Sức mạnh của sự dễ thương
Chúng ta thường đáp lại sự dễ thương bằng một thái độ vui vẻ và trêu đùa, nhưng phản ứng đó tiết lộ một điều không thể thiếu với sự sinh tồn của con người.

Hãy hình dung: bạn đang đợi thanh toán tại siêu thị, và trước mặt bạn là một em bé ngồi trong xe đẩy, đang gặm một món đồ chơi nhỏ. Đôi bàn tay bé xíu của em bỗng buông lơi và làm rơi nó, nhưng thay vì khóc, em ngước lên nhìn bạn với đôi mắt to tròn, nhoẻn miệng cười rồi bật thành tiếng khanh khách, rồi giơ cánh tay mũm mĩm lên vẫy bạn. Ngay lập tức, tâm trạng của bạn như được tiếp thêm năng lượng, bạn cảm thấy ấm áp và dễ chịu, thậm chí có thể muốn lại gần và bắt lấy bàn tay nhỏ bé ấy, nắm thật chặt. Có thể bạn còn thốt lên một tiếng “Awww!”. Bạn bất giác làm một điệu bộ tức cười: bạn cười rồi môi chu ra, hất cằm lên, nhíu mày lại rồi nhướn lên phía trán. Nhìn phản ứng của bạn, những người khác trong hàng bắt đầu nhìn về phía xe đẩy, và đột nhiên tất cả mọi người đều cùng làm trò như vậy.
Em bé đáng yêu kích hoạt phản ứng này minh họa cho khái niệm mà nhà động vật học Konrad Lorenz gọi là Kindchenschema (mô hình trẻ sơ sinh) vào năm 1971 – một tập hợp các đặc điểm thể chất báo hiệu sự non nớt và dễ thương. Kindchenschema bao gồm các đặc điểm như mắt to, khuôn mặt tròn và chi lũn chũn, mũm mĩm, thường kéo theo sự vụng về hoặc lóng ngóng. Chúng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh cũng như nhiều con non của động vật khác, và nó có sức mạnh không khác gì nam châm, khiến ai cũng bị thu hút.
Ai trong chúng ta mà chưa từng trầm trồ bởi sự dễ thương của một chú cún con lật đật vấp phải chính chân mình hay một đứa trẻ lẫm chẫm chạy đầy phấn khích về phía cha mẹ? Niềm mê mẩn với sự dễ thương lan rộng khắp thế giới loài người. Trên toàn cầu, con người không thể cưỡng lại bất cứ thứ gì gợi nhớ đến những đặc điểm đáng yêu này. Nổi bật nhất, nếu bạn đến khu phố Harajuku ở Tokyo, bạn sẽ thấy đỉnh cao của văn hóa kawaii – văn hóa dễ thương – được bung tỏa hết cỡ. Những khu cửa hàng đầy màu sắc trưng bày tràn ngập những nhân vật đồ chơi với tất cả các đặc điểm của Kindchenschema cách nhau bởi vài quán cà phê – nơi bạn thực sự tới và chơi đùa với những con thú nhỏ, nằm rải rác trong thành phố.
Các phát hiện cho thấy phản ứng với sự dễ thương bao gồm cảm giác muốn nâng niu thứ gì đó và cảm thấy mãn nguyện khi có cơ hội làm điều này.
Phản ứng đặc trưng của con người đối với sự dễ thương bắt đầu từ cách chúng ta nhận thức con người, động vật và đồ vật nhất định. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người có một cách phản ứng đặc biệt với Kindchenschema, khác biệt so với cách họ đáp lại những kích thích mang tính người lớn. Phản ứng này diễn ra khi ta bỗng hướng toàn bộ sự chú ý và cảm xúc tích cực tới một sự vật đáng yêu (có thể là một em bé, một chú cún, một chú mèo con). Hơn nữa, ngày càng có nhiều bằng chứng thực nghiệm cho thấy việc nhìn những khuôn mặt dễ thương thể tạo ra những chuyển biến về tâm sinh lý. Chẳng hạn, việc đáp lại sự dễ thương sẽ kích hoạt các cấu trúc tưởng thưởng trong não chúng ta. Nó cũng khơi dậy nơi mỗi người mong muốn chăm sóc và bảo vệ. Hãy tưởng tượng, nếu em bé trong xe đẩy bỗng bị tuột dây an toàn và sắp nhào đầu xuống sàn, bạn hẳn sẽ cảm nhận một thôi thúc mạnh mẽ phải hành động và đỡ em khỏi ngã. Tựu trung, các phát hiện cho thấy phản ứng với sự dễ thương bao gồm cảm giác muốn nâng niu thứ gì đó và cảm thấy mãn nguyện khi có cơ hội làm điều này.
Điều này không đồng nghĩa với việc chăm sóc trẻ sơ sinh là dễ dàng. Hãy hỏi một phụ huynh của một em bé, và bạn có thể sẽ nghe họ nói điều gì đó như: “Lúc nào tôi cũng kiệt sức, tôi cảm thấy đuối quá, khó thực sự. Nhưng tôi lại thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết, cứ nhìn vào khuôn mặt con là tôi biết mình sẽ không đổi điều này lấy bất cứ thứ gì trên đời.” Tình yêu của cha mẹ vượt qua sự mệt mỏi, thất vọng và tất cả những thách thức đi kèm với việc chăm sóc trẻ nhỏ. Trạng thái cảm xúc tích cực này khơi dậy mong muốn chăm sóc đứa trẻ; muốn cho chúng ăn, thay tã, dọn dẹp mớ hỗn độn của chúng, ru chúng ngủ giữa đêm khuya. Hơn nữa, sức hút này không chỉ giới hạn ở cha mẹ của đứa trẻ. Ông bà, cô dì chú bác hay bạn bè thân thiết cũng có thể mô tả trải nghiệm tương tự về mong muốn chăm sóc em bé giúp bạn.

Gốc rễ của sự chăm sóc này là Kindchenschema và phản ứng của con người đối với nó – điều mà tôi và các nhà nghiên cứu khác đang tiếp tục khám phá. Khi một đứa trẻ lớn lên và trở nên tự lập, chúng thể hiện ngày càng ít các đặc điểm Kindchenschema, tình yêu của gia đình có thể vẫn vô điều kiện, nhưng phản ứng cảm xúc mạnh mẽ không ngừng dội về, thúc đẩy khao khát nâng niu, chăm bẵm đối với người con sẽ dần phai nhạt. Sự dễ thương giúp giữ cho trẻ nhỏ và động vật non được an toàn và được chăm sóc.
Về mặt tiến hóa, điều này rất hợp lý. Đối với nhiều loài, trong đó nổi bật là con người, trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương và cần được chăm sóc, bảo vệ khi bước ra ngoài tử cung của người mẹ. Nếu sự không có sự chăm sóc và bảo vệ này, trẻ sơ sinh sẽ không thể sống sót. Mở rộng ra, nếu mô hình này áp dụng cho toàn bộ loài, loài đó sẽ không tồn tại. Tuy nhiên, việc cung cấp sự chăm sóc và bảo vệ cho trẻ sơ sinh là gánh nặng và tốn kém (về mặt tài chính, quả vậy, nhưng còn cả về thể chất và tâm lý nữa). Bởi vậy, việc có một cơ chế khiến con người sẵn lòng vác gánh nặng đó không chỉ có lợi cho trẻ sơ sinh mà còn cho toàn bộ loài nói chung. Kindchenschema, cùng với các phản ứng thần kinh và cảm xúc gắn với sự dễ thương, rõ ràng là cơ chế như vậy. Chúng ta không bị cuốn hút bởi sự dễ thương chỉ vì nó khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu. Nó khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu vì về mặt tiến hóa, nó hữu ích cho loài khi có một động lực thúc đẩy việc chăm sóc những thành viên nhỏ bé và dễ tổn thương nhất trong cộng đồng.
Chúng ta không bị cuốn hút bởi sự dễ thương chỉ vì nó khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu mà còn vì về mặt tiến hóa, nó hữu ích cho loài khi có một động lực thúc đẩy việc chăm sóc những thành viên nhỏ bé và dễ tổn thương nhất trong cộng đồng.
Cũng như nhiều phản ứng cảm xúc khác, nếu ta có thể dễ dàng nhận ra ngay một người đang phản ứng với sự dễ thương, thì nó thật sự có lợi. Việc có những biểu hiện dễ nhận biết với một số cảm xúc mà không cần phải mô tả bằng ngôn ngữ – như biểu cảm khuôn mặt đặc trưng, ngôn ngữ cơ thể, hoặc ngữ điệu giọng nói – là một cách quan trọng để thông báo cho người xung quanh về tâm thế của mình và hướng dẫn họ nên đáp lại như thế nào. Không phải tất cả các phản ứng cảm xúc đều đi kèm với một biểu hiện phi ngôn ngữ độc đáo (hãy nghĩ đến lòng biết ơn, chẳng hạn). Nhưng người ta cho rằng, những biểu hiện dễ nhận biết trong các cảm xúc này tồn tại vì các nhu cầu tiến hóa cụ thể.
Một tiếng thét lanh lảnh và đôi mắt mở to truyền tải nỗi khiếp sợ, rằng một người đang gặp nguy hiểm. Nếu người xung quanh quan sát thấy biểu hiện sợ hãi này, họ có thể quyết định giúp đỡ người đang gặp nguy, hoặc nhìn quanh để tìm nhằm tránh mối nguy hiểm. Một cái cau mày và tiếng gầm trầm thấp truyền tải sự tức giận. Bằng cách nhận ra khi ai đó tức giận và có thể gây hại cho những người xung quanh, người xung quanh có thể cố gắng tránh đổ thêm dầu vào lửa, hoặc sửa sai nếu họ là nguồn cơn của sự tức giận. Một cái mỉm cười hay tiếng cười truyền tải rằng một người đang vui vẻ hoặc cảm thấy hạnh phúc, nên người quan sát có thể tiến lại gần người này để chia sẻ niềm vui.
Giống như vậy, con người truyền tải rằng họ đang có phản ứng cảm xúc với sự dễ thương thông qua biểu cảm khuôn mặt và ngữ điệu giọng nói. Khi tương tác với trẻ sơ sinh hoặc động vật con, con người thường nói chuyện với chất giọng lên cao, nhấn nhá được gọi là “ngữ điệu cha mẹ”. Và trong nghiên cứu gần đây, tôi và các đồng nghiệp đã chứng minh rằng con người có một hình mẫu biểu cảm khuôn mặt đặc trưng khi phản ứng với các mục tiêu dễ thương, Kindchenschema. Biểu cảm này, như tôi đã đề cập trong tình huống em bé trong xe đẩy, bao gồm sự kết hợp của nụ cười chân thành, nhíu và nhướn lông mày lên, nâng cằm, và siết chặt môi (tương tự như cách miệng của một người có thể làm khi nói “Aww!” khi nhìn thấy thứ gì đó dễ thương).
Không chỉ là biểu cảm mà con người thể hiện khi nhìn thấy em bé hoặc động vật dễ thương một cách tự nhiên, mà người khác cũng vô thức biết ngay đó là biểu cảm phản ứng với sự dễ thương. Sự nhận biết này được quan sát thấy ở các nhóm có ngôn ngữ và nguồn gốc dân tộc khác nhau (tức là những người tham gia ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, và những người tị nạn Syria).
Phát hiện của chúng tôi cho thấy biểu hiện không lời rằng một người đang phản ứng với sự dễ thương – và có khả năng nhận ra phản ứng này – mang giá trị thích nghi cho con người. Nếu không, chúng ta sẽ không cần có một biểu cảm như vậy hay không cần nhận ra nó trên phạm vi đa văn hóa.
Có lẽ việc thể hiện phản ứng với sự dễ thương từ lâu đã là cách để truyền đạt rằng mỗi người là một phần của cộng đồng gắn bó với nhau chặt chẽ, sẵn sàng giúp chăm sóc những người trẻ và dễ tổn thương.
Vậy, việc nhận biết biểu cảm dễ thương phục vụ mục đích gì? Con người đang truyền tải điều gì đến những người xung quanh khi họ phản ứng bằng cả hình ảnh và lời nói với sự dễ thương theo những cách này? Mặc dù cần thêm nghiên cứu để trả lời đầy đủ những câu hỏi này, có một vài ứng viên tiềm năng cho mục đích chính của biểu hiện này.
Trước tiên, việc thể hiện phản ứng với sự dễ thương có thể là cách bạn trực tiếp báo hiệu cho đứa trẻ rằng bạn là một người đáng tin cậy và sẵn sàng chăm sóc chúng. Khi một em bé đang lo âu, hoặc ở trong một môi trường xa lạ dễ khiến chúng hoang mang, chúng sẽ tìm kiếm sự chăm sóc (ví dụ: vươn tay về phía cha mẹ; ôm chặt món đồ chơi mềm yêu thích). Bằng cách nói chuyện với đứa trẻ một cách nhẹ nhàng, bình tĩnh và thể hiện biểu cảm khuôn mặt tương ứng, bạn có thể vô tình truyền đạt cho đứa trẻ rằng bạn có động lực để nâng đỡ và bảo vệ chúng.
Việc thể hiện phản ứng với sự dễ thương cũng có thể đóng vai trò như một tín hiệu cho những người lớn khác rằng có một sinh vật dễ thương, mong manh đang hiện diện và cần được chăm sóc. Điều này có thể truyền cảm hứng cho người quan sát tiến lại gần hơn, để hỗ trợ thêm trong việc chăm sóc nếu cần. Biểu cảm này có thể phần nào báo hiệu cho những người lớn khác rằng chúng ta đang tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc chăm sóc – hoặc rằng chúng ta không có ý gây hại cho đứa trẻ, và có thể được tin tưởng để giúp giữ chúng an toàn và được chăm sóc. Từ xa xưa, con người và một số loài động vật có vú khác thường tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc cộng đồng cho con non. Đặc biệt, phụ nữ, vốn đóng vai trò chính trong việc chăm sóc con cái của mình, thường sống trong các cộng đồng gắn bó chặt chẽ dựa trên sự hợp tác nhằm thúc đẩy sự an toàn và hạnh phúc của tất cả trẻ em trong cộng đồng. Do đó, có lẽ việc thể hiện phản ứng với sự dễ thương từ lâu đã là cách để truyền đạt rằng mỗi người là một phần của cộng đồng như vậy, sẵn sàng giúp chăm sóc những người trẻ và dễ tổn thương.
Bất kể chức năng chính của nó là gì, rõ ràng phản ứng này đang báo hiệu điều gì đó có giá trị cho người khác. Bề ngoài, nhìn thấy thứ gì đó dễ thương và phản ứng với nó có vẻ như chỉ là niềm vui đơn thuần, thậm chí có vẻ vặt vãnh. Sự dễ thương mang lại cảm giác ấm áp và dễ chịu; nó khiến bạn phân tâm khỏi những chuyện đau đầu khác; nó mang lại tâm trạng vui vẻ cho bạn. Nhưng bên trong, còn rất nhiều điều đang diễn ra hơn thế. Sự dễ thương có thể khiến bạn phân tâm khỏi những chuyện nghiêm trọng hơn bởi vì, một cách vô thức, bạn nhận ra tầm quan trọng của việc chăm sóc thứ gì đó dễ thương. Nó có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái để bạn muốn tiếp tục gắn bó với nó bất chấp những khó khăn có thể xảy ra. Chúng ta báo hiệu cho người khác rằng mình đang phản ứng với sự dễ thương vì điều đó mang giá trị thích nghi và quan trọng. Sự dễ thương có thể vui vẻ, nhưng nó không hề tầm thường.□
Tuệ Tâm dịch
Nguồn: https://psyche.co/ideas/cuteness-has-a-powerful-pull-and-its-written-all-over-your-face
Bài đăng Tia Sáng số 7/2025