Sự kéo dài vĩnh cửu

Ryszard Kapuściński viết ở đây rằng châu Phi không có lịch sử theo cách hiểu châu Âu về một lịch sử thành văn, khách quan và có tính khoa học, mà từ thế hệ này sang thế hệ khác người Phi kể cho nhau nghe và “từng thế hệ, khi nghe phiên bản được truyền cho mình, lại thay đổi và tiếp tục thay đổi nó, làm biến dạng, sửa sang, tô màu cho nó”, để rồi cuối cùng, “lịch sử đạt đến hình thức trong suốt, tinh khiết nhất của mình: hình thức của huyền thoại” (tr.458).

Dường như trong cuốn sách tái hiện cuộc khám phá trải gần bốn mươi năm liên đới với Phi châu này của ông, Kapuściński đồng thời làm sống lại trong văn chương của mình phong cách huyền thoại đặc thù đó.

Gỗ mun* là một chuỗi hai mươi chín câu chuyện kể một cách uyển chuyển tạo nên một hình dung về lịch sử hiện đại của châu Phi, cái lịch sử mà Kapuściński nắm bắt một cách vô song ở đây qua những lát cắt thực tại tạo thành một bức tranh ghép, và giữa các mảnh ghép là những khoảng trống lung linh sâu xa viền quanh – như thể cái thực tại được trần thuật ấy ta nhìn qua cái nắng dữ dội của miền Nam Sahara, cái nắng khiến “mọi thứ trở nên lỏng, mọi hình ảnh đều rung rinh và nhạt nhòa” (tr.70) – mà đồng thời cũng là những truyện kể giản dị, chân thực và mật thiết về một số những diện mạo khác nhau của một thực tại lạ lùng: “Khởi đầu: Cú va chạm, Ghana 1958”, “Đường đến Kumasi”, “Cấu trúc thị tộc”, “Tôi, một Người Da trắng”, “Trái tim rắn hổ mang”, “Bên trong tảng núi băng”, “Bác sĩ Doyle”, “Zanzibar”, “Giải phẫu một cuộc đảo chính”, “Hẻm phố của tôi, 1967”, “Salim”, “Lalibela, 1975”, “Amin”, “Cuộc phục kích”, “Sẽ có ngày hội”, “Thuyết trình về Rwanda”, “Những viên pha lê đen của màn đêm”, “Những người ấy, họ đâu rồi”, “Cái giếng”, “Một ngày ở làng Abdallah Wallo”, “Trở dậy trong bóng tối”, “Địa ngục đang nguội”, “Dòng sông lững lờ”, “Madam Diuf đi về nhà”, “Muối và vàng”, “Xem kìa, Đức Chúa ngự trên mây bay”, “Cái hố ở Onitsha”, “Những cảnh tượng Eritrea”, “Trong bóng cây, ở châu Phi”.

Đó là cái thực tại, khá lâu sau cú “Khởi đầu…” của Kapuściński và hầu như chắc chắn có phần đóng góp của ông với tư cách một phóng viên quốc tế, cái thực tại đã trở nên đặc thù và phổ biến trên đại dương truyền thông của thế giới hiện đại trong một thuật ngữ gọi là Châu Phi vùng Nam (Sa mạc) Sahara.

Trong hai mươi chín lát cắt kể trên, mà một vài nhà bình luận thấy chúng như là các truyện ngắn, ta được đưa đi từ bờ Tây sang bờ Đông, đặc biệt là Vùng Sừng châu Phi, xuống miền Nam châu lục một chút đến Rwanda – không có các quốc gia vùng Bắc Phi và Nam Phi – khiến ta nghĩ những giới hạn địa lý đó ngầm chứa một gợi ý của tác giả; thêm nữa, không có một mô tả nào trong hàng loạt mô tả hết sức ấn tượng của những trình thuật sắc bén này mà lại khiến người đọc chú mục đến màu da của các nhân vật người bản địa, và ta sẽ có cảm giác Kapuściński chỉ đôi chỗ buộc phải dùng đến cụm từ “Người Da Đen” hay “da đen” như một loại thuật ngữ đã thuộc về quá khứ, gây khó chịu bởi tính phiến diện sáo mòn và phản cảm, không tương xứng với con người, không nói lên gì ngoài một thái độ gây thương tổn.

Bởi vậy các trình thuật này gieo ấn tượng như một lịch sử được viết lại, uốn nắn lại, theo kiểu một sách trong Cựu Ước, từ trải nghiệm của một chứng nhân, tin cậy vào các lời kể, bao gồm cả những ghi chép khái quát như “Thuyết trình về Rwanda”, hay những câu chuyện với tầm nhìn sử thi như trong “Địa ngục đang nguội” kể về nước Liberia kỳ quặc lập nên bởi những cựu nô lệ gốc Phi được hồi hương sau cuộc giải phóng nô lệ ở Mỹ, hay trong “Những cảnh tượng Eritrea” kể về cuộc kháng chiến giành độc lập của xứ sở này mà rất ít người biết đến, cuộc chiến tranh ba mươi năm – dài nhất trong lịch sử châu lục (tr.442)…

Các trình thuật này có đủ những hình ảnh đặc trưng: sa mạc, lạc đà, ốc đảo, rừng mưa xích đạo khổng lồ, những cây bao báp, bình nguyên Serengeti như Vườn Địa đàng mặt đất, từ bờ sông Nile đến châu thổ sông Niger và Hồ Chad, Bờ Biển Ngà và bọn buôn kim cương quốc tế… tuy nhiên hoàn toàn không tỏ ra ý hướng vươn đến hết địa lý châu lục, mà luôn luôn dán mắt vào cuộc sống của “những người bản địa”.

Đó dường như là cái ngụ ý bao trùm của tác giả mà ông đã hé lộ ngay trong đoạn phàm lệ đầu sách hết sức ngắn gọn, toát lên một niềm suy tư hết sức khiêm nhường: “Đây không phải là cuốn sách về châu Phi, mà về một số người ở đó, về những cuộc gặp gỡ với họ, những khoảng thời gian bên nhau. Châu lục này quá lớn để có thể miêu tả nó. Đó là … một hành tinh riêng… Chúng ta gọi “châu Phi” chỉ là để cho tiện, một cách vô cùng giản lược. Trên thực tế, ngoài cái tên địa lý, châu Phi không tồn tại”.

Làm sao có thể nói về một cái “không tồn tại” to lớn đến như vậy? Nhưng thật rõ đó là một ẩn dụ của Kapuściński – điều đã khiến cả những người ca ngợi và những người chỉ trích các tác phẩm của ông đều nói ông viết văn chương hư cấu hơn là phóng sự.

Tuy nhiên, Kapuściński đã từng gọi tác phẩm của mình là những “phóng sự mang tính văn học”, và nhấn mạnh nếu không tìm những cách thức khác để quan sát, tri nhận và mô tả thì người ta sẽ chẳng hiểu được chút gì về thế giới.

Cái “cách thức khác” ấy ông thể hiện một phần trong những câu chuyện này: cách kể gợi ý với người đọc rằng họ đang nghe một tiếng vọng từ những truyện kể đặc thù của người Phi.

Một thí dụ, trong tiết đoạn “Cái giếng”, Kapuściński lưu ý cách kể của nhân vật người Somalia có tên Hamed: “Hamed nói với tôi rằng thi ca của họ thường kể về các bi kịch và sự diệt vong của các thị tộc không kịp dến được giếng nước khi đi qua sa mạc. Một chuyến đi bi thảm như thế thường kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần. Cừu và dê chết trước tiên. … “Sau đó là trẻ con” – anh nói, không thêm gì cả. Không kể các ông bố bà mẹ phản ứng ra sao, các đám tang như thế nào. “Sau đó là trẻ con” – anh nhắc lại rồi im lặng. … “Rồi phụ nữ chết” – lát sau anh tiếp tục. …” (tr.301).

Dường như việc Hamed không kể về các “phản ứng” hay “đám tang” đã tạo một thay đổi làm nên đặc tính của văn mạch hoặc có một ý nghĩa biểu tượng – trình thuật đó bỗng trở nên một câu chuyện khái quát vượt khỏi thời tính thông thường, hầu như mất đi sắc thái cụ thể đơn lẻ; hoặc chính điều đó đã khiến cho biến cố và chuỗi sự kiện của câu chuyện trở nên rõ rệt hơn trong tính bi thảm của chúng: cuối cùng thì điều đáng sợ nhất đối với một người Somalia sẽ tới, Kapuściński kể, khi mà chỉ còn lạc đà và đàn ông sống sót, tới giới hạn ba tuần, nếu họ còn lại một mình trên mặt đất – “Hamed thốt lên và trong giọng nói của anh có âm sắc hoảng sợ, bởi đó chính là điều mà một người Somalia không thể hình dung nổi: còn lại một mình trên thế giới” (tr.302).

Tình tiết này là một trong những điểm bộc lộ rõ nhất điều dường như là ý hướng nền tảng của tác giả trong các trình thuật này của ông: sau mọi thứ, ông muốn khám phá con người – không phải trong vai một nhà thám hiểm (với đầu óc “thực dân”, như một ai đó chỉ trích nặng nề), cũng không trong vai nhà dân tộc nhân chủng hay khảo cổ học.

Sự khám phá đó của Kapuściński nhằm đến điều, đã dẫn ở trên, là có một lịch sử đích thực của những xứ sở này nằm trong lời kể của các cư dân, do đó nằm trong tâm hồn và trong cách thức họ sống hơn là trong những gì người ta khái luận về họ.

Ở tiết đoạn thứ nhất, “Khởi đầu: Cú va chạm, Ghana 1958”, ông dựng lại chân dung một người Phi hiện đại thời giữa thế kỷ XX, Kofi Baako, Bộ trưởng Giáo dục và Thông tin của Cộng hòa Ghana mới giành độc lập. Tính đến khoảng cách thời gian bốn mươi năm, ta hẳn nên kinh ngạc với ấn tượng còn giữ nguyên vẻ hoàn toàn tươi mới một niềm hy vọng rất trẻ, rất lý tưởng của thời kỳ phi-thực-dân-hoá các xứ thuộc địa toát ra từ các mô tả của Kapuściński về anh chàng Bộ trưởng này, cũng như những hình ảnh phấn khích của đám đông quần chúng và cảnh tượng sinh hoạt náo nhiệt đặc thù trên đường phố thủ đô Accra nơi tất cả dường như đều vừa hồi sinh bởi cảm thức sống trong một đất nước độc lập tự do.

Câu chuyện mở đầu cuốn sách này cũng là câu chuyện duy nhất mà ngôn từ lấp lánh nỗi hy vọng mỗi khi chạm đến hình ảnh “người bản xứ” (tr.10).

Ở tất cả các tiết đoạn sau, nỗi hy vọng đó dần nhường chỗ cho niềm băn khoăn bất tận.

Ngay trong tiết đoạn thứ hai, “Đường đến Kumasi”, câu hỏi mở ra với hình ảnh những người Phi trong “trạng thái chờ đợi bất động”, “Thân hình mềm lả, rũ xuống, co vào. Cổ bất động, đầu không động đậy. Con người không nhìn quanh, không quan sát, không tò mò. … Thường là mắt mở, nhưng không có ánh nhìn, không một tia sáng của sự sống. … Họ không ăn, không uống, không đi tiểu. Họ không phản ứng với ánh nắng ác ôn đang thiêu đốt, với đám ruồi phàm ăn hung tợn đang bâu lên môi, lên mi mắt họ” (tr.28-29).

Vậy mỗi lúc phải đợi chờ “họ” lại thoát ra bên ngoài của hiện hữu chăng?

Kapuściński trong cuốn sách này không phải một người viết du ký; ông chọn lọc từ các ký ức suốt mấy thập niên của ông để kể về cái thực tại lạ lùng này; bởi vậy những chi tiết trong truyện đều là những chi tiết đã được nghiền ngẫm sàng lọc. Và sự quan sát con người ở đây khiến liên tưởng đến quan sát của danh họa Paul Gauguin về những “người bản xứ” ở Tahiti.

Trong “Hẻm phố của tôi,1967” Kapuściński kể từ nơi ông trú ngụ ở Lagos, thủ đô Nigeria, trong một căn hộ thuê: “nằm trong trung tâm thành phố, trên đảo Lagos. Hòn đảo này trước kia là điểm tập kết của những kẻ buôn bán nô lệ và gốc gác nhục nhã đen tối ấy đã để lại trong bầu không khí thành phố một cái gì đó bất an, hung bạo. … Thực ra tôi có thể chọn Ikoyi – khu vực an toàn và sang trọng … nhưng đó là một nơi quá nhân tạo, khép kín … Mà tôi thì muốn sống … trên một đường phố châu Phi, trong một căn nhà châu Phi. Nếu không, làm sao tôi có thể hiểu được thành phố này? Châu lục này?” (tr.160-161).

Cuộc khám phá của Kapuściński là một hành trình từ bề mặt vào bề sâu và không có tiên kiến, nhưng lại không phải một lối tò mò với xứ lạ, có lẽ bởi thế những trình thuật này mang lại cho ta nỗi ngẫm nghĩ ngạc nhiên sâu sắc về miền đất cái nôi của nhân loại: một hành trình quanh co một cách bí ẩn từ bờ Vịnh Guinea sang bờ Hồng Hải, cho đến lúc dừng lại nghỉ dưới bóng một cây xoài trên đất Ethiopia.

Thực ra có rất ít những mốc lịch đại cụ thể được ghi vào các lộ trình ở đây, mặc dù nhìn chung đó là thời kỳ từ cuối thập niên 1950 đến giữa thập niên 1990 với khá nhiều sự kiện đảo chính quân sự và nội chiến được ghi nhận; dẫu sao thì vẫn không phải một chuỗi phóng sự báo chí hoặc một công trình sử học điền dã.

Vậy cái gì đặc trưng cho các trình thuật này? – Có một gợi ý : “Đến gần Gondar (… thành đô này của vua chúa Ethiopia …) tôi gặp một người đi bộ từ Bắc xuống Nam. Đó chính là điều quan trọng nhất có thể nói về anh ta: đi từ Bắc xuống Nam. À, còn có thể nói thêm rằng anh ta đi như thế để tìm anh trai mình”. Và cái người đi bộ đó không có gì ngoài cây gậy lữ hành, bộ quần áo rách mất dạng, một mẩu vải làm khăn và “một cái tách bằng gỗ có nắp đậy đeo qua vai”; không có tiền; ai cho gì ăn nấy, không thì nhịn mà đi; cũng không biết anh trai ở đâu, chỉ biết là anh ấy đã đi về phía Nam; và “[c]ả đời anh luôn luôn đói, cái đói chẳng có gì là bất bình thường.” Vậy “[t]ại sao anh lại muốn đi tìm anh trai? Tại sao ư? Anh không hiểu câu hỏi. Lý do là hiển nhiên, lý do ở trong chính nó, không cần giải thích. … Anh cười nụ cười của một người biết nhiều, người dù sao cũng biết một điều, rằng đối với anh, ở châu Phi này không có biên giới và các quốc gia: chỉ có một mảnh đất nóng bỏng, nơi em đi tìm anh” (tr.333-335).

Câu chuyện nhỏ ấy, trong tiết đoạn “Trở dậy trong bóng tối”, còn là cái gì đó hơn cả một ẩn dụ – nó ngang bằng với một huyền thoại.

“Cư dân châu Phi là một mạng lưới khổng lồ rối rắm chồng chéo phủ lên khắp lục địa, liên tục di chuyển, ai cũng là dân nhập cư bởi họ đều lang thang từ nơi này sang nơi khác” (tr.32).

Kapuściński khám phá cái mạng lưới huyền thoại khổng lồ đó, hiển nhiên trong chính nó, chứa đựng lịch sử bí ẩn mà ông thấy là vượt khỏi khái niệm về thời gian, là một “sự kéo dài vĩnh cửu” (tr.459), hay chính là cái mẫu gốc của huyền thoại về Người.

* Gỗ mun, Nguyễn Thái Linh dịch, Nhã Nam & NXB Thế giới, 2011

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)