Sự trở lại của Lương Đức Thiệp
Phê bình văn học, nhất là phê bình marxist ở Việt Nam trước 1945, hiện còn nhiều khoảng trống chưa được nhận biết. Bên cạnh Hải Triều và Đặng Thai Mai, sự trở lại các công trình của Lương Đức Thiệp1 là một bổ khuyết cần thiết cho việc nhận thức bức tranh phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ trước, khi bộ môn này mới được hình thành và từng bước khẳng định vai trò của nó đối với hoạt động văn chương và xã hội; cũng như những vận động và phân hóa trong tư tưởng trí thức Việt Nam trong bối cảnh thuộc địa.
Một tác giả khuất lấp
Cho đến thời điểm này, thông tin về Lương Đức Thiệp (1904?-1946?) vẫn còn khá hạn chế và thiếu thống nhất. Chỉ biết cuộc đời ông gần như nằm trọn trong nửa đầu thế kỷ XX, và sự nghiệp của ông bừng nở rực rỡ nhất chỉ trong dăm năm trước cuộc cách mạng mùa Thu năm 1945.
Lúc còn hoa niên, sự kiện được nhớ đến trong hành trạng Lương Đức Thiệp là việc ông liên can đến vụ bãi khóa [đòi được tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh] ở Trường Thành chung Nam Định và “xê dịch” sang Xiêm. Việc này được ghi lại trong lịch sử Trường Thành chung Nam Định (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong), và xung quanh các hồi ức về Nguyễn Tuân trong hồi ký Cát bụi chân ai của Tô Hoài. Những năm 1936-1939, ông cùng Trương Tửu và các bạn đồng chí, chủ trương giữ sự độc lập cho văn nghệ trước chính trị, hướng tới tự chủ trí thức. Từ những năm 1940, có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, công bố sáng tác và biên khảo ở Nhà in Thụy Ký, Khuê Văn xuất bản cục, Đại học thư xã, đặc biệt với nhóm Hàn Thuyên khi đăng các khảo luận trên Văn mới (tạp chí loại khảo cứu) vẫn do Trương Tửu làm chủ nhiệm. Sau có thời gian tham gia làm báo Chiến đấu.
Lương Đức Thiệp có sáng tác, viết luận thuyết, song chủ yếu hiện diện trong tư cách nhà biên khảo. Ngoài một tập thơ in chung với Lê Trọng Quỹ (Thực và mộng, Thụy Ký, 1941), một tập luận thuyết đối thoại với tác phẩm Trai nước Nam làm gì? (Thời đại, 1943; tái bản 1944) thời danh của Hoàng Đạo Thúy dưới tên Trai nước Nam với ông Hoàng Đạo Thúy (Đại học thư xã, 1945), còn lại đều là sách khảo cứu. Cuốn khảo cứu đầu tiên, Việt Nam thi ca luận, được ông công bố năm 1942 tại Khuê Văn xuất bản cục; để ba năm sau, ông tiếp tục luận về vấn đề này, trong tác phẩm có lẽ là cuối đời của mình, Nghệ thuật thi ca, in trên tạp chí Văn mới (số 58, tập mới, ngày 25/9/1945) của nhà xuất bản Hàn Thuyên. Giữa khoảng đó là các khảo cứu, ngoài Văn chương và Xã hội được xuất bản trong Tủ sách Ngày mới bởi Đại học thư xã (1944), song vẫn được ấn loát bởi nhà in Hàn Thuyên; còn lại đều là các khảo luận được in trên tạp chí Văn mới, gồm: Xã hội Việt Nam. [Việt Nam tiến hóa sử] ([hai cuốn in gộp một], Văn mới, số 35, tập mới, ngày 25/04/1944), Duy vật sử quan (Văn mới, số 57, tập mới, ngày 15/9/1945). Về sau, dường như chỉ chuyên khảo Xã hội Việt Nam. [Việt Nam tiến hóa sử], công trình quan trọng và bề thế nhất của ông, được tái bản ở Sài Gòn bởi Liên hiệp xuất bản cục (1950), Hoa Tiên (1971), và mới nhất đây bởi Tao Đàn cùng với tập sách này (2016).
Ông không được nhắc tới ở miền Bắc trong lúc đất nước phân ly. Chỉ tới mãi sau này, một số trích đoạn công trình của ông (chủ yếu là Việt Nam thi ca luận, Văn chương và Xã hội), mới xuất hiện trong các hợp tuyển về văn hóa, văn học giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Không nhiều trích dẫn khác, hướng tới các nhận định của Lương Đức Thiệp (chủ yếu là về căn tính Việt Nam) trong Xã hội Việt Nam. [Việt Nam tiến hóa sử]. Giống như nhiều nhân vật thời danh khác, Lương Đức Thiệp vắng mặt trong nhiều điểm diện sau này về lịch sử trí thức và văn chương Việt Nam, khiến cho bức khảm quá khứ thiếu đi nhiều sắc màu quan trọng cần phải được phục dựng.
Mặc dù trong lĩnh vực khảo cứu, mối quan tâm của Lương Đức Thiệp dường như trải rộng song ông lưu dấu chủ yếu ở phương diện bình luận về thi ca và nghệ thuật, với ít nhất là ba khảo luận trực diện với văn học Việt Nam hiện đại.
Vậy câu hỏi được đặt ra là, với những gì đã có/ còn lại, Lương Đức Thiệp đóng góp được gì cho phê bình văn học Việt Nam mới phôi thai cùng sự thành hình của văn học hiện đại lúc đương thời? Và việc trở/đọc lại Lương Đức Thiệp góp thêm nhận thức gì vào hiện tình sử văn Việt Nam?
Phê bình thi ca
Khi Lương Đức Thiệp công bố Việt Nam thi ca luận, phê bình văn học Việt Nam mới bước qua tuổi thứ mười, nếu tính từ cột mốc Phê bình và Cảo luận (Nam Ký, 1933) của Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý. Đây cũng là năm mà Hoài Thanh (và Hoài Chân) công bố Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản), và Vũ Ngọc Phan công bố những tập đầu của Nhà văn hiện đại (Tân Dân xuất bản). Bằng nhiều hậu thuẫn và những ngẫu nhiên lịch sử, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan và nhất là Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân dần định hình thành điển phạm phê bình, dù có lúc Hoài Thanh đã từng lên tiếng chối bỏ cuốn sách. Việt Nam thi ca luận, trong lúc ấy, có lẽ do sự tương giao giữa cách thức “luận” và “bình” trong truyền thống và đời sống phê bình văn học Việt Nam, cuốn sách chưa có nhiều người đọc2. Tuy nhiên, chính nguyên nhân thứ hai làm hạn chế khả năng phổ biến của tác phẩm lại là đóng góp, điểm khác biệt trong tư duy phê bình của Lương Đức Thiệp trong Việt Nam thi ca luận: đây là công trình mang tính chất tư biện rõ rệt, tiếp cận có hệ thống thi ca Việt Nam hiện đại; mà nói theo lời trần tình của tác giả, “như dấu vết của cuộc suy tưởng triền miên hơn là kết quả của sự sưu tầm lâu dài qua sách báo.”3 Theo đó, tác giả đã vượt lên những phẩm bình về nhà văn và tác phẩm riêng lẻ mà hệ thống hóa các xu hướng thi ca bấy giờ.
Lập luận của Lương Đức Thiệp trong Việt Nam thi ca luận được ông phát triển trên quan điểm xác lập các nhận thức: về mặt lịch sử, 1/ “nguồn gốc thơ Việt Nam”, 2/ di sản mà nó để lại cho “thơ Việt Nam hiện đại” trong bối cảnh tiếp xúc với văn hóa thi ca Pháp; và về mặt hình thức: 3/ “tính cách thơ Việt Nam xưa”, 4/ (để từ đó) “chủ trương” phát triển thơ Việt Nam hiện đại.
Về mặt thực trạng, kiểm diện các trường phái thi ca, Lương Đức Thiệp nhận thấy: “dầu ý thức hay vô ý thức – xét qua toàn thể mấy thi sĩ đại diện cho từng phái, chúng ta nhận thấy Thi ca Việt Nam gần đây cũng bước được những bước dài. Về hình thức, nó đã tiến từ thể “lôi thôi” (Thế Lữ) đến thể “đọng chứa” (Xuân Sanh). Về xu hướng, nó đã kinh qua Lãng mạn đến Thuần túy. Mỗi chặng đường nó qua là một nấc đột tiến, là một bực thang nó nhảy vượt. Nó còn có thể “làm” những bước khổng lồ, nếu thi sĩ biết rõ sứ mạng của mình, nếu thi sĩ nhận chân được bản tính của “thơ”, rút được hết sở năng của Việt ngữ.” Song thơ lâm vào khủng hoảng là bởi “quan điểm lầm lạc, tại sự cố chấp của từng phái một”. Kết quả, theo Lương Đức Thiệp:
“Thơ mất tính cách tổng hợp với phái Lãng mạn.
– thô sơ với phái Tả chân.
– rỗng nghĩa với phái Nhạc điệu.
– ngây ngô với phái Hồn nhiên.
– cạn mạch với phái Tưởng tượng.
– tối tăm với phái Thuần túy.”
Từ thực trạng ấy, trở lại với tính cách thơ Việt Nam xưa, chú ý vào “sở năng của Việt ngữ”, Lương Đức Thiệp cho rằng thành công của thi nhân xưa là đã tìm thấy “nhịp điệu trong thơ”, thứ “nhịp điệu không ra ngoài vòng chi phối của luật âm hưởng huyền diệu”, giúp thi nhân vượt qua “xác” chữ để thấy “hồn” thơ. Từ đó ông chủ trương, về mặt nghệ thuật, trau dồi năng lực Việt ngữ để thi triển đặc tính “nhạc điệu” của thi ca. Về mặt quan niệm, thi ca phải hướng đến đời sống, bởi “dân sinh có quan hệ mật thiết đến nghệ thuật, đến văn hóa.” Trên ý nghĩa ấy, ông kết luận, “muốn ngăn Thi ca khỏi đi hoang sang bờ bến khác, thi sĩ phải lấy ý chí mà định một khu vực độc lập cho Thi ca.”
Bắt “bệnh” cho thi ca đương thời, lại chủ yếu chất vấn về những mặt chưa “đạt” của các xu hướng thi ca đang ganh đua, chuyển biến, thay thế, Lương Đức Thiệp đi ngược lại xu hướng định giá “thành tựu” trong phê bình văn học Việt Nam, khiến tâm thế tiếp nhận tác phẩm không dễ bề suôn sẻ. Trong khi chủ trương thơ gắn với dân sinh, bằng hình thức vừa “sáng sủa” vừa “tổng hợp”, như một mở lối cho thơ, thiếu đi căn rễ thực tế phổ biến bởi nó chủ yếu được chiếu rọi bởi tính chất lý tưởng của ý thức hệ khuynh tả mà tác giả đang theo đuổi. Điều này cũng hạn chế sự hồi ứng từ phía người đọc. Dù trong tổng thể, những phát hiện và đòi hỏi về sự tự chủ, về năng lực Việt ngữ, nhịp điệu, là những suy tư hiện đại trong quan niệm thi pháp thi ca của Lương Đức Thiệp.
Tính cách xã hội của nghệ thuật
Những “chủ trương”, “tôn chỉ” cải cách thi ca được Lương Đức Thiệp đề xuất ở Việt Nam thi ca luận, được ông tu chỉnh bài bản trong khảo luận Nghệ thuật thi ca sau đó. Ở cuốn trước, Lương Đức Thiệp chỉ ra sự phân hóa các xu hướng thi ca, thành công và hạn chế của mỗi xu hướng; đề xuất con đường mang tính cách xã hội cho thi ca khi các xu hướng này lần lượt lâm vào khủng hoảng. Đến cuốn sau, Lương Đức Thiệp đi sâu vào việc chỉ ra nguyên căn của những biểu hiện và dự cảm ấy. Nghệ thuật thi ca là thiên khảo luận mang đậm ý thức hệ marxist, khi đi tìm “bản chất xã hội của thi ca” và lý giải sự phân hóa các xu hướng thơ ca bằng quan điểm giai cấp. Những phát hiện le lói về tính hiện đại trong thi pháp thi ca, nhất là về nhịp điệu, cùng yêu cầu về tính tự trị, được thay thế bằng sự cần thiết của tính xã hội trong hành vi sáng tạo. Khi nhà văn xuống đường, thi ca cũng (cần) trở thành vũ khí.
Ở giữa Việt Nam thi ca luận và Nghệ thuật thi ca, khảo luận Văn chương và Xã hội ghi dấu quá trình chuyển biến này trong quan niệm của Lương Đức Thiệp. Dấu vết của quá trình “trở thành” ấy làm nên vẻ độc đáo cho khảo luận này. Văn chương và Xã hội không chỉ là một dấu mốc trong hành trình tư tưởng của Lương Đức Thiệp, mà còn là dấu mốc của phương pháp phê bình marxist ở Việt Nam trước khi nó trở nên xơ cứng. Từ các cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”, “duy tâm hay duy vật”, Văn sĩ và xã hội (Hương Giang thư quán, 1937) của Hải Triều đến Văn chương và Xã hội, tư tưởng phê bình marxist ở Việt Nam đã tiến được những bước rất dài.
Văn chương và Xã hội được Lương Đức Thiệp đặt xuất phát điểm ở việc tìm hiểu “nguồn gốc văn tự và học thuật”, để khẳng định căn rễ giai cấp (mà trong sách ông gọi là “đẳng cấp”) của văn học nghệ thuật. Ông phân tích các xu hướng tư sản (với tính cách đại diện là Tự Lực văn đoàn), tiểu tư sản (với Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, nhóm Xuân Thu nhã tập, và các nhà văn tả chân lãng mạn như Tam Lang, Vũ Trọng Phụng,…), phong kiến (với biểu hiện của Tản Đà, Nguyễn Tử Siêu, Lan Khai,…), lưu manh (được phản ảnh trong sáng tác của Nguyên Hồng, phần nào đó là Trọng Lang) và xã hội (mới phôi thai). Bằng việc khảo sát ấy, Lương Đức Thiệp “kết luận”: “nguồn gốc văn tự và văn chương đều rút mạch sống chính trong điều kiện sinh hoạt của vật chất của xã hội chứ không chính ở tài năng của cá nhân hay của một thiểu số nào”, và vì tính cách đẳng cấp ấy mà “văn chương cũng là một lực lượng xã hội mạnh mẽ”.
Soi vào đời sống xã hội và văn học hiện thời, Lương Đức Thiệp nhận định: “Nếu ta đã biết rõ văn chương cùng tính cách và công dụng xã hội của nó tức là ta đã biết được các lực lượng xã hội tác động ra sao mà văn chương chỉ là phản ảnh. Bắt các phản ảnh ấy để làm tài liệu suy cứu tức là ta có đủ những vật cụ thể đem làm thước đo lường đúng mực phát triển cùng mực thoái hóa của mỗi trào lưu văn học của xã hội Việt Nam cả xã hội Việt Nam vừa lúc bị xô tới chỗ ngoẹo của lịch sử toàn thế giới.”
Nhận thức văn chương như một lực lượng xã hội, Lương Đức Thiệp cho rằng vì thế mà có thể lấy văn chương làm “dữ kiện” nghiên cứu xã hội; song quan trọng hơn, có thể sử dụng văn chương như một “lợi khí tranh đấu rất sắc bén”.
Trước phen “biến đổi sơn hà” của đất nước trong bối cảnh “bị xô tới chỗ ngoẹo của lịch sử toàn thế giới”, ta dễ hiểu vì sao Lương Đức Thiệp nói riêng và phần đông nhân sĩ trí thức, lựa chọn con đường thứ hai để tiếp cận với văn chương nghệ thuật. Văn chương, đó không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện. Cùng ở bước ngoặt (với cá nhân và thời cuộc) như vậy, với tư liệu và thông tin ít ỏi về tiểu sử tác giả, chúng ta khó ức đoán được hành xử của Lương Đức Thiệp bấy giờ. Chỉ biết rằng, cũng như những trí thức ưu tú có góp sức vào sự nghiệp “tân văn hóa” cùng Hàn Thuyên và các nhóm phái cấp tiến khác, ông lo lắng và vun đắp cho “tương lai” Việt Nam, không chỉ bởi rất nhiều cuốn sách bàn về tương lai Việt Nam được xuất bản, mà còn bởi ý hướng giục giã cải cách, trau dồi tính cách xã hội trong cả đời sống sáng tác và hoạt động.
——–
1 Xem Việt Nam thi ca luận và Văn chương xã hội của Lương Đức Thiệp, Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn tái bản, 2016).
2 Gần đây, trong hình thức giải điển phạm Thi nhân Việt Nam, Mai Anh Tuấn có so sánh hai tác phẩm với nhau, và lý giải sự “vắn số” của Việt Nam thi ca luận bằng nhận định: “luận” đã thất thế trước “bình” là một thực tế văn hóa: tư duy lí tính, lí thuyết, dù ở mức độ sơ khai, đều không phải là điểm mạnh và có khả năng chỉ đạo tâm lí tiếp nhận văn học ở Việt Nam. (Xem Mai Anh Tuấn: “Thi nhân Việt Nam – từ góc nhìn văn hóa”, Văn nghệ Trẻ, H., số 39, ra ngày 25/9/2011).
3 Lương Đức Thiệp: “Thay lời Tựa”, trong “Việt Nam thi ca luận”. Sđd, tr.7. Các trích dẫn Việt Nam thi ca luận cùng với Văn chương và Xã hội ở đây đều dựa trên ấn bản đầu của Khuê Văn xuất bản cục và Đại học thư xã, có thể xem văn cảnh rộng hơn của các trích dẫn trong văn bản được khôi phục nguyên dạng ở lần tái bản này của Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn.