Suy nghĩ từ hành trình khai quật quá khứ
Nhân dịp kỉ niệm 120 năm ngày sinh của Phan Khôi, và nhân dịp những tập mới nhất trong bộ Phan Khôi, tác phẩm đăng báo do NXB Hội nhà văn và Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây phối hợp xuất bản mới được ra mắt, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, người sưu tầm và biên soạn tập sách này. Ông đã chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ của mình về Phan Khôi, về công tác nghiên cứu lịch sử văn học, văn hóa và các nguồn tư liệu ở Việt Nam hiện nay.
Có thể nói là ngay từ những năm 1997, 1998 tôi đã bắt đầu để ý đến Phan Khôi nhưng công việc chỉ thực sự bắt đầu từ năm 2000. Nguyên nhân trực tiếp là cuộc gặp gỡ với ban giám đốc nhà xuất bản Đà Nẵng và một người bạn vong niên thời học đại học của tôi, họ hàng xa của gia đình Phan Khôi. Tôi đã được họ ủy thác cho công việc này. Tuy nhiên, sâu xa hơn, mối quan tâm của tôi bắt đầu từ những năm 1990, lúc tôi làm nhiều loại sách, đều là các sưu tập Thơ mới, nhân kỉ niệm 60 năm phong trào này (1932-1992). Ngay hồi đó, ở tôi xuất hiện câu hỏi: việc Phan Khôi mở đầu cho phong trào Thơ mới là một sự ngẫu nhiên hay là một động thái có tính toán, một cái gì được chuẩn bị từ trước? Đó là động lực thúc đẩy tôi tìm hiểu nhân vật này.
Ông có thể giới thiệu đôi chút về hành trình “đi tìm Phan Khôi” của ông?
Ban đầu công việc cũng khó khăn. Tôi xuất phát từ những cái dễ tìm : Nam phong tạp chí, An Nam tạp chí, Tri tân. Số lượng bài viết của Phan Khôi trên những tờ này không có là bao. Tuy nhiên, nó cũng cung cấp những manh mối đầu tiên. Dần dần, công việc bắt đầu tiến triển thuận lợi đặc biệt với sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu Peter Zinoman (Hoa kì) và Judith Henchy (Anh). Bước ngoặt quan trọng nhất diễn ra khi tôi được tiếp xúc với các tờ : Đông pháp thời báo, Phụ nữ tân văn, Thần chung, Trung lập. Qua những tờ này, diện mạo của Phan Khôi hiện diện đầy đủ dần. Tôi cũng đã có dịp được làm việc tại một số thư viện đại học ở Hoa Kì. Nguồn tư liệu này cũng bổ sung được một số khiếm khuyết của những bộ sưu tập ở Hà Nội.
Vậy là ông đã tham khảo được khá nhiều nguồn lưu trữ khác nhau. Vậy đâu là nơi cung cấp tư liệu chính và ông có nhận định gì về tình trạng tư liệu ở những lưu trữ này?
Nơi chủ yếu cho tư liệu Việt Nam vẫn là thư viện quốc gia Hà Nội. Đây là kết luận chung của giới nghiên cứu Việt học nước ngoài. Nhưng tư liệu ở nguồn chính này cũng đầy khiếm khuyết nên mọi chuyên gia Việt học đều không thể không tìm kiếm ở những kho tư liệu khác. Nhân đây cũng xin nói một thực trạng là thư tịch sách báo quốc ngữ trước 1945 còn lại cho đến ngày nay là hết sức tản mác, lại chưa hề một lần được kê biên rốt ráo. Không một kho tư liệu nào giữ được đầy đủ, vậy mà đây lại là nguồn tài liệu gốc tối quan trọng phục vụ cho một loạt các ngành nghiên cứu từ sử học, văn học, tư tưởng, văn hóa…Vì thế ngay ở mảng tư liệu bằng chữ quốc ngữ từ trước 1945 vẫn cần đặt vấn đề liên kết, phối hợp các kho tư liệu trong và ngoài nước. Cần phải làm điều này sớm chừng nào hay chừng đó tương tự như chúng ta đã làm với di sản Hán Nôm Việt Nam.
Thưa ông, sau khi đã hoàn thành được một chặng quan trọng của việc sưu tập các bài viết về Phan Khôi, ông có thể cho biết Phan Khôi là ai?
Thực ra tôi mới chỉ sưu tầm tác phẩm của Phan Khôi chứ chưa đặt bút để luận bàn khái quát về nhân vật này; nhân được hỏi, xin phác thảo một vài nhận định.
Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Phan Khôi là nhà tư tưởng đã đặt ra hàng loạt vấn đề : phê phán Khổng giáo, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền. Ông cũng là một nhà Hán học và Trung quốc học am hiểu những vấn đề của xã hội Trung Quốc đương thời, ông là một dịch giả đã dịch Kinh Thánh của đạo Thiên chúa ra tiếng Việt, một nhà Việt ngữ học cả ở phần lí thuyết lẫn thực hành, một nhà văn xuôi với thể hài đàm và một nhà phê bình văn học.
Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống, nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ; ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng…, ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức.
Quan sát những gì mà Phan Khôi để lại, có thể thấy, ông là một trong những kiến trúc sư chuẩn bị cho cuộc cách mạng văn học trong thập niên 30 của thế kỉ trước.
Đúng vậy. Ông chuẩn bị cho cuộc cách mạng ấy trước hết là về ngôn ngữ. Tiếp xúc với kinh nghiệm Trung Quốc sớm và sâu sắc, ông hiểu được tầm quan trọng của việc phải xây dựng một tiếng Việt mới trên căn bản tiếng nói đời thường cũng tương tự như người Trung Quốc đưa ngôn ngữ văn học quay trở về với văn bạch thoại. Đối với Việt Nam thời Phan Khôi, việc chữ Quốc ngữ bắt đầu đi vào đời sống hàng ngày cùng lúc với sự xuất hiện của những phương tiện truyền thông mới là báo in sách in cũng đặt ra vấn đề xây dựng những lối viết tiếng Việt mới, đáp ứng các nhu cầu từ thực dụng tới nghệ thuật, cho báo chí, cho các loại văn, song tất cả phải dựa trên căn bản tiếng nói đời thường đương thời.
Nhưng đó là khuynh hướng chung của toàn bộ văn chương học thuật ở Nam kì cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Vậy đâu là đóng góp riêng của Phan Khôi?
Cái riêng của Phan Khôi là ở chố trong khi chủ trương xây dựng tiếng Việt trên cơ bản ngôn ngữ nói, ông vẫn chống lại khuynh hướng tuyệt đối hóa các phương ngữ, một dạng “li khai” ngôn ngữ có thể dẫn đến li khai văn hóa. Ông luôn đấu tranh cho một tiếng Việt chuẩn mực, chung cho toàn quốc mà mỗi phương ngữ chỉ là một biến thể của tiếng Việt chung đó. Phải đặt trong bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối những năm 20 đầu những năm 30 của thế kỉ trước khi mà có những người đã đòi soạn riêng sách giáo khoa tiếng miền Nam thì mới thấy đóng góp của Phan Khôi và các đồng nghiệp của ông ở tờ Thần chung khi xới lên cuộc tranh luận bảo vệ sự thống nhất của tiếng Việt là quan trọng.
Nhưng đóng góp của Phan Khôi không chỉ có ngôn ngữ…
Còn cả trong lĩnh vực tư tưởng. Ta biết rằng trước cả Tự lực văn đoàn, ông là người khởi xướng trào lưu nữ quyền với những bài phê phán mặt trái của đại gia đình truyền thống. Ông là người phê phán Khổng giáo đặc biệt ở phương diện hệ tư tưởng này bảo vệ cho chế độ chuyên chế. Ông giống như người “giải phóng mặt bằng” cho những người tiếp theo trong đó có các nhà Thơ mới và nhóm Tự lực văn đoàn.
Vậy thì câu trả hỏi của ông đặt ra khi bắt đầu tìm hiểu Phan Khôi đã có lời giải đáp. Nhưng hình như những đóng góp của Phan Khôi đối với xã hội và văn hóa Việt Nam không chỉ giới hạn trong địa hạt văn chương.
Trước hết là văn hóa. Phan Khôi là người có ý thức về di sản văn hóa truyền thống của người Việt và nhu cầu tổng kết di sản đó. Nhưng ông cũng là người vượt qua được ảo tưởng có tính phóng đại về sự vĩ đại của nền văn hóa đó. Điều đó thể hiện rất rõ trong các cuộc tranh luận về quốc học, quốc văn. Là nhà báo, ông cũng sớm có những hình dung về một xã hội dân sự kiểu Tây phương, một xã hội mà theo ông là Việt Nam sẽ phải vận động tới. Ông chuẩn bị cho xã hội đó khi đề cập đến một loạt chuyện : chuyện chính đảng, lập hội, biểu tình, quan hệ chính đảng – quần chúng, vấn đề tự do ngôn luận…
Ông đã nói Phan Khôi không chỉ là một nhà Hán học mà còn là một nhà Trung Quốc học am hiểu xã hội Trung Quốc đương đại thời ông sống. Liệu điều đó có tác dụng gì cho việc đặt ra và giải quyết những vấn đề của xã hội Việt Nam?
Phan Khôi là người quan sát kĩ xã hội Trung Quốc từ sau cuộc cách mạng của Tôn Trung Sơn cho đến nền cai trị của Quốc dân Đảng trong giai đoạn cuối những năm 1920 đầu những năm 1930. Ông là người am tường Khổng giáo. Và một trong những vấn đề mà ngay từ thời đó, qua thực tế Trung Quốc ông đã sớm nhận ra là sự khó khăn của các xã hội Khổng giáo khi chuyển đổi từ thể chế quân chủ chuyên chế sang thể chế dân chủ, cộng hòa. Thế nên suốt từ cách mạng của Tôn Trung Sơn cho đến nền cai trị của Quốc dân đảng, Trung Quốc mới khó khăn đến thế khi xây dựng một hiến pháp và một thể chế chính trị thượng tôn hiến pháp.
Thưa ông, cũng là người có điều kiện “quan sát” Phan Khôi, tôi có ấn tượng rằng Phan Khôi là một người cô độc. Ông có chia sẻ với tôi ấn tượng này?
Điều này cũng đúng. Thiếu Sơn từng nói ở Phan Khôi có nét “bất cận nhân tình”. Điều ấy không phải không có. Trọng chân lí hơn thầy, thẳng thắn, quyết liệt và không khoan nhượng không thỏa hiệp trong sự truy tìm chân lí. Đó là nét tính cách Phan Khôi. Hình như tính cách ấy có một cái gì thật khó dung hòa với nền văn hóa “duy tình”, “chín bỏ làm mười” của người Việt. Không thể phủ nhận Phan Khôi là một người yêu dân tộc mình. Nhưng cũng hiếm ai như ông đã chỉ ra không thiếu một thói xấu nào của dân tộc mình. Một con người như thế thường bất hạnh. Nhưng tính cách ấy lại không sợ bất hạnh đâu. Cái khoẻ khoắn, cái sức mạnh của tính cách ấy nằm trong sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm với nhận thức của mình.
Thưa ông, trong hành trình đi tìm Phan Khôi của mình, ông có tiếp nhận được gì từ các học giả miền Nam, những người đã đi trước trong việc đề cập đến nhân vật này?
Tôi có đọc hết họ. Từ Nguyễn Văn Trung, Bằng Giang cho đến Vu Gia, Nguyễn Q.Thắng. Giống như một cuộc chạy tiếp sức vậy. Họ là những đi trước trong các hồ sơ tư liệu và cấp cho mình những gợi ý về văn học sử; ở mức cao hơn, họ và công chúng miền Nam trước 1945 gửi cho chúng ta những tín hiệu về giá trị; những thiện cảm đối với các tên tuổi này hay khác thông báo một điều gì đó có khi quan trọng hơn cả những tư liệu làm sẵn.
Quan sát công việc của ông trong khoảng gần chục năm trở lại đây, có thể thấy ông đã chọn cho mình công việc của một nhà biên khảo, sưu tầm tư liệu, lập các hồ sơ cá nhân của các tác giả quá khứ. Điều gì đã dẫn ông đến lựa chọn này?
Một số nghiên cứu văn học sử trong đó có cả nghiên cứu của các thầy tôi quá thiếu cứ liệu. Nó lại tập trung một cách không bình thường vào một số tác giả, tác phẩm. Nhà trường và truyền thông vừa “tiếp tay” vừa làm “lộ tẩy” điều này. Sự nghèo nàn trong những đề tài văn học được nhà trường chuyển tải nó lộ ra quá rõ. Không thể bằng lòng với tình trạng đó. Phải nhìn thấy một lịch sử văn học, văn hóa khác, nó sống động hơn. Và tôi thấy phải đi tìm cái hình ảnh sống động đó trong những tài liệu gốc mà thậm chí mọi người còn chưa biết. Hơn nữa, hình như trong nghiên cứu văn học sử và nhiều bộ môn khác có một tình trạng là thiếu điều tra cơ bản trước khi làm những tổng kết về quá khứ. Có những nơi thì có điều tra cơ bản nhưng người điều tra và người viết sử lại li gián nhau. Thậm chí là có người viết văn học sử họ không cần dữ liệu cơ bản. Họ nghĩ là viết trên cái trí nhớ của mình, ngồi luận là được rồi. Cần phải đặt vấn đề lại : anh hiểu văn học sử Việt Nam là thế nào? Nếu anh đã nghiên cứu văn học quá khứ thì dứt khoát anh không thể bỏ qua một cái tên nào, một tác phẩm nào, tức là trong những kênh xuất hiện của văn học, báo, xuất bản phải kiểm hết ra. Thế là có hai bộ môn : một là sách, phải thống kê hết ra, hai là báo chí, cũng phải lọc hết ra. Còn chuyện ai hơn ai kém là quan điểm đánh giá.
Là người đã “đằm đìa” trong các kho tư liệu, ông có nhận xét gì về tình trạng bảo tồn tư liệu quá khứ nhất là mảng sách báo trước năm 1945 bằng chữ quốc ngữ?
Rất đáng báo động. Nó là hệ quả của lịch sử. Lưu trữ ở cả hai miền không tốt. Không tốt từ khởi nguồn. Mặc dù chế độ thực dân làm được một việc cũng tốt là từ năm 1922 bắt đầu có chế độ lưu chiểu. Nhưng chế độ này đựơc làm ở cả hai miền đều không tốt. Thế nên bộ mặt thật của xuất bản báo chí ở mọi kho tư liệu dồn lại đều thiếu rất nhiều. Thời đó hình như người Pháp cũng không đánh giá cao lắm cái đương thời ở Việt Nam. Các chuyên gia giỏi tập trung vào Hán Nôm hết. Họ đi dập bia, đi mua sách chữ Hán chứ sách đương thời thì hình như bị mặc kệ. Được thế nào thì nên thế ấy. Tiếp theo là kháng chiến rồi chia cắt hai miền. Khi đất nước chia đôi hình như tư liệu cũng bị mang đi, bị chia sẻ. Rồi sau đó là một tâm lí kéo dài với niềm tin rằng cái cũ không còn giá trị gì. Người ta nghĩ rằng di sản quá khứ sẽ bị vứt hết. Một thái độ như thế với quá khứ ảnh hưởng nhiều với công tác tư liệu. Dở lại tư liệu nhất là tư liệu liên quan đến những tác giả bị phê một thời sẽ thấy một thái độ rất ấu trĩ của những người tiếp cận tư liệu. Có cuốn sách của Vũ Trọng Phụng trên bìa đầy những lời chửi bới xúc phạm. Thế nên trong một khoảng thời gian có thái độ hư vô quá khứ. Ngày nay, tình trạng đã có những thay đổi nhưng nếu không hành động kịp thời, ngay từ bây giờ thì tôi e rằng đến một lúc sẽ là quá muộn.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ của mình.