Sự thăng trầm của kiến trúc XHCN

Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi “chứng mất trí nhớ giai đoạn XHCN”, các công trình kiến trúc XHCN được coi là một di sản kiến trúc và có vị thế quan trọng trong lịch sử văn hóa.

Trường Đại học Tổng hợp Moskva, 1953, KTS: Lev Rudnev. Nguồn ảnh: Wikipedia

Sự xuất hiện của phong cách kiến trúc XHCN tại quê hương Xô viết và nhiều quốc gia XHCN khác trong quá khứ không hề mang tính đơn lẻ, ngược lại, có tính kết nối chặt chẽ. Dẫu vậy, trong dòng chảy chung của cả khối XHCN, phong cách kiến trúc này ở mỗi quốc gia không hề tạo ra những công trình “mặc đồng phục”, giống hệt nhau như người ta vẫn tưởng lầm, ngược lại mang những sắc thái khác nhau bên cạnh và chịu tác động rõ rệt bởi những sự kiện chính trị diễn ra ở Nga. Bên cạnh đó, hoàn cảnh xuất hiện, phát triển, tan rã ở mỗi quốc gia trong khối XHCN đều có sự khác biệt rất rõ. 

Về cơ bản, kiến trúc XHCN có ba giai đoạn, tương ứng với ba trào lưu: Chủ nghĩa Kiến tạo (1917-1932), Chủ nghĩa Stalin (1932-1955), Chủ nghĩa Hiện đại XHCN (1955-1990).

Chủ nghĩa Kiến tạo (Constructivism)

Chủ nghĩa Kiến tạo gắn bó chặt chẽ với thời kỳ đầu của nhà nước Nga Xô viết. Dù những ý tưởng kiến trúc Kiến tạo bắt đầu xuất hiện năm 1915, cùng với phong trào Tiên phong (Avant-garde) ở nước Nga Sa hoàng, nhưng cuộc Cách mạng tháng Mười 1917 mới là sự kiện bước ngoặt để các kiến trúc sư hiện thực hóa những ý tưởng mới. Nguyên nhân chính là họ tìm thấy sự tương thích của cuộc cách mạng xã hội với cuộc cách mạng kiến trúc. Nhà nước Xô viết non trẻ cũng nhận ra sự cần thiết của xu hướng nghệ thuật mới trong việc lan tỏa lý tưởng xã hội chủ nghĩa, khẳng định sự tiến bộ của chế độ mới. 

Tạo hình của chủ nghĩa Kiến tạo mang tính đột phá, tiên phong. Nó giới thiệu các bố cục hình học, bác bỏ cách điệu trang trí, nhấn mạnh vào chuyển động và sự tương phản trên bề mặt tòa nhà, sử dụng vật liệu hiện đại như thép và bê tông. Nó tập trung vào mục đích chức năng và nội dung xã hội hơn là ý nghĩa biểu trưng, sử dụng thời gian và chuyển động trong việc định hình không gian. 

Tạo hình của chủ nghĩa Kiến tạo mang tính đột phá, tiên phong. Nó giới thiệu các bố cục hình học, bác bỏ cách điệu trang trí, nhấn mạnh vào chuyển động và sự tương phản trên bề mặt tòa nhà, sử dụng vật liệu hiện đại như thép và bê tông. Nó tập trung vào mục đích chức năng và nội dung xã hội hơn là ý nghĩa biểu trưng, sử dụng thời gian và chuyển động trong việc định hình không gian. 

Về công năng, chủ nghĩa Kiến tạo hướng tới các dự án phục vụ tiện dụng cho công nhân, nhà ở xã hội, thể hiện sự thay đổi theo hướng tiếp cận mang tính xã hội hơn các phong trào trước đó. Kiến trúc tạo dựng đời sống mới bằng sự xuất hiện các thể loại công trình chỉ có ở nhà nước xã hội chủ nghĩa như cung lao động, nhà tập thể, nông trang hợp tác xã. Người lao động bình dân có thể tiếp cận văn hóa, giải trí chất lượng cao ở cung lao động, được cấp nhà ở miễn phí trong tiểu khu với tiện ích đầy đủ. 

Những công trình nổi bật của chủ nghĩa Kiến tạo có thể kể đến ở đây là Đài tưởng niệm Quốc tế Thứ ba (mô hình, Tatlin, 1919), Tháp Shabolovka (Shukhov, 1920-1922), Câu lạc bộ Công nhân Zuyev (Golosov, 1927-1929), Câu lạc bộ Công nhân Rusakov (Melnikov, 1927-1928), Tòa nhà Narkomfin (Ginzburg, 1928-1930), vv.

Trụ sở Bộ Xây dựng đường cao tốc Gruzia (thuộc Liên Xô), nay là Trụ sở Ngân hàng Gruzia, Tbilisi, 1975. KTS: George Chakhava. Nguồn ảnh: Wikipedia

Các lãnh đạo Xô viết thấy rằng cần phải đổi mới giáo dục nói chung, giáo dục nghệ thuật – kiến trúc nói riêng để phục vụ lý tưởng xã hội. Trường nghệ thuật Vkhutemas được thành lập năm 1920 tại Moskva theo sắc lệnh của Vladimir Lenin với mục đích “chuẩn bị cho các nghệ sĩ bậc thầy có trình độ cao nhất cho ngành công nghiệp, cũng như các nhà xây dựng và quản lý cho giáo dục kỹ thuật chuyên nghiệp”. Vkhutemas đã sáp nhập Trường Hội họa, Điêu khắc và Kiến trúc Moskva với Trường Nghệ thuật Ứng dụng Stroganov. Trường có 100 giảng viên và 2.500 sinh viên, cung cấp các khóa học về đồ họa, điêu khắc, kiến trúc, in ấn, dệt may, gốm sứ, chế biến gỗ và gia công kim loại. Chương trình đào tạo tại Vkhutemas được cấu trúc xoay quanh khóa học cơ bản sơ bộ bắt buộc đối với tất cả học sinh, tập trung vào sự kết hợp giữa các ngành khoa học và nghệ thuật. Khóa học cơ bản này nhấn mạnh ngôn ngữ của các hình thức tạo hình, màu sắc, hình vẽ, mối quan hệ màu sắc và bố cục không gian. Những nhân vật đáng chú ý của chủ nghĩa Kiến tạo như Lyubov Popova, Alexander Rodchenko và Aleksandra Ekster là người có công trong việc giảng dạy các khía cạnh khác nhau của nghệ thuật và thiết kế. 

Về mục đích, tổ chức và phạm vi, Vkhutemas gần giống với Bauhaus của Đức. Là những trường đầu tiên đào tạo nghệ sĩ, nhà thiết kế theo phong cách hiện đại, cả hai trường đều được hình thành trên những sáng kiến do nhà nước tài trợ nhằm kết hợp truyền thống thủ công với công nghệ hiện đại, với khóa học cơ bản về nguyên tắc thẩm mỹ, các khóa học về lý thuyết màu sắc, thiết kế công nghiệp và kiến trúc. Trong quá trình tồn tại, đã có nhiều trao đổi học thuật và chuyên môn giữa Vkhutemas và Bauhaus. Bất chấp những điều đó thì tiếng tăm của Vkhutemas vẫn khiêm tốn hơn và do đó, ít quen thuộc hơn với phương Tây. 

Về hình thức, kiến trúc Stalin nhấn mạnh quy mô hoành tráng, tỷ xích lớn; bố cục đăng đối; tạo hình chiết trung, hòa trộn kiến trúc cổ điển với Art-Deco; kết hợp kiến trúc với điêu khắc, hội họa. Chi tiết trang trí dễ nhận biết của nó là cách sử dụng thức cột, phù điêu với hình ảnh huy hiệu, ngôi sao, băng đô, hoa, vũ khí, hình người.

Chủ nghĩa Kiến tạo kết thúc vào năm 1932 nguyên do một phần vì cách tạo hình mang tính trừu tượng không phù hợp với mỹ học Hiện thực xã hội chủ nghĩa được Stalin lựa chọn làm chính thống, phần khác bởi những khó khăn kinh tế của Liên Xô vào đầu những năm 1930 khiến các phong trào nghệ thuật thử nghiệm không còn được coi trọng nữa.

Kiến trúc Stalin (Stalinist architecture)

Kiến trúc Stalin (trước đây còn gọi: Tân Cổ điển Hiện thực xã hội chủ nghĩa – соцреалистический неоклассицизм), là kiến trúc chủ đạo của Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Stalin từ đầu những năm 1923 đến giữa những năm 1950. Phong cách này đã dần lan tỏa sang các nước XHCN khác từ sau Thế chiến II đến cuối những năm 1950. Ở các nước XHCN châu Á, sự ảnh hưởng của kiến trúc Stalin kéo dài đến cuối những năm 1960. 

Về hình thức, kiến trúc Stalin nhấn mạnh quy mô hoành tráng, tỷ xích lớn; bố cục đăng đối; tạo hình chiết trung, hòa trộn kiến trúc cổ điển với Art-Deco; kết hợp kiến trúc với điêu khắc, hội họa. Chi tiết trang trí dễ nhận biết của nó là cách sử dụng thức cột, phù điêu với hình ảnh huy hiệu, ngôi sao, băng đô, hoa, vũ khí, hình người. Về chức năng, các công trình kiến trúc được xây dựng dựa trên các đặc điểm đô thị XHCN như cơ sở hạ tầng giao thông (các ga tàu hỏa, hệ thống metro), khu giải trí, nhà hát, công sở, trường học, khu nhà ở, cửa hàng và dịch vụ tiêu dùng, vv. Bên trong các tòa nhà thường có sảnh rộng và bên ngoài là quảng trường và không gian công cộng để phục vụ các hoạt động tập trung đông người. 

CLB Công nhân Rusakov, Moskva, 1928. KTS: Konstantin Melnikov. Công trình được hoàn thành trùng tu năm 2015 sau thời gian dài bị bỏ bê. Nguồn ảnh: Wikipedia

Những công trình tiêu biểu của phong cách Stalin ở nước Nga Xô viết, đầu tiên phải kể đến bảy tòa nhà cao tầng ở Moskva (còn gọi là “bảy chị em”), bao gồm: Tòa nhà Đại học Quốc gia Moskva, Khách sạn Ukraina, Chung cư trên quảng trường Kudrinskaya, Trụ sở Bộ Ngoại giao, Khách sạn Leningrad, Tòa nhà hành chính và chung cư trên quảng trường Cổng Đỏ, Chung cư trên bờ kè Kotelnicheskaya. Ngoài ra còn có các công trình nhà ga metro ở Moskva và Leningrad, Nhà hát Novosibirsk, Khu triển lãm VDNKh, vv. 

Với chiến thắng của Hồng quân và quân Đồng Minh trong Thế chiến II, khu vực Đông Âu đã trở thành vùng chịu ảnh hưởng của Liên Xô. Kiến trúc Stalin vì vậy trở thành một phong cách chung của khối XHCN Đông Âu. Những công trình nổi bật được xây dựng thời kỳ này và mang phong cách kiến trúc Stalin có thể kể đến là Khu phức hợp tưởng niệm ở công viên Treptower (Berlin, Đông Đức), Cung Khoa học và Văn hóa (Warszawa, Ba Lan), Tòa nhà Quốc hội (Bucharest, Rumani), Cung Chủ tịch (Sophia, Bulgaria), vv. 

Ở các nước XHCN châu Á, kiến trúc Stalin có hàm lượng tính bản địa rõ nét, kết hợp nguyên lý chung từ Liên Xô với các hình thức truyền thống, điều có thể nhận ra ở các công trình như: Ga Bình Nhưỡng, Cung Chính phủ Mông Cổ, và đặc biệt là Thập đại kiến trúc ở Bắc Kinh (Đại Lễ đường Nhân dân, Bảo tàng Quốc gia, Cung Văn hóa các dân tộc, Ga Bắc Kinh, vv.) 

Một trong những đặc điểm của chủ nghĩa Hiện đại XHCN là đề cao công năng, hiệu quả, trong đó có việc áp dụng tiêu chuẩn hóa trong thiết kế, hướng đến sự đơn giản, cô đọng, sử dụng tỷ lệ hài hòa hơn với con người.

Chủ nghĩa Hiện đại XHCN (Socialist modernism)

Kiến trúc Hiện đại XHCN ra đời sau một sự kiện lịch sử: năm 1955, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tuyên bố rằng các yếu tố trang trí vô dụng trong kiến trúc sẽ bị loại bỏ. Quyết định này ra đời theo lời kêu gọi của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev, được đưa ra một năm trước tại Hội nghị Liên hiệp các kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân trong ngành xây dựng. Từ đó trở đi, kiến trúc Stalin bị thay thế ở các nước XHCN Đông Âu và kiến trúc bắt đầu hướng tới một cách tiếp cận thực dụng, gần gũi hơn với kiến trúc Hiện đại của khối TBCN. Tuy nhiên kiến trúc Hiện đại XHCN vẫn giữ được các yếu tố quan trọng của hệ tư tưởng XHCN như sự công bằng  trong khả năng tiếp cận sử dụng các công trình. 

Một trong những đặc điểm của chủ nghĩa Hiện đại XHCN là đề cao công năng, hiệu quả, trong đó có việc áp dụng tiêu chuẩn hóa trong thiết kế. Như một phản ứng trước sự rườm rà, áp chế của phong cách Stalin, kiến trúc Hiện đại XHCN hướng đến sự đơn giản, cô đọng, sử dụng tỷ lệ hài hòa hơn với con người. Thủ pháp tạo hình khá phổ biến ở các công trình công cộng là sử dụng bê tông thô mảng lớn, phơi bày sự chân thực của kết cấu. Điều đó khiến kiến trúc Hiện đại XHCN rất gần với chủ nghĩa Thô mộc (Brutalism). 

Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Bắc Kinh, 1959. Đây là một trong “Thập đại kiến trúc” được xây dựng dưới thời Mao Trạch Đông. Nguồn ảnh: Wikipedia

Chính quyền Nga Xô viết cũng bắt đầu trở nên cởi mở hơn trong việc cho phép các kiến trúc sư tham khảo thành tựu từ các nước phương Tây. Họ được tham gia các cuộc thi quốc tế, ra nước ngoài nghiên cứu và nhập sách, tạp chí nước ngoài. Các kiến trúc sư đã cạnh tranh với những xu hướng mới nhất trong thiết kế kiến trúc, tìm kiếm nguồn cảm hứng và cố gắng tìm ra phiên bản “hiện đại” của riêng mình. Điều này dẫn đến các phiên bản địa phương khác nhau của chủ nghĩa Hiện đại XHCN. Đây cũng là một cơ sở để sau này một số quốc gia hậu XHCN sử dụng các di sản kiến trúc XHCN như một cách kiến tạo bản sắc dân tộc. 

Rạp xiếc Trung ương Chisninau, Moldavia, 1981. Nguồn ảnh: Kathmandu&Beyond

Trong hơn ba thập kỷ, chủ nghĩa Hiện đại XHCN đã tạo ra nhiều công trình kiến trúc ấn tượng, choáng ngợp, giàu tính biểu tượng, tạo nên cảnh quan văn hóa đô thị XHCN có bản sắc. Theo thống kê của trang socialistmodernism.com, thành phố Leningrad (nay là Sankt Peterburg, LB Nga) có 74 công trình kiến trúc Hiện đại XHCN quy mô lớn còn tồn tại đến nay như Khu Liên hợp Thể thao và Hòa nhạc SKK (1970) hay Ga Hàng hải (1977-1982). Những công trình này đã góp phần thay đổi hình ảnh cố đô yên bình trầm lắng thành một đô thị có sắc thái hiện đại vào cuối thế kỷ 20. Tại Bacau (Romania), Nhà thi đấu thành phố (1969-1975) có mái treo trên những mái vòm bê tông dự ứng lực khổng lồ và là biểu tượng của công nghệ mới và trình độ kỹ thuật bậc thầy. Tại thủ đô Chisinau của Moldavia, lúc đó là một phần của Liên Xô, một rạp xiếc (1978–1981) được xây dựng với cấu trúc bê tông cốt thép phức tạp nhưng lại có mối liên kết với điệu múa truyền thống địa phương. Tại Leipzig (CHDC Đức), một tòa nhà đại học cao tầng có hình dạng gợi nhớ đến một cuốn sách mở, vv. 

Vào cuối những năm 1990, sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Đông Âu đã kéo theo sự kết thúc của kiến trúc XHCN. Các công trình kiến trúc sáng tạo, nhân văn giờ đây đã trở thành di sản, cùng với những sắc thái tiếp nhận yêu-ghét, gợi nhớ những ký ức xã hội vui-buồn khác nhau. □

Bài đã đăng Tia Sáng số 20/2024

Tác giả

(Visited 535 times, 2 visits today)