Sự đứt gãy văn hóa của người Việt di dân là nỗi day dứt thường trực trong tôi

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ trò chuyện về những nhân vật chính trong tiểu thuyết "Quyên", tác phẩm vừa mang lại cho ông giải B cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba (2006-2009) của Hội Nhà văn Việt Nam, cũng như những dự định sáng tác trong thời gian tới. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện.

PV: Tiểu thuyết Quyên ngay khi vừa ra đời đã tạo được sự chú ý đặc biệt từ phía dư luận. Nhân vật chính là một người phụ nữ Việt lăn lộn, bầm dập nơi xứ người. Liệu Quyên có phải là sự ám ảnh cụ thể nào của tác giả trong cộng dồng người Việt tại nước Đức hay không? Xin nhà văn chia sẻ một chút về nhân vật chính Quyên trong tiểu thuyết cùng tên?

Trong tiểu thuyết của tôi, Quyên là một cô gái Hà Nội, một vẻ đẹp thuần Việt, nhưng có cuộc đời đau khổ và bầm dập trong cuộc mưu sinh nơi xứ người: Bị bỏ rơi, bị cưỡng bức, bị trôi dạt…

Trước tiên phải nói rằng, cũng như những nhân vật văn học khác, Quyên được tạo dựng bằng cách ráp nối nhiều nhân vật khác ở đời sống thực với nhiều khía cạnh khác nhau trong quá trình tác giả trải nghiệm và quan sát về đời sống người Việt tại nước Đức nói riêng và Châu Âu nói chung. Những thân phận như Quyên không thiếu trong hàng triệu người đang mưu sinh ở Châu Âu. Cụ thể hơn sự suy nghĩ, nghiền ngẫm về câu chuyện có nhân vật này đã lâu và chỉ khi tôi gặp nhân vật nguyên mẫu Kumar, thì ẩn số của tiểu thuyết được giải đáp và Quyên đã xuất hiện. Như vậy, hình tượng nhân vật Quyên ở tiểu thuyết không chỉ là một nhân vật được miêu tả chi tiết cụ thể như một nguyên mẫu nào đó có thật, nó được cố tình tạo dựng một vẻ đẹp Việt thuần chủng. Cái đẹp ấy khi bị rơi vào hoàn cảnh trôi dạt, mưu sinh xa rời đất mẹ thì “sinh sự” để tác giả gửi vào đó những suy cảm qua trải nghiệm, cả trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa trong nhận thức cá nhân tác giả. Đó là một thủ pháp có tính kinh viện.

Hai mươi năm xa xứ, sống với những đứa con xa xứ, sự đứt gãy về văn hóa của người Việt di dân là mối quan tâm trăn trở nhiều trong tôi. Ngoài ra là vấn đề đưa ra khi bàn tới khả năng hòa nhập của người Việt trong cuộc đọ sức của “Việt tính” với văn hóa, phong tục tập quán nề nếp – văn hóa bản địa và giật mình nhận ra rằng, hình như chúng ta đã khi rời lũy tre làng, văn hóa Việt có nhiều khiếm khuyết, văn hóa làng xã đã tan rã.

Người Việt hình như không được hàm dưỡng bền chắc, không có chỗ dựa vững chắc như các dân tộc lớn khác, khi họ có một nền văn hóa mà gốc tích bền vững trên cơ sở tôn giáo gốc và nền tảng triết học lớn. Người Việt di dân như đám người vượt ra biển với con thuyền nhỏ, phân tán và chia rẽ, nặng tính quần tụ địa phương mà yếu tính dân tộc. Mà nhân cách của mỗi con người vốn hình thành cả quá trình sống từ nhỏ ở quê hương bản quán, đặc biệt khi bị tách ra khỏi cộng đồng thân thuộc của mình, muốn phát triển hướng thiện thì bắt buộc phải có một thứ văn hóa gốc nâng đỡ. Đó là lí do tại sao tôi tạo được một sự đối lập trong trạng thái hướng thiện giữa những Dũng, Hùng, Quyên với Kumar – một người Sri Lanka.

Xét cho cùng, văn hóa gốc của người Việt chúng ta cơ bản chỉ là văn hóa làng xã với đạo ông bà. Phật giáo với tinh thần đúng đắn của nó không phải là lượng và chất tri thức có tính cộng đồng, được giáo hóa nghiêm túc và tinh thần giác ngộ sâu sắc. Người Việt được phân biệt trên thế giới bằng bàn thờ, bằng tục thờ cúng tổ tiên rõ nét hơn cái tinh thần triết học và nền tảnh tôn giáo thực sự do giác ngộ sâu sắc mà có. Vậy cho nên, khi bị buộc phải tách ra cộng đồng, cách xa nguồn cội, các nhân vật của tôi, kể cả Quyên đều bộc lộ nhược điểm rõ nét và trở nên bơ vơ, lạc lõng và không còn khả năng định hướng. Còn Kumar – một cá nhân nhưng có bệ đỡ vững chắc bởi văn hóa gốc Phật giáo đã rất sẵn lòng để giang tay hướng thiện. Quyên và Kumar là một cặp nhân vật không thể tách rời. Vẻ đẹp nguyên thủy của người Việt, mà Quyên là đại diện, sẽ hoàn hảo và tươi rạng, bền vững khi đứng bên tinh thần vị tha đầy Phật tính của Kumar.

PV: Trong tiểu thuyết Quyên, ông lí giải bi kịch của người Việt xa xứ bằng việc buộc phải bước qua những giá trị văn hóa dân tộc. Các nhân vật mang trong mình văn hóa bản địa nhưng khao khát hòa nhập với nền văn hóa khác. Nhưng có một điều kỳ lạ là cùng văn hóa du nhập (văn hóa Phật giáo) thì ở phương Tây dường như lại có một chỗ đứng vững vàng hơn chúng ta?

Việt tính – những điều cơ bản nhất của văn hóa làng xã, trong lòng quê hương tổ quốc đã tạo nên sức mạnh cộng đồng. Chính nó có vai trò quan trọng trong việc đoàn kết từ thời hồng hoang bầy đàn, giúp nhau vượt qua những khó khăn khi đối chọi với thiên nhiên, nó cũng phát huy được sức mạnh của quần thể Việt trong việc bảo vệ làng xã và ở xã hội phong kiến cho tới xã hội hôm là bảo vệ biên cương đất nước, dân tộc. Song với thuộc tính địa phương khá nặng nề của Việt tính nó cũng là vật cản để tự trói buộc mình trong khả năng hấp thu những nền văn hóa ngoại lai tiến bộ khác. Tính địa phương chủ nghĩa hay nhiều tập tục không nằm trong điểm giao thoa của văn minh nhân loại đã cản trở sự lớn mạnh của người Việt.

Theo tôi, sự giác ngộ của người phương Tây khác với người Việt. Người phương Tây đến với chùa khởi nguồn từ việc tìm kiếm tri thức ngoại lai, bằng việc đọc sách chả hạn. Trên một nền văn hóa cao, họ nhìn thấy cái gốc, thấy tinh hoa nhanh hơn chúng ta. Từ việc nhận thức được những giá trị tinh hoa mà họ đến với Phật giáo, trong khi người đại bộ phận người Việt Việt tìm tới cửa Phật, đi chùa theo phong trào. Số thực sự nhận thức được giáo lí của nhà Phật không nhiều, kể cả bộ phận gọi là trí thức. Người phương Tây tới với đạo Phật là sự tự giác ngộ và thậm chí họ không cần tới đốn ngộ mà vẫn có thể tới được bến Phật như câu nôm na của ông bà ta, Thứ nhất là tại gia, thứ hai là tu chợ thứ ba tu chùa… Song tôi cho là câu đó của bộ phận trí thức cổ tạo nên.

PV: Theo ông, các nhân vật trong tiểu thuyết Quyên của ông có điểm khác gì với những nhân vật của những tác giả trẻ như Linda Lê, Nam Lê dù đều là dòng văn học di dân với tâm thức người Việt xa xứ?

Tôi nghĩ, nhiều tác giả trẻ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài mà tiêu biểu là Linda Lê và Nam Lê thì nhân vật của họ cũng phảng phất bóng dáng của họ. Nghĩa là, nhân vật của Linda Lê hay Nam Lê đã là thế hệ di dân thứ hai, ba.

Những nhân vật của tôi mới chỉ ở thế hệ di dân thứ nhất. Bản tính, mà tôi cho là thuộc tính cố cựu, của Việt tính ở thế hệ di dân thứ nhất là rất khó rời xa cội nguồn bản quán. Một thứ tư duy nông nghiệp. Với tư duy này, khi buộc phải rời xa cội nguồn, như tôi đã nói, bản năng giúp họ tồn tại song chính bản năng làm họ sẽ trở nên lạc lõng và rất dễ manh động đi đến những tội ác. Tôi nghĩ đây là sự khác biệt rất lớn giữa nhân vật tiểu thuyết của tôi với nhân vật của các tác giả trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài khi viết về người Việt. Song có lẽ sự day dứt mà màu da khó thể xóa bỏ của các thế hệ đều giống nhau cả thôi.

PV: Sau
Quyên, cuốn tiểu thuyết tiếp theo của nhà văn sẽ là gì?

Tôi đang bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết tiếp theo. Đây là cuốn tiểu thuyết mở rộng biên độ về vấn đề di dân của những người từng tham gia chiến tranh, cả hai phía người Việt trong cuộc chiến tranh ở quá khứ, không chỉ trên nước Dức dù Đức là bối cảnh chính. Với cấu trúc: một chương là bối cảnh chiến tranh, một chương là cuộc sống của vẫn những con người ấy ở cả hai phía trên nước Đức sau chiến tranh. Với cách cấu trúc tác phẩm như vậy, bạn đọc sẽ có thể nhìn thấy cả một hành trình và những biến đổi hệ thống nhân vật để một lần nữa nhìn lại đất nước hơn ba bốn chục năm qua.

Thật may măn là tôi đã sống với tất cả những tư liệu cho cuốn tiểu thuyết sắp tới của mình suốt 21 năm tại Đức và 11 năm chiến tranh. Từ xa, có quang cách về địa lí và thời gian nhìn lại thấy rõ hơn sự tự hào cũng như bi kịch của dân tộc. Được chứng kiến vài điểm lớn lao của lịch sử thế giới, sự khác nhau cũng như tương đồng về bối cảnh lịch sử, để đi đến thống nhất của cả hai đất nước Việt Nam và nước Đức cũng là điều kiện cho tôi có suy nghĩ khác hơn khi còn ở trong đất nước. Tôi quan niệm rằng, cả hai đất nước đã chọn cho mình hai con đường đi đúng đắn, khi nhìn nó biện chứng trong bối cảnh lịch sử thế giới khác nhau. Tôi hy vọng, một người lính cũ có tên là Nguyễn Văn Thọ sẽ trả được ít nhiều nợ nần sau cuốn tiểu thuyết tên là Thời gian chết này, dù là trước đây có khá nhiều truyện ngắn tôi viết về cuộc chiến.

PV: Xin cảm ơn nhà văn!

 

Tác giả

(Visited 27 times, 1 visits today)