Bất chấp lượng công việc đó, Bach vẫn dành thời gian để sáng tác. Ông tiếp tục chứng tỏ năng suất làm việc khó tưởng tượng được của mình – mỗi tuần, ông viết một cantata. Trong hai năm đầu làm giám đốc dàn hợp xướng, ông đã viết khoảng 100 tác phẩm, bao gồm Saint John Passion, Saint Matthew Passion, Oratorio Christmas và những bài thánh ca ngắn. Cũng trong thời gian này tên tuổi của ông được cả thế giới biết đến.
Nhận xét về vị cantor nổi tiếng nhất trong lịch sử dàn nhạc, Georg Christoph Biller, vị cantor hiện nay, nói: “Tôi cho rằng cái làm nên sự khác biệt trong âm nhạc của Bach là tác phẩm của ông vừa có chiều sâu của sự tận tụy lại vừa có chiều rộng của tính phổ quát. Có thể coi âm nhạc của Bach là chiếc cầu nối giữa các thế giới khác nhau, mang lại cho con người cơ hội gắn kết. […] Tinh thần của ông vẫn sống mãi trong những bản nhạc của ông, và ta có thể cảm thấy điều đó khi nghe nhạc. Chúng tôi thấy mình thật may mắn khi có được nguồn cảm hứng bất tận từ Bach”.
Hiện nay, St. Thomas Choir vẫn tiếp tục dồn tâm huyết vào trọng trách duy trì di sản đồ sộ của Bach.
Tương lai và những thách thức
Trong khi phần lớn các nhà thờ đều loại bỏ các thành viên dàn nhạc khi họ tới kỳ vỡ giọng, thì St. Thomas Choir vẫn tiếp tục giữ lại các cậu bé để đào tạo họ hát giọng alto, tenor và bass. Điều này cho thấy đây không chỉ là một dàn nhạc đơn thuần mà còn là một nơi giáo dục âm nhạc toàn diện.
“Dĩ nhiên, ai chẳng muốn trưởng thành. Nhưng bạn chỉ có một tuổi thơ thôi, và ở đây, khi bạn vỡ giọng, bạn sẽ cảm thấy… tức giận với chính mình.” Một Thomaner |
Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng trong bất kỳ dàn hợp xướng thiếu nhi nam nào, những thành viên chưa vỡ giọng mới là những tài sản giá trị nhất. Giống như những đóa hoa bừng lên rực rỡ nhất trước khi lụi tàn, các cậu bé này mang trong mình sức mạnh, sự bền bỉ dẻo dai, và kỹ thuật ấn tượng. Nhưng ngày nay, có một thực tế phũ phàng là các nam thiếu niên vỡ giọng ngày một sớm. Theo một nghiên cứu, từ giữa những năm 1700 tới nay, độ tuổi dậy thì của các nam thiếu niên sớm lên trung bình 2,5 năm/thập kỷ, tức là thời gian sở hữu giọng soprano của các em ngày một ngắn hơn. Để giải quyết vấn đề này, có ý kiến cho rằng nên tuyển các bé gái hát giọng soprano, bởi vì dẫu sao, người nghe cũng khó mà nhận ra sự khác biệt. Bản thân Bach trước đây cũng không nề hà việc sử dụng thành viên nữ trong ban nhạc. Tuy nhiên, theo nhiều cách khác nhau, dàn nhạc lại muốn duy trì truyền thống toàn nam của mình. Do đó, để duy trì ổn định số thành viên hát giọng soprano, họ phải liên tục tuyển và đào tạo thành viên mới.
Một khó khăn nữa là vấn đề tài chính. Trước đây, dàn nhạc hoạt động dưới sự bảo trợ của Chính phủ, nhưng ngày nay họ phải tự thân vận động. Tiền học phí hầu như chỉ mang tính tượng trưng, và hiện giờ dàn nhạc phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài trợ của thành phố Leipzig, nhà thờ Thánh Thomas, và hội phụ huynh học sinh, song áp lực tài chính vẫn rất nặng nề. Stefan Altner, quản lý dàn nhạc, cho biết: “Chúng tôi phải làm phim, lên sóng phát thanh, trả lời phỏng vấn báo chí để bảo đảm tương lai cho dàn nhạc. Mỗi khi lên sân khấu, chúng tôi đều phải nỗ lực hết mình, để bất kỳ khán giả nào cũng có thể so sánh chất lượng biểu diễn của chúng tôi ngoài đời thực với các đĩa CD của chúng tôi, hay so sánh chúng tôi với các dàn nhạc khác.”
Đúng vậy, ngoài những khó khăn nội tại, St. Thomas Choir còn phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày một lớn từ những dàn nhạc nhà thờ khác, như Regensburg Domspatzen, Dresden Kreuzchor hay các dàn nhạc tuổi đời trẻ hơn như Tölz Boys Choir và Stuttgart Hymnus-Boys Choir. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, St. Thomas Choir cũng có những ưu điểm mà không dàn nhạc nào có được, đó là mối liên hệ mật thiết với khối di sản của Bach và danh tiếng lẫy lừng mà họ đã không ngừng tạo dựng trong suốt chiều dài hơn 800 năm tồn tại của mình.
Khánh Trang và Thanh Nhàn tổng hợp