Stradivari và hành trình tìm kiếm tài hoa

Nỗi ám ảnh với những cây violin Stradivarius không chỉ giới hạn ở các nghệ sỹ và kẻ trộm; trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cố gắng tìm ra lý do tại sao đàn Strad lại nghe hay hơn nhiều so với các nhạc cụ khác.

Bảo tàng Palazzo Comunale, nơi trưng bày các cây đàn Stradivari, Amati và Guarneri ở Cremona, Ý. Ảnh: Shuttersock.

Gia đình Roman Totenberg đã chạy trốn khỏi Ba Lan vào đầu Thế chiến Thứ nhất để tránh giao tranh, nhưng họ không tránh được nạn đói. Thật may mắn, một hàng xóm của họ là concertmaster tại Nhà hát Opera Bolshoi khi dạy violin cho cậu bé Totenberg đã nhận ra, Totenberg không phải là một học trò bình thường mà là một thần đồng. Và cậu đã đi khắp đất nước để biểu diễn tại các trường học và các cuộc mít tinh. Cậu thường trở về nhà sau các buổi hòa nhạc với một ít bánh mì, bơ và đường để chu cấp cho gia đình nghèo khó. Âm nhạc đã cứu mạng cậu, và Totenberg chưa bao giờ cân nhắc một nghề nghiệp khác.

Trong vài thập niên tiếp theo, Totenberg đã học hỏi và chơi nhạc với những nghệ sỹ nổi tiếng thế giới ở Paris, London và Washington, D.C., cuối cùng đã trở thành thành viên của giới tinh hoa văn hóa mà ông từng biểu diễn phục vụ. Năm 1938, vào đêm trước Thế chiến Thứ hai, ông nhập cư vào Mỹ sau khi những người bạn Mỹ có quan hệ chính trị trong cộng đồng nghệ thuật đề nghị bảo trợ ông. Sau này Totenberg cũng có hỗ trợ tương tự cho các nghệ sỹ nước ngoài khác.

Sau những thập niên đi khắp thế giới, vào năm 1961, Totenberg trở thành giáo sư tại Đại học Boston, nơi ông gặp gỡ nhiều nghệ sỹ trẻ, bao gồm nghệ sỹ violin Philip Johnson nổi tiếng vì tài năng, tính lập dị (anh ta đeo găng quanh năm để bảo vệ đôi tay) và phong cách hoang dã. Nhưng Johnson có vẻ dành nhiều thời gian để khoe khoang và tranh cãi với các giáo sư hơn là để học tập, và kết quả là anh ta đã trượt nhiều môn. Khi giáo vụ xem xét đuổi học gã trai trẻ vì điểm kém, Totenberg là người duy nhất bênh vực anh ta. Dù sao Johnson cũng bị đuổi học. Totenberg rời trường trong cùng năm đó để trở thành Giám đốc Trường Âm nhạc Longy ở Cambridge, Massachusetts.

Năm 1980, Totenberg chơi tại một buổi hòa nhạc vinh danh ông tại Pickman Hall, một khán phòng ấm cúng ốp gỗ tại Longy. Khi buổi biểu diễn kết thúc và âm nhạc Mozart đã tắt lặng, Totenberg đặt cây violin của mình trở lại hộp đựng và mang nó ra khỏi sân khấu. Ông chui vào văn phòng của mình và đặt nhạc cụ xuống rồi đi đến một buổi chiêu đãi riêng cùng bạn bè và gia đình. Khi ông quay lại lấy cây violin vào tối hôm đó, nó đã biến mất.

Totenberg vô cùng đau khổ; cây violin bị đánh cắp của ông không chỉ là một cây violin cũ thông thường, mà là một nhạc cụ được chế tác tại Cremona, Ý, bởi nghệ nhân làm đàn nổi tiếng Antonio Stradivari. Vào đêm xảy ra vụ trộm, nhạc cụ của Totenberg đã 246 năm tuổi và có giá trị ngang một gia tài nhỏ.

Nghi ngờ nhanh chóng tập trung vào một khán giả có vẻ lạc lõng vào đêm đó: Philip Johnson khi ấy 27 tuổi vì lý do nào đó đã chế giễu Totenberg kể từ những ngày còn học tại Đại học Boston. Tại sao Johnson lại xuất hiện tại một buổi hòa nhạc đề cao Totenberg, một nghệ sỹ mà anh ta công khai khinh thường? Người ta đã trông thấy anh ta lảng vảng gần văn phòng của Totenberg vào chính ngày hôm đó và nghe thấy anh ta phàn nàn rằng Totenberg không xứng với cây Stradivarius của mình. Tuy nhiên đó chỉ là bằng chứng gián tiếp và cảnh sát đã từ chối cấp lệnh khám xét căn hộ của Johnson. Theo Nina, con gái của Totenberg, mẹ cô hỏi bạn bè xem họ có biết ai trong giới Mafia có thể tìm kiếm được cây đàn không.


‘Hãy cho tôi biết một thứ khiến nhạc cụ Stradivari tốt hơn rất nhiều so với những nhạc cụ khác’, tôi có lẽ sẽ nói là vec-ni. Vec-ni rất quan trọng đối với âm thanh vì hãy nhớ rằng, lớp vec-ni này giống như một lớp phủ trên toàn bộ nhạc cụ và nó sẽ ảnh hưởng đến cách gỗ rung động và cộng hưởng, và nó cũng nhằm bảo vệ gỗ”. (Nghệ nhân Christopher Germain)

Điều gì khiến một người đánh cắp một nhạc cụ và khiến một người khác nỗ lực đến thế để lấy lại nó? Đối với nhiều nghệ sỹ và nhà sưu tập, một cây Stradivarius là tiêu chuẩn vàng của nhạc cụ dây. Họ tin rằng không có cây đàn nào được chế tác trước hoặc sau đó có thể tạo ra âm thanh trội hơn; và trong số khoảng 1.100 nhạc cụ Stradivarius chế tác thủ công trong suốt cuộc đời nghệ nhân, đến nay còn tồn tại khoảng 550 nhạc cụ. Hầu hết các nhạc cụ còn lại này đã được phân tích, xác thực và lập danh mục một cách cẩn thận. Ngày nay, mỗi nhạc cụ đều có giá trị hàng triệu đô la và nhiều nhạc cụ có tên riêng. Ví dụ, cây violin của Totenberg được đặt tên là Ames Stradivarius theo tên nghệ sỹ George Ames, người đã biểu diễn với cây đàn này vào cuối những năm 1800.

Nỗi ám ảnh với những cây violin Stradivarius không chỉ giới hạn ở các nghệ sỹ và kẻ trộm; trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cố gắng tìm ra lý do tại sao đàn Strad lại nghe hay hơn nhiều so với các nhạc cụ khác. Các nghệ nhân làm đàn, các nhà hóa học, các nhà tâm lý học, các nhà sử học, các kỹ sư âm thanh và thậm chí cả các nhà khí hậu học tò mò đã quét, giải cấu trúc và đốt các mẩu đàn violin Stradivarius để tìm kiếm bí mật khó nắm bắt của người Ý. Không ai tìm ra câu trả lời đơn giản, nhưng tất cả đều bắt đầu với giả định rằng những cây Strad trội hơn các nhạc cụ khác cả về âm thanh và sự lành nghề. Vậy nếu họ sai thì sao?

***

Kỹ năng của Stradivari không phải tự nhiên mà có; ông đã học hỏi từ một dòng họ lâu đời gồm những nghệ nhân làm đàn và thợ học việc tại thành phố thương mại Cremona, nơi đã sản xuất ra những nhạc cụ tốt nhất thế giới trong hàng trăm năm.

Thành phố này lần đầu tiên được đưa lên bản đồ vào giữa những năm 1500 nhờ nghệ nhân làm đàn Andrea Amati, người ngày nay được coi là người phát minh ra đàn violin hiện đại. Tay nghề của Amati được đánh giá cao đến mức Vua Charles IX của Pháp đã được tặng 38 nhạc cụ của Amati, một dàn nhạc đầy đủ gồm các đàn violin, viola và cello.

Trước khi qua đời năm 1577, Amati đã truyền bí quyết cho các con và sau đó, cháu của ông, Nicolò Amati, là nghệ nhân làm đàn Amati đầu tiên nhận dạy nghề cho người ngoài gia đình. Một trong số đó là Andrea Guarneri, người có cậu cháu trai là Giuseppe cuối cùng sẽ thừa kế cơ sở của gia đình và được biết đến với cái tên Guarneri “del Gesù” vì, có lẽ do ngạo mạn, ông đã ký tên mình vào mỗi nhạc cụ theo sau là một biểu tượng thiêng liêng của Chúa Jesus Christ. (Khi Totenberg làm mất cây Strad của mình, ông đã thay thế bằng một cây Guarneri năm 1736.)

Một xưởng làm đàn ở Cremona, Ý. Ảnh: Shuttersock.

Stradivari, sinh năm 1644, có thể là một trong những người theo học nghề Nicolò, mặc dù bằng chứng duy nhất về điều đó là một nhãn hiệu được viết trên cây Stradivarius lâu đời nhất còn sót lại, với nội dung: “Do Antonio Stradivari thành Cremona, học trò của Nicolò Amati, chế tạo năm 1666”. Bất kể được đào tạo như thế nào, Stradivari rõ ràng là rất tôn sùng sản phẩm của gia đình Amati, kể cả thiên hướng cách tân của Andrea Amati. Stradivari đã kéo dài các khe chữ f được đục vào mặt đàn violin của mình. Ông cũng làm phẳng vòm (phần bướu thon dài ở lưng đàn violin), điều được cho là giúp phóng âm tốt hơn trong các phòng hòa nhạc lớn được xây dựng vào đầu thế kỷ 18. Cuối cùng, ông tô điểm các hoa văn chạm khắc trên các chốt và cuộn xoắn ốc ở đầu đàn violin của mình, coi chúng như những tác phẩm nghệ thuật. Vào một thời điểm nào đó trong đời Stradivari, các nghệ sỹ và khán giả bắt đầu tin rằng những sáng tạo của ông có một số phẩm chất vô hình khiến chúng nghe hay hơn những cây violin khác. Không lâu sau, danh tiếng của ông đã vượt trên danh tiếng gia đình Amati, và các quý tộc giàu có đã xếp hàng để mua nhạc cụ của ông.

Giống như tiền bối Amati, Stradivari đã truyền lại cơ sở làm đàn của mình cho hai người con trai, nhưng những nhạc cụ mà họ chế tạo không bao giờ nắm bắt được sự kỳ diệu trong những sáng tạo của cha họ. Sau khi Guarneri và nghệ nhân làm đàn cuối cùng của nhà Amati qua đời, chất lượng nhạc cụ của Cremona giảm sút nhanh chóng, mặc dù danh tiếng của thành phố như một nơi có nghề thủ công tinh xảo vẫn tồn tại. Cremona vẫn là trung tâm của các trường dạy nghề làm đàn violin, nhưng chất lượng độc đáo của các nhạc cụ từ thế hệ Stradivari đã mất đi. 

***

Vào năm 2003, một nhóm các nhà khoa học cho rằng họ đã tìm thấy ít nhất là một phần bí quyết đã mất của Stradivari.

Các nhà niên đại thụ mộc, các nhà khoa học nghiên cứu các vòng gỗ trên thân cây, bắt đầu với giả định các vòng gỗ dày đặc hơn sẽ tạo ra thứ gỗ cộng hưởng hơn. Họ đề xuất, những cây vân sam mà Stradivari và các nghệ nhân làm đàn khác ở Cremona sử dụng đã phát triển trong thời kỳ Tiểu băng hà từ năm 1645 đến năm 1715. Nhiệt độ thấp khiến cây phát triển rất chậm, tạo ra các đám vòng gỗ dày đặc và thớ gỗ chặt hơn, dẫn đến âm thanh hay hơn. Sau khi công bố, giả thuyết này đã được một số nghệ nhân làm đàn chấp nhận. Các nhà nghiên cứu khác, bao gồm nhà vật lý âm học Colin Gough, chỉ ra rằng không có bằng chứng nào cho thấy sự cộng hưởng tốt hơn là do gỗ dày đặc hơn. Một bài báo trên tạp chí Science đã tóm tắt suy nghĩ của Gough: “Quá khó để tìm ra những khác biệt có thể đo lường về chất lượng âm thanh của các cây violin cổ được yêu thích và các cây violin bình thường hơn, chứ chưa nói đến việc giải thích nguyên nhân gây ra những khác biệt”.

Nếu thời tiết lạnh góp phần tạo nên sự xuất sắc của những cây violin Stradivari thì vẫn chưa ai xác nhận được như thế nào hay tại sao. Các nhà niên đại thụ mộc đã dựa trên nghiên cứu đó và tạo ra một vai trò xác thực và xác định niên đại của các nhạc cụ cổ bằng cách so sánh các mô hình vật lý của các vòng gỗ trên các cây violin với các ghi chép về lịch sử và môi trường. Ví dụ, nếu thớ gỗ vân sam trong một cây violin đặc biệt hẹp, họ có thể ước tính rằng cây được trồng ở một phần nhất định của dãy Alps trong thời kỳ lạnh giá từ năm 1645 đến năm 1715 và giúp một nhà sưu tập xác định xem liệu cây violin của họ có phải do bàn tay Stradivari làm ra hay không.

Một giả thuyết phổ biến khác là Stradivari có một công thức bí mật cho loại vec-ni của mình, thứ tạo nên âm thanh độc đáo của các nhạc cụ của ông. Đã có nhiều nghiên cứu nhằm mục tiêu tìm dấu vết của trứng, mật ong và thậm chí cả hổ phách hóa thạch được nhúng trong loại vec-ni của ông. Vào năm 2009, những giả thuyết đó phần lớn đã bị bác bỏ bởi một phân tích hóa học và quang phổ toàn diện do một nhóm các nhà hóa học người Pháp thực hiện. Các nhà nghiên cứu, do giám tuyển bảo tàng và nhà hóa học Jean-Philippe Echard dẫn dắt, không phát hiện ra bất kỳ bằng chứng nào về các thành phần này trong năm nhạc cụ khác nhau được sản xuất trong khoảng thời gian ba thập kỷ. Thay vào đó, họ phát hiện ra công thức của Stradivari yêu cầu cùng các loại dầu và nhựa thông mà những nghệ nhân làm đàn hiện đại sử dụng.

Một nghiên cứu khác do phòng thí nghiệm hóa học tại Đại học Quốc lập Đài Loan thực hiện thậm chí còn đi xa hơn. Các nhà nghiên cứu đã nài xin những mảnh gỗ nhỏ xíu được bào ra từ vài cây Strad, rồi đốt chúng một cách không thương tiếc. Một phân tích về các loại khí giải phóng ra đã tìm thấy một lượng nhỏ nhôm, đồng và canxi, có thể là tàn dư của chất bảo quản hóa học được bôi lên gỗ từ rất lâu trước khi Stradivari chạm tay vào. Nghĩa là, chúng ta có thể phải cảm ơn những người đốn gỗ vì thứ âm thanh đặc biệt này.

***

Để hiểu được những giả thuyết mâu thuẫn này, tôi tìm kiếm một người hiểu biết tường tận mối liên hệ giữa các vật liệu tạo nên nhạc cụ và âm thanh nó phát ra: Christopher Germain, một nghệ nhân chuyên làm đàn violin phù hợp với phong cách, kích thước và thậm chí cả loài cây mà Stradivari, Guarneri và các nghệ nhân làm đàn violin Ý khác từng sử dụng từ thế kỷ 18. Tôi kể cho Germain nghe câu chuyện của mình và ông mời tôi đến thăm cửa hiệu của ông.

Cửa hiệu violin của Germain nằm bên trong một tòa chung cư gạch đỏ ở Quảng trường Rittenhouse, một trong những khu phố sang trọng nhất Philadelphia. Đó là một căn phòng có thảm phương Đông trải trên sàn gỗ cứng và được trang trí bằng các ghế sofa da sẫm màu và các tủ trưng bày đầy ắp đàn violin. 

Khi nhìn gần hơn vào những cây violin trong hộp, tôi nhận thấy chúng bị trầy xước và phai màu, như thể lớp vec-ni của chúng đã bị bàn tay của nhiều nghệ sỹ chà xát qua nhiều năm tháng. Tôi đã rất ngạc nhiên khi Germain thông báo rằng các nhạc cụ này hầu hết đều mới tinh. Germain nói rằng các nghệ sỹ violin hòa nhạc thích những cây violin trông cũ kỹ ngay cả khi chúng không phải vậy; nếu không nhạc cụ của họ sẽ phản chiếu quá nhiều ánh sáng và làm khán giả xao lãng. Nhưng có lẽ lý do lớn hơn là chuyện đồ cũ được ưa chuộng trong giới nhạc. Các nhạc cụ Cremona cổ được coi trọng đến mức ngay cả những người không sở hữu một cây đàn nào cũng muốn hòa nhập với phong cách thẩm mỹ của Stradivari.

Vậy Germain đã đưa ra những giả thuyết nào để giải thích tại sao đàn Strad có âm thanh hay nhất?

Germain bảo: “Họ nói, ‘Ồ, bí quyết của Stradivari là gì?’ Giống như nói, ‘Bí quyết của Michelangelo là gì? Hoặc cho rằng, ‘Ồ, nếu tôi có cùng loại sơn như ông ấy đã có, tôi có thể làm được những gì ông ấy đã làm.’ Sự thật là Stradivari là một nghệ nhân vĩ đại, ông đã làm mọi thứ đầy chuẩn xác”.

Nói cách khác, chẳng phải chỉ có một thứ khiến nhạc cụ Cremona cổ vượt trội hơn đàn violin hiện đại. Stradivari đã được đào tạo trong nhiều thập kỷ với gia đình Amati, cẩn thận đo đạc và lắp ráp các bộ phận của từng nhạc cụ và chỉ sử dụng những vật liệu chất lượng cao nhất. Ông cũng cạnh tranh với những người làm đàn violin khác ở Cremona, bao gồm Guarneri, điều này đã nâng cao chất lượng sản phẩm của mỗi người.

Nhưng ngay cả Germain cũng không hoàn toàn miễn nhiễm với cám dỗ suy đoán bí quyết của Stradivari.

“Nếu bạn nói, ‘Hãy cho tôi biết một thứ khiến nhạc cụ Stradivari tốt hơn rất nhiều so với những nhạc cụ khác’, tôi có lẽ sẽ nói là vec-ni. Vec-ni rất quan trọng đối với âm thanh vì hãy nhớ rằng, lớp vec-ni này giống như một lớp phủ trên toàn bộ nhạc cụ và nó sẽ ảnh hưởng đến cách gỗ rung động và cộng hưởng, và nó cũng nhằm bảo vệ gỗ”.

Vấn đề duy nhất với giả thuyết đó, như Germain chỉ ra, là những nhạc cụ Cremona còn tồn tại dường như không còn lại chút vec-ni nào ở trên bề mặt.

Trong xưởng đàn ở phía sau cửa hiệu có một cây violin Amati mà Germain đang phục chế, chỉ còn lại một vài mảng vec-ni phai màu, phần còn lại bị trôi sạch sau nhiều năm. “Những gì có trong gỗ và những gì có trên gỗ là hai thứ khác nhau,” ông nói với vẻ bí ẩn. Sau này tôi phát hiện ra rằng có lẽ ông đang ám chỉ đến nghiên cứu của Pháp năm 2009 do Echard dẫn dắt: ngay cả khi vec-ni dường như không có trên bề mặt các nhạc cụ Cremona, phần lớn vec-ni đã được hấp thụ vào một vài lớp tế bào thực vật trên cùng. Ở đó, vec-ni vẫn tiếp tục bảo vệ gỗ và – có thể – ảnh hưởng đến âm thanh. Germain tự làm vec-ni, mặc dù ông không sử dụng bất kỳ thành phần bí mật nào – chỉ là sự kết hợp thông thường của nhựa thông, dầu và chất nhuộm. Đáng ngạc nhiên là nghiên cứu của Echard cũng gợi ra rằng Stradivari không tự làm vec-ni, điều có nghĩa là ông đã sử dụng cùng một thứ mà mọi người khác ở Cremona đều có thể tiếp cận.

Germain giải thích: “Bạn cứ đến hiệu bào chế trong thành phố và ông chủ sẽ cung cấp cho bạn bất kỳ vật liệu nào có ở đó. Không chỉ Stradivari. Chính vec-ni Cremona vào thời điểm đó cũng được tín nhiệm nhờ có một thứ gì đó… đặc biệt, nhưng nó không chỉ đặc biệt với một nhà sản xuất. Các loại vec-ni của Guarneri cũng tuyệt vời, và cả những nhà sản xuất khác nữa.”

Nhưng ngay cả khi Germain có công thức làm thứ vec-ni Cremona đặc biệt đó, ông cũng không nghĩ rằng mình có thể tái tạo được các đặc tính độc đáo của nó: “Cách bạn nấu, loại vật liệu bạn sử dụng, nhiệt độ và thời gian nấu sẽ tạo ra một loại vec-ni có những đặc điểm nhất định”. Vì Germain không thể sao chép được kiến ​​thức thực hành mà các nhà sản xuất vec-ni truyền lại cho những người học việc của họ vào những năm 1700 ở Cremona, nên chắc chắn ông sẽ có được những kết quả khác nhau. Bản thân Germain cũng chỉ làm những mẻ vec-ni nhỏ riêng biệt vì các công thức của ông đôi khi tạo ra những kết quả không mong đợi mà ông có thể phải đổ bỏ.

Tôi ngạc nhiên khi ngay cả một người có kinh nghiệm và đầu óc kỹ thuật như Germain cũng đánh giá cao giả thuyết vec-ni. Có lẽ các nhà khoa học đã sai. Có lẽ chỉ có một bậc thầy, một người có khả năng phân tích từng âm điệu và sắc thái cuối cùng từ một cây Strad, mới thực sự hiểu điều gì khiến nó nghe hay đến vậy. □

Jacob Roberts1

Ngọc Anh dịch

Nguồn: https://www.sciencehistory.org/stories/magazine/stradivari-and-the-search-for-brilliance/

——

1 Cây bút tự do ở Portland, Oregon, và từng thuộc đội ngũ viết bài cho Distillations.

Bài đăng Tia Sáng số 21/2024

Tác giả

(Visited 69 times, 7 visits today)