Sử dụng Internet liên quan đến việc trở nên hạnh phúc hơn

Dành nhiều thời gian trên mạng thường được coi là điều nên tránh, nhưng một nghiên cứu mới có quy mô toàn cầu cho thấy sử dụng Internet liên quan đến việc trở nên hạnh phúc hơn.

Tác động tiềm tàng đối với sức khoẻ của Internet và đặc biệt là các mạng xã hội đã trở thành vấn đề tranh luận gay gắt trong những năm gần đây. Giáo sư Andrew Przybylski thuộc Đại học Oxford, đồng tác giả của nghiên cứu mới, cho biết: “Phân tích của chúng tôi là phân tích đầu tiên kiểm tra xem liệu việc truy cập Internet, truy cập Internet di động và việc sử dụng Internet thường xuyên có liên quan đến mức độ hạnh phúc ở phạm vi toàn cầu hay không”.

Przybylski cho biết những phát hiện trước đây về Internet và mạng xã hội bị hạn chế bởi các nghiên cứu được thực hiện kém, tập trung vào Bắc Mỹ và châu Âu và nghiên cứu chủ yếu xem xét những lo ngại về công nghệ như vậy, đặc biệt là liên quan đến giới trẻ.

Ông nói: “Sẽ thực sự tốt nếu có thể xây dựng những lời khuyên, công cụ và quy định để bảo vệ những người trẻ tuổi, nhưng chúng ta chưa có đủ bằng chứng để làm những việc đó”.

Được công bố trên tạp chí Technology, Mind and Behaviour, nghiên cứu mô tả cách Przybylski và các đồng nghiệp phân tích dữ liệu được thu thập thông qua các cuộc phỏng vấn trong khuôn khổ khảo sát Gallup World ở168 nước.

Người tham gia được hỏi về việc truy cập và sử dụng Internet cũng như tám thước đo hạnh phúc khác nhau, chẳng hạn như sự hài lòng trong cuộc sống, đời sống xã hội, mục đích sống và cảm giác về hạnh phúc tổng thể.

Nhóm đã phân tích dữ liệu từ năm 2006 đến năm 2021, bao gồm khoảng 2,4 triệu người tham gia từ 15 tuổi trở lên (mỗi nước có khoảng 1.000 người tham gia khảo sát mỗi năm).

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hơn 33.000 mô hình thống kê trên cùng tập dữ liệu này, cho phép họ khám phá nhiều mối liên hệ có thể có khác nhau, đồng thời tính đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến người tham gia, chẳng hạn như thu nhập, giáo dục, vấn đề sức khỏe và tình trạng mối quan hệ.

Kết quả cho thấy truy cập Internet, truy cập và sử dụng Internet di động nhìn chung dự báo các mức độ hạnh phúc cao hơn. Trong đó 84,9% các mối liên hệ giữa truy cập internet và hạnh phúc là tích cực; 0,4% là tiêu cực; và 14,7% không có ý nghĩa thống kê.

Nhóm nghiên cứu không thể chứng minh nguyên nhân và kết quả, nhưng nhận thấy mức độ hài lòng trong cuộc sống cao hơn 8,5% ở những người truy cập Internet.

Nghiên cứu cũng không xem xét khoảng thời gian mọi người sử dụng Internet hoặc mục đích họ sử dụng Internet.

Przybylski cho biết điều quan trọng là chính sách về công nghệ phải dựa trên bằng chứng và tác động của bất kỳ biện pháp can thiệp nào đều phải được theo dõi.

“Nếu chúng ta muốn làm cho thế giới trực tuyến trở nên an toàn hơn cho giới trẻ, chúng ta không thể làm việc dựa trên những định kiến và những loại giải pháp chung cho tất cả. Chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta có khả năng thay đổi suy nghĩ của mình bởi dữ liệu,” ông nói.

Tiến sĩ Shweta Singh – phó giáo sư về hệ thống thông tin và quản lý tại Đại học Warwick, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết các môi trường lý tưởng như Internet an toàn hoặc mạng xã hội vô hại vẫn chưa tồn tại.

Bà nói: “Mặc dù tôi rất muốn đồng ý với những phát hiện này và thực sự mong muốn chúng đúng về tổng thể, nhưng thật không may, có những bằng chứng phản bác và lập luận cho thấy không phải như vậy”.

Giáo sư Simeon Yates ở Đại học Liverpool cho biết người ta tập trung nhiều vào tác hại trực tuyến, nhưng cũng có những lợi ích, mặc dù cả hai phía đều có nhiều sắc thái hơn những gì nghiên cứu mới nhất có thể nắm bắt được.

Ông nói: “Chỉ vì mọi người đang cho thấy mức độ hạnh phúc cao hơn, điều đó không có nghĩa là không có điều tiêu cực nào xảy ra với họ trên mạng”.

Ngọc Đỗ

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)