Sử gia Nguyễn Thế Anh: Từ trời Âu về đất Á
Sử gia Nguyễn Thế Anh nguyên là Giám đốc nghiên cứu, phụ trách Laboratoire Péninsule Indochinoise, Peuples et États của École pratique des hautes études (EPHE), học viện khảo cứu danh giá hàng đầu của Pháp hơn 150 năm lịch sử với các hướng nghiên cứu chủ yếu là khoa học sự sống và Trái đất, khoa học lịch sử và văn hiến, khoa học tôn giáo. Ở đó, GS. Nguyễn Thế Anh được đánh giá là sử gia hàng đầu thế giới về các vấn đề Việt Nam và khu vực Đông Á.
Khởi đầu từ Việt học
Con đường đến với sử học của GS. Nguyễn Thế Anh bắt đầu từ năm 1956, ở tuổi hai mươi, với học bổng du học Pháp về khảo cứu văn hóa xứ sở hình lục lăng. Bắt đầu từ đây, ông tham gia chương trình nghiên cứu và xuất bản theo chủ đề Sự bành trướng Âu châu (1600-1870) do sử gia kinh tế người Pháp là Frédéric Mauro (1921-2001) chủ trì và có dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp: viết cuốn Bibliographie critique sur les relations entre le VietNam et l’Occiden1 [Thư mục phê bình về các mối quan hệ giữa Việt Nam và phương Tây: sách và bài báo bằng ngôn ngữ Tây phương].
Không chỉ là dấu ấn kế tiếp truyền thống và cập nhật dòng chảy sử học này, Bibliographie critique 1967 của GS. Nguyễn Thế Anh còn mang ý nghĩa nhiều hơn thế. Để hiểu được giá trị của cuốn sách, chúng ta phải trở lại bối cảnh nghiên cứu thời kỳ đó: từ nửa sau thế kỷ XIX và một vài thập niên đầu thế kỷ XX, đã có những thư mục về cổ tịch Việt Nam được học giả thuộc địa Pháp sưu tầm, biên soạn từ di sản văn hiến Việt Nam và thành tựu khảo cứu của người phương Tây, trong đó đáng kể là Bibliographie annamite: livres, recueils périodiques, manuscrits, plans2 [Thư mục Việt Nam: sách, tạp chí định kỳ, bản thảo, đồ hình](1867); Dictionnaire Bio-Bibliographie générale, ancienne et moderne de l’Indochine française3 [Từ điển Thư mục Đông Dương: tổng thể, cổ và kim] (1935). Tuy nhiên, đây đều là những nghiên cứu của học giả Pháp về Việt Nam bởi sử học Âu châu những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX còn vắng những sách hoặc bài báo của các sử gia Việt Nam [“sans les ouvrages ou articles d’historiens vietnamiens” – NTA]. Trong khi đó, phạm vi thực hiện của thư mục đã được minh định là Thư mục những công trình Âu châu về quan hệ Việt Nam-phương Tây [“Bibliographie des travaux européens sur les relations du Viet-Nam avec l’Occident” – NTA].
Ở đây, nhãn quan phân tích của một nhà sử học đã thể hiện trực tiếp ngay trong đường hướng xây dựng thư mục này của ông:
“…le point de vue vietnamien manque jusqu’ici dans l’histoire des rapports entre le Viêt-Nam et l’Europe. Mais cette absence ne s’explique-t-elle pas par le fait que notre travail est une bibliographie d’ouvrages européens ? Il reste donc à voir ce que les Vietnamiens eux-mêmes ont pu ou pourront dire sur leurs relations avec l’Occident”.
[…quan điểm từ phía Việt Nam vắng bóng đến tận thời điểm này trong lịch sử các quan hệ Việt-Âu. Nhưng sự thiếu vắng này đâu có nghĩa rằng với việc đó, công trình của chúng tôi [chỉ] là một thư mục những tác phẩm Âu châu ? Vì thế còn phải chờ xem ở chính người Việt đã hoặc sẽ có thể bày tỏ [quan điểm của mình] về những liên hệ với phương Tây].
(Trích “Introduction” (1964) trong Bibliographie critique…]
Ông đã tiên phong nghiên cứu về triều Nguyễn từ rất lâu trước khi nó trở thành trào lưu; ba chủ đề chính bao trùm di sản học thuật của giáo sư Nguyễn Thế Anh những trải nghiệm biên giới, chủ nghĩa dân tộc phi cách mạng, và một góc nhìn toàn cầu về dân tộc; điển hình trong công trình của ông, biên giới chủ yếu là nơi gặp gỡ thay vì là ranh giới.
Vào thời điểm đó, Nguyễn Thế Anh hoàn toàn có thể đi theo một con đường khác: trở thành sử gia chuyên về miền Nam nước Pháp, không phải sử Việt. Danh tính của ông đã gắn liền với một phần lịch sử của Béziers – thành phố miền Nam, được coi là cổ nhất ở Pháp: từ năm 1961, ông đã là soạn giả của Essai de bibliographie critique de l’histoire de Béziers des origines au XIXe siècle [Tiểu luận thư mục phê bình vể lịch sử Béziers từ khởi nguồn tới thế kỷ XIX]4. Những khảo cứu của ông về lưu vực sông Adour ở miền Tây Nam nước Pháp cũng đã được công bố từ năm 19695. Thế nhưng, sử Việt đã trở thành chủ đề lớn hơn cả trong thành tựu nghiên cứu của ông.
Thường giữ trọn vẹn danh tính Việt Nam trong các ấn phẩm công bố với học giới quốc tế, GS. Nguyễn Thế Anh ở cương vị chủ trì một trung tâm nghiên cứu giữa Paris đã thu hút được giới nghiên cứu từ nhiều quốc gia, nhiều thế hệ thông qua nhiều chủ đề và phạm vi học thuật về sử Việt :
– Nghiên cứu về những vấn đề của làng xã Việt Nam trong tương quan với tổng thể xã hội Việt Nam thời quân chủ-thuộc Pháp.
– Nghiên cứu về những vấn đề của quốc gia-lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả quá trình Nam tiến trong tương quan với lịch sử khu vực Đông Á, Đông Nam Á.
– Nghiên cứu về nhiều vấn đề chính trị-xã hội của Việt Nam thế kỷ XX với nhãn quan sử học, không thiên lệch bởi bất cứ quan điểm chính trị nào.
– Nghiên cứu về các nhân vật Việt sử nổi bật như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh với nhãn quan sử học chính đáng, không bị lệ thuộc vào cảm tính cá nhân cũng như không bị thiên lệch bởi các đường hướng chính trị, các sức ép chính trị.
– Là sử gia người Việt hải ngoại có công đầu trong giai đoạn 1990-2005 gợi mở hướng nghiên cứu Việt học từ nguồn tài liệu châu bản (GS.Yoshiharu Tsuboi là nhân chứng, có tài liệu ghi nhận).
– Là sử gia gốc Việt hải ngoại có công đầu trong giai đoạn này thu hút các nhà Việt học, Đông Nam Á học quốc tế chú trọng tới các nguồn tài liệu từ cổ xưa tới đương đại, bao gồm tài liệu Hán Nôm, trong nghiên cứu về Việt Nam.
Ở vị thế dẫn dắt và hợp tác, GS. Nguyễn Thế Anh đã đồng hành với học giới Âu Mỹ trong một giai đoạn phát triển rạng rỡ của nền Việt học.
Di sản là Việt sử
Danh mục học thuật gần nhất của GS. Nguyễn Thế Anh cho biết, trong khoảng 1961-2022, có 21 sách mà ông là tác giả duy nhất hoặc là chủ biên, đồng tác giả; 157 bài khảo cứu và chương sách, cùng luận văn, luận án mà ông đã thực hiện tại Pháp. Được viết bằng Pháp văn, Anh văn và Việt văn, các kết quả nghiên cứu sử học của ông đã được in lại, chuyển ngữ nhiều lần, hiện diện trong nhiều ấn phẩm khác nhau. Ở Việt Nam, bước vào thế kỷ XXI, các tài liệu ban đầu được in lại của ông chủ yếu là những sử phẩm kinh tế – xã hội từng được ấn hành và tái bản từ trước 1975, đó là những sách nghiên cứu lịch sử và chú giải tài liệu lịch sử căn bản, hữu ích cho giới sinh viên đại học nói riêng và học giới nói chung, được viết bằng Việt văn. Tính ra, từ khi ra đời tới nay, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn đã được in bốn lần, Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ bốn lần, Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908 qua châu bản triều Duy Tân hai lần, Nhập môn phương pháp sử học hai lần.
Bên cạnh bốn cuốn sách này, nhiều bài khảo sử là kết quả nghiên cứu được học giới quốc tế công nhận lần lượt lần lượt được dịch Việt văn và đăng tải tại Việt Nam. Bộ chuyên san Nghiên cứu Huế 9 tập (1999-2021) được coi là một nơi mở đầu thực hiện được điều này, với sự cho phép của tác giả.
Ấn phẩm Theo dòng lịch sử được xuất bản năm 2017, tập hợp một số bài viết bằng Việt văn và nhiều bài khác là bản dịch dẫn nguồn từ Nghiên cứu Huế. Con mắt xanh của người chủ trương Nghiên cứu Huế đã đưa tới độc giả Việt Nam những bài khảo sử hoặc vĩ mô hoặc vi mô, hoặc công bố tài liệu mới hoặc trình hiện cách tiếp cận mới, thảy đều sáng rõ, chính đáng. “Some remarks on Indochinese diplomacy in the early 19th century” [Một số vấn đề nổi bật về chính sách ngoại giao ở Đông Dương đầu thế kỷ XIX] (1976), “Traditionalisme et réformisme à la cour de Huê dans la seconde moitié du XIXe siècle” [Chủ nghĩa truyền thống và chủ nghĩa cải cách tại triều đình Huế trong hậu bán thế kỷ XIX] (1981), “L’immigration chinoise et la colonisation du delta du Mékong” [Hoa kiều và sự định dân tại vùng đồng bằng sông Cửu Long] (1996), “Japanese Food Policies and the 1945 Great Famine in Indochina” [Chính sách lương thực của Nhật Bản và nạn đói lớn năm 1945 tại Việt Nam] (1998), “Village versus State: The Evolution of State-Local Relations in Vietnam until 1945” [Làng xã đối diện chính phủ: diễn tiến của quan hệ trung ương – địa phương tại Việt Nam cho đến năm 1945 ] (2003), “Efforts to update Confucian principles of government under the reign of Tự Ðức” [Những cố gắng cập nhật các nguyên tắc chính trị Khổng giáo thời vua Tự Ðức] (2007) là ví dụ tiêu biểu. Đây cũng là nhân tố chủ yếu tạo nên sức hút của ấn phẩm này: lần đầu tiên từ sau 1975, một sử gia gốc Việt thành danh trong cộng đồng học thuật Âu-Mỹ và thực ra vẫn được giới sử học trong nước biết tới từ sớm, đã hiện diện công khai trong hình thức sách, với những bài khảo cứu mẫu mực.
Gần đây nhất là ấn phẩm Việt Nam vận hội đến tay độc giả Việt Nam đầu năm 2021, khởi từ dự tính là một trong chuỗi nhiều sách tuyển tập bài khảo cứu của sử gia Nguyễn Thế Anh. Với ba chủ đề: Nhãn quan sử học, Việt Nam nhìn từ quan hệ đối ngoại, Việt Nam nhìn từ nhân vật bao gồm 20 bài Việt văn và bài dịch mới từ Pháp văn, Anh văn, bản thảo hoàn chỉnh trải qua hơn ba năm để đi tới ấn phẩm còn 17 bài viết và ít nhiều hao khuyết khác. Những nghiên cứu bổ túc cho chân dung một số nhân vật đáng kể trong sử Việt đã chưa thể hiện diện trong tuyển tập này, bù lại vẫn giữ được số bài viết quan trọng về lịch sử xã hội Việt Nam thời quân chủ – thuộc địa như là “State and Civil Society under the Trinh Lords in Seventeenth Century Vietnam” [Nhà nước và xã hội dân sự dưới thời Chúa Trịnh tại Việt Nam thế kỷ XVII] (1994), “Secret Societies: Some Reflections on the Court of Huế and the Government of Cochinchina on the Eve of Tự Đức’s Death (1882-1883)” [(Các hội kín: Một vài nhận định về Triều đình Huế và Chính quyền Đông Dương trong đêm trước tạ thế của Tự Đức (1882-1883)] (1978)… “Lời giới thiệu” của Việt Nam vận hội mà đích thân tác giả mời là giáo sư K.W. Taylor viết là một minh chứng cho giá trị học thuật và tâm nguyện truyền thừa mà những sử gia hàng đầu như hai ông tương tri nhau và nhìn về tương lai Việt sử: “GS. Nguyễn Thế Anh đã tạo ra một di sản không chỉ bằng sự nghiệp xuất sắc ở cả hai đất nước và bằng những nội dung trong công trình của ông, mà còn bằng việc nuôi dưỡng sự khích lệ mà ông đã dành cho các sinh viên và đồng nghiệp, trong đó tập sách này là một minh chứng”.
Luôn luôn đặt Việt Nam cũng như các vấn đề của sử Việt trong bối cảnh khu vực và toàn cầu, không chấp nhận bất kỳ chi phối chính trị nào, điểm cốt yếu thành tựu sử học của Nguyễn Thế Anh được đồng nghiệp khái quát và xác nhận: Ông đã tiên phong nghiên cứu về triều Nguyễn từ rất lâu trước khi nó trở thành trào lưu; ba chủ đề chính bao trùm di sản học thuật của giáo sư Nguyễn Thế Anh những trải nghiệm biên giới, chủ nghĩa dân tộc phi cách mạng, và một góc nhìn toàn cầu về dân tộc; điển hình trong công trình của ông, biên giới chủ yếu là nơi gặp gỡ thay vì là ranh giới. Sử học Nguyễn Thế Anh cũng đã gặp gỡ thành tựu sử học toàn cầu như vậy.□
——
Chú thích
1 Paris : G.P Maisonneuve et Larose, 1967. 310 tr.
2 Barbie du Bocage, Paris: Challamel, Ainé, Librairie-Éditeur.
3 A. Brebion, Paris: Société d’Éditions géographiques. Maritimes et Coloniales.
4 Bản thảo hiện được lưu trữ và phục vụ tại thư viện đa phương tiện thành phố Béziers (Pháp).
5 Nguyễn Thế Anh (1969), «Evolution morphologique du bassin de l’Adour» [Diễn tiến địa mạo lưu vực sông Adour] (tr. 11-19), và «L’évolution de la mise en valeur de la vallée de l’Adour» [Diễn tiến khai khẩn lưu vực sông Adour] (tr. 73-87). Les bases biogéographiques de l’aménagement de la haute vallée de l’Adour [Nền tảng địa lý sinh học của quy hoạch vùng thượng lưu sông Adour], Trong Toulouse : CNRS.