Sử thi La Mã: Việt Nam có thể tiếp nhận ?
Aeneis là sử thi bằng tiếng Latin, sáng tác ở thời kỳ đầu của Đế quốc La Mã, được mệnh danh là một tác phẩm kinh điển của văn học phương Tây và đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm kinh điển khác. Tính đến nay, đây vẫn còn là một tác phẩm hoàn toàn xa lạ với người Việt, và vẫn chưa có bất kỳ một bản dịch nào của sử thi này, dù là trực tiếp từ bản gốc hay là qua một bản dịch trung gian. Vậy có điều gì ở sử thi này để người Việt Nam đón nhận nó?
Trước tiên, hãy tạm thời lột bỏ cái hào quang kinh điển của Aeneis. Aeneis có thể là tượng đài văn học ở xứ người, truyền cảm hứng cho Thần khúc của Dante và vở opera Dido và Aeneas của Henry Purcell, song một tác phẩm sẽ không sống và được đón nhận nếu như chỉ hiện ra trước mắt người đọc như một tượng đài. Trong trường hợp của Aeneis, đối xử với thi phẩm này đơn thuần như một tượng đài thậm chí còn tước đi tính nghệ thuật, chiều sâu và sự tương giao sống động với lịch sử và văn hóa của nó.
Aeneis là tác phẩm thứ ba, cũng là cuối cùng, của đại thi hào La Mã Publius Vergilius Maro, hay còn được gọi bằng tiếng Anh là Vergil. Aeneis kể về hành trình của Aeneas, con trai của nữ thần Venus và cũng là một anh hùng bên phe Troia trong chiến tranh thành Troia. Vào đêm thành Troia thất thủ, Aeneas dẫn đầu một đoàn gia quyến và đồng đội chạy khỏi biển lửa rồi xông ra đại dương, nơi đoàn thuyền của họ lang thang mãi cho đến khi Aeneas đặt chân đến xứ Ý (Italia), tiêu diệt tù trưởng của tộc Rutuli bản địa và trở thành tổ phụ của tộc Latin, có hậu duệ trực tiếp là Julius Caesar và Augustus.
Ngay từ giới thiệu này, có thể thấy rằng Aeneis “đậm chất” La Mã: thi phẩm này đã cải biên thần thoại Hy Lạp để vẽ ra một câu chuyện mang tính đế quốc chủ nghĩa (imperialism) về La Mã, đồng thời thần thánh hóa các hoàng đế và nhà lãnh đạo La Mã bằng cách thêu dệt gốc tích của họ là xuất phát từ một một á thần anh hùng. Quả thật, đây là một cách diễn giải hoàn toàn có thể hiểu được khi xét việc Aeneis được sinh ra trong sự đặt hàng và bảo bọc của chính quyền La Mã: đích thân Vergil đã được Hoàng đế Augustus bảo trợ để viết sử thi này, và khi Vergil trăn trối rằng ông muốn bạn bè đốt sạch bản thảo của mình, đích thân Augustus đã can thiệp và ra lệnh giữ bản thảo này lại.
Tuy nhiên, càng đọc kỹ Aeneis, ta càng thấy rằng đây không chỉ đơn thuần là một sản phẩm của một Ban Tuyên giáo La Mã, mà nó còn chứa đựng các tầng lớp nghĩa sâu sắc, vừa khắc họa một thế giới thần thoại khác xa tác phẩm Illiad và Odyssey Homer, vừa đối thoại về tính chính đáng của Đế quốc La Mã, lại vừa vun đắp các nhân vật đa chiều dựa trên quan niệm thời bấy giờ về người anh hùng. Đây là một vài trong số các tính chất cho phép sử thi này để lại tiếng vang lớn, thoát ra và vượt xa khỏi vỏ bọc và mục đích ban đầu của nó là một tác phẩm tuyên truyền.
Là một tác phẩm có ảnh hưởng mạnh mẽ ở phương Tây, nhưng Aeneis sẽ có chỗ đứng ở Việt Nam như thế nào? Đối với đại đa số người đọc Việt Nam – những người cảm thấy Đế quốc La Mã là một thực thể xa lạ – sẽ tận hưởng sử thi này ra sao? Sau đây là một số cách tiếp cận khiến ta cảm thấy Aeneis gần gũi với mình hơn chúng ta tưởng.
Một cách kể chuyện hiện đại hơn sử thi HOMER
Phần lớn người Việt đã ít nhiều đọc qua thần thoại Hy Lạp của Homer – phần nào là nguồn cảm hứng của Vergil tạo nên Aeneis. Cùng là sử thi, song tình tiết của Aeneis được sắp xếp một cách có chủ đích chứ không chỉ đơn thuần kể lể, liệt kê sự kiện dông dài như các sử thi Hy Lạp của Homer. Sở dĩ, sử thi Homer, cũng như nhiều sử thi khác trên thế giới, thuộc vào hàng sử thi truyền miệng, sinh ra khi các thi sĩ dân gian – trong trường hợp Hy Lạp thì là những người hát rong – xâu chuỗi các câu chuyện thành một tác phẩm có đầu có cuối để kể cho đám đông. Sang đến thời La Mã thì khác: các sử thi La Mã đều được viết thành bản thảo bởi một tác giả duy nhất với phong cách riêng, và tác giả này có thể tự do rút gọn hay bôi dài các tình tiết để phục vụ mục đích riêng của mình. Chẳng hạn, ở Aeneis, Vergil dành hơn 800 dòng thơ ở quyển 2 cho ngày cuối của Troia. Ống kính của Vergil ở đây thu nhỏ hoặc phóng to tùy ý vào các chi tiết làm nổi bật nỗi khổ của người Troia mất nước, từ các cuộc giao chiến vô vọng cho đến số phận đau lòng của các cá nhân cụ thể, ví dụ như “thân người đầu mất, xác người không tên” (avulsumque umeris caput et sine nomine corpus) của vua Priamus. Ngược lại, quyển 3 – với nội dung chính xoay quanh đoàn thuyền của Aeneas lang thang trên biển lớn qua bao năm tháng – thì lại chưa đến 720 dòng, tức là nhiều khi, các nỗ lực định cư bất thành ở một số xứ sở mà đoàn thuyền dạt vào chỉ được kể bằng vài chục, nếu không nói là vài dòng.
Thủ pháp phóng to-thu nhỏ vào chi tiết như vậy hiện đại hơn so với các sử thi truyền miệng. Dĩ nhiên, không phải lúc nào các chi tiết mà Vergil phóng to vào cũng sẽ thú vị với độc giả hiện nay bởi nội dung của nó luôn chịu sự giới hạn của khuôn khổ thời đại. Ví dụ, quyển 5 dành nhiều thời gian tả cuộc đua thuyền đậm chất La Mã của dân Troia khi đã an vị ở Sicilia – một lựa chọn mà có lẽ đã khiến độc giả La Mã vui cười sau cuộc tình bi thảm ở quyển 4, song lại khiến người đọc hiện đại cảm thấy lê thê. Tuy nhiên, điều đó không hề làm lu mờ sự tài tình trong việc chắt lọc chi tiết của Vergil. Sử thi Aeneis vẫn thể hiện một cách kể chuyện lôi cuốn bậc thầy, có khả năng thu hút và chèo lái sự chú ý của các độc giả, kể cả độc giả xa lạ với bối cảnh và lịch sử của câu chuyện.
Anh hùng không nhất thiết phải là người có sức mạnh
Aeneis là một sử thi có cả thần thánh, con người và quái vật, song nó đậm tính nhân văn và nói đến các chủ đề khá gần gũi với độc giả Việt. Có thể kể đến các chủ đề như sự loạn lạc trong thời chiến, tín ngưỡng thờ cúng người chết, v.v., nhưng tiêu biểu nhất có lẽ là quan niệm về người anh hùng, được thể hiện qua cách Aeneis xây dựng nhân vật Aeneis. Nếu như trong sử thi Homer, các nhân vật anh hùng thường được tả cùng với các tính ngữ ca ngợi sức khỏe hay trí khôn của họ, thì trong Aeneis, Aeneas thường được miêu tả là “pius Aeneas” (tạm dịch: Aeneas trung hiếu). Chữ “pius” được tạm dịch là “trung hiếu” ở đây tượng trưng cho phẩm chất được kỳ vọng ở một người La Mã: hiếu với gia đình, hiếu với các thần, trung với quốc gia.
Aeneas, theo đó, là một anh hùng về đạo đức: chàng không khỏe, đánh không giỏi, suy nghĩ không phải lúc nào cũng thấu đáo và khôn ngoan, song giàu lòng trung hiếu, không những cõng cha mình khỏi thành Troia đang cháy mà còn luôn đau đáu về tương lai của dân mình và cố gắng lập nên nhà nước mới cho dân. Theo những nhà bình giảng như Randall Ganiban hay Nicholas Horsfall, một hình tượng anh hùng như vậy thể hiện sự khác biệt rõ rệt giữa La Mã và Hy Lạp. Nếu như trong sử thi Hy Lạp, các anh hùng như Hector, Sarpedon hay Achilles là anh hùng nhờ chiến công hiển hách hoặc mưu kế khôn ngoan của cá nhân họ, thì sang đến ít nhất là La Mã thời Vergil, anh hùng là người có đạo đức, biết cống hiến cho lợi ích chung của gia đình và xã hội.
Bi kịch của người chống lại và tuân theo số phận
Aeneis rất đậm cái mà tôi sẽ gọi là “tính Kiều”. Ở đây, tính Kiều ám chỉ sự tương đồng về chủ đề và tư tưởng với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Quả thật, hai thi phẩm ra đời trong hai nền văn hóa hoàn toàn khác nhau và cách nhau mấy nghìn năm, song điều đáng nói là cả hai lại chung một chủ đề cốt lõi là cuộc đấu tranh của con người chống lại số phận. Nếu Truyện Kiều khởi đầu bằng lời tuyên ngôn rằng “chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”, thì Aeneis khởi đầu bằng cách kể với độc giả rằng người anh hùng vẫn còn chưa được nêu tên của tác phẩm này là kẻ “trước từ bờ cát Troia bị Phận đày tới Ý” (Troiae qui primus ab oris Italiam fato profugus). Đọc cả hai thi phẩm, ta sẽ thấy hai nhân vật chính gồng mình trước số phận đã được định ra cho họ: Kiều thì phải đối mặt với cái kiếp bạc mệnh do ông Trời sắp đặt, còn Aeneas thì cố gắng chống chọi hoặc làm vừa lòng số phận trở thành ông tổ La Mã mà các vị thần đã đặt ra cho chàng.
Mỗi khi chàng muốn dừng lại và định cư ở một nơi không phải là xứ Ý thì sẽ có một tai ương hoặc lời cảnh báo làm chàng phải chùn bước. Tiêu biểu là ở Carthago (hiện nay là một địa danh thuộc Tunisia), nơi chàng đem lòng si mê nữ hoàng Dido và giúp nàng đắp thành. Rồi đích thân thần thánh đến trách chàng và nhắc nhở rằng số phận của chàng là lập ra thành mới ở xứ Ý. Kết quả là Aeneas liên tiếp trải qua những mất mát nhưng vẫn phải gồng gánh sứ mệnh mà không thể sống theo ý nguyện của mình: ở Troia, chàng mất vợ thì hồn vợ hiện lên bảo rằng số phận của chàng là đến lập thành ở xứ người và cưới vợ khác; còn ở Drepanum, chàng mất cha song vẫn phải nhanh chân lên đường tìm sang xứ Ý. Đến nửa sau sử thi, Aeneas quả thật đã đặt chân đến Ý và đánh thắng tộc Rutuli bản địa, song dường như chàng đã biến thành con người khác. Quyển 12 – quyển cuối của Aeneis – kết thúc đột ngột ở cảnh người đứng đầu phe Rutuli là Turnus đầu hàng và xin được tha mạng, rồi Aeneas định tha mạng nhưng nhìn thấy Turnus đang đeo đai lưng của một người bạn đã mất của mình nên nổi đóa và đâm Turnus chết tươi. Đây không phải là một hành động anh hùng; một người lính La Mã có đạo đức sẽ không để cơn cuồng nộ bao trùm lên mình và khiến mình giết một kẻ thù đã đầu hàng. Cái kết gây sốc như vậy không những đặt ra câu hỏi về khả năng giảng hòa giữa tộc Rutuli và tộc Troia sau này, mà còn dẫn đến một cách hiểu thú vị: phải chăng Aeneas đã chịu nhiều mất mát và bị buộc phải làm theo số phận đến mức chàng mất hết những phẩm chất trung hiếu, những đạo đức rõ mồn một ở đầu sử thi, để rồi hóa thành một cái máy phản anh hùng dễ bị chi phối bởi sự dâng trào cảm xúc? Nếu Truyện Kiều là thi phẩm về sự phản kháng trước số phận thì Aeneis, với cái kết đột ngột của nó, vẽ nên một bức tranh hãi hùng về hậu quả của việc tuân theo số phận định sẵn. Một cuộc so sánh hai tác phẩm ắt sẽ đưa đến tầm hiểu biết sâu rộng hơn về nhân vật và chủ đề của cả hai tác phẩm đó.
Có thể thảo luận về rất nhiều khía cạnh khác của Aeneis. Chẳng hạn, chúng ta có thể nói về sự La Mã hóa các vị thần và các tích truyện được sử dụng trong này. Chúng ta cũng có thể bàn xem rốt cuộc Vergil chống hay là phò nước mới của Augustus, nhất là khi Aeneis nghe xong lời tiên tri của hồn ma Anchises ở quyển 6 về tương lai La Mã hào hùng thì lại rời âm phủ qua cánh cổng dành cho các “giấc mơ dối trá” (falsa insomnia). Song tạm thời, hãy dừng lại tại đây. Chúng ta đã thấy rõ rằng sử thi Aeneis, dẫu là sản phẩm của một nền văn hóa từ hàng nghìn năm trước, vẫn có khả năng liên hệ được với người đọc ở Việt Nam thế kỷ 21, có thể là nhờ tính nhân văn của nó, có thể là vì lối xây dựng nhân vật của nó, hay cũng có thể là vì nó là một áng thơ hay. Các nhà bình giảng đã phân tích Aeneis bằng nhiều cách khác nhau Nhưng trước hết, để tiếp nhận được tác phẩm này một cách toàn vẹn, ta hãy chờ bản dịch của nó ra đời vào một ngày không xa.□